Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 30 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mái ấm nơi cửa chùa

Cập nhật: 12:12 ngày 09/10/2021
(BGĐT) - Không thân thích, không quan hệ máu mủ nhưng hơn chục năm nay, nhiều trẻ nhỏ kém may mắn khi bị người thân bỏ rơi lại được đón nhận tình yêu thương và lớn lên mỗi ngày dưới sự chăm sóc của sư cô Thích Đàm Đức, chùa Hoàng Mai, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên (Bắc Giang). 

Nương nhờ chốn Phật

Chùa Hoàng Mai tọa lạc ở tổ dân phố Hoàng Mai 2 (thị trấn Nếnh). Bước qua cánh cổng, không gian nơi cửa Phật tĩnh mịch, trang nghiêm, bỗng vọng lên tiếng nô đùa của trẻ nhỏ. Hai bé gái chừng 4-5 tuổi hồn nhiên múa hát dưới sự cổ vũ của các sư cô. Nụ cười rạng rỡ, khuôn mặt ai cũng toát lên niềm vui. Dưới sân chùa, một cụ bà làm công quả kể: “Sư cô Thích Đàm Đức nhận nuôi hai em từ lúc mới lọt lòng ở trên chùa Song Khê (TP Bắc Giang). Nhà chùa neo người nên việc chăm sóc khá vất vả. Đổi lại, cháu nào cũng ngoan ngoãn, lễ phép, may mắn hơn là không mấy khi đau ốm”.

{keywords}

Thu Hà và Thu Huyền hiện đang ở cùng sư cô Thích Đàm Đức tại chùa Hoàng Mai, Việt Yên.

Thấy khách, hai cháu nhỏ chạy lại, ngoan ngoãn khoanh tay chào. Trong gian phòng nhỏ, sư cô Thích Đàm Đức kể: “Ngày tôi mới về chùa, nơi đây đã nhận nuôi vài trẻ mồ côi. Khoảng chục năm nay, người dân bỏ trẻ lại chùa ngày một nhiều hơn. Như năm 2012, có đến 3 trẻ sơ sinh bị bỏ ở khu vườn tháp, gốc đại, giếng nước. Sau đó tôi nhận nuôi và làm giấy khai sinh mang họ mình (họ Nguyễn)”. Hiện đã có gần 20 em được nuôi dưỡng nơi cửa Phật, trong đó 4 cháu đã trưởng thành. Ở đây, các cháu được nuôi dưỡng, chăm sóc dưới bàn tay của các sư cô và những “con nhang” có tấm lòng nhân ái. Lớn hơn, các cháu được gửi đến ở các ngôi chùa khác để học văn hóa.

Nhìn bé Thu Hà (5 tuổi) lanh lẹ, đôi mắt đen láy, tự tin múa hát, chẳng ai biết cách đây 5 năm, khi mới lọt lòng, bé bị người thân bỏ lại trước cổng chùa Song Khê (TP Bắc Giang) trong một chiếc làn nhỏ. Chỉ sau đó vài tháng, bé Thu Huyền (4 tuổi) cũng được đưa đến nương nhờ cửa Phật theo cách đó. Từ bấy đến nay, hai chị em ngày ngày quấn quýt bên sư cô Thích Đàm Đức. Trong suốt buổi trò chuyện, chốc chốc, Thu Hà lại níu tay hoặc ngồi gọn trong lòng “cụ”. Còn Thu Huyền nhút nhát hơn, luôn nép sau lưng các sư cô, bẽn lẽn trả lời khi được hỏi chuyện.

Sư cô Thích Đàm Đức xúc động kể về câu chuyện lần đầu nuôi con với bao nỗi lo toan từ chăm bẵm, bế bồng đến bỉm sữa khi nhận nuôi bé Minh Hạnh (nay 14 tuổi). “Con bé rất ngoan, không hề quấy khóc. Chính vì ngoan quá nên con ngủ suốt, tôi lại ít kinh nghiệm, cứ nghĩ con không đói để mà cho ăn. Mãi đến khi có người làm công quả ở kế bên đến bế thì mới biết. Lúc này, Minh Hạnh uống hết những 2 bình sữa”.

