Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chiến dịch tiếp tế cho 67.000 công nhân ở tâm dịch Bắc Giang- Kỳ 1: “Đêm trắng” lo đưa hàng cứu trợ

Cập nhật: 09:28 ngày 04/06/2021
(BGĐT) - Đợt dịch Covid -19 thứ tư bùng phát, Bắc Giang bị ảnh hưởng nhất. Cùng với thực hiện các biện pháp thần tốc dập dịch tỉnh còn phải triển khai một chiến dịch không kém phần gian nan đó là tiếp tế cho 67.000 công nhân mắc kẹt trong các nhà trọ vùng phong tỏa. Chuyện về những “đêm trắng” tìm cách đưa hàng tiếp tế, về những con người mẫn cán và đầy ắp yêu thương được viết lên từ một chiến dịch chưa có tiền lệ.

Khi đề xuất ý tưởng thành lập “Siêu thị 0 đồng hỗ trợ công nhân”, tôi may mắn có cơ hội tham gia vào chiến dịch cứu trợ công nhân trong tâm dịch. Được chứng kiến sự nỗ lực và quyết định kịp thời của những người chỉ đạo chiến dịch, trong một đêm mở 10 “siêu thị 0 đồng”.

{keywords}

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Văn Thịnh (thứ hai từ trái sang) và Bí thư Huyện ủy Việt Yên Nguyễn Văn Dũng hỏi thăm đời sống công nhân ở tổ dân phố My Điền 1.

Đường dây nóng… rất nóng

“Ý tưởng siêu thị 0 đồng hỗ trợ công nhân của anh rất hay, mời anh tham gia Tổ hỗ trợ đời sống công nhân của tỉnh nhé” - anh Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Tổ trưởng Tổ hỗ trợ đời sống công nhân của tỉnh nói với tôi như vậy.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương đã ký quyết định thành lập Tổ hỗ trợ đời sống công nhân ngay sau khi tỉnh tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp (KCN): Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám (Việt Yên), Song Khê - Nội Hoàng (Yên Dũng), thực hiện cách ly xã hội huyện Việt Yên và 3 xã của huyện Yên Dũng theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Cái đêm tỉnh bàn quyết định tạm dừng 4 KCN, tôi trực xuất bản báo sau 0 giờ để chờ tin. Vì thế tôi biết đó là một quyết định hết sức khó khăn, được cân nhắc kỹ càng của lãnh đạo tỉnh sau cuộc họp trực tuyến xuyên đêm với các doanh nghiệp (DN). Lúc này dịch đang diễn biến hết sức phức tạp ở KCN Vân Trung và Quang Châu.

Phải cân nhắc kỹ vì ảnh hưởng đến các DN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng đến việc làm của 140 nghìn công nhân và nguy cơ lây lan dịch do một nửa số công nhân trên đến từ 61 tỉnh, TP trong cả nước, nếu họ trở về quê mà chưa được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc. Con số thống kê có được sau đó tại Việt Yên có 57 nghìn và Yên Dũng có 10 nghìn công nhân lao động thực hiện cách ly trong nhà trọ. Bài toán mới đặt ra cho tỉnh là làm thế nào để bảo đảm đời sống cho số 67 nghìn người mắc kẹt này.

{keywords}

Vận chuyển gạo cứu trợ cho công nhân ở thị trấn Nếnh (Việt Yên).

Tổ hỗ trợ đời sống công nhân của tỉnh ra đời đã lập ngay đường dây nóng, cùng với các ngành, địa phương triển khai huy động các nguồn lực, tổ chức hỗ trợ với mục tiêu không để công nhân lao động nào bị thiếu đói trong thời gian nghỉ làm, cách ly.

Một buổi chiều tối, anh Phạm Văn Thịnh điện mời tôi cùng đi kiểm tra đời sống công nhân. Vừa lên xe anh chìa cho tôi miếng lương khô bảo anh ăn tạm, hôm nay chắc sẽ về muộn. Mới tối mà đường sá đã vắng tanh, người dân thực hiện nghiêm yêu cầu về giãn cách xã hội. Trên đường đi, anh Thịnh vắn tắt, đường dây nóng… nóng rồi anh ạ. Nhiều chủ nhà trọ, công nhân phản ánh chưa nhận được hàng hỗ trợ. Bây giờ mình về kiểm tra mấy nhà trọ ở tổ dân phố My Điền 1, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên xem sự thể thế nào.

