Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 24 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tự hào “xóm đỏ” Giáp Nguột

Cập nhật: 06:00 ngày 18/12/2021
(BGĐT) - Với lòng yêu nước nồng nàn, người dân trại Nguột xưa, nay là tổ dân phố Giáp Nguột, phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang (Bắc Giang) đã sớm giác ngộ cách mạng, trở thành “xóm đỏ” chuyên nuôi giấu cán bộ Việt Minh. Hòa bình lập lại, người dân Giáp Nguột tiếp tục phát huy truyền thống kiên trung, năng động phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Sớm giác ngộ cách mạng

Ngồi trên ghế đá nơi góc sân, chung quanh là những chậu cảnh được cắt tỉa tạo hình công phu, bà Nguyễn Thị Phin, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Giáp Nguột thư thái lật xem từng trang sử viết về quê mình. Thấy chúng tôi bước vào cổng, bà Phin đon đả mời chào rồi bắt đầu câu chuyện: “Vậy là đã gần 100 năm, người dân trại Nguột xưa, rồi thôn Nguột và nay là tổ dân phố Giáp Nguột vẫn một lòng theo Đảng”.

{keywords}

Tác giả trò chuyện với cụ Nguyễn Thị Ấm, cán bộ lão thành cách mạng.

Bà Phin năm nay đã bước sang tuổi 67, nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã Dĩnh Kế (nay là phường Dĩnh Kế), sau khi nghỉ hưu năm 2011, được hai năm thì làm Bí thư Chi bộ tổ dân phố Giáp Nguột đến nay. Là người sinh ra và lớn lên ở đây nên bà Phin càng hiểu rõ về mảnh đất, con người Giáp Nguột một thời oanh liệt trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Theo bà Phin, trại Nguột vốn thuộc tổng Dĩnh Kế, phủ Lạng Thương. Đây cũng là cửa ngõ của cả vùng rừng núi phía Đông Bắc, có tuyến đường chiến lược 13B chạy từ trung tâm phủ Lạng Thương lên Cầu Lồ (Lục Nam) và Chũ (Lục Ngạn), An Châu (Sơn Động); là trọng điểm chính quyền thực dân Pháp thực thi nhiều biện pháp cai trị nhưng cũng thuận lợi cho hoạt động bí mật của cán bộ Việt Minh. Thời điểm này, phong trào cách mạng trên địa bàn Dĩnh Kế từng bước phát triển. Từ cuối năm 1938, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ đã lập ra Chi bộ phủ Lạng Thương để lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng trong toàn tỉnh.

Như chợt nhớ điều gì, đang trong câu chuyện, bà Phin đột nhiên dừng lại, rồi nói: “Dù bị giặc Pháp kìm kẹp như vậy song người dân nơi đây không sợ hiểm nguy, tích cực tham gia làm giao liên đưa thư, rải truyền đơn, nuôi giấu cán bộ Việt Minh”. Theo lịch sử Đảng bộ phường Dĩnh Kế, đầu năm 1941, sau khi được giác ngộ cách mạng, cụ Nguyễn Thị Trà, người trại Nguột mở cửa hàng tạp hóa ở phố Kế để tiện hoạt động cách mạng. Cụ Trà được giao nhiệm vụ đưa đón cán bộ liên lạc, chuyển thư, tài liệu, sách báo bí mật đến cơ sở đảng ở xã Hương Gián (Yên Dũng), thị trấn Bố Hạ (Yên Thế)… Từ đây, nhiều người dân trại Nguột cũng được giác ngộ cách mạng, như các cụ Kim, Ấm, Khiêm, Đối, Sảnh, Phẩm, Ngần, Thái, Huống, Thuần, Thăng, Tuân, Nghiêm. Khi đó, trại Nguột được coi là “xóm đỏ” của tổng Dĩnh Kế. Hầu hết các gia đình ở đây đều là cơ sở cách mạng và đoàn thể cứu quốc.

{keywords}

Một góc tổ dân phố Giáp Nguột ngày nay.

Dạo bước trên con đường bê tông phẳng phiu, sạch đẹp chạy chính giữa tổ dân phố Giáp Nguột ngày nay, chúng tôi đến thăm cụ Nguyễn Thị Ấm, cán bộ lão thành cách mạng - nhân chứng sống còn sót lại của “xóm đỏ” một thời. Ngôi nhà dáng biệt thự ẩn mình dưới những tán cây rợp bóng mát, tạo không gian thanh bình, gần gũi. Cụ Ấm năm nay đã ở tuổi 93. Mặc dù tuổi cao, lúc nhớ, lúc quên, song khi nhắc đến thời kỳ hoạt động cách mạng, cụ lại rất hào hứng. Cụ hồi tưởng: “Rạng sáng ngày 19/8/1945, khi đó tôi đang ngồi bán rau ở chợ Kế, thực chất là trà trộn để nắm bắt tình hình thì thấy dòng người chạy rầm rập ngoài đường hát vang bài “Diệt phát xít”, “Tiến quân ca”, hàng nghìn người từ Dĩnh Kế và các vùng lân cận kéo về khu vực chợ Thương, tôi vội gửi gánh rau, vớ lấy cây gậy hòa vào đoàn người. Cùng thời điểm này, các đội tự vệ ở khắp nơi kết hợp với lực lượng quần chúng giành chính quyền ở phủ Lạng Thương”.

