Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

“Biệt đội săn diều”

Cập nhật: 08:48 ngày 23/10/2022
(BGĐT)- Nếu không được xem các bản kế hoạch công tác tuyên truyền, tuần tra tháo hạ diều hằng tuần và tham gia cùng cán bộ, công nhân Điện lực Tân Yên, tôi cứ nghĩ nghề này chỉ vất vả nhất là kéo dây, leo cột, sửa chữa, lắp đặt đường điện,... Ai ngờ, họ còn gặp nhiều trở ngại, thậm chí bị đe dọa, thương tích khi tham gia đội xung kích tuần tra tháo hạ diều mà anh em ở đây gọi vui là “Biệt đội săn diều”.  

Sợ trời quang, gió lớn

Tiết trời tháng 10 đã chuyển sang thu nhưng nắng vẫn gay gắt, táp vào da thịt. Nắng nóng là thế nhưng đội tuần tra tháo hạ diều của Điện lực Tân Yên gồm các anh: Bùi Văn Chi (cán bộ phụ trách an toàn làm đội trưởng), Ngô Văn Toàn, Nguyễn Cảnh Cương, Giáp Minh Thành và Phạm Văn Mạnh vẫn nai nịt bảo hộ gọn gàng lên đường làm nhiệm vụ. Thấy tôi ái ngại, anh Chi khích lệ:

- Thời tiết thế này chưa thấm gì anh ạ. Ngày hè nắng như đổ lửa, mùa đông, đêm mưa, giá rét căm căm chúng em vẫn đi tuần theo kế hoạch và xử lý vụ việc khi có sự cố xảy ra.

{keywords}

Cán bộ Điện lực Tân Yên thu diều trên cánh đồng thôn Yên Trong, xã Cao Xá.

Anh giục tôi ngồi lên sau xe máy để kịp bám theo đội tuần tra đi về hướng cánh đồng xã Cao Xá. Trên đường đi, các thành viên trong nhóm liên tục quan sát và nghe ngóng tiếng sáo diều vọng từ không trung, mặc cho nắng chói, bụi đường hắt vào da mặt đen sạm.

Trên cánh đồng, những thửa ruộng mới gặt còn trơ gốc dạ, bà con để đất nghỉ trước khi trồng cây vụ đông. Theo anh Chi, đây chính là thời điểm người dân hay thả diều, vì thế Điện lực Tân Yên bổ sung lực lượng và tăng thời gian tuần tra. Quả nhiên, khi đến thôn Yên Trong, xã Cao Xá đã thấy người dân mang diều để sẵn trên cánh đồng, chờ gió lớn. 

Trong khi đó, khu vực này vừa có đường điện 110 kV từ Hiệp Hòa sang Tân Yên đi Yên Thế, lại có các đường điện trung áp đan xen. Nếu diều được thả từ khu vực này rất dễ gây sự cố chập điện. Bởi vậy, dù diều chưa thả nhưng anh Chi và thành viên trong đội vẫn vận động người dân mang diều về. Đồng thời yêu cầu họ chấp hành quy định cấm thả diều mà Chủ tịch UBND huyện Tân Yên đã có văn bản chỉ đạo.

Sau khi tuần tra qua các xã Cao Xá, Ngọc Châu, Ngọc Thiện,... đội dừng chân uống nước tại quán ven đường thuộc thôn Quất Du 1, xã Phúc Hòa. Lúc này anh Ngô Văn Toàn mới cất tiếng.

- Chúng tôi sợ nhất những hôm trời quang, gió lớn. Bởi gặp thời tiết này, người dân đua nhau thả diều. Nhiều con diều có sải cánh rộng 3-4 m, khung làm bằng các - bon, khiến nguy cơ gây sự cố trên các đường dây cao thế luôn rình rập. Việc thu, hạ diều không phải dễ vì mỗi chiếc diều trị giá từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng nên các chủ diều thường chống đối, to tiếng, thậm chí xảy ra xô xát.

Anh Toàn kể, khoảng 16 giờ 30 phút ngày 20/7/2021, anh cùng 5 thành viên trong tổ (trong đó có 2 cán bộ công an xã) đi tuyên truyền thu hạ diều trên địa bàn xã Ngọc Châu, khi đến khu vực thôn Tân Trung 1, phát hiện một nhóm đang thả diều. Thấy bóng tổ kiểm tra, có người đã tự cắt dây để diều bay đi. Đây là hành động nguy hiểm bởi diều có thể cuốn vào dây điện cao thế. 

