Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 25 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhọc nhằn “cửu vạn” đường sông

Cập nhật: 08:26 ngày 10/09/2021
(BGĐT) - Bám theo triền sông, con thuyền kiếm sống, những người làm nghề bốc vác, còn gọi là “cửu vạn” đường sông phải oằn lưng trong nắng mưa, đánh đổi sức khỏe để gồng gánh những lo toan của cuộc sống với hy vọng bản thân và con em mình sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Gánh nặng mưu sinh

Một buổi trưa đầu tháng 9, khi mặt trời gần đứng bóng, nắng nóng gay gắt, trên sông Thương, thấp thoáng con tàu chở than chuẩn bị cập cảng Á Lữ (TP Bắc Giang). Ngay lập tức, nhóm “cửu vạn” chờ việc từ sớm vội xuống bờ sông Thương. Dưới tàu, hơi nóng bốc lên hầm hập nhưng vì đã quen việc nên mọi người bắt tay ngay vào vận chuyển than lên bờ. Tính ra, mỗi người phải bốc xếp cả tấn than. 

{keywords}

Lao động xúc than thuê tại cảng Á Lữ.

Chị Nguyễn Thị Huê (53 tuổi) ở xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang) vừa xúc than, vừa lau vội mồ hôi túa ra trên trán, nói: “Tôi làm nghề đã ngót 20 năm. Dịp nào hàng nhiều, mỗi ngày chúng tôi kiếm được từ 300 - 500 nghìn đồng. Thời điểm này do ảnh hưởng của dịch bệnh, tàu cập bến ít, thu nhập giảm, đời sống rất khó khăn. Do đó, khi thấy tàu cập bến là chúng tôi dồn sức làm cho nhanh để có thêm thu nhập”. Từng ấy năm theo nghề, chị cũng cảm thấy vui khi đã chăm lo cho hai con khôn lớn, có công việc ở các khu, cụm công nghiệp gần nhà. Con trai lớn đã có gia đình riêng.

Gần 13 giờ, toàn bộ than trên tàu được vận chuyển lên bờ, tổ “cửu vạn” của chị Huê ai nấy người ướt sũng mồ hôi, tay chân, mặt mũi lấm lem nhưng vẫn thấy nhẹ nhõm bởi đã hoàn thành nhiệm vụ, vội rửa chân tay vào lán ăn trưa. Dưới sông, con tàu dần rời bến để tiếp tục hành trình. Nghề này là vậy, bất kể ngày đêm, cứ khi tàu cập cảng, nhóm “cửu vạn” lại lao vào việc, người bê, vác, người cào cho đến khi hoàn thành.

Không chỉ chờ tại bến, nhiều nhóm “cửu vạn” còn lênh đênh theo những con tàu chở hàng dọc các dòng sông ra tận cửa biển rồi quay lại để bốc vác, giao nhận hàng hóa cho các chủ tàu khi cần. Anh Đoàn Văn Luật (38 tuổi) ở phường Trần Phú (TP Bắc Giang) làm nghề “cửu vạn” nhiều năm đã theo tàu đi khắp các dòng sông. Dù nghề nặng nhọc, ăn uống thất thường, di chuyển liên tục nhưng anh không ngần ngại. Theo anh, công việc khuân vác đường sông những năm gần đây đã bớt cực nhọc khi các bến cảng đều sử dụng xe cần cẩu, băng chuyền tự động vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên vẫn cần những người “cửu vạn” để bốc xếp hàng hóa vào băng chuyền, chuyển hàng từ cần cẩu sang các phương tiện vận tải ở trên bờ.

Đã có hàng trăm, hàng nghìn tấn hàng được cõng trên đôi vai; biết bao giọt mồ hôi lăn trên mặt những người làm nghề bốc vác, nhưng vì cuộc sống mưu sinh họ vẫn gồng mình vượt qua.