{keywords}

Nhà trường hiện có: Diệu Minh, Bảo Châu, Minh Hạnh, Thành Đạt theo học. Các em rất ngoan, có ý thức học tập, vươn lên. Chúng tôi luôn giữ mối liên hệ với nhà chùa để cùng phối hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho các em”.

Thầy giáo Nguyễn Thế Độ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam)

Nương nhờ cửa Phật, các con được các sư cô chăm bẵm, yêu thương mỗi ngày. Ngày trước, vì chưa có kinh nghiệm nuôi dưỡng nên nghe ai mách cái gì tốt là sư cô lại tìm mua và chế biến, chỉ mong các cháu lớn lên khỏe mạnh. Như Minh Hạnh mãi không mọc răng, lo cháu vì thiếu canxi nên sư cô phải kỳ công xay, rây thức ăn bón cho con mỗi ngày. 

Giờ đây Minh Hạnh đã học lớp 8, cao lớn và học rất giỏi. Rồi bé Diệu Minh (11 tuổi), khi được các sư nhận nuôi, con bé tý tẹo do sinh thiếu tháng. Sau hơn một tháng chăm bẵm, cháu mới lên được hơn 1,6 kg. Diệu Minh hay ốm, khi đó, các sư cô thay nhau thức đêm để chăm sóc. Giờ đây, em cùng Bảo Châu (11 tuổi) và Thành Đạt (8 tuổi) cùng sống ở chùa Chàng, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) và theo học trường cấp 1 và cấp 2 tại thị trấn.

Vừa làm mẹ, vừa làm thầy

Trong mái ấm nơi cửa chùa, theo năm tháng, cả sư trụ trì, tiểu tăng và những phụ nữ tình nguyện đến làm công quả đều trở thành bảo mẫu, người trông trẻ thực thụ. Vì chăm sóc nhiều bé cùng lúc, chùa lại neo người nên có thời điểm, sư cô Thích Đàm Đức phải gửi một số cháu về quê nhà tại tỉnh Bắc Ninh nhờ họ hàng, người thân giúp đỡ. 

Kể về những ngày đầu tiên, khi nhận các cháu về nuôi, sư trụ trì tâm sự: “Biết là sẽ khó khăn, vất vả nhưng khi đã phát nguyện với tấm lòng của nhà Phật, tôi luôn cố gắng hết sức để chăm sóc các con thật tốt. Thấy các cháu khỏe mạnh, ngoan ngoãn, lễ phép lại thông minh nên nhiều người hiếm muộn ngỏ lời xin về làm con nuôi nhưng rồi nghĩ, đời con đã một lần bất hạnh, bây giờ lại đánh cược số phận thì sao cho đành”. 

Vậy là từ tấm lòng người mẹ, sư cô lần lượt nhận nuôi từng bé từ khi mới lọt lòng với những nỗi lo chồng chất. Chùa không có nguồn thu nào ngoài sự phát tâm của phật tử, người dân và mạnh thường quân. Trong khi đó, mỗi tháng, học phí của các cháu lên tới vài triệu đồng, chưa kể tiền sinh hoạt, chi phí khám bệnh, mua thuốc mỗi khi ốm đau. Ngày ngày trôi qua, các cháu dần khôn lớn. Biết tấm lòng từ bi và chứng kiến những việc làm cao đẹp của sư cô Thích Đàm Đức, nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã đóng góp cho nhà chùa để cùng chung tay nuôi dưỡng các cháu hoàn cảnh khó khăn.

Ngay khi còn bé, các cháu đã được sư cô dạy về lòng nhân ái, sự nhường nhịn, yêu thương và cả lối sống tự lập. Có lẽ vì thế nên dù nhỏ tuổi nhưng 10 cháu đều biết giúp đỡ mọi người nhặt rau, rửa bát, quét nhà… Rồi cháu lớn lại giúp thầy chăm sóc các em nhỏ hơn. Dù còn nhiều khó khăn nhưng sư cô quyết tâm phải cho các con học chữ. Để thuận lợi, sư cô Thích Đàm Đức đã gửi các cháu đến các chùa do con nuôi và đệ tử của thầy làm trụ trì. Hiện 3 bé: Bảo Hân, Bảo Hoan, Tâm Hương đang được nuôi dưỡng tại chùa Chi Đông ở TP Hà Nội và hiện học lớp 4. Các bé: Diệu Minh, Bảo Châu, Minh Hạnh, Thành Đạt gửi ở huyện Lục Nam; còn bé Tiến Dũng gửi về chùa ở tỉnh Hưng Yên.