Vì vậy, anh Toàn phải đuổi theo để thu diều lại. Sau đó, anh bị 2 người đàn ông (xưng là chủ diều) chửi bới, đánh đập. Lợi dụng lúc anh bị ngã, hai người này xông vào cướp lại diều. Hậu quả của vụ việc, anh Toàn bị dây diều cuốn vào tay làm gãy và đứt gân ngón út. Dù kịp thời chữa chạy nhưng ngón tay vẫn bị dị tật, không thể duỗi thẳng. “Được Công an xã Ngọc Châu hòa giải nên tôi đã không khởi kiện”, anh Toàn nói.

Hay như vụ việc xảy ra hồi 17 giờ, ngày 15/10/2021, khi đội tuần tra hạ diều đến khu vực xã Cao Xá, phát hiện tiếng sáo diều. Sau khi quan sát thấy cọc diều được buộc tại sân nhà một hộ dân ở thôn Ngọc Yên. Tổ tuần tra tiến vào đề nghị chủ nhà hạ diều. Tuy nhiên, người này đã cự cãi và vác dao dọa các thành viên tổ tuần tra. Rất may, hôm đó có lực lượng Công an xã Cao Xá cùng đi tuần nên đã kịp thời can thiệp, thu diều mang về trụ sở UBND xã xử lý...

Nghe câu chuyện của chúng tôi, ông Hùng (chủ quán nước) nói chen vào:

- Nhắc đến diều lại thấy chán. Nhiều người khu này còn thả diều cả ngày đêm. Chẳng rõ vui thú ở đâu, chỉ thấy tiếng sáo âm u đau hết đầu, trẻ em trong xóm không sao tập trung học bài. Xã tuyên truyền, nhắc nhở nhiều lần xong đâu lại đóng đấy.

Khi thú chơi thành nỗi ám ảnh

Những năm qua, sản xuất công nghiệp tại huyện Tân Yên phát triển mạnh. Nhu cầu tiêu thụ điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt cũng tăng theo. Chính vì vậy, hạ tầng lưới điện được quan tâm xây dựng, bảo đảm sản xuất ổn định. Chỉ tính riêng các đường điện cao thế tại Tân Yên đã lên tới hơn 1,28 nghìn km và 445 trạm biến áp phân phối điện. 

{keywords}

Nhân viên Điện lực Tân Yên dùng loa lưu động tuyên truyền về cấm thả diều tại thôn Giếng, xã Song Vân.

Năm 2021, Điện lực Bắc Giang đã xây dựng và đưa vào vận hành 1 trạm phân phối điện 110 kV trên địa bàn Tân Yên. Vài năm gần đây, đặc biệt là từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người dân chơi diều như một thú vui giết thời gian.

Năm 2021, Tân Yên đã ghi nhận 74 vụ sự cố đường dây cao thế do diều gây ra, tổng thời gian mất điện 1.341 phút. Để hạn chế các sự cố, tháng 5/2021, Điện lực Tân Yên đã thành lập các đội xung kích tuần tra tháo hạ diều. Mỗi đội, nhóm có từ 3-5 thành viên, tuần tra luân phiên theo địa bàn đã định. 

{keywords}

Thả diều là trò chơi dân gian, trông có vẻ thanh bình là thế song nó đang là nỗi ám ảnh của ngành điện. Chủ tịch UBND huyện Tân Yên đã có văn bản cấm thả diều trên địa bàn toàn huyện nhưng có lẽ chỉ khi nào không còn người sản xuất diều, chơi diều thì lưới điện mới được an toàn và “Biệt đội săn diều” sẽ vơi nỗi nhọc nhằn”.

Anh Bùi Văn Chi, cán bộ phụ trách an toàn Điện lực Tân Yên.

Mỗi ngày có ít nhất 2 nhóm tuần tra hoặc nhiều hơn, tùy theo tình hình thời tiết có gió hay không. Khi phát hiện trường hợp thả diều, thành viên trong đội sẽ báo về Điện lực Tân Yên, bộ phận trực sẽ thông báo đến Công an xã - nơi có người dân thả diều để phối hợp xử lý. Ngoài ra, các tổ, nhóm còn dùng loa lưu động (hoặc phối hợp với UBND các xã) tới các địa bàn thường xuyên có người thả diều để tuyên truyền, vận động, yêu cầu tháo hạ diều. 

