Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 32 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Quốc phòng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cựu tù Phú Quốc Đinh Văn Muôn: Nhớ mãi thời hoa lửa

Cập nhật: 09:45 ngày 26/07/2019
(BGĐT) - 84 tuổi đời, 63 năm tuổi Đảng, trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, hơn 5 năm chịu cảnh tù đày nhưng nay cựu tù Phú Quốc Đinh Văn Muôn, trú tại thôn Yên Hồng, xã Yên Lư, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) vẫn khỏe mạnh. Ông cảm thấy hạnh phúc khi chia sẻ những câu chuyện về một thời chiến đấu gian khổ mà hào hùng.

Một ngày cuối tháng 7, chúng tôi đến thăm vợ chồng ông Muôn tại căn nhà nhỏ trên lưng chừng đồi. Giọng nói khỏe khoắn, ông kể lại cho chúng tôi nghe về những năm tháng chiến đấu hào hùng. 

{keywords}

Ông Đinh Văn Muôn ôn lại những câu chuyện về một thời chiến đấu gian khổ.

Tháng 3-1953, vừa tròn 18 tuổi, chàng trai trẻ Đinh Văn Muôn tình nguyện nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội 6, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 (Quân đoàn 1) tham gia chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ.

Trải qua những trận đánh ác liệt, lập nhiều chiến công, tháng 2-1956, ông Đinh Văn Muôn vinh dự được kết nạp Đảng khi mới 21 tuổi. Đến năm 1960, ông quyết định chuyển ngành sang công tác ở Ngân hàng Hải Phòng. 5 năm sau, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông quyết định tái ngũ và được phân công nhiệm vụ tại Quân khu 3. 

Giữa năm 1967, khi ông Muôn đang cùng đồng đội di chuyển từ Sài Gòn về căn cứ ở Kon Tum thì bị địch phát hiện, bao vây. Chỉ có 5 người nhưng cả tổ đã chống trả quyết liệt gần 5 giờ đồng hồ và bị địch bắt khi đã hết đạn.

Trong trận đánh này, 2 người đồng đội của ông đã hy sinh. Khi bị bắt, địch tra tấn rất dã man nhưng không khai thác được gì từ người chiến sĩ cách mạng, do đó chúng đã giam ông ở nhà lao Biên Hòa. Trong nhà lao, ông vừa tham gia công tác đảng với vai trò tổ trưởng tổ đảng phòng 3 vừa dạy chữ cho những người bạn tù.

Gần một năm sau, ông bị địch chuyển ra nhà lao Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và giam giữ tại khu A1. Lúc này ông là Chi ủy viên phụ trách công tác thanh niên trong nhà lao. Hoạt động được hơn một năm thì địch phát hiện ra tổ chức thanh niên và tra tấn dã man. Sau đó ông bị chuyển sang khu nhà lao D7 - nơi địch chuyên dùng để giam sĩ quan. 

Ở đây, hoạt động đấu tranh tiếp tục được duy trì dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng. Dù ở trong lao tù nhưng công tác bầu cử được thực hiện đúng quy trình, từ giới thiệu đến bầu cử chi ủy, đảng ủy. Những tấm bìa các- tông được lấy làm phiếu, miếng tôn được cắt nhỏ, uốn làm bút. 

Được sự tin tưởng của đồng đội, ông Muôn được bầu làm Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ phòng 2. Trong suốt quá trình bị giam giữ trong nhà lao, ông Muôn cùng đồng đội chưa bao giờ thôi khao khát tự do, vì vậy nhiều lần ông đã có kế hoạch vượt ngục, từ đào hầm đến tấn công cai ngục... 

Ông Muôn chia sẻ: “Thời gian ở trong nhà lao, chúng tôi đã đào 116 chiếc hầm để vượt ngục tuy nhiên chỉ có 4 chiếc qua được mắt địch. Và đó cũng đủ để nhiều đồng đội thoát ra ngoài phối hợp cùng du kích địa phương tiếp tục chiến đấu”.

