Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nỗi đau cần cộng đồng xoa dịu

Cập nhật: 14:28 ngày 17/04/2021
(BGĐT) - Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm, những người lính khi xưa rời trận mạc trở về đời thường, sống cuộc đời bình dị nhưng cũng có rất nhiều người chật vật bởi đã bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, gánh chịu nỗi đau khôn cùng.  

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, với nạn nhân nhiễm chất độc da cam (CĐDC/dioxin); xã hội cùng chung tay xoa dịu phần nào nỗi đau ấy. 

{keywords}

Đại diện lãnh đạo Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh trao quà cho nạn nhân nhiễm chất độc hóa học

trên địa bàn huyện Việt Yên .

Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp đã phát huy vai trò, tập hợp, đoàn kết và bảo vệ quyền lợi, chăm lo lợi ích cho các nạn nhân là hội viên. Song có lẽ, so với mất mát của những nạn nhân thì như vậy vẫn chưa đủ, họ cần được bù đắp, được quan tâm nhiều hơn từ cộng đồng.

Bất hạnh mang tên da cam

Chiều muộn, ông Nguyễn Văn Trọng (SN 1950) ngồi trong căn nhà tranh sáng tranh tối ở thôn 3, xã Việt Tiến (Việt Yên) kể với tôi về cuộc đời mình. Mái tóc ông bạc trắng, khuôn mặt đen sạm, khắc khổ. Ông nói rất chậm, “tôi rụng hết răng rồi, cứ tự rụng đấy, chất độc nó ngấm vào mình từ trẻ, giờ đẻ ra đủ thứ bệnh”. Năm 1968, ông Trọng nhập ngũ vào đơn vị vận tải C21, Đoàn 3 Cửu Long tham gia thồ hàng hóa vào chiến trường, nơi chiến sự ác liệt từ Quảng Trị đến Quảng Nam. 

“Chúng tôi toàn cõng hàng trên lưng đi suốt ngày đêm, nhiều khi băng qua những cánh rừng cháy xém, chết lụi, khói bụi không thở nổi. Lúc ấy chỉ biết là địch rải thuốc để diệt cây cỏ nhằm phát hiện, tiêu diệt bộ đội ta, chứ đâu biết nó là CĐDC/dioxin, mãi nhiều năm sau mới biết”. Năm 1971, ông Trọng xuất ngũ, về quê lập gia đình. Bao khao khát về hạnh phúc riêng tư bỗng sụp đổ khi người vợ làm ruộng Nguyễn Thị Minh (SN 1948) đẻ con đầu lòng là Nguyễn Văn Cường không bình thường vào năm 1975. 

Bà Minh nghẹn ngào: “Tôi điếng người khi bác sĩ kêu lên là quái thai rồi, thằng bé dúm dó, nhăn nheo, hơn 1 kg cô ạ. Lúc ấy lạc hậu, dân làng xì xèo, đến cả mẹ chồng tôi cũng mắng mỏ là không biết đẻ…, khổ tâm lắm", bà kể. Hai vợ chồng đẻ thêm con để biết đâu những đứa khác sẽ khỏe mạnh. 

May mắn thay trong bốn người con kế sau có Nguyễn Thị Thịnh (1976) và Nguyễn Việt Long (1980) khỏe mạnh bình thường, còn Nguyễn Thị Thuần (1979) giống anh Cường, người bé xíu như đứa trẻ lên ba, người con út thân thể giống như Thuần nhưng đã mất khi còn nhỏ. “Thôi thì coi như tôi được an ủi chứ không nghĩ mà chết”- bà Minh vừa chải lại mớ tóc bạc vừa chia sẻ.

Hai vợ chồng làm ruộng, rồi bán hàng, xoay xở nuôi 4 người con, ngày nào cũng thấp thỏm trông chờ các con lớn lên, mong chúng bình thường. Trời phú cho anh Cường và Thuần giọng nói hoạt bát, dí dỏm. Thuần đi theo một đoàn nghệ thuật khuyết tật làm người dẫn chương trình, cả năm chỉ về nhà vài tháng. Thịnh đã lấy chồng, có con nhưng đổ vỡ, về quê sống với bố mẹ, anh Cường có vợ con ở liền kề gần bố mẹ. Cậu út có gia đình ở riêng trong làng.

Tôi sang thăm anh Nguyễn Văn Cường, thấy anh nhỏ thó như cậu bé ngồi trên phản gỗ mỉm cười. Anh nói chuyện rất hóm hỉnh. Dù không đi học, không biết chữ, muốn di chuyển phải vịn vào cái ghế nhựa lê đi nhưng anh biết sử dụng điện thoại, có suy nghĩ khá cởi mở. Người vợ khỏe mạnh, hơi bị khiếm khuyết về chân ngồi cạnh. Hỏi làm thế nào anh “tán đổ” vợ, anh dí dỏm, “nó thích mình thì nó lấy chứ”. 