Cụ Ấm tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Năm 17 tuổi, cụ được kết nạp vào Đảng, chuyên làm nhiệm vụ liên lạc, rải truyền đơn cho Cách mạng. Sau đó, cụ tiếp tục tham gia công tác xã hội, làm Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Bắc. Năm 1988, cụ nghỉ hưu song vẫn tiếp tục tham gia công tác ở địa phương với vai trò tổ trưởng tổ hòa giải.

{keywords}

Tổ dân phố Giáp Nguột. Ảnh: Việt Hưng

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giành chính quyền về tay nhân dân, đã có sự đóng góp không nhỏ của người dân thôn Nguột năm xưa. 12 gia đình và cá nhân trong thôn đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng “Có công với nước”, 5 cán bộ lão thành cách mạng. Đặc biệt, do có thành tích nêu cao tinh thần yêu nước, tích cực đấu tranh chống đế quốc, bảo vệ cách mạng, góp phần xứng đáng vào Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nên ngày 10/1/1971, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định tặng Bằng “Có công với nước” cho nhân dân thôn Nguột.

Năng động làm giàu

Hòa bình lập lại, vẫn những con người kiên trung, sớm giác ngộ cách mạng ấy lại tích cực, năng động phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới trên quê mình.

Trong những ngày này, trên cách đồng màu mỡ rộng chừng 7 - 8 mẫu nằm sau tổ dân phố Giáp Nguột luôn nhộn nhịp cảnh người dân chăm sóc, thu hoạch rau giống các loại như su hào, bắp cải, xà lách, xúp lơ, cải bao… Bà Nguyễn Thị Cận, năm nay đã hơn 70 tuổi nhưng vẫn tích cực ra đồng chăm sóc rau giống. Bà Cận cho biết, năm 1973, khi lấy chồng về thôn Nguột, bà đã thấy bố chồng đạp xe xuống Hà Nội mua hạt giống rau su hào, bắp cải của Nhật về gieo, tạo ra “cuộc cách mạng” về rau giống mới cho cả vùng. Nhờ giống tốt, thu nhập cao nên nhiều hộ ở đây đã học tập làm theo, hình thành thương hiệu “làng rau giống” thôn Nguột.

Tổ dân phố Giáp Nguột hiện có 61 hộ, gần 300 nhân khẩu. Hơn 5 năm nay, tổ dân phố không có hộ nghèo hoặc cận nghèo; 100% gia đình xây được nhà tầng kiên cố. Riêng năm 2021, gần 50% số gia đình được công nhận danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. 5 năm liền đạt danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh.

Cũng như bà Cận hay nhiều hộ trong tổ dân phố, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thành còn thuê thêm ruộng ở một số xã, phường lân cận để làm rau giống. Hiện, gia đình anh Thành đang làm 8 sào con rau giống các loại. Khi chúng tôi đến thăm khu ruộng của gia đình, đúng lúc vợ chồng anh Thành đang tập trung nhổ và thu mua gần 4 vạn cây rau giống để bán buôn cho những đại lý ở TP Lạng Sơn. Vừa nhanh tay nhổ con rau giống, anh Thành nói: “Nếu biết cách làm rau giống, giữ được uy tín thì có thể làm giàu được từ nghề này”.

Trước đây, anh Thành từng bươn chải khắp nơi, từ Lạng Sơn đến Cao Bằng, Bắc Ninh để mở cửa hàng đóng giày da. Từ khi lấy vợ năm 1997, anh chuyển sang chuyên làm rau giống, theo nghề truyền thống của gia đình. “Mấy năm gần đây, giao dịch mua bán rau giống chủ yếu thông qua điện thoại rồi đưa hàng lên xe ô tô tải chuyển đến tận nơi, thuận tiện lắm. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu được từ nghề này khoảng 700 - 800 triệu đồng, trừ chi phí lãi 400 - 500 triệu đồng”, anh Thành chia sẻ.

Tổ dân phố Giáp Nguột hiện có 61 hộ, gần 300 khẩu, đa số các hộ vẫn giữ được nghề làm rau giống với tổng diện tích 3-4 ha, cho thu nhập gần chục tỷ đồng mỗi năm. Theo nhiều người già của tổ dân phố, nghề làm rau giống ở đây đã có 50-60 năm. Từ nghề này mà đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Hơn 5 năm nay, tổ dân phố không có hộ nghèo hoặc cận nghèo; 100% gia đình xây được nhà tầng kiên cố. Riêng năm 2021, gần 50% số gia đình được công nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Thôn 5 năm liền đạt danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh.

Chia tay tổ dân phố Giáp Nguột khi mặt trời đang khuất bóng, xe bon bon trên con đường dẫn từ tổ dân phố nối với cao tốc Hà Nội - Bắc Giang vừa mới trải nhựa áp phan, trong tôi vẫn văng vẳng câu nói của bà Phin: Người dân Giáp Nguột vẫn luôn kiên trung một lòng tin theo Đảng, đoàn kết, chịu khó, năng động làm kinh tế, xứng đáng với tên “xóm đỏ” kiêu hãnh năm xưa.

Bài, ảnh: Đỗ Thành Nam
Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới
Sáng 9/12, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo hình thức trực tuyến. Báo Bắc Giang trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị này.
Cách mạng Tháng Mười - Cuộc cách mạng của lòng dân
Cách mạng Tháng Mười đã diễn ra cách đây hơn 100 năm nhưng tầm ảnh hưởng của nó vượt mọi không gian, thời gian, dẫn dắt các quốc gia trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Mười - cuộc cách mạng của lòng dân, là động lực và hình mẫu cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...