Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 33 °C / 24 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Phóng sự - Khám phá
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Chiến dịch tiếp tế cho 67.000 công nhân ở tâm dịch - Kỳ II: Những “người mẹ hiền” của công nhân ở trọ

Cập nhật: 09:08 ngày 11/06/2021
(BGĐT) - Số “Siêu thị 0 đồng hỗ trợ công nhân” tăng lên gấp 3 sau 10 ngày đã giải bài toán hóc búa của chiến dịch là huy động được lực lượng đông đảo tham gia. Đó là những người gần gũi, nắm sát nhu cầu thiết yếu và chẳng quản ngày đêm chăm lo cho công nhân như con em của mình.

Hối hả ngày đêm

Tổ trưởng dân phố My Điền 1 Phùng Minh Toản được giao nhiệm vụ “Giám đốc siêu thị 0 đồng” điều hành 20 thành viên. Anh Toản cười bảo, tôi gần 60 tuổi mới lần đầu làm “giám đốc” đây. 

{keywords}

Thanh niên tình nguyện vận chuyển hàng vào “Siêu thị o đồng” ở thị trấn Nếnh (Việt Yên).

Sở dĩ đêm hôm trước mở cửa “siêu thị” chúng tôi và anh Toản phải bàn đến rạng sáng cũng là vì lần đầu làm việc này.  Mở cửa “siêu thị” trong điều kiện nhà nhà cách ly cửa đóng then cài thì “bán” hàng kiểu gì? Trừ việc “siêu thị” không cần chỗ thu ngân là dễ còn lại toàn việc khó. Mở sổ sách nhập xuất hàng, phân bổ hàng ra sao, ai làm... Cách nào để việc cung ứng hàng bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, đến tay đúng đối tượng… Vậy mà chỉ sau mấy tiếng anh Toản đã cho mở cửa “siêu thị”, sắp đặt người nào việc nấy.

Chị Ngô Thị Chung và mấy chủ nhà trọ khác đến “siêu thị” xếp hàng từ sớm. Chị sát khuẩn tay rồi ký sổ nhận hàng. Một người khác vội vàng tiến vào thì khựng lại bởi tiếng loa của tổ phó dân phố vang lên đề nghị bảo đảm giãn cách; bác cựu chiến binh thấy ai chưa theo quy trình phòng dịch thì liền ra nhắc nhở. Chị Chung nhận 41 suất cho công nhân, anh Toản nói, ai lấy gạo thì thôi mỳ, lấy nước mắm thì thôi dầu ăn vì hàng chưa có nhiều, căn cứ vào nhu cầu công nhân ai thiếu thứ gì phát thứ đó, hôm sau có hàng tổ dân phố lại mời ra nhận.

{keywords}

Tổ trưởng dân phố My Điền 1 Phùng Minh Toản (bên trái) tiếp nhận hàng từ các nhà hảo tâm đưa vào “Siêu thị 0 đồng”.

Gặp lại anh Toản sau hơn chục ngày làm “giám đốc”, nhìn dáng người mệt mỏi, đôi mắt thâm quầng đoán rằng anh đã nhiều đêm mất ngủ. Anh khoe: “Siêu thị” đã cấp hơn 100 tấn lương thực, thực phẩm chuyển đến công nhân, bình quân mỗi cháu được 10 kg. 

Sau vài ngày mở cửa, qua các phương tiện truyền thông của Trung ương và của tỉnh, “siêu thị 0 đồng” được nhiều người biết đến; các đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong cả nước đưa hàng về ủng hộ ngày càng nhiều. Ngoài lương thực, thực phẩm đa dạng, phong phú còn có thêm cả bột giặt, dầu gội, đồ dùng phụ nữ.

Trạc tuổi anh Toản, “giám đốc” Dương Văn Tú, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Giá, xã Nội Hoàng (Yên Dũng) là người triển khai thử nghiệm mô hình “siêu thị 0 đồng” đầu tiên. Không kể ngày đêm, anh Tú cùng gần 20 thành viên trong tổ kịp thời tiếp tế cho 2.000 công nhân ở trọ.

Một buổi chiều, anh Tú gọi điện cho tôi giọng rất vui: “Hôm nay có đơn vị ngân hàng về tặng 5 tạ thịt lợn, chia cho mỗi cháu công nhân 2 lạng rưỡi. May quá, các cháu vừa tiêm vắc- xin, được bữa ăn tươi đỡ mệt…”. Anh Tú cười, tiếng cười cứ ngân mãi trong điện thoại của tôi, còn tôi thì lặng đi vì xúc động. Niềm vui của anh giản dị mà ấm áp vô cùng. Tôi hiểu, niềm vui ấy khởi nguồn như tình yêu thương của người cha dành cho những đứa con.