Cuối mỗi tháng, Điện lực huyện xây dựng kế hoạch chi tiết việc tuyên truyền, tuần tra tháo hạ diều cho tháng sau. Từ khi các “Biệt đội săn diều” đi vào hoạt động, sự cố do diều gây ra có chiều hướng giảm. Từ đầu năm đến giữa tháng 10/2022, toàn huyện có 43 vụ vi phạm, tổng thời gian mất điện 720 phút. Các địa phương có số vụ vi phạm nhiều là: Cao Xá, An Dương, Ngọc Thiện.

Dù vậy, nguy cơ xảy ra sự cố, đe dọa an toàn hành lang lưới điện cao thế do diều tại Tân Yên vẫn hiện hữu, bởi trên địa bàn hiện có cả trăm hộ sản xuất diều. Tại xã Song Vân còn thành lập câu lạc bộ diều sáo, hoạt động hơn chục năm qua.

Để tận mắt chứng kiến việc sản xuất diều, anh Chi đưa tôi đến hộ ông Giáp Đăng Mão, thôn Bùi, xã Song Vân - thành viên Câu lạc bộ Diều sáo Song Vân. Nhà ông có đủ các loại diều và sáo. Có chiếc rộng gần 3m, dài 7m. Ông Mão cho biết, bình quân mỗi tháng sản xuất 25 chiếc diều theo đơn đặt hàng, thu lãi khoảng 12 triệu đồng. 

Theo ông Mão, chỉ tính trên địa bàn xã Song Vân đã có hàng chục người làm diều. Nhìn những chiếc diều “khủng”, tôi rùng mình nghĩ tới lúc nó bổ nhào xuống đất hay cuốn vào dây điện, hậu quả thật khôn lường. Còn nhớ, tháng 7/2020, do dây diều cuốn vào cổ mà một người ở huyện Việt Yên bị vỡ sụn nhẫn giáp, đứt hoàn toàn khí quản. 

Ngày 4/1/2022, anh Đ.M.H, thôn Đồng Gia, xã Tân Hiệp (Yên Thế) trong lúc gỡ diều vướng vào đường dây điện cao thế đã bị điện phóng, rơi xuống đất tử vong... Các vụ tai nạn, sự cố do diều gây ra khó thống kê hết, vậy mà nhiều người vẫn đắm đuối với thú chơi này mà không màng tới hậu quả.

Bài, ảnh: Thế Đại

Hiệp Hòa: Thả diều gây mất điện, ảnh hưởng tới hơn 2.000 hộ dân
(BGĐT) - Tối 29/1, tại xã Hoàng Thanh (Hiệp Hòa), một chiếc diều quấn vào đường dây 3 pha khiến hơn 2.000 hộ dân bị mất điện. 
Bắc Giang: Thả diều bị điện phóng tử vong
(BGĐT) - Một người dân ở xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế (Bắc Giang) trong lúc gỡ diều vướng vào đường dây điện cao thế đã bị điện phóng, rơi xuống đất tử vong.
Hiệp Hòa: Một ngày thu giữ, tiêu hủy 51 chiếc diều vi phạm hành lang lưới điện
(BGĐT)- Sau một thời gian yên ắng, gần đây, trên địa bàn huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) tái diễn tình trạng người dân thả diều vi phạm hành lang lưới điện.
Quyết liệt xử lý tình trạng thả diều gần đường dây điện cao áp
(BGĐT) - Sau hơn 3 tháng cao điểm ra quân thực hiện Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 29/4/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ hành lang lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh, số vụ sự cố lưới điện cao áp do thả diều trên địa bàn huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) giảm đáng kể.
Hiệp Hòa: Phát hiện, thu giữ hơn 100 chiếc diều
(BGĐT) – Liên tục những ngày gần đây, Điện lực Hiệp Hòa (Bắc Giang) phối hợp với các xã, thị trấn và lực lượng công an phát hiện, thu giữ, tiêu hủy 116 chiếc diều, ngăn ngừa tình trạng thả diều vi phạm hành lang an toàn lưới điện.
Tân Yên: Thu giữ, tiêu hủy 25 chiếc diều do ảnh hưởng đến lưới điện
(BGĐT) - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Tân Yên đã xảy ra 26 sự cố lưới điện do người dân diều bị mắc vào đường dây điện. 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...