Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 29 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hiệp Hòa, một sớm mai

Cập nhật: 10:49 ngày 23/02/2022
(BGĐT) - Tôi sinh ra, lớn lên ở miền Trung, giữa thập niên 80 của thế kỷ trước mới ra Hà Nội tu nghiệp và lập nghiệp, nhưng trong tôi đã có Hiệp Hòa của tỉnh Bắc Giang từ thủa đội mũ rơm đi học trường làng.

Ấy là hồi làng tôi có một đơn vị thanh niên xung phong đến đóng quân để bảo vệ đoạn đường sắt từ ga Ngọc Lâm đến hang Minh Cầm, thuộc huyện Tuyên Hóa của tỉnh Quảng Bình. Đơn vị này chủ yếu người Hà Bắc, nghe nói phần lớn quê ở huyện Hiệp Hòa. Đêm, cả đơn vị đi san lấp hố bom, sửa đường tàu; ban ngày học văn hóa, tập văn nghệ. Các cô, các chú Hiệp Hòa hát hay lắm, nhất là hát quan họ. Dân làng tôi vốn chỉ nghe quan họ trên đài, nay được thấy người thật lúng liếng lới lơ… thì thích lắm. Dân làng tôi hiện còn có người ru con, ru cháu bằng quan họ là vì thế…

{keywords}

Một góc Khu công nghiệp Hoà Phú (Hiệp Hòa).

Cùng thời gian trên, làng tôi là trạm dừng chân của các đơn vị bộ đội hành quân “đi Bê”. Thường là bộ đội đến làng vừa lúc trời sáng, tản vào các nhà dân ăn nghỉ, đợi đến tối lại lên đường. Nhưng cũng có đơn vị nghỉ lại vài hôm và lũ lau nhau chúng tôi rất khoái vì được làm quen với các chú bộ đội. Nhiều chú là sinh viên các trường đại học sơ tán ở Hiệp Hòa. Nhiều chú vừa kết thúc ba tháng huấn luyện tân binh ở Hiệp Hòa. Và có nhiều chú quê ở Hiệp Hòa nữa. 

Hiệp Hòa ở đâu ư? Đó là một huyện trung du ngoài Bắc, cũng có những quả đồi núi lúp xúp như quê các cháu đây nhưng không có gió Lào; cũng có sông Cầu trong xanh nhưng không có những thác ghềnh hung dữ như sông Gianh. Chỉ trẻ con Hiệp Hòa với trẻ con làng ta là giống nhau, rất chăm ngoan, dễ thương… Chúng tôi nghe thế thì thích lắm! Và yêu Hiệp Hòa từ đấy…

Lớn lên, nghề nghiệp giúp tôi nhiều lần được đến Hiệp Hòa, càng hiểu thêm về mảnh đất có truyền thống lịch sử văn hóa, khoa bảng và cách mạng. Bên cạnh truyền thống hiếu học, Hiệp Hòa là một trong những cái nôi văn hóa của người Việt cổ; khu vực 16 xã phía Tây Bắc của huyện đã được Nhà nước công nhận là An toàn khu II của T.Ư Đảng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống thực dân Pháp. Trên mảnh đất này còn lưu giữ biết bao di tích gắn liền với lịch sử cách mạng. Chỉ riêng xã Hoàng Vân đã có 7 di tích lịch sử quốc gia. 

Nơi đây có đình Lạc Yên và đình Vân Xuyên từng diễn ra các cuộc mít tinh lớn, tập trung lực lượng quần chúng đấu tranh chính trị và vũ trang trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đền Soi từng được T.Ư Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ chọn làm địa điểm mở các lớp huấn luyện ngắn ngày trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Ba ngôi nhà gỗ của các cụ Ngô Văn Đông, Ngô Văn Thấu và Nguyễn Văn Chế là những “địa chỉ đỏ” của Đảng ta thời kỳ hoạt động bí mật. Trong đó, nhà cụ Ngô Văn Đông là nơi tổ chức Hội nghị quân sự Bắc Kỳ lần thứ nhất, tháng 4/1945…

Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Hiệp Hòa là điểm sáng năng động phát triển của tỉnh. Tiếp giáp với ba trung tâm công nghiệp lớn là Thái Nguyên, Bắc Ninh và Hà Nội, tỉnh và huyện Hiệp Hòa đã quan tâm đầu tư hệ thống giao thông kết nối huyện nhà với các tuyến cao tốc quốc gia; đồng thời có nhiều chính sách thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp mới được thành lập với tổng diện tích hơn 340 ha, đang được “lấp đầy” bởi các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, thu hút hàng nghìn lao động. 