Làn da đen bóng, vóc dáng vạm vỡ, vừa thoăn thoắt xếp hàng, anh Luật vừa ngoái lại nói: “Chẳng ai làm bốc vác mà khá giả nhưng tôi đã gắn bó với nghề gần 20 năm, không có bằng cấp, khó chọn nghề khác nên đành tiếp tục bán sức lao động để kiếm sống". Anh vẫn nói vui, nghề này chả ai làm, đến vợ cũng chẳng chịu được còn phải ly hôn. Nhiều khi nhìn lên bờ thấy những gia đình ven sông quây quần bên mâm cơm tối mà nhớ nhà, nhớ hai con trai. 

Vất vả không ngại nhưng điều anh Luật trăn trở là đi cả tháng không có thời gian quan tâm đến con. Ngày con còn bé, anh gửi nhờ ông bà nội trông nom, hằng tháng tiết kiệm tiền gửi về, nay các cháu lớn không được bố kèm cặp nên đi làm lúc nào cũng thấy lo. Động lực để anh theo những chuyến tàu đi xa là các con đều chăm chỉ học hành. Hiện cháu lớn học lớp 6, cháu nhỏ vào lớp 4 đều là học sinh xuất sắc.

Thu nhập bấp bênh

Công việc nặng nhọc là vậy nhưng thu nhập của người làm nghề bốc vác không cao. Nếu làm cật lực mỗi ngày cũng chỉ được vài trăm nghìn đồng nhưng nhiều người vẫn lấy đây làm kế sinh nhai hay chí ít cũng để kiếm thêm trong thời điểm nông nhàn. Gần hai năm nay, dịch Covid-19 hoành hành, nghề “cửu vạn” đường sông cũng chồng chất khó khăn. Có thời điểm cả tuần không có tàu hàng cập bến, dân “cửu vạn” cứ ra ngóng vào trông. 

Chị Nguyễn Thị Hương, chủ một kho than tại cảng Á Lữ (TP Bắc Giang) chia sẻ: “Những người bốc hàng cho gia đình tôi đều đã gắn bó với công việc nhiều năm. Dịp này, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu sử dụng than giảm nên cả tuần tôi mới nhập hàng một lần. Để giữ chân người lao động, hiện chúng tôi sắp xếp người làm luân phiên, cố gắng bảo đảm đời sống cho họ”.

{keywords}

Tàu chở hàng trên sông Thương.

Có một điểm chung là hầu hết “cửu vạn” đường sông đã trung tuổi, khó học nghề mới, không xin được việc tại các khu, cụm công nghiệp. Họ chủ yếu là những người nghèo, sống ở vùng ven, không có nghề nghiệp ổn định, không có vốn làm ăn nên tìm đến nghề này. Hàng hóa vận chuyển trên đường sông chủ yếu là xi măng, than, phân bón, gạch, gạo. Qua câu chuyện với những người làm nghề, chúng tôi thấy mặt hàng nào cũng nặng nhọc nhưng theo họ khổ nhất là bốc vác xi măng bởi vừa nặng lại bụi bặm. Những “cửu vạn” ở đây thường tếu táo với nhau, mỗi ngày không hít đủ cân bụi thì chưa đủ tiền mua gạo nuôi sống gia đình.

Công việc vất vả, độc hại là vậy nên nhiều người sớm bị viêm đường hô hấp, xương khớp rệu rã, thoái hóa cột sống, lao lực, suy kiệt mà ít có điều kiện đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Vất vả là thế nhưng do công việc thời vụ, mối quan hệ giữa lao động và chủ hàng chỉ là thỏa thuận miệng, không có giao kết hợp đồng nên khi gặp rủi ro, người lao động phải tự gánh chịu. Ví như trường hợp chị Nguyễn Thị N, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa) bám trụ với nghề nhiều năm nhưng mới đây trong khi làm việc không may trượt chân ngã xuống sông, bị cuốn vào gầm tàu tử vong sau đó.

