Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Quốc hội / Kỳ họp Quốc hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp bảo đảm an toàn

Cập nhật: 19:52 ngày 10/11/2021
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 10/11, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung về các chính sách thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; kết dư của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp...

Từ điểm cầu TP Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Thị Lệ đặt câu hỏi cho Bộ trưởng về giải pháp để người lao động không bán sổ bảo hiểm xã hội, chính sách thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và tạo động lực cho người lao động?

{keywords}

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. 

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, khái niệm bán sổ bảo hiểm xã hội thực chất là người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội, sau đó rút bảo hiểm xã hội để hưởng chính sách một lần. Vì ngại đi làm thủ tục hoặc vì một số lý do gì đó, người lao động nhượng lại sổ bảo hiểm xã hội cho người khác.

Từ đầu năm 2021 đến nay, có khoảng 870 nghìn người đã rút bảo hiểm xã hội một lần. Nếu so với năm 2020, con số này gia tăng rất nhiều bởi các lý do như đời sống khó khăn…Bộ trưởng đưa ra các giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến việc chăm lo đời sống người lao động, bởi vì đa số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần và bán sổ bảo hiểm xã hội đều rơi vào công nhân lao động, người có hoàn cảnh khó khăn và gặp phải hoàn cảnh éo le. Vì vậy, để giải quyết tận gốc, phải nâng cao đời sống, khi cuộc sống người lao động được bảo đảm, chắc chắn không bao giờ bán sổ bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người lao động hiểu, thấy được sự cần thiết, lợi ích lâu dài của bảo hiểm xã hội. "Chắc chắn phải tổng kết Nghị quyết 93/2015/QH13 về thực hiện Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động. Giải pháp căn cơ là phải sửa Luật Bảo hiểm xã hội", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) đặt câu hỏi về kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, việc đã sử dụng 24.000 tỷ đồng trong tổng số 38.000 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động. Nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, việc hỗ trợ sẽ được thực hiện thế nào và phần kết dư còn lại của Quỹ có an toàn không?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tính hết năm 2020, kết dư từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là 90.600 tỷ đồng. Đây là mức tốt và an toàn cao. Theo Nghị định của Chính phủ, phấn đấu kết dư gấp 2 lần mức chi của năm liền kề và năm 2020 đã chi khoảng 1/4 số kết dư này. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong đó có người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ nhận thấy, nếu để kết dư lớn trong hoàn cảnh này thì không ổn. “Do đó, sau khi đánh giá tác động và tính toán cân nhắc làm sao kết dư bảo đảm an toàn ít nhất trong 5 năm tới, Chính phủ thấy rằng hoàn toàn có căn cứ để đề xuất với cấp có thẩm quyền, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết đồng ý để Chính phủ sử dụng 38.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, trong đó 30.000 tỷ đồng từ kết dư và 8.000 tỷ đồng từ giảm đóng cho người sử dụng lao động để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động”, ông Dung thông tin và cho biết đây cũng là giải pháp tình thế.

Như vậy, sau khi gói hỗ trợ này giải ngân xong, kết dư từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp còn khoảng 56.000 tỷ đồng, bảo đảm gấp 2 lần tổng mức chi trong năm qua, nên có thể an tâm được với mức kết dư này.

Đại biểu Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) nêu báo cáo tổng kết kết dư Quỹ Bảo hiểm xã hội còn gần 1 triệu tỷ đồng, các quỹ ngắn hạn cũng còn nhiều. Bộ trưởng suy nghĩ gì về việc này, sao không chi nhiều hơn cho người dân?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, các quỹ bảo hiểm phát triển tương đối lành mạnh, bảo đảm thực hiện đầy đủ các chính sách theo quy định của bảo hiểm; kết dư tương đối bền vững. Việc này là đáng mừng. "Thời gian qua, chúng ta đã sử dụng một số kết dư và giảm một số quỹ bảo hiểm ngắn hạn cho người lao động, người sử dụng lao động. Cụ thể, giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 1% xuống 0,5% cho người sử dụng lao động, lấy tiền đó hỗ trợ người lao động với số tiền 5.000 tỷ đồng. Chính phủ cũng trích ra 38.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ trực tiếp người lao động và người sử dụng lao động", Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng nêu rõ, tổng quỹ còn xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng, nhưng trong đó có gần 900.000 tỷ đồng là của Quỹ Hưu trí, tử tuất. Đây là quỹ dài hạn, là lương hưu, là cuộc sống của hàng triệu con người và không thể sử dụng với mục đích khác. Các quỹ này phải thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng, đóng ít thì hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều, không thể lấy của người này chi cho người khác.

Bộ trưởng đề nghị sử dụng nguồn lực khác để xây dựng nhà ở cho công nhân. Mặt khác, Quỹ Bảo hiểm xã hội cũng chỉ kết dư hơn 4 lần, chưa bảo đảm bền vững, ổn định, càng không thể đề xuất lấy tiền này chi cho hoạt động khác.

Trong sạch, lành mạnh hóa vấn đề đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế
Khi cả nước đang phải căng mình chống dịch, hàng loạt cán bộ y tế lại vướng vào vòng lao lý; những câu chuyện về lạm dụng xã hội hóa, về trách nhiệm người đứng đầu đã được đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên chất vấn Tư lệnh ngành Y tế sáng 10/11.
Bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Sáng 10/11, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV bắt đầu hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội. Đây là lần đầu tiên các bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ đăng đàn, trả lời chất vấn trước Quốc hội khóa mới. Nội dung quan trọng này được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Theo TTXVN

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...