Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Phóng sự - Khám phá
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Bóc gỗ... ra tiền tỷ

Cập nhật: 16:20 ngày 24/09/2021
(BGĐT) - Dù thuộc diện “vùng sâu, vùng xa” của xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) song không khí sản xuất, vận chuyển gỗ, ván bóc ở thôn Chí Mìu luôn diễn ra sôi động. Nghề bóc gỗ giúp người dân trong thôn có cuộc sống sung túc, có hộ thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

Bán xe sắm máy

Chiếc xe ô tô Ford Everest bóng loáng đỗ xịch trước ngôi nhà hai tầng được xây dựng theo kiểu dáng biệt thự ở trung tâm thôn Chí Mìu. Anh Nguyễn Văn Minh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Chí Mìu mở cửa xe bước xuống vồn vã mời chúng tôi vào nhà. “Tôi vừa đi xem mấy cánh rừng bạch đàn ở tỉnh Lạng Sơn để mua về làm nguyên liệu cho xưởng bóc gỗ. Căn nhà mới và xe ô tô đều từ nghề bóc gỗ mà ra đấy”, anh Minh nói.

{keywords}

Anh Nguyễn Văn Minh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Chí Mìu kiểm tra chất lượng ván gỗ bóc của gia đình.

Anh Minh vốn làm nghề lái xe tải chuyên chở thức ăn chăn nuôi cho các đại lý trong vùng. Mặc dù thu nhập không cao, song nhờ nghề này, cuộc sống của gia đình luôn ổn định. Khoảng chục năm trước, tình cờ một lần lên chơi nhà bạn học ở thị trấn Mẹt, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn), anh Minh biết được nghề bóc gỗ cho thu nhập cao và có triển vọng phát triển. Trong khi đó, trên địa bàn xã, diện tích rừng trồng của bà con khá lớn, nguồn nguyên liệu dồi dào. 

Về nhà bàn với vợ, anh quyết định bán xe tải mới mua, vay thêm ngân hàng, bạn bè được hơn 600 triệu đồng mở xưởng bóc gỗ và mua một chiếc xe ô tô tải cũ để chở nguyên liệu. “Trước khi chuyển nghề, vợ chồng tôi mấy đêm không ngủ, băn khoăn có nên mạo hiểm đầu tư vào bóc gỗ không bởi khi đó trên địa bàn xã, thôn chưa có ai làm”, anh Minh tâm sự.

Sau khi mở xưởng, người dân thôn Chí Mìu thấy vợ chồng anh Minh luôn tay, luôn chân ở xưởng bóc gỗ. Lúc thấy anh cùng công nhân vận hành máy, lúc lại lái xe tải vào rừng chở gỗ về làm. Vợ anh Minh - chị Hoàng Thị Vinh cặm cụ kéo xe chở ván gỗ ra phơi ở khu đất rộng ven sông. “Nhiều hôm, vừa kéo xe chở ván gỗ mới bóc dưới trời nắng 37-38 độ C, tôi vừa khóc vì nghĩ tự dưng lại chuyển sang làm nghề này, vất vả quá”, chị Vinh nhớ lại.

Dẫn chúng tôi ra thăm xưởng bóc gỗ ở cạnh sông Thương, anh Minh tiết lộ, sau 6 tháng đầu tư mở xưởng, vợ chồng anh đã thu đủ số vốn ban đầu. Theo anh Minh, mấy năm trước, ít người làm nghề này, doanh thu rất cao. Gần đây, do nhiều người mở xưởng bóc gỗ, dịch Covid-19 nên ảnh hưởng đến lợi nhuận, song trung bình mỗi tháng anh vẫn thu lãi khoảng 30 triệu đồng. 

{keywords}

Xưởng bóc gỗ của gia đình anh Nguyễn Văn Minh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Chí Mìu.

Hiện anh Minh không phải trực tiếp đứng vận hành máy hay lái xe chở gỗ về làm nguyên liệu nữa, thay vào đó anh chỉ tham gia căn chỉnh máy theo đúng thông số kỹ thuật hoặc lái xe con đi xem rừng. Chị Vinh cũng không phải vất vả kéo xe chở ván gỗ mà chú tâm vào công tác quản lý, thuê nhân công.