Điều đặc biệt là trong khi tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ, thương mại…, Hiệp Hòa vẫn hết sức coi trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao; bảo đảm sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững, an toàn và bảo vệ môi trường. Đây cũng là “đặc sản” của mô hình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở đây.

Điều đặc biệt là trong khi tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ, thương mại…, Hiệp Hòa vẫn hết sức coi trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao; bảo đảm sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững, an toàn và bảo vệ môi trường. Đây cũng là “đặc sản” của mô hình xây dựng nông thôn mới ở đây.

Tôi có hai người bạn lính ở Hiệp Hòa, thỉnh thoảng gặp nhau, thậm chí điện thoại hỏi thăm nhau cũng say sưa kể chuyện xây dựng NTM ở quê nhà. Người thứ nhất là Đại úy Nghiêm Xuân Thép, cựu “lính xế” ở thượng Lào thời chống Mỹ, sau ngày phục viên về quê làm ruộng ở xã Đoan Bái. Tôi quen anh trong chuyến “về lại chiến trường xưa” đầu năm 2019 của đoàn cựu chiến binh theo lời mời của Tập đoàn Vinamilk, nhân dịp khai trương một dự án bò sữa ở Xiêng Khoảng. Nghe tôi kể đã lên Hiệp Hòa nhiều lần, anh khoe ngay: “Đoan Bái là xã đầu tiên của Hiệp Hòa hoàn thành 19 chỉ tiêu xây dựng NTM từ năm 2014 nhé!”.

Suốt cuộc hành trình, hễ có dịp là anh lại khoe về việc trong 5 xã được huyện chọn làm “điểm” xây dựng NTM thì Đoan Bái của anh có nhiều sáng tạo nhất. Ví như chuyện tuyên truyền vận động để 18 hộ dân ở thôn Bái Thượng tự nguyện tháo dỡ công trình, cây cối để hiến tặng hàng trăm mét vuông đất mở rộng đường liên thôn. Ví như chuyện con em trong xã đi làm ăn xa gửi về góp gần 20 tỷ đồng để kiên cố kênh mương và xây dựng các công trình văn hóa… Cuối tháng 10/2021, anh alô rối rít khoe: Xã vừa hoàn thành “con đường bích họa” với 6 bức tranh chủ đề về quê hương, đất nước, nếp sống văn hóa… trên tuyến đường quanh nhà văn hóa thôn Tân Sơn. Đẹp lắm! Nhà văn cố gắng thu xếp lên tham quan nhé!

Người bạn thứ hai là Đại tá Nguyễn Hoàng Sáu, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Tôi thân quen anh từ những năm 90 của thế kỷ trước, hồi anh còn là nhân viên Nhà văn hóa Sư đoàn 3, rồi lên làm phóng viên báo Quân khu 1 trước khi về Hà Nội làm sách. Bấy nhiêu năm biết anh là trai Hiệp Hòa chính gốc, mãi cách nay mấy năm lên công tác ở Hiệp Hòa trở về, nghe tôi trầm trồ kể về mô hình Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Tâm 3 ở xã Thường Thắng, Nguyễn Hoàng Sáu mới hào hứng khoe rằng đó là xã nhà anh đấy! 

Từ một Tổ hợp tác sản xuất rau quả sạch với hơn chục hộ góp vốn, góp đất làm ăn theo phương thức mới, chỉ sau vài năm Tổ hợp tác của cựu chiến binh Nguyễn Văn Nghiệp đã nâng cấp thành Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Tâm 3 với 52 hộ. Gạo ngon, rau sạch của hợp tác xã có bao bì quy chuẩn, có tem truy xuất nguồn gốc, không chỉ có mặt tại nhiều siêu thị ở Bắc Giang, Hà Nội, Sài Gòn… mà còn xuất khẩu. Hợp tác xã đang hợp đồng với một doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất 9 loại rau cao cấp trong nhà màng. Đúng là nông dân thời 4.0…

Điều thú vị là không chỉ sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số mà ngay nghề thủ công truyền thống thô sơ nhất là đan giàng phơi bánh đa ở Thường Thắng cũng cơ khí hóa và tự động hóa nhiều khâu như vót nan, chẻ nứa, lột cật… Hiện chỉ thôn Hiệp Đồng đã có hơn 70 hộ chuyên nghề đan giàng, nhiều hộ thuê hàng chục lao động. Tại thôn Hiệp Đồng còn có ba xưởng may xuất khẩu và hàng chục cơ sở chế biến gỗ thu hút hàng trăm lao động… 

Ngoài ra trong xã còn nhiều trang trại, nhiều hợp tác xã ngành nghề như mô hình Đồng Tâm 3. Kinh tế phát triển, Thường Thắng có điều kiện huy động nội lực từ cộng đồng để xây dựng NTM. 5 năm gần đây, dân trong xã đóng góp gần 40 tỷ đồng, chiếm hơn 65% tổng nguồn vốn xây dựng để xã đạt chuẩn NTM. Nguyễn Hoàng Sáu nói với tôi: Bác cứ tìm hiểu kỹ xây dựng NTM ở Thường Thắng là đủ hình dung kết quả của Hiệp Hòa. Hôm nào huyện đón nhận quyết định công nhận đạt chuẩn NTM, mời bác lại lên Hiệp Hòa chia vui với bà con nhé!