Chị Thảo vợ anh bẽn lẽn kể, do mai mối nên chị thương anh, lấy anh, ở cùng rồi mới yêu anh. Cảm phục nghị lực sống của người sinh ra anh, cảm phục anh đã vui vẻ sống, duy trì một gia đình yên ấm. Anh chị có con trai đầu sinh năm 2000 cũng bị di chứng CDDC/dioxin, đã mất khi 14 tuổi. May thay, hai người con sau khỏe mạnh bình thường.

Ông Trọng bộc bạch: “Lúc đầu vợ chồng tôi tâm lý nặng nề, mãi năm 1998 khi Nhà nước cho tôi và hai con hưởng chế độ nạn nhân CĐDC/dioxin, biết các con cháu như vậy là do tôi bị nhiễm trong chiến tranh nên giải tỏa được hoang mang”. Được biết gia đình ông Trọng chủ yếu trông vào tiền trợ cấp của Nhà nước, vài sào ruộng và sự chu cấp của con gái.

Nhiều nạn nhân khác cũng chật vật với đời thường, như gia đình nạn nhân Đồng Văn Bảo (SN 1949) ở thôn Thanh Cảm, xã Tân Tiến (TP Bắc Giang). Ông phải ngồi xe lăn 19 năm nay, mọi sinh hoạt cá nhân đều do vợ ông chăm sóc. Mấy gian nhà ngói đã xuống cấp, dột nát, các cấp Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ để hỗ trợ xây nhà mới. 

Nạn nhân Lê Văn Quảng, thôn Ninh Khánh, thị trấn Nếnh (Việt Yên) vợ mất, một mình vật lộn với hai con dị tật, người con lớn đã mất năm trước, người con còn lại ngu ngơ, quậy phá, gào thét suốt ngày. Những nỗi đau không chỉ của các nạn nhân, trở thành nỗi đau chung của cả cộng đồng, chưa biết khi nào lành.

Chung tay xoa dịu

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Trọng (ngoài cùng trái) và con trai Nguyễn Văn Cường.

Nhiều năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang và các cấp Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin cùng các cơ quan chức năng đã thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nạn nhân. Đại tá Thân Văn Nhau – Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh cho biết: “Hiện nay Hội có gần 18 nghìn hội viên, trong đó có 13.140 hội viên chính thức; hội viên danh dự là 799 người, tình nguyện viên hơn 4 nghìn người; hội viên nạn nhân hơn 5 nghìn người, mới đây nhất chúng tôi có thêm nhiều y, bác sĩ Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh tham gia vào tổ chức Hội, làm tình nguyện viên và công tác xã hội. Toàn bộ 209 xã, phường trong tỉnh có tổ chức Hội”.

Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động tình nguyện, vận động xây dựng quỹ hỗ trợ nạn nhân, tuy nhiên các cấp Hội toàn tỉnh đã vận động được gần 5 tỷ đồng dành chăm sóc nạn nhân. Ngay sau khi Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản về việc quan tâm hỗ trợ gia đình nạn nhân CĐDC/dioxin có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các cấp Hội đã triển khai hỗ trợ cho 107 gia đình nạn nhân với tổng kinh phí 731 triệu đồng. 

Những dịp lễ tết, ngày 27/7 hằng năm, các cấp Hội đều tổ chức động viên, thăm hỏi gia đình nạn nhân. Năm 2020, tỉnh Hội phối hợp các tổ chức trao tặng được 2.000 suất quà trị giá trên 1 tỷ đồng cho các nạn nhân. Phối hợp với Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm dioxin tại Pháp (VNED) tổ chức trao học bổng cho 14 cháu thế hệ thứ 3 (cháu của nạn nhân) có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí 75,6 triệu đồng...

Theo chân ông Lưu Văn Đạc, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin TP Bắc Giang đến thăm những gia đình nạn nhân, tận mắt thấy sự quan tâm của các cấp Hội là vô cùng quý giá. Những Chủ tịch Hội cấp xã như ông Nguyễn Khắc Điệp (xã Tân Tiến), ông Nguyễn Quang Lập (xã Việt Tiến) hàng chục năm nay chưa hề có một đồng tiền công hay chế độ gì. Các ông làm vì nghĩa tình đồng đội, vì thấy có trách nhiệm với những mảnh đời không may mắn.