Kỹ sư về mở xưởng nghiền rác gỗ bóc

Giữa trưa, cơn mưa rào muộn ập đến bất chợt. Chúng tôi tạm trú vào một xưởng chất đầy ván gỗ thải loại. Anh Minh cho biết đây là cơ sở nghiền gỗ của anh Nguyễn Văn Chi, kỹ sư cơ khí trẻ có chí làm giàu ở thôn. Bước xuống từ chiếc xe xúc vỏ gỗ còn mới, Chi tươi cười tiếp chuyện chúng tôi: “Mọi phế thải của các xưởng bóc gỗ đều cho ra tiền, không bỏ phí như trước nữa”.

Xưởng nghiền gỗ của gia đình anh Chi chuyên thu gom các loại phế thải từ những xưởng bóc gỗ (gọi là rác bóc gỗ) trên địa bàn xã như vỏ cây, đầu mẩu, mùn cưa và ván gỗ bóc bị rách đưa vào máy băm nhỏ, đóng kiện bán cho các nhà máy làm nguyên liệu lò hơi, thay thế than, xăng dầu hay điện…

{keywords}

Khu vực phơi ván gỗ ở thôn Chí Mìu.

Năm nay 27 tuổi, nhưng chàng trai trẻ này đã có nhiều năm trong nghề với một tài sản khá lớn. Bố mẹ Chi mở xưởng bóc gỗ được gần 10 năm. Từ khi học THPT, Chi đã phụ giúp bố mẹ làm nghề này. Năm 2017, Nguyễn Văn Chi tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Thái Nguyên, một năm sau vào làm việc tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (Bắc Ninh). Tại đây, Chi được bố trí làm ở bộ phận quản lý kỹ thuật với mức lương khoảng 20 triệu đồng/tháng. Lương khá cao, công việc nhẹ nhàng song làm được 6 tháng, Chi quyết định xin nghỉ việc về nhà cùng bố mẹ làm xưởng bóc gỗ.

Tại thôn Chí Mìu và xã Hương Sơn có nhiều xưởng bóc gỗ với nhiều sản phẩm thải loại. Các chủ xưởng thường chất thành đống bên đường rồi đốt, khói bao trùm cả thôn, gây ô nhiễm môi trường và dễ gây hỏa hoạn cho nhà xưởng gần đó. Qua tìm hiểu trên mạng Internet, Chi biết ở một số nơi có xưởng chuyên thu gom rác bóc gỗ để băm nhỏ bán lại cho các nhà máy sử dụng lò hơi. 

Không chỉ làm giàu cho gia đình, từ những xưởng bóc gỗ đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập trung bình từ 8-10 triệu đồng/tháng. Khoảng 50% số hộ ở thôn Chí Mìu có kinh tế khá và giàu.

Đầu năm 2019, Chi được bố mẹ hỗ trợ 200 triệu đồng, tự tách ra mở xưởng nghiền rác gỗ bóc. Chỉ sau hai năm mở xưởng, Chi đã thu lãi bạc tỷ. Anh vừa mua thêm 2 xe ô tô tải trị giá khoảng 2 tỷ đồng chuyên vận chuyển sản phẩm đến các nhà máy trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi ngày Chi thu mua khoảng 80 tấn rác bóc gỗ. Hiện anh thuê 6 nhân công, mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Đổi thay cả vùng quê

Theo ông Bùi Thanh Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Sơn, mấy năm gần đây, tại một số thôn của xã đã xuất hiện nghề bóc gỗ với khoảng 100 xưởng, tập trung nhiều ở một số thôn phía Bắc của xã, nhất là thôn Chí Mìu. Nghề bóc gỗ ở đây phát triển một phần là do thu nhập từ nghề này khá cao, nguyên liệu gỗ rừng trồng trên địa bàn nhiều. Đặc biệt, thôn Chí Mìu nằm sát sông Thương, có nhiều khu đất rộng, bằng phẳng rất thuận lợi làm điểm phơi ván bóc.