Bí thư Huyện ủy Việt Yên Nguyễn Văn Dũng đón chúng tôi ở đầu phố và cùng hỏi thăm đến chủ nhà trọ Thân Thị Vui là người vừa điện cho anh Thịnh đề nghị hỗ trợ.

Nhà chị Vui ở sâu trong mấy ngõ ngoằn ngoèo. Đằng sau ngôi nhà cấp 4 cũ, thấp tè là dãy nhà trọ 4 tầng còn mới. Điều này mách bảo tôi rằng ông bà chủ cũng chưa khá giả gì, có lẽ chỉ vừa đầu tư dãy nhà trọ kia thôi.

Chị Vui chỉ cô gái trẻ đứng ở góc sân bảo đây là Thèn Thị Phóng, từ huyện Xín Mần (Hà Giang) mới chân ướt chân ráo vừa tìm được việc làm thì có lệnh phong tỏa, chưa có thu nhập gì, chưa biết sẽ sống thế nào. Chị chìa cho xem danh sách hơn 30 công nhân thuê trọ đến từ các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Thanh Hóa… và bảo các cháu đều đang cần hỗ trợ đời sống.

Sau hơn 10 ngày, số điểm “siêu thị 0 đồng” trong tâm dịch đã tăng lên gấp 3 và đường dây nóng của Tổ hỗ trợ công nhân… đã không còn nóng.

Hỏi ra thì biết hàng tiếp tế mới đến được các nhà đầu phố, nhiều nhà trọ trong ngõ như nhà chị Vui chưa nhận được, việc phản ánh công nhân đang thiếu thốn cần hỗ trợ như vậy là đúng rồi. Anh Thịnh động viên chị Vui, chị chuyển lời của chúng tôi đến anh chị em công nhân hãy yên tâm, chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian nghỉ việc, cách ly. Rồi quay sang nói với anh Dũng, lương thực, thực phẩm đã đưa về cơ sở mà chưa đến tay công nhân thì cần xem ngay là vướng mắc chỗ nào. Tạm biệt gia đình chị Vui, chúng tôi đến ngay trụ sở thị trấn Nếnh.

Thành lập 10 “siêu thị 0 đồng” trong đêm

Chúng tôi đi len qua dãy xếp gạo, mỳ tôm đầy ắp ở hành lang để vào phòng làm việc của Bí thư Đảng ủy thị trấn Nếnh Tạ Văn Hùng. Lúc này đã có mặt cả Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Chu Bá Tuân và Chủ tịch thị trấn Nếnh Hoàng Minh Tú. Anh Tuân cho biết các lực lượng của huyện và các xã, thị trấn đã được huy động tổng lực vừa phòng, chống dịch vừa phát hàng cứu trợ cho công nhân, có ngày phát hơn chục nghìn suất nhưng không xuể, anh chị em gần như kiệt sức.

{keywords}

"Siêu thị 0 đồng hỗ trợ công nhân" ở thôn Giá, xã Nội Hoàng (Yên Dũng).

Nhìn gương mặt lãnh đạo huyện, thị trấn hốc hác, phờ phạc, tôi biết các anh đã phải qua những đêm ngày vô cùng vất vả để chống chọi với cơn cuồng phong Covid chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, rồi lại chăm lo đưa hàng cứu trợ để cái bụng hàng chục nghìn công nhân lao động được no thì sức nào chịu được.

Thực hiện cách ly xã hội với yêu cầu nhà cách nhà, thôn cách thôn, xã cách xã, cho nên việc hỗ trợ lực lượng giúp nhau lúc này rất khó. Trong khi thị trấn Nếnh có 30 nghìn công nhân lao động cách ly ở nhà trọ, nếu cứ tổ chức chia thành suất rồi chuyển phát cho ngần ấy người thì nhân lực nào kham nổi.

Chúng ta phải làm cách khác - anh Thịnh nói. Anh Đức có thể chia sẻ về sáng kiến thành lập “siêu thị 0 đồng”, mô hình này được thử nghiệm tại thôn Giá, xã Nội Hoàng (Yên Dũng) trong một ngày qua đã hỗ trợ cho gần 2.000 công nhân lao động, chúng tôi khảo sát thực tế rồi, tốt lắm.

Tôi nảy ra ý tưởng “siêu thị 0 đồng” vì thấy một số đoàn thiện nguyện vào vùng dịch phát hàng cứu trợ có thể gây nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng, nguy cơ là cầu nối lây truyền dịch bệnh. Mặt khác việc cứu trợ như thế có thể dẫn đến nơi thừa, nơi thiếu; không đúng với nhu cầu thiết yếu của người cần cứu trợ.

