Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Trung tướng, Anh hùng, phi công Phạm Tuân: “Quê hương, đất nước chắp cánh tôi bay”

Cập nhật: 09:03 ngày 10/12/2022
(BGĐT) - Phi công Phạm Tuân - người Việt Nam được thế giới biết đến với lòng kính trọng và sự ngưỡng mộ khi lập nên những kỷ lục: Người đầu tiên bắn hạ máy bay B52 từ trên không và trở về an toàn; người châu Á đầu tiên bay lên vũ trụ; ba lần được tặng danh hiệu Anh hùng. 

Đối với Trung tướng Phạm Tuân, dù bay trên bầu trời Việt Nam hay trong vũ trụ bao la, dù trong thời chiến hay thời bình thì mỗi lần ngồi trên khoang lái, động lực để ông lập công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính là quê hương, đất nước Việt Nam mến yêu.

Ký ức phi công thời trẻ

Tròn 50 năm sau trận chiến 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", chúng tôi tìm đến nhà riêng của Trung tướng, Anh hùng, phi công Phạm Tuân ở phố Cù Chính Lan, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Trong căn phòng đầy ắp những kỷ vật, ở tuổi 75, ông vẫn nhớ như in về thời tuổi trẻ, về cuộc chiến 12 ngày đêm, về những chuyến bay và bầu trời…

{keywords}

Trung tướng Phạm Tuân.

Anh hùng Phạm Tuân sinh năm 1947 tại tỉnh Thái Bình. Tốt nghiệp phổ thông, ông cũng như bao thanh niên thời chiến tình nguyện lên đường nhập ngũ. Ước mơ được làm phi công, ông từng đi khám tuyển nhưng không trúng vì mắt kém lại loạn nhịp tim. Không đủ tiêu chuẩn nên ông đành “ngậm ngùi” đi học thợ máy, sửa chữa máy bay. Tuy nhiên, khát khao với bầu trời vẫn chưa bao giờ tắt. “Mỗi khi nhìn thấy phi công với bộ trang phục rất nhiều túi, khi ấy tôi ngưỡng mộ họ ghê gớm lắm. Tôi thầm ước giá như chỉ được ngồi trên máy bay một lần thôi cũng được. Sau đó, vì nhiều lý do nên cơ hội học phi công đã đến với các thợ máy và tôi được chọn, được học trên đất nước Liên Xô” - Trung tướng Phạm Tuân kể.

Năm 1968, ông về nước chiến đấu, biên chế vào Trung đoàn không quân 923 Yên Thế đóng quân ở sân bay Kép (Lạng Giang). Giữa năm 1972, ông là một trong 12 phi công được chọn để đào tạo lái tiêm kích bay đêm, chuẩn bị cho việc bắn hạ “pháo đài bay” B52 của Mỹ. Chuyến bay đầu tiên ông xuất kích đúng ngày mở đầu chiến dịch (18/12/1972) và phải đến đêm 27/12, không quân của ta mới bắn rơi được loại máy bay này. 

"Tất cả các loại máy bay khác, không quân đều bắn rơi rồi, chỉ còn B52 thôi, đây là sức nặng đè lên bộ đội không quân, trách nhiệm của phi công rất lớn. Chưa bắn rơi được B52 thì không quân vẫn coi đó là món nợ”- Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ. Đêm 27/12/1972 - phi công Phạm Tuân một mình lái máy bay tiêm kích MIG-21 xuất kích từ sân bay Yên Bái và bắn rơi siêu pháo đài bay B52 của địch. Nhờ có thành tích này, năm 1977, Phạm Tuân là một trong hai phi công Việt Nam được lựa chọn đi học bay vũ trụ tại Học viện Không quân Gagarin (Liên Xô).

{keywords}

Phi công Phạm Tuân cùng nhà du hành vũ trụ Liên Xô Vichtor Gorbatcô. Ảnh tư liệu.