Tôi nghĩ đến một người quen nữa ở Hiệp Hòa là thạc sĩ nông nghiệp Hoàng Thị Phương, nhân vật của tôi trong một bài báo cách đây hơn 3 năm. Hồi đó, Phương là Chủ tịch Hội Nông dân cấp huyện thế hệ “8x”, trẻ nhất tỉnh. Sức thanh xuân cùng nhiệt tình tuổi trẻ và kiến thức khoa học của cô đã góp phần khởi sắc phong trào nông dân huyện Hiệp Hòa, với nhiều hoạt động bề nổi và chiều sâu khá ấn tượng, nhiều lần được tỉnh và T.Ư Hội Nông dân Việt Nam khen thưởng. 

Trước đó, khi còn là Trạm phó Trạm Khuyến nông huyện, Phương đã nổi tiếng với “giai thoại” thuê đất vụ đông trồng khoai lang sạch bán cho doanh nghiệp nước ngoài mà mua được ô tô. Cô cũng là tác giả của mô hình trồng hoa Lilium trên đất Hiệp Hòa, mở ra hướng làm giàu cho nhiều nông dân ở thị trấn Thắng và các xã: Hoàng Vân, Xuân Cẩm, Đoan Bái... Hiện nay, hoa Lilium Hiệp Hòa đã có mặt ở thị trường Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Còn cô Chủ tịch Hội Nông dân trong bài báo của tôi ngày ấy, nay là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hiệp Hòa…

Tôi gọi điện thoại cho Hoàng Thị Phương. Nghe tôi nói rằng chuẩn bị lên Hiệp Hòa tham quan NTM nhưng còn băn khoăn bởi dịch Covid-19, Phương giải tỏa ngay: Hiệp Hòa bình thường mới lâu rồi. Tình hình vẫn đang được kiểm soát tốt. Còn NTM hiện tại thì chắc chắn là hơn NTM cái hồi bác lên đây công tác. Qua hơn 10 năm xây dựng, diện mạo nông thôn ở Hiệp Hòa đã thay đổi rõ rệt, kinh tế phát triển khá, hình thành các liên kết sản xuất và tiêu thụ gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; kết cấu hạ tầng khang trang, nhất là hạ tầng giao thông đã từng bước đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. 

Đồng thời, các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục… đều phát triển toàn diện, quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện tốt; an ninh, quốc phòng được tăng cường; hệ thống chính trị được củng cố... Theo đó, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, các giá trị văn hóa truyền thống tiếp tục được khôi phục và phát huy.

Và đúng lời hẹn, vào một sớm mai giữa tiết xuân, tôi đã đến, trải nghiệm và ghi lại những đổi thay của vùng đất ATK anh hùng trong kháng chiến và năng động trong dựng xây cuộc sống no ấm hôm nay.

Bút ký của Mai Nam Thắng
Hiệp Hòa: Ưu tiên nguồn lực đầu tư mạng lưới giao thông kết nối
(BGĐT) - Ở vị trí cửa ngõ phía Tây của tỉnh, tiếp giáp với tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP Hà Nội, thời gian qua, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo sự kết nối, mở hướng phát triển KT - XH bền vững cho địa phương.
Phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị mới ở Hiệp Hòa
(BGĐT) - UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị (KĐT) mới đường vành đai thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa (tỷ lệ 1/500).
Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận huyện Hiệp Hòa đạt chuẩn nông thôn mới
(BGĐT) - Ngày 10/1/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 39/QĐ-TTg công nhận huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Hiệp Hòa rèn luyện cán bộ qua thực tiễn ở cơ sở
(BGĐT) - Luân chuyển, điều động là nội dung quan trọng trong công tác cán bộ. Thời gian qua, Đảng bộ huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) rất chú trọng đến công tác này khi tăng cường đưa cán bộ huyện về giữ các vị trí chủ chốt ở xã, thị trấn. Thông qua đó đã bổ sung nguồn lực chất lượng cho cơ sở, đồng thời rèn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...