Không có các lực lượng khác hỗ trợ thì áp lực với huyện, xã, thôn là rất lớn do vậy nhân lực cần huy động lúc này là các chủ nhà trọ. Chúng ta chở hàng tập kết về các nhà văn hóa, sân đình, trường học ở các thôn, tổ dân phố rồi thành lập các “siêu thị 0 đồng” có tổ quản lý, vận hành gồm lãnh đạo thôn, tổ dân phố, thành viên tổ Covid cộng đồng. Hằng ngày tổ “siêu thị” mời các chủ nhà trọ lần lượt ra nhận hàng mang về chia cho công nhân. Như vậy hàng nghìn chủ nhà trọ chính là cánh tay nối dài của chúng ta tiếp tế cho công nhân lao động…

Nghe tôi trình bày xong, các anh đều đồng tình. Anh Thịnh bảo chúng ta nhất trí cách này thì phải tiến hành ngay việc khảo sát địa điểm, vận chuyển hàng và hướng dẫn thôn, tổ dân phố vào cuộc.

{keywords}

Thanh niên tình nguyện hỗ trợ đưa hàng cho các chủ nhà trọ ở My Điền 1.

Mọi việc được triển khai rốt ráo. Tổ dân phố My Điền 1 được chọn mở điểm đầu tiên vì có tới 400 nhà trọ với khoảng 10 nghìn công nhân lao động đang ở trọ. Tại sân đình My Điền 1, trong lúc chúng tôi hội ý với lãnh đạo tổ dân phố thì những xe chở gạo, mỳ tôm đã tập kết về. Cũng tại đây, anh Thịnh thống nhất với lãnh đạo huyện Việt Yên, Yên Dũng đồng loạt mở cửa 10 “Siêu thị 0 đồng hỗ trợ công nhân” vào sáng 22/5. Chúng tôi chia tay nhau lúc rạng sáng và lại gặp nhau mấy tiếng sau đó để hỗ trợ việc mở cửa “Siêu thị 0 đồng” tổ dân phố My Điền 1.

Tín hiệu vui là chỉ sau một ngày 10 “siêu thị” đã tiếp tế cho gần 20 nghìn công nhân lao động. Sau hơn 10 ngày, anh Thịnh điện cho tôi nói là số điểm “siêu thị 0 đồng” trong tâm dịch đã tăng lên gấp 3 và đường dây nóng của Tổ hỗ trợ công nhân đã… không còn nóng. “Khó khăn qua đi, tình người còn lại, trong chiến dịch này những cán bộ cơ sở, những chủ nhà trọ họ đã thực sự chăm lo cho công nhân ở trọ như chính con em mình anh ạ” - anh Thịnh nói với tôi như vậy.

Trần Đức

(Kỳ II: Những “người mẹ hiền" của công nhân ở trọ)

Bắc Giang: 28 “siêu thị 0 đồng” hỗ trợ công nhân
(BGĐT) - Với mong muốn không để người lao động bị thiếu lương thực trong thời gian cách ly phòng, chống dịch Covid-19, đến nay, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang chỉ đạo và phối hợp thành lập 28 “siêu thị 0 đồng” tại những địa phương có đông công nhân sinh sống tại các khu nhà trọ đang thực hiện cách ly, phong tỏa.
Siêu thị 0 đồng ở tâm dịch Bắc Giang
Sau một tuần, 21 siêu thị 0 đồng đã mọc lên ở nhà văn hóa thôn, sân đình... của huyện Việt Yên và Yên Dũng, tiếp tế cho hơn 10.000 công nhân mắc kẹt.
Bắc Giang: Ngày đầu mở cửa, 10 “siêu thị 0 đồng” đã hỗ trợ đời sống cho gần 20 nghìn công nhân
(BGĐT) - Sau khi tỉnh Bắc Giang có quyết định tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp: Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám, Song Khê – Nội Hoàng và cách ly xã hội tại một số địa phương thì có hàng chục nghìn công nhân ở trọ trên địa bàn tỉnh thực hiện cách ly phòng, chống dịch Covid - 19. 10 "Siêu thị 0 đồng" vừa khai trương sáng nay (22/5) đã mang lại hiệu quả thiết thực hỗ trợ đời sống công nhân. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...