Hơn 5 năm bị giam ở “địa ngục trần gian”, ông Muôn chứng kiến rất nhiều kiểu tra tấn dã man, rùng rợn. Để tù binh được đối xử đúng quy định, nhiều lần đảng viên trong nhà lao Phú Quốc đã đứng lên yêu cầu cai ngục không được đánh đập, bóc lột tù binh. 

Có lần địch bắt 16 đồng chí đi lao động bên ngoài nhưng tới trưa chỉ có 8 người về, còn 8 người bị bắt đi khuân đá, xây lô cốt. Trại của ông quyết định nếu địch không thả 8 đồng chí về thì cả trại sẽ tuyệt thực. Toàn trại đã nhịn ăn, quyết tâm đấu tranh với địch. 

Tới ngày thứ 14 tuyệt thực, toàn trại nằm im phăng phắc, tưởng như không còn ai sống. Đến ngày thứ 15, địch phải chịu thỏa hiệp, cho khiêng 4 thùng cháo loãng sang trại và chấp nhận một số yêu sách của ta. 

Theo đó, ngày đầu tiên cho anh em ăn cháo, ngày sau cho ăn cơm nát, không bắt lao động nặng trong 10 ngày đầu và chữa bệnh cho những người bị ốm. Nhìn hàng nghìn tù binh gầy trơ xương, má hóp lại ngồi hong nắng hồi phục sức khỏe mà ông Muôn không khỏi rơi nước mắt thương đồng chí, đồng đội. Đến năm 1973, các chiến sĩ cách mạng tù đày được thả về theo diện trao trả tù binh tại bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị).

Trở về cuộc sống đời thường với nhiều vết thương chiến tranh, ông Muôn tiếp tục tham gia công tác ở địa phương. Trong 27 năm, ông đã trải qua nhiều cương vị, từ chủ nhiệm HTX đến cán bộ MTTQ, Hội Cựu chiến binh… dù ở vai trò nào ông cũng đều phát huy tinh thần của người lính Cụ Hồ, bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, hết lòng vì đồng đội, vì nhân dân.

Giờ đây khi sum vầy bên gia đình, những kỷ niệm về một thời hoa lửa, những lần san sẻ miếng cơm, hớp nước với đồng đội, những buổi sinh hoạt chi bộ ngầm trong vòng kìm kẹp của địch thường được ông kể lại để giáo dục truyền thống cho con cháu.

Xúc động Chương trình nghệ thuật “Ký ức thời hoa lửa”
Tối 25-7, Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Ký ức thời hoa lửa” do Báo Nhân Dân, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội.
Cựu chiến binh Hiệp Hòa: Thiết thực sẻ chia, thắm tình đồng đội
(BGĐT) - Sẻ chia với những khó khăn của đồng đội trong cuộc sống, thời gian qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều hoạt động giúp đỡ thiết thực, hiệu quả. Tình cảm và việc làm ý nghĩa đó đã tiếp thêm động lực để những người lính năm xưa vượt qua khó khăn, ổn định đời sống. 
Phát huy vai trò cựu chiến binh ở cơ sở- Kỳ I: Tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”
(BGĐT)- Rời quân ngũ về địa phương, mỗi cựu chiến binh có một hoàn cảnh khác nhau nhưng ở họ đều hội tụ điểm chung là nghị lực vươn lên chiến thắng bệnh tật, đói nghèo. Dù cuộc sống còn gặp khó khăn nhưng tinh thần đồng chí, đồng đội, chia ngọt sẻ bùi của các cựu binh Bắc Giang luôn được phát huy trong thời bình.
Phát huy vai trò cựu chiến binh ở cơ sở- Kỳ II: Luôn là người đi đầu
(BGĐT)- Trong kháng chiến, những người lính đã không tiếc tuổi xuân, anh dũng xông pha trận mạc để bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thành nhiệm vụ, trở về đời thường, họ lại hăng hái tham gia công tác ở cơ sở, gương mẫu đi đầu trong các phong trào. Đóng góp của những cựu chiến binh (CCB) góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, làm tỏa sáng hơn phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Việt Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...