Mỗi khi có việc của nhà chùa, đám trẻ lại được các sư đưa về tập trung. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán, tất cả sẽ cùng về chùa Hoàng Mai quây quần bên nhau. Sáng Chủ nhật vừa rồi, Minh Hạnh, Diệu Minh, Bảo Châu, Thành Đạt được về gặp sư cụ tại chùa Song Khê. Tiếng chuông chùa hòa cùng tiếng trẻ quét dọn ríu rít góc sân. Chị lớn Minh Hạnh cắt tỉa bồn hoa, em hai Diệu Minh quét sân còn cậu út Thành Đạt nhổ cỏ. Mỗi người một việc, bảo ban nhau nhanh chóng hoàn thành. Xong xuôi, bốn chị em quây quần bên ghế đá kể chuyện.

{keywords}

Hai bé Thu Hà và Thu Huyền đang tập múa hát.

Có thời gian gắn bó lâu với sư cô Thích Đàm Đức, bé Minh Hạnh chia sẻ: “Cháu ở với sư cụ đến năm học lớp 6 thì chuyển về Lục Nam. Mới đầu cháu nhớ lắm nhưng lâu dần cũng quen. Ở với sư cụ, cháu được dạy nhiều điều hay, lẽ phải, khi làm sai sẽ bị cụ trách phạt”. Minh Hạnh nhớ mãi năm học lớp 4 ở Trường Tiểu học Nguyễn Khắc Nhu (TP Bắc Giang), có lần đi theo các bạn ra tận khu đất mới cách trường khá xa chơi, tan học đã lâu mà em chưa về nên các sư chia nhau đi tìm. Về nhà, sư cụ trách phạt song em hiểu rằng, cụ thương và lo lắng cho mình nên mới làm vậy.

Luôn coi các cháu là ruột thịt của mình nên dù ở xa, mỗi ngày, sư cô đều gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe, học tập; dặn dò các sư cô trông nom, chăm sóc các cháu chu đáo. Tính cách của mỗi cháu thế nào, sư trụ trì đều biết rõ để dạy bảo, uốn nắn. “Được sinh ra trên đời nhưng các cháu lại bị chính cha mẹ mình chối bỏ. Do đó, còn sức khỏe, tôi còn cố gắng lo lắng, bù đắp phần nào thiệt thòi cho chúng, chỉ mong sao các cháu lớn lên khỏe mạnh, ngoan ngoãn, trở thành người có ích cho xã hội. Cháu nào có khả năng học cao đến đâu tôi tạo điều kiện, động viên đến đấy”, sư cô Thích Đàm Đức chia sẻ.

Rời mái chùa, tiếng chuông văng vẳng cùng tiếng trẻ em cười vui vọng bên tai. Chúng tôi đều cảm nhận, mái chùa cổ kính thật sự trở thành mái ấm yêu thương của các em nhỏ có hoàn cảnh thiếu may mắn.

Bài, ảnh: Đỗ Quyên - Khôi Nguyên
Mái ấm cho trẻ em nghèo
(BGĐT) - Với mong muốn giúp trẻ em nghèo có ngôi nhà chắc chắn, ổn định cuộc sống, Hội Bảo vệ quyền trẻ em (BVQTE) tỉnh Bắc Giang đã làm cầu nối với các tổ chức, nhà tài trợ để chung tay chăm lo cho các em bằng những việc làm cụ thể như hỗ trợ kinh phí xây nhà mới; hỗ trợ, tư vấn, can thiệp, bảo vệ quyền thừa kế hợp pháp...
Đi tìm dấu xưa chùa Bát Nhã
(BGĐT) - Núi Bát Nhã thuộc danh sơn Huyền Đinh, nằm ở điểm cuối sườn Tây Yên Tử, cận kề sông Lục Nam. Nơi đây có mối liên hệ chặt chẽ với thánh địa Trúc Lâm Yên Tử nên còn ẩn chứa nhiều kho tàng, cổ tích. 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...