Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 33 °C / 24 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Quốc phòng
Quốc phòng
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Những người thầy mặc áo lính

Cập nhật: 09:48 ngày 16/11/2021
(BGĐT) - Môi trường sư phạm ở Trường Quân sự Quân đoàn 2 rất đặc biệt. Những giáo viên ở đây được thể hiện trên nhiều vai khác nhau, lúc là người thầy trên bục giảng, thao trường, bãi tập; lúc lại là người chỉ huy, quản lý, người anh, người bạn, người đồng đội cùng chung chí hướng. Thế nhưng, tựu chung vẫn là tình đồng đội của những người thầy với các học viên thân yêu.

Với phương châm “muốn có học viên giỏi, trước hết phải có đội ngũ giáo viên giỏi, có năng lực thực hành tốt”, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Quân sự Quân đoàn 2 đã tập trung giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có kiến thức chuyên môn và kỹ năng sư phạm tốt, có trách nhiệm cao, tâm huyết với nghề. Cùng với đó, nhà trường chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ vào huấn luyện, biên soạn nhiều giáo trình, tài liệu giảng dạy có chất lượng tốt.

{keywords}

Trung tá Trần Đức Hà, giáo viên Tổ Công tác Đảng, công tác chính trị vận dụng nhiều phương pháp nâng cao chất lượng giảng dạy.

Đại tá Trần Quang Lệ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Hàng năm, nhà trường đảm nhiệm giảng dạy cho nhiều đối tượng với nhiều nội dung khác nhau. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, mỗi giáo viên luôn làm việc với cường độ cao. Song bằng tình yêu và sự tâm huyết với nghề, các giáo viên đã chủ động khắc phục mọi khó khăn, truyền thụ nhiều kiến thức cho người học”. 

Dẫn chúng tôi gặp gỡ, trao đổi với đội ngũ giáo viên, mặc dù vào giờ giải lao nhưng các thầy đều tranh thủ trao đổi nghiệp vụ. Trung tá Nguyễn Xuân Kiên, giáo viên Khoa Binh chủng đang nghiên cứu tài liệu, bổ sung vào bài giảng chuẩn bị lên lớp. Anh Kiên chia sẻ: “Chúng tôi không để lãng phí thời gian, những lúc không lên lớp, mọi người tranh thủ trao đổi nghiệp vụ sư phạm, nghiên cứu tài liệu, nâng cao chất lượng bài giảng”.

Nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, những người thầy mặc áo lính đều nêu cao ý thức và tinh thần tự học, tự rèn, tự đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ và kỹ năng sư phạm. Trước những buổi lên lớp, các thầy có những giờ thông qua giáo án bài giảng để các đồng nghiệp bổ sung, đóng góp ý kiến, rút kinh nghiệm, qua đó xây dựng phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên vận dụng nhiều phương pháp khác nhau, đặc biệt là phương pháp giảng dạy tích cực, thầy và trò cùng nghiên cứu, thảo luận, tập bài.

Đối với tiết học lý thuyết, giáo viên tập trung sử dụng giáo án điện tử kết hợp với hiện vật, hình ảnh minh họa, hình ảnh 3D mô phỏng những chi tiết nhỏ hoặc kết cấu bên trong vũ khí. Thông qua các hình ảnh, video đã giúp học viên hình dung ra ngay các hoạt động liên quan đến nội dung bài học, các hoạt động của quân đội. Những tác động này giúp người học có ấn tượng sâu sắc, ghi nhớ tốt hơn nội dung bài học so với cách dạy học thông thường.

Tại thao trường, giờ học thực hành sử dụng “kính ngắm cối 100” của lớp đào tạo Khẩu đội trưởng cối 100, Đại đội 6 (Tiểu đoàn 2) diễn ra thật sôi nổi. Cả bãi tập như “nóng” lên bởi những động tác dứt khoát, thuần thục và khẩu lệnh dõng dạc của các học viên… Sau mỗi lượt tập, giáo viên nhận xét mạnh, yếu, rồi tiếp tục uốn nắn động tác cho từng người. 

Binh nhất Nguyễn Văn Mạnh tâm sự: “Các thầy giáo rất tâm huyết, nhiệt tình trong truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng; chú trọng huấn luyện bổ sung những nội dung còn thiếu và yếu cho học viên”. Đối với các học viên kiến thức chưa vững, các thầy tổ chức bổ túc kiến thức vào giờ giải lao, kết hợp các cán bộ, học viên tốt kèm cặp để “đẩy khá, xóa kém”. Còn học viên Phan Huy Thông, lớp súng máy phòng không 12,7mm, Đại đội 5 (Tiểu đoàn 2) chia sẻ: “Hình ảnh những người thầy không quản nắng mưa bám thao trường, bãi tập tận tình hướng dẫn, chỉ bảo học viên hay đêm khuya vẫn miệt mài soạn từng trang giáo án khiến chúng tôi thấy mình cần cố gắng, phấn đấu nhiều hơn trong học tập, rèn luyện”.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, các giáo viên nhà trường tích cực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy. Đặc biệt, cán bộ, giáo viên Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn đã nghiên cứu, biên soạn tài liệu “Giáo dục lý luận chính trị dành cho đào tạo sĩ quan dự bị”. Cuốn tài liệu gồm 15 bài, là tổng hợp những kiến thức cần thiết của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, góp phần hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học, nâng cao nhận thức chính trị, xây dựng niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, hình thành phẩm chất đạo đức cách mạng cho học viên sĩ quan dự bị.

Là người trực tiếp tham gia nghiên cứu, biên soạn tài liệu “Giáo dục lý luận chính trị dành cho đào tạo sĩ quan dự bị”, Trung tá Trần Đức Hà, giáo viên Tổ Công tác Đảng, công tác chính trị, Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết: “Việc nghiên cứu tài liệu nhằm giúp học viên tiếp thu, lĩnh hội một cách tốt nhất các kiến thức căn bản. Khi ra trường, học viên đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”.

Những người thầy mặc áo lính luôn cảm thấy vinh dự, tự hào vì mình là người giáo viên trong quân đội; vừa bình dị và cao đẹp, vừa hội tụ đủ những phẩm chất của người thầy giáo nói chung, vừa sáng ngời, tạo nên những giá trị cao đẹp của người lính “Bộ đội cụ Hồ”.

Bài, ảnh: Trung Anh
Trường Quân sự (Quân đoàn 2): Khai giảng lớp đào tạo sĩ quan cấp phân đội trình độ đại học
(BGĐT) - Ngày 8/11, Trường Quân sự (Quân đoàn 2) tổ chức lễ khai giảng lớp đào tạo giai đoạn 1, sĩ quan cấp phân đội trình độ đại học năm học 2021-2022. 

Trường Quân sự Quân đoàn 2: Đổi mới công tác đào tạo, huấn luyện
(BGĐT) - Với phương châm giáo dục “lý luận đi đôi thực tiễn”, Trường Quân sự Quân đoàn 2 luôn gắn công tác giảng dạy với thực tế nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, có giải pháp phù hợp với từng đối tượng trên giảng đường và thao trường.
Trường Quân sự (Quân đoàn 2): Ra mắt CLB học tập ngoại ngữ và tiếng dân tộc thiểu số
(BGĐT)-Ngày 26/3, Trường Quân sự (Quân đoàn 2) ra mắt câu lạc bộ (CLB) học tập ngoại ngữ và tiếng dân tộc thiểu số của Đoàn cơ sở Tiểu đoàn 4. Đây là mô hình được nhà trường chỉ đạo làm trước rút kinh nghiệm, sau đó nhân rộng trong toàn Quân đoàn. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...