Dẫn chúng tôi đi thăm những xưởng bóc gỗ, anh Nguyễn Văn Minh chia sẻ: Thôn Chí Mìu có 118 hộ, 50% là người dân tộc thiểu số. Đây là khu vực “vùng sâu, vùng xa” của xã, nằm tiếp giáp với huyện Hữu Lũng. Có lẽ vì thế nên khoảng 10 năm trở về trước, đời sống của người dân rất khó khăn; hộ nghèo lên đến 25%. Từ khi các hộ mở xưởng bóc gỗ, diện mạo thôn thay da đổi thịt hẳn. Hiện thôn có 14 xưởng bóc gỗ, mỗi năm doanh thu đạt 84 tỷ đồng. Nhiều hộ giàu lên từ nghề này, xây được nhà kiên cố, có của ăn của để. Hầu như hộ nào mở xưởng bóc gỗ cũng có thu nhập cao, mua được ô tô đắt tiền.

{keywords}

Ván bóc được vận chuyển lên xe container để mang đi tiêu thụ.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, từ những xưởng bóc gỗ đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập trung bình từ 8-10 triệu đồng/tháng. Khoảng 50% số hộ ở thôn Chí Mìu có kinh tế khá và giàu; 20% số hộ mua được xe ô tô con; cả thôn chỉ còn 4 hộ nghèo. Năm 2019, Chí Mìu được công nhận thôn nông thôn mới và nhiều năm đạt danh hiệu làng văn hóa cấp huyện.

Trời nhá nhem tối, anh Vương Văn Tùng vẫn miệt mài chạy máy tuốt lõi gỗ ở một xưởng bóc ván gỗ ven đường. Đây là sản phẩm phụ từ bóc ván gỗ, sau khi dùng máy đánh bóng, lõi gỗ sẽ được các doanh nghiệp mua với giá 1.000 đồng/chiếc để làm cán chổi xuất khẩu. Anh Tùng tâm sự: “Gia đình tôi ở thôn Phú Lợi, cạnh thôn Chí Mìu. Nhờ ở đây mở nhiều xưởng bóc ván gỗ, vợ chồng tôi không phải đi làm ăn xa, hằng ngày tranh thủ làm cho các xưởng vừa có thu nhập ổn định lại vẫn quán xuyến được công việc gia đình, nuôi dạy các con”.

Chia tay thôn Chí Mìu khi mặt trời khuất sau cánh rừng bạch đàn cuối thôn, đèn đường đã bật sáng. Những xưởng bóc ván gỗ vẫn tấp nập công nhân vào ra. Cả thôn Chí Mìu như một công trường sôi động.

Bài, ảnh: Đỗ Thành Nam
Chàng trai Bắc Giang "thổi hồn" vào gỗ
(BGĐT) - Suốt ngày quanh quẩn tô vẽ, đục đẽo trên các phiến gỗ là công việc thường ngày của anh Nguyễn Văn Mạnh (SN 1994), thôn Giang Tân, xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Bằng đôi tay tài hoa, trí tưởng tượng phong phú, anh đã biến những vật vô tri trở nên có giá trị và trở thành ông chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ khi mới 19 tuổi.  
Bắc Giang: Gỗ nguyên liệu tăng giá trở lại sau thời gian dài trầm lắng
(BGĐT) - Sau nhiều tháng giảm giá do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và thị trường nước ngoài không nhập khẩu gỗ ván ép từ Việt Nam, giá gỗ nguyên liệu tại Bắc Giang đã tăng trở lại. 
Chế biến, xuất khẩu gỗ ở Bắc Giang: Đa dạng sản phẩm, tìm thị trường mới
(BGĐT) - Quý I năm nay, giá trị xuất khẩu gỗ của tỉnh Bắc Giang ước đạt 150 tỷ đồng, bằng 7,5% tổng giá trị xuất khẩu gỗ toàn tỉnh năm 2019 (khoảng 2 nghìn tỷ đồng). Do nhiều nguyên nhân, nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) không xuất khẩu được sản phẩm, cần giải pháp gỡ khó.
Độc lạ triển lãm đồ gỗ mỹ nghệ
(BGĐT) – Từ ngày 27-2 đến 10-3, tại Khu đô thị Bách Việt, phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang (Bắc Giang) diễn ra triển lãm giới thiệu sản phẩm gỗ mỹ nghệ. Tại đây có hơn 10 gian hàng với nhiều sản phẩm đồ gỗ độc lạ của các làng nghề thuộc Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Nghệ An…
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...