Cùng với anh Toản, anh Tú, qua các nhóm Zalo tôi biết còn hàng trăm cô bác anh chị ngày nào cũng tất bật với “siêu thị 0 đồng”. Nhờ cách điều hành qua nhóm Zalo nên rất chạy việc. Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Văn Thịnh và lãnh đạo công đoàn, huyện Việt Yên, Yên Dũng, lãnh đạo xã, thị trấn cũng tham gia các nhóm Zalo này, những kiến nghị, đề xuất từ “siêu thị” đều được chỉ đạo, giải quyết kịp thời.

Tôi nhẩm tính có khoảng 500 người hỗ trợ và trực tiếp vận hành 30 “siêu thị” ở 8 xã, thị trấn của huyện Việt Yên và Yên Dũng cùng với gần 4.000 chủ nhà trọ làm “người vận chuyển”. Như vậy tổng nhân lực huy động vào chiến dịch tiếp tế cho 67.000 công nhân đã huy động tới 4.500 người. Đáp số của bài toán huy động sức người cho chiến dịch là đây !

{keywords}

Chị Lê Thị Huyền (bên trái) vận động được nhiều lương thực, thực phẩm tiếp tế cho công nhân ở trọ.

Một hôm thứ Bảy, lúc tối mịt tôi thấy hiện lên mấy dòng của Chủ tịch MTTQ Việt Yên Chu Bá Tuân trên nhóm Zalo: “Khẩn trương chia cá nhé, để lâu sẽ hỏng”. Chẳng là ban sáng 2 xe lớn của Công ty Thủy hải sản Sỹ Hưng (Hà Nội) chở về tặng 17 tấn cá lăng, cá chình, cá chép… đã sơ chế dành cho tiếp tế. Vậy là ngày hôm ấy cả hệ thống “siêu thị 0 đồng” lại chạy đua với thời gian đi chia cá, đến đêm thì hồi đáp: “Đã xong!”.

Cảm động trước sự mẫn cán ấy, anh Nguyễn Đức Việt, Hội Cựu chiến binh huyện Việt Yên làm bài thơ “Siêu thị 0 đồng giữa tâm dịch” có câu: “…Cùng trái tim của những người bình dị/ chúng tôi xây lên những “siêu thị không đồng”/ nhà văn hóa thôn hay dưới mái đình/ ông trưởng thôn hóa thành ông giám đốc/ phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh vào cuộc/tất bật ngược xuôi trĩu nặng nghĩa tình...”

Ấm lòng trong ngôi nhà trọ

Chủ tịch MTTQ thị trấn Nếnh Nguyễn Bá Linh nhà ở tổ dân phố Hoàng Mai 3, chỉ cách trụ sở thị trấn một đoạn nhưng cả tháng nay tất bật ngược xuôi chẳng mấy khi ở nhà. Thị trấn Nếnh có số công nhân ở trọ đông nhất. Hôm tôi đưa đại diện Chi đoàn Báo Thanh niên phối hợp Ngân hàng SHB về hỗ trợ 30 tấn gạo và 2 nghìn thùng mỳ tôm, anh Linh bảo mấy ô tô to vậy nhưng chia ra mỗi cháu chỉ được 1 cân gạo và hơn chục gói mỳ.

Đến mấy phòng trọ hỏi han đời sống công nhân tôi nhận ra tài sản nhiều công nhân “thời @” chỉ gói gọn trong cái… điện thoại. Lúc dịch ập vào chưa đến kỳ lĩnh lương nên có cháu trong túi chẳng còn đồng nào. Nồi, xoong chẳng có, hàng quán đóng cửa, cơm hộp không gọi được, nếu không được chủ nhà trọ hỗ trợ thì đói to chứ biết làm thế nào! “Thông cảm và chia sẻ khó khăn với công nhân, chúng tôi vận động các chủ nhà trọ, các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ, cố gắng không để ai bị đói, bị khát. “Đói đầu gối phải bò”, làm sao ngồi yên được, như vậy thì lại khó cho việc phòng, chống dịch” – anh Linh nói.