Ngày 23/7/1980, phi công Phạm Tuân cùng nhà du hành vũ trụ Liên Xô Vichtor Gorbatcô thực hiện chuyến bay vào vũ trụ. Phạm Tuân chính là người Việt Nam cũng là người châu Á đầu tiên chinh phục không gian. Những vật phẩm ông mang là nắm đất ở Ba Đình, lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng, ảnh Bác Hồ, ảnh đồng chí Lê Duẩn, Tuyên ngôn Độc lập, Di chúc của Bác... Cờ Tổ quốc Việt Nam được mang lên chính là một thông điệp gửi gắm với bạn bè khắp năm châu rằng, ngọn cờ của Việt Nam đã có trong vũ trụ, tên Việt Nam được in vào bản đồ vũ trụ quốc tế.

“Duyên nợ” với Bắc Giang

Cuộc đời binh nghiệp của phi công Phạm Tuân có nhiều gắn bó “duyên nợ” với mảnh đất Lạng Giang (Bắc Giang) - nơi có sân bay quân sự Kép. Ông nhớ đơn vị đóng trên một quả đồi thuộc xóm Dõm gần sân bay Kép, nhà cửa núp dưới những hàng tre, hàng bạch đàn. Dứa mọc xung quanh sát tận cửa nhà, đến mùa dứa chín thơm lừng, mỗi phi công chỉ được tiêu chuẩn 1 quả mỗi ngày. Nơi đây có một cái giếng đào hình vuông, phi công dùng để tắm giặt. Những lúc thảnh thơi cánh phi công còn rủ nhau đi tắm sông. 

{keywords}

Chiếc máy bay MIG21MF mang số hiệu 5121 do phi công Phạm Tuân điều khiển và bắn rơi một máy bay B52 vào ngày 27/12/1972.

“Sân bay Kép cũng như người dân Bắc Giang để lại trong tôi nhiều ký ức sâu đậm. Cuối năm 1968, tôi từ Liên Xô trở về, biên chế ở Trung đoàn Không quân 923 Yên Thế đóng quân tại Kép. Chuyến bay đầu tiên trong cuộc đời tôi cũng là cất cánh từ sân bay Kép, trên chiếc MIC 17. Các phi công chiến đấu đa số đều cất cánh ở đây; chiến đấu xong lại bay về đây hạ cánh. Lúc này địch tạm dừng bắn phá ở miền Bắc. Tranh thủ thời gian, phi công được bay tự do, chúng tôi luyện tập ác liệt lắm, mỗi ngày bay từ 4-5 chuyến, rợp trời luôn”- ông kể.

Đặc biệt trong cuộc chiến 12 ngày đêm, bộ đội không quân trực chiến chủ yếu ở 3 sân bay (Đa Phúc, Gia Lâm và Kép). Địch biết được Kép là sân bay chính nên đánh phá ác liệt. Ngay đêm đầu tiên 18/12, mặc dù đường băng chính bị hỏng nặng, nhưng các phi công vẫn cất cánh được nhờ đường băng phụ (rộng chừng 15 m, dài gần 2.000 m) do nhân dân hỗ trợ, giúp sức. Trong cuộc chiến đấu này, phi công gắn chặt với những trận đánh cũng đồng thời gắn chặt với tình cảm của đồng bào, đồng chí, nhân dân Bắc Giang. 

“Ngoài bảo đảm hậu cần, lương thực, thực phẩm, cơm ăn thức uống cho bộ đội, còn một nhiệm vụ nữa cực kỳ quan trọng đó sửa chữa đường băng. Máy bay địch đánh hỏng là có nhân dân các xã xung quanh mang gồng mang gánh đến đào đất, san lấp, sửa chữa đường băng rất nhanh chóng. Ngày ấy việc đập phá bê tông hoàn toàn thủ công, bằng búa, bằng tay chứ làm gì đã có khoan đập như bây giờ. Trên bầu trời địch bắn phá, dưới đất dân quân vẫn sửa, “địch đánh ta sửa ta bay”. Chúng tôi - những phi công chiến đấu thấy xúc động vô cùng, sung sướng lắm. Đây thực sự là chiến tranh nhân dân, không chỉ có ở miền Nam mà là ngay trên mảnh đất hòa bình này”.

