Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 25 °C / 23 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tân Lập - Thức dậy vùng đất bên sông

Cập nhật: 14:56 ngày 07/08/2021
(BGĐT) - Từ ngày con đường ĐH81 nối từ cầu Chũ (Lục Ngạn) ngược lên xã vùng cao Tân Lập (Lục Ngạn) được mở rộng và đổ bê tông, cuộc sống của người dân nơi đây thay đổi rõ rệt. Giao thông thuận lợi, tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương từng bước được đánh thức. Tân Lập vừa thoát khỏi xã vùng III đặc biệt khó khăn.

Giao thông kết nối phát triển

Mùa nước cạn hay đầy, trời mưa hay nắng, việc đi lại với người dân Tân Lập bây giờ chẳng còn lo ngại. Con đường huyện mang tên ĐH81 dài 22,2 km, nối từ chân cầu Chũ đến xã Đèo Gia đi qua xã được mở rộng 11m (trong đó đổ bê tông 7m) từ năm 2019 giúp người dân dễ dàng băng qua những con suối, những chân đèo vực, rút ngắn thời gian hơn rất nhiều so với trước. 

{keywords}

Cơ sở sản xuất gỗ bóc của gia đình đảng viên, cựu chiến binh Nguyễn Tất Phường tạo việc làm cho nhiều lao động.

Tôi đi xe máy qua các thôn thấy bát ngát xanh của những vườn vải thiều, nhãn quả trĩu cành, cam bưởi lúc lỉu, xa xa là những cánh rừng bạch đàn, keo vươn cao. Những cơ sở chế biến gỗ rộn ràng tiếng máy, ô tô hối hả vào ra. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng đạt chuẩn quốc gia. Hai bên đường nhiều nhà xây đẹp, hàng quán dịch vụ phát triển.

Bức tranh toàn cảnh tươi sáng hôm nay không khỏi gợi nhớ về Tân Lập từng là xã đặc biệt khó khăn nhất nhì huyện Lục Ngạn. Với hơn 1.700 hộ, 8.600 nhân khẩu, thời điểm trước năm 2015, xã có tới hơn 70% hộ nghèo, có 7 đồng bào dân tộc Kinh, Hoa,Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Cao Lan sinh sống. 

Nguyên nhân thì nhiều, nhưng trong câu chuyện giảm nghèo, ông Lại Văn Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập nhắc nhiều đến con đường ĐH81. Công tác liên tục ở xã đến nay vừa tròn 20 năm, từ cán bộ địa chính, Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, rồi gần chục năm làm Chủ tịch UBND xã, nay nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy ở nhiệm kỳ này, hơn ai hết, ông hiểu rõ những tiềm năng, lợi thế của địa phương cũng như những khó khăn trong phát triển KT-XH của xã vùng cao quê mình. 

Có một con đường liên xã, liên huyện đi lại thuận lợi là ước mong được nhắc nhiều nhất trong số những kiến nghị của bà con. Lý do là đường nhỏ, xấu ô tô không vào được, nông sản tiêu thụ khó, giá hàng hóa phục vụ dân sinh cũng sẽ cao hơn.

Nhận thấy rõ những lợi thế của giao thông, trước đó, thực hiện chủ trương cứng hóa đường giao thông nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới, Tân Lập là địa phương đầu tiên của huyện chủ động xin cơ chế cho nhân dân tự chủ làm đường trục xã, liên thôn, nội đồng gắn với liên thôn. Xã đã khơi dậy được ý chí tự lực, tự cường và phát huy nội lực gắn với tiềm năng của địa phương. 

Trong đó, nhận thức của nhân dân và khát vọng làm giàu là nhân tố quyết định trong hành trình giảm nghèo. Người dân trong xã đã bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Thay vì chỉ đóng góp ngày công, hiến đất, bà con trong xã còn tự giác đối ứng tiền. Trung bình mỗi hộ từ 5-7 triệu đồng, có gia đình nộp đến 40 triệu đồng như ông Sổ Văn Xã, thôn Tân Tiến. Ở thôn Khả Lã 2, gia đình các ông: Lại Văn Việt, Phạm Văn Bằng, Lại Văn Cần, Lại Văn Lai… đóng góp 20 triệu đồng. 

{keywords}

Tuyến đường ĐH 81 qua xã Tân Lập.

Khó có thể hình dung một xã khó khăn như Tân Lập mà người dân đối ứng đến gần 30 tỷ đồng để hoàn thành tổng chiều dài lên đến 150 km đường bê tông. Lái ô tô băng qua ngầm Suối Con, qua những con đường giữa chang chang nắng, tiếng cười giòn tan của Bí thư Bình khi chứng kiến những chiếc ô tô con ngược xuôi, xe tải, có cả xe container chở gỗ chế biến, nông sản tỏa ra từ các thôn đi về hướng thị trấn Chũ mà không phải chật vật tìm chỗ tránh nhau như trước.

Với hạ tầng giao thông hiện tại, việc phát triển, giao lưu kinh tế đã được mở ra. Chỉ sau 2 năm, từ chỗ không có cơ sở chế biến gỗ bóc nào trên địa bàn, đến nay toàn xã có 22 gia đình mở cơ sở sản xuất gỗ bóc; nhiều cơ sở chế biến nông sản, sản xuất than hoạt tính cũng ra đời. Cùng đó, người dân mua sắm hơn một trăm xe ô tô chuyên chở nông sản, nguyên vật liệu đặc biệt là gỗ và phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình.