Hiện nay, tại khu vực cảng Á Lữ, trung bình một ngày có khoảng 30 người làm nghề khuân vác hàng hóa. Chia sẻ khó khăn, vất vả cùng nhau, mỗi khi có việc, họ đều nhường nhịn, bố trí nhau cùng làm, cùng có thu nhập. Chị Lương Thị Bình (58 tuổi) ở phường Đa Mai (TP Bắc Giang) cho biết: “Những năm trước, rất đông người làm “cửu vạn” ở khắp các bến sông nhưng giờ việc ít, vất vả nên họ bỏ dần, chủ yếu tập trung ở một số địa điểm như: Cảng Á Lữ, bến Hướng (TP Bắc Giang); cảng Mỹ An (Lục Ngạn); bến Quang Châu (Việt Yên)... Dịp này, ít tàu chở hàng cập bến, chúng tôi phải san sẻ, chia nhau bốc vác để cùng có miếng cơm. Tuy vất vả, thu nhập bấp bênh nhưng vẫn có đồng ra, đồng vào còn hơn ở nhà thất nghiệp”.

Lo cho sức khỏe, tìm chỗ nương tựa tuổi già, một số lao động đã dành dụm tiền mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Tuy nhiên, số tham gia không nhiều. Theo rà soát của BHXH tỉnh, toàn tỉnh chỉ có 12 lao động làm nghề bốc vác mua BHXH tự nguyện. Chị Trần Thị Thái (SN 1966) ở thôn Nguyệt Đức, xã Vân Hà (Việt Yên) tâm sự: “Bình quân mỗi ngày theo tàu bốc vác tôi chỉ kiếm được từ 200 - 300 nghìn đồng. Số tiền này vừa đủ chi tiêu cho gia đình, chăm lo cho con cái, chưa kể công việc thất thường, tháng có thu nhập, tháng không. Do đó, tôi và nhiều người làm nghề “cửu vạn” khó có thể bỏ ra một khoản tiền để tham gia bảo hiểm”.

Đã có hàng trăm, hàng nghìn tấn hàng được cõng trên đôi vai, biết bao giọt mồ hôi lăn trên gò má những người làm nghề bốc vác, nhưng vì cuộc sống, mưu sinh họ vẫn gồng mình vượt qua. Họ làm công việc nặng nhọc bất kể ngày đêm chỉ với một mong muốn giản dị mà chính đáng đó là bản thân và con em mình sẽ có một tương lai tươi sáng hơn.

Bài, ảnh: Minh Thu
Nhọc nhằn nơi đất khách
(BGĐT) - Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 58 nghìn lượt lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, là tỉnh có số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tốp đầu cả nước. Nguồn kiều hối do lao động gửi về đã góp phần đáng kể giúp các gia đình cải thiện đời sống, xa hơn là bổ sung nguồn lực cho phát triển KT-XH. Tuy nhiên, phía sau những đồng ngoại tệ là bao nhọc nhằn, gian khó…
Nhọc nhằn mưu sinh trong giá rét
(BGĐT) - Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài nhưng trên khắp công trường, đường phố, đồng ruộng không khí lao động, sản xuất vẫn tất bật. Các hoạt động này đã góp phần cung cấp, bảo đảm dịch vụ, cuộc sống thường ngày của người dân. Dưới đây là những hình ảnh do phóng viên Báo Bắc Giang ghi nhận.
Ngày mới ở Núi Hiểu
(BGĐT) - Thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu (Việt Yên) từng là rốn dịch Covid-19 của Bắc Giang và cả nước thời điểm tháng 5, tháng 6/2021 với khoảng 2 nghìn ca dương tính. Sau  hơn 2 tháng quyết liệt khoanh vùng, khép chặt và "làm sạch" dịch bệnh, cuộc sống bình thường mới đã trở lại với người dân nơi đây.
Miệt mài chở những yêu thương
(BGĐT) - Lòng mến trẻ đã khiến cô giáo Cao Thị Vân (SN 1973), Hiệu trưởng Trường Mầm non Quảng Minh (Việt Yên) hơn 20 năm nay gắn bó với công việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Bất cứ công việc nào, cô cũng làm bằng tâm huyết, trách nhiệm và tình yêu thương. 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...