{keywords}

Anh hùng Phạm Tuân thăm một số địa danh tại Bắc Giang, tháng 11/2022. Ảnh: Thế Đại.

Đất nước thống nhất, Trung tướng Phạm Tuân có nhiều dịp về sân bay Kép thăm đơn vị cũ, lần nào ông cũng vào nơi ở, thăm nhân dân, thăm lại những chỗ từng bị địch cày xới với nhiều kỷ niệm không thể nào quên.

Ba lần được tặng danh hiệu Anh hùng

Sau trận đánh 12 ngày đêm bắn rơi B52, phi công Phạm Tuân được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam (năm 1973). Khi từ vũ trụ trở về, ông được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1980). Cũng năm đó, ông vinh dự trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô kèm theo Huân chương Lê-nin khi mới 33 tuổi. Ông là người Việt Nam duy nhất lập kỷ lục ba lần được tặng danh hiệu Anh hùng.

{keywords}

  Phi công Phạm Tuân (thứ hai từ trái sang) tham gia chuyến bay vào vũ trụ - năm 1980". Ảnh tư liệu. 

Năm 1982, Anh hùng Phạm Tuân hoàn thành khóa học tại trường không quân Gagarin. Sau đó, ông được phân công giữ chức Phó Tư lệnh Chính trị Quân chủng Không quân vào năm 1989. Năm 1999, ông giữ chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và mang quân hàm Trung tướng. Năm 2008, ông nghỉ hưu. 

 Ông xúc động kể: “Thời chiến tranh, cả đất nước phơi phới khí thế ra trận. Ở nhà thì gia đình bạn bè, anh em động viên lên đường. Khi vào bộ đội, đóng quân trong nhà dân, được người dân che chở, bao bọc, nhường hết cả cho mình, từ ăn ở, sinh hoạt đến phục vụ chiến đấu. Đánh B52 cũng vậy, cấp trên gặp, đồng đội gặp, ai ai cũng gửi gắm niềm tin. Đó chính là những động lực thôi thúc tôi bay, chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. 

Nói về vinh dự ba lần được tặng danh hiệu Anh hùng, ông bảo: “Danh hiệu này thuộc về nhân dân, về đồng chí, đồng đội, tôi chỉ là người thực hiện mà thôi!”.

Sau này khi sang Liên Xô đi học rồi bay vào vũ trụ cũng vậy, là người Việt Nam, trước khi bay, ông được gặp nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dặn dò, đại ý là: “Việt Nam chúng ta đã đánh thắng Mỹ, Việt Nam chúng ta đã làm được như thế, giờ các cháu phải làm sao phấn đấu vươn lên, làm sao làm chủ được khoa học kỹ thuật để bay vào vũ trụ”. “Các đồng chí lãnh đạo đặt ra cho mình, quân đội đã tin tưởng mình, người dân Việt Nam, bạn bè, quê hương đã gửi gắm, đặt lòng tin vào mình như thế… Mỗi khi làm việc, mỗi khi học tập, mỗi khi bay là tôi nghĩ ngay đến quê hương, đất nước Việt Nam. Nhờ có tập thể, nhờ có nhân dân, nhờ có đồng chí, đồng đội, tôi đã vượt qua khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ”, ông chia sẻ. Nói về vinh dự ba lần được tặng danh hiệu Anh hùng, ông bảo: “Danh hiệu này thuộc về nhân dân, về đồng chí, đồng đội, tôi chỉ là người thực hiện mà thôi!”.

Thu Phong

Trung tướng - Anh hùng Phạm Tuân thăm một số địa danh tại Bắc Giang
(BGĐT)- Hướng tới kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, chiều 4/11, Trung tướng - Anh hùng Phạm Tuân đã đến thăm, nói chuyện với cán bộ, phóng viên Báo Bắc Giang và một số địa danh trên địa bàn tỉnh.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...