Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 28 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Quốc phòng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Trung đoàn 831 và "những ngày không quên"

Cập nhật: 14:32 ngày 29/04/2020
(BGĐT) - “Những ngày không quên” là tên một bộ phim truyền hình về phòng, chống Covid-19 đang thu hút sự chú ý của khán giả cả nước. Với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 831 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang), họ cũng có những ngày không quên bởi ngoài nhiệm vụ chính trị, họ còn có thêm một nhiệm vụ đặc biệt, quan trọng không kém, đó là tiếp nhận công dân thực hiện cách ly y tế. Vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng với họ, đó là những ngày hạnh phúc. 

Sẵn sàng chiến đấu trong thời bình

Thượng tá Chu Văn Đại- Chính ủy Trung đoàn 831 đưa chúng tôi đi thăm khu cách ly- nơi mà trước kia là hội trường, phòng làm việc, phòng ở của cán bộ, chiến sĩ. Anh bảo: “Năm nay thật đặc biệt, ngày 20/4 là ngày thành lập đơn vị nhưng chúng tôi gác lại hết, không có bất cứ hoạt động gì, ưu tiên số 1 cho nhiệm vụ chống “giặc Cô-vy”. Chúng tôi vừa bàn giao 269 công dân hoàn thành cách ly y tế về gia đình, sau đó bắt tay vào tẩy trùng chứ mấy ngày trước, các anh chị vào đây cũng khó”.

{keywords}

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 831 tiếp nhận công dân tới cách ly y tế.

Là đơn vị khung thường trực, trực thuộc Bộ CHQS tỉnh, nhiệm vụ chính của Trung đoàn là sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Trung bình mỗi năm, đơn vị đảm nhiệm huấn luyện từ 6 đến 10 đợt quân nhân dự bị, mỗi đợt hơn 100 người. Ngoài ra, Trung đoàn còn tham gia huấn luyện thực binh cho diễn tập khu vực phòng thủ của tỉnh và các huyện, TP; tham gia cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy…

Từ ngày 10/2 đến ngày 20/4, Trung đoàn 831 đã tiếp nhận, cách ly 1.291 người Việt Nam và người nước ngoài. Hiện 1.240 người đã hết thời gian cách ly, còn 51 người đang được cách ly tại đơn vị. Đặc biệt, các khu cách ly do Trung đoàn đảm nhiệm chưa có trường hợp nào dương tính với Covid-19.

- Hai tháng trước, khu này dành cho cán bộ, chiến sĩ, quân nhân dự bị, tổng số chỉ đủ cho khoảng 200 người. Dưới sự chỉ đạo của Bộ CHQS tỉnh, chỉ sau một đêm, chúng tôi đã dồn doanh trại, nhường phòng và cấp tốc hoàn thành nhà vệ sinh, ngăn hội trường thành phòng ngủ, lắp ti-vi, giường tủ… để đủ chỗ cho 350 công dân tới cách ly, bảo đảm những vật dụng thiết yếu nhất… Mà không chỉ riêng nơi này, ba cơ sở khác mà đơn vị đảm nhận để đón công dân tới cách ly là Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân tỉnh, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng- An ninh, Trường Quân sự tỉnh (cũ) đều trong tình trạng “sẵn sàng chiến đấu”, đáp ứng đủ cho hàng nghìn người- Thượng tá Đại cho biết.

{keywords}

Chuẩn bị bữa ăn hằng ngày cho người dân trong thời gian cách ly.

Trong câu chuyện, đồng chí Chính ủy Trung đoàn tâm sự rất thật rằng dù anh em đơn vị đã được quán triệt trước, tất cả ở tâm thế sẵn sàng nhưng khi vào nhiệm vụ, không phải mọi thứ đều suôn sẻ. Công dân về nước cách ly đủ độ tuổi, thành phần, nhận thức, lại có tâm lý muốn về ngay với gia đình nên thời gian đầu, không ít người không hợp tác cách ly. Chưa kể, khi phân về các phòng, ăn cơm hộp, ở giường tầng, không quen môi trường sinh hoạt tập thể, nhiều người cự cãi, xích mích với nhau, thành thử cán bộ, chiến sĩ phải làm thêm nhiệm vụ hòa giải.

Hay chuyện bất đồng ngôn ngữ, chế biến khẩu phần ăn cũng là cả vấn đề. Trong số 1.291 công dân về cách ly do Trung đoàn đảm nhận, có 169 người nước ngoài, 22 cháu bé, hàng chục người cao tuổi. Mỗi ngày là mỗi thực đơn, sao cho vừa hợp khẩu vị lại vừa bảo đảm không quá với số tiền quy định, cũng không hề đơn giản.