Giới thiệu với tôi về chị Thân Thị Hải, tổ dân phố My Điền 1, anh Linh bảo “người mẹ hiền” của công nhân trọ đấy. Mới đầu chị Hải giúp đỡ mấy công nhân gần nhà gặp khó khăn, sau nhiều công nhân khác gọi điện, nhắn tin mong muốn được hỗ trợ thế là chị huy động cả nhà cùng làm. Trong lúc có danh sách hàng nghìn công nhân cần cứu trợ thì anh Công ở Lạng Giang nhờ chị và đội thiện nguyện mỗi ngày vận chuyển từ 600 – 1.000 suất cơm miễn phí cho công nhân nghèo. Chị Hải tâm sự, chẳng khác nào “chết đuối vớ được cọc” mình mừng như chính mình được cứu trợ vậy.

“Chị ơi, em cảm ơn chị nhiều lắm. Em bầu bí thèm rau quá, có hôm định liều ra đường tìm mua rau nhưng rồi lại không dám. May quá em gặp người tốt như chị, cho em nhiều rau, quả thế này…”. Đó là lời nhắn đến chị Lê Thị Huyền của Phạm Thị Yến, quê Lục Ngạn, công nhân trọ ở My Điền. Yến kể, em có bầu 5 tháng, nếu không có chủ nhà, các anh chị cùng trọ và chị Huyền giúp thì em chẳng biết xoay xở thế nào.

Lê Thị Huyền quê xã Tân Trung, huyện Tân Yên là công nhân trọ ở My Điền 1. Thấu hiểu hoàn cảnh của công nhân, Huyền liên hệ với bố mẹ ở quê thu gom nông sản, đồng thời kêu gọi mọi người quyên góp ủng hộ nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu. Nhiều bài báo khen ngợi việc làm của Huyền, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy quyết định tặng Giấy khen của Ban Dân vận Tỉnh ủy cho chị Lê Thị Huyền vì có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực “Dân vận khéo”.

Hôm cùng với anh Thịnh về trao Giấy khen cho Huyền, Huyền nói với tôi, cháu có kết quả xét nghiệm Covid 3 lần âm tính nên được chính quyền cấp giấy làm “người vận chuyển”, một tháng qua cháu tặng được hơn 10 nghìn suất lương thực, thực phẩm cho công nhân. Cũng hôm ấy chúng tôi gặp công nhân Thèn Thị Phóng (Hà Giang), Vi Thị Nhi (Cao Bằng)… tập trung ở sân đình lấy mẫu xét nghiệm. Các cháu cho biết đã nhận được lương thực, thực phẩm từ “siêu thị 0 đồng” 4- 5 lần rồi, một số cửa hàng đã mở trở lại, chúng cháu không còn lo đói nữa.

"Vậy là yên tâm một phần rồi anh nhỉ! Chiến dịch tiếp tế qua 20 ngày đã đạt mục tiêu không để ai bị đói, bị khát. Đã huy động được sức người, sức của rất lớn, đúng là một chiến dịch của lòng nhân ái" - anh Thịnh nói với tôi như vậy. Buổi tối, qua Zalo anh Thịnh gửi tôi trang giấy ghi danh mục hàng dành cho bà bầu của “Siêu thị 0 đồng” thôn Vân Cốc 3, xã Vân Trung (Việt Yên) và thả vào đó biểu tượng trái tim.

Trần Đức

(Còn nữa)

Kỳ III: Đồng lòng sẽ thắng lợi.

Món quà nghĩa tình của người dân Nghệ An gửi "Siêu thị 0 đồng"
(BGĐT) - Ngày 6/6, anh Nguyễn Hoàng Hà và Nguyễn Đình Quảng - tài xế lái xe cứu thương đã tiếp nhận những món quà nghĩa tình của bà con quê hương anh - huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An gửi ra Bắc Giang.
Chiến dịch tiếp tế cho 67.000 công nhân ở tâm dịch Bắc Giang- Kỳ 1: “Đêm trắng” lo đưa hàng cứu trợ
(BGĐT) - Đợt dịch Covid -19 thứ tư bùng phát, Bắc Giang bị ảnh hưởng nhất. Cùng với thực hiện các biện pháp thần tốc dập dịch tỉnh còn phải triển khai một chiến dịch không kém phần gian nan đó là tiếp tế cho 67.000 công nhân mắc kẹt trong các nhà trọ vùng phong tỏa. Chuyện về những “đêm trắng” tìm cách đưa hàng tiếp tế, về những con người mẫn cán và đầy ắp yêu thương được viết lên từ một chiến dịch chưa có tiền lệ.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...