Quyết tâm về đích nông thôn mới sớm

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu đến cuối năm 2023, Tân Lập phấn đấu về đích xã nông thôn mới. Tuy nhiên, từ ngày có đường đẹp, hoạt động sản xuất và kinh doanh dịch vụ phát triển mạnh. Việc tiêu thụ nông sản, thông thương hàng hóa thuận lợi. 

 Đời sống người dân được cải thiện nên ý thức trách nhiệm trong xây dựng đời sống mới cũng được nâng lên. Trên cơ sở đã hoàn thành 16/19 tiêu chí, ngày 1/7/2021 được công nhận xã vùng II (ít khó khăn), tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 6,8%... xã đặt quyết tâm năm 2022 sẽ đạt chuẩn nông thôn mới.

Xã đã khơi dậy được ý chí tự lực, tự cường và phát huy nội lực gắn với phát huy tiềm năng của địa phương. Trong đó, nhận thức của nhân dân và khát vọng làm giàu là nhân tố quyết định trong hành trình giảm nghèo.

Lợi thế của Tân Lập là có nhiều diện tích đất lâm nghiệp (3.200 ha), chiếm 2/3 diện ích tự nhiên toàn xã. Ngoài thế mạnh là trồng cây ăn quả, nhiều nhất vẫn là cây đặc sản vải thiều (900 ha), ngoài ra còn có nhãn, hồng, cây có múi với gần 300 ha. 

Một trong những đổi mới về tư duy cũng như cách làm kinh tế của người vùng cao Tân Lập, đó là sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại thu nhập cao. Tương tự đối với cây lâm nghiệp theo hướng tăng giá trị, xây dựng cơ sở chế biến nông lâm sản và phát triển kinh doanh dịch vụ. 

Gia đình anh Nguyễn Văn Phúc ở thôn Khả Lã có 3 ha đất lâm nghiệp, trước đây chỉ trồng bạch đàn, qua tìm hiểu ở những cơ sở chế biến gỗ bóc thấy trồng keo hiệu quả cao hơn nên chu kỳ trồng rừng mới vừa rồi, gia đình chuyển toàn bộ sang trồng keo.

Đến thăm cơ sở chế biến gỗ bóc của đảng viên, cựu chiến binh Nguyễn Tất Phường ở thôn Đồng Tâm, ông say sưa kể về công việc của mình. Nhận thấy địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nghề chế biến lâm sản, ông đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua một bộ máy gồm máy bóc, máy tu, máy cắt, xe điện, máy nổ để xây dựng xưởng bóc gỗ tại gia đình. Ấy vậy mà vẫn phải đặt mua nguyên liệu tận Thanh Hóa, Nghệ An chở về mới đủ sản xuất. 

Mỗi ngày xưởng bóc khoảng 20m3, giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động tại địa phương. Lúc cao điểm, gỗ phơi được nắng cần đến 25 người. Hỏi mức thu nhập khi làm tại đây, chị Nguyễn Thị Gấm (35 tuổi) ở thôn Lại Tân cười vui: “Tương đối ổn định”. “Ổn thế nào” -tôi hỏi. “Chúng em “ăn đấu, làm khoán” theo sản phẩm. Phụ nữ chân yếu tay mềm như em đây mỗi ngày được 300 nghìn đồng tiền công, làm cố được 400 nghìn đồng. Thanh niên sức vóc thu nhập gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi.

Rời Tân Lập - vùng đất bên sông cuối buổi chiều tà, đọng lại trong tôi là hình ảnh xã vùng cao với những ngôi nhà mái xanh mái đỏ, những con đường bê tông uốn lượn xung quanh vườn cây trái xum xuê, xưởng chế biến gỗ rộn vang tiếng máy, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. 

Tin rằng, mục tiêu đạt xã chuẩn nông thôn mới sẽ sớm thành hiện thực trong năm sau như khẳng định của Bí thư Đảng ủy Lại Văn Bình - trước 1 năm so với mục tiêu.

                                                                                           Bài, ảnh: Tuấn Minh

Cây ổi Thái trên đất Tân Lập
(BGĐT) - Nhờ trồng ổi Thái, gia đình chị Triệu Thị Thanh (SN 1969) dân tộc Dao, thôn Luồng, xã Tân Lập, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Mô hình đang được nhân rộng.
Hướng đi đúng của Tân Lập
(BGĐT) - Với 52% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, dân trí không đồng đều, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên trước đây, Tân Lập từng được biết đến là một xã nghèo nhất huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Nhưng nay, bằng sự nỗ lực của nhân dân, Tân Lập đã có bước chuyển mình mạnh mẽ với tỷ lệ hộ nghèo giảm “sâu” nhất trong 12 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Giám đốc Sở Du lịch Bình Định bị đình chỉ công tác vì chơi golf giữa dịch
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định bị đình chỉ công tác 30 ngày do đi chơi golf và thành F1 khi tỉnh đang chống dịch.
Bắc Giang: Hỗ trợ hơn 9,3 nghìn lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19
(BGĐT) - Theo thống kê của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, toàn tỉnh có 590 doanh nghiệp (DN) đông lao động bị ảnh hưởng với hơn 227,6 nghìn người mất việc làm. Trong số này, có hơn 4,5 nghìn trường hợp thuộc diện F0 và 25,4 nghìn trường hợp thuộc diện F1.
Tạm đình chỉ công tác Phó Cục trưởng Cục Thuế Bình Định do vi phạm phòng, chống dịch Covid-19
Tối 4/8, Tổng cục thuế phát đi thông tin cho biết đã tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Nguyễn Công Thành, Phó Cục trưởng Cục Thuế Bình Định để xem xét kiểm điểm trách nhiệm trong việc thực hiện quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid 19 trên địa bàn.


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...