Điều an ủi lớn nhất trong chuyến thực tế của tôi là đa phần các nạn nhân đã có nhà ở, có cuộc sống tạm ổn. Gia đình anh Cường (con trai ông Trọng) được một công ty xây tặng ngôi nhà kiên cố; gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Quý (SN 1954) ở tổ dân phố Tân Thành, phường Đa Mai (TP Bắc Giang) có con trai Nguyễn Văn Quyền (SN 1977) và cháu ngoại (SN 2012) nhiễm chất độc dioxin cũng được T.Ư Hội hỗ trợ mấy chục triệu đồng làm nhà. Hằng ngày, anh Quyền cắt tóc cho khách mưu sinh. May mắn thay 3 con anh (2 gái, 1 trai) đều khỏe mạnh.

Là người tâm huyết với công tác chăm sóc nạn nhân da cam, ông Thân Văn Nhau bộc bạch những băn khoăn của rất nhiều nạn nhân. Đó là trong danh mục bệnh tật của nạn nhân có một số bệnh chưa phù hợp, chưa có thiết bị nào để xét nghiệm phân loại chính xác người nhiễm dioxin hay phác đồ điều trị chuẩn. 

Những thương binh bị cụt chân hiện nay được trợ cấp để làm chân giả là 2,9 triệu đồng trong khi chi phí này hết 6 triệu đồng, rất mong Nhà nước cấp cho đủ tiền. Nhiều người chiến đấu ở vùng chất độc hiện đã mất nhưng chưa có chế độ. Những người chăm sóc chồng con khuyết tật nhiều năm nay chưa có chế độ. Cán bộ làm công tác hội cấp xã, phường, thôn bản không có thù lao…

Có gặp gỡ và trò chuyện, lắng nghe những nạn nhân da cam chia sẻ mới thấy, với họ để sống thôi đã là một nghị lực phi thường. Chúng ta, những người khỏe mạnh và may mắn hơn cần chung tay, dành sự quan tâm và trách nhiệm để xoa dịu nỗi đau ấy cho các nạn nhân. Bởi Tổ quốc, hòa bình này có máu xương mà các nạn nhân da cam/dioxin đã hy sinh, cống hiến.

Ghi chép của Nguyễn Thị Mai Phương

Bắc Giang: Trao quà cho nạn nhân da cam hoàn cảnh khó khăn
(BGĐT) - Ngày 8 và 9/4, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Bắc Giang phối hợp với Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam tổ chức chương trình trao quà cho nạn nhân da cam trên địa bàn tỉnh. 
Mang Tết đến người nghèo, nạn nhân da cam
(BGĐT) - Với hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, ngày Tết luôn đi liền với nỗi lo bởi sự “thiếu trước, hụt sau”. Thấu hiểu và sẻ chia với những trường hợp đó, mỗi dịp Tết đến, phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)" được Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) các cấp trong tỉnh Bắc Giang phát động. Nhờ đó, hàng nghìn suất quà đã mang mùa xuân đến sớm với người nghèo, trở thành nguồn động viên không nhỏ giúp họ có thêm nghị lực vươn lên.
Thành lập Chi hội Chăm sóc nạn nhân chất độc da cam
(BGĐT) - Ngày 15/1, Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin tỉnh phối hợp với Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh tổ chức công bố quyết định thành lập Chi hội Chăm sóc nạn nhân CĐDC/dioxin. Đây là chi hội đặc thù đầu tiên trực thuộc Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh với nhiệm vụ chăm sóc nạn nhân da cam.
Hỗ trợ 107 hộ nạn nhân da cam đặc biệt khó khăn
(BGĐT) - Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày vì Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) Việt Nam 10/8 (1961-2021) và 10 năm phong trào “Hành động vì nạn nhân CĐDC ở Việt Nam” do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phát động 10/6 (2011-2021), Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh chỉ đạo hội cơ sở phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát, lập danh sách các gia đình có nạn nhân nhiễm chất độc da cam hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bắc Giang: Vận động các nguồn lực hỗ trợ nạn nhân da cam
(BGĐT) - Sáng 23/12, Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin Bắc Giang tổ chức hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021; sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học (CĐHH) do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Bắc Giang: Đình chỉ 66 trường hợp hưởng sai chế độ chất độc da cam, thu hồi hơn 4 tỷ đồng
(BGĐT) - Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Giang, đơn vị vừa đình chỉ, cắt trợ cấp đối với 66 trường hợp hưởng chế độ chính sách về chất độc da cam không đúng quy định. Hiện Sở đang thực hiện quy trình thu hồi hơn 4 tỷ đồng các đối tượng đã hưởng.
Trao nhà tình nghĩa cho gia đình nạn nhân chất độc da cam
(BGĐT) -Ngày 12/5, Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin Việt Nam phối hợp với Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Bắc Giang tổ chức trao 50 triệu đồng hỗ trợ gia đình nạn nhân CĐDC/dioxin Thân Thị Nhỡ, thôn Phúc Hạ, xã Song Mai, TP Bắc Giang xây dựng nhà ở.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...