Mệnh lệnh từ trái tim

Làm nhiệm vụ tiếp nhận, cách ly những người trở về từ tâm dịch nên có thể nói nguy cơ lây nhiễm rất cao. Trong khi dịch bệnh trên thế giới những ngày đó “nóng như chảo rang”, số ca mắc và tử vong tăng từng giờ. Ở trong nước thì đã có ca lây nhiễm chéo, dịch bệnh diễn biến khó lường. “Chúng tôi xác định dù khó khăn, hiểm nguy đến mấy vẫn phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, vì đó là nghĩa đồng bào, là mệnh lệnh từ trái tim người chiến sĩ”- Thượng tá Tạ Thanh Nam- Trung đoàn trưởng tâm sự.

{keywords}

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn chia tay công dân hoàn thành cách ly y tế trở về địa phương.

Công việc ở khu cách ly không quá nặng nhọc nhưng lại đòi hỏi sự chu đáo, an toàn tuyệt đối và làm sao phải đúng tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”. Từ cái nhỏ nhất, dây phơi bị tuột, bà con cũng gọi; thiếu chút vật dụng cá nhân, chị em phụ nữ cũng nhờ; cống thoát nước tắc hay chảy chậm, cũng “chú bộ đội ơi”. Cá biệt, có chị bị động thai, chị bị tiền đình, đau yếu, cán bộ chiến sĩ đều phối hợp với nhân viên y tế chăm sóc, đưa đi khám bệnh chu đáo. Đặc biệt, trong thời gian cách ly, một công dân có người thân là bố đẻ qua đời. Dù rất thông cảm và chia sẻ song các anh vẫn động viên công dân ở lại thực hiện nghiêm việc cách ly và bố trí một ban thờ nhỏ để công dân này thắp hương, trọn đạo nghĩa với bố.

“Cảm ơn các chiến sĩ áo xanh”

Đó là lời cảm tưởng được rất nhiều công dân sau khi hoàn thành việc cách ly y tế viết trong những lá thư, dòng lưu bút gửi lại. Chị Nguyễn Thị Thơ- 46 tuổi, nhà ở Trung Hòa, Cầu Giấy (TP Hà Nội) trở về từ châu Âu xúc động viết: “Chúng tôi vô cùng biết ơn Đảng, Nhà nước và kính trọng, yêu quý vô cùng Bộ đội Cụ Hồ. Chúng tôi nợ các chú, các anh và các em một lời cảm ơn sâu sắc! Đặc biệt với cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 831, chúng tôi thật sự rất biết ơn. Các anh đã không ngại rời xa gia đình, không ngại khó khăn vất vả ngày đêm để chung tay đẩy lùi giặc Covid, giúp chúng tôi có những ngày cách ly ý nghĩa, hạnh phúc. Từ đáy lòng mình, chúng tôi cảm ơn các chiến sĩ áo xanh, những thiên thần áo trắng, cảm ơn rất nhiều!”.

Vì làm việc trong môi trường tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao nên gần như 100% cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn từ khi có dịch bệnh chưa trở về nhà, tự cách ly tại đơn vị. Nhiều chiến sĩ gia đình có công việc, hoàn cảnh khó khăn, con nhỏ… đều gác lại, toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ.

Cùng chung sự trân trọng, biết ơn các chiến sĩ đã giúp mình những ngày cách ly, Nguyễn Phương Linh- du học sinh 21 tuổi bày tỏ: “Cháu hiểu rằng phải tiếp xúc và phục vụ những người ở vùng dịch về là một điều rất khó khăn và nguy hiểm cho các cô, các chú Trung đoàn. Nhưng suốt 14 ngày ở đây, mọi người luôn vui vẻ, nhẹ nhàng và tận tình với cháu và các công dân khác. Cháu thật sự cảm nhận được tình người ấm áp, tương thân tương ái của các chú. Cháu cảm ơn các chú, nhiều lắm!!!”.

Không thể kể hết những lời biết ơn chân tình từ những công dân thực hiện cách ly y tế tại Trung đoàn 831. Nhiều người ngay trong thời gian cách ly đã phối hợp cùng người thân mua lương thực, thực phẩm gửi tặng Trung đoàn, để thêm vào bữa ăn cho chiến sĩ và công dân. Có người sau thời gian hoàn thành cách ly, vì cảm kích và yêu mến, muốn sẻ chia sự vất vả của cán bộ, chiến sĩ ở đây đã tình nguyện ở lại, làm phiên dịch viên, tình nguyện viên. Có người lưu luyến, hẹn một ngày gần nhất, hết dịch được trở lại, tri ân…

Vâng, đó là những tình cảm chân thật, là nghĩa đồng bào, đồng chí trong mùa dịch này. Chia tay với 1.240 công dân đã hoàn thành cách ly trở về với người thân, khi cuộc chiến chống giặc Covid chưa biết khi nào mới kết thúc, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 831 lại bắt tay vào nhiệm vụ mới, sẵn sàng cho những đợt cách ly tiếp theo và nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Vất vả, hiểm nguy là thế nhưng với họ, đó là những ngày không quên và vô cùng hạnh phúc!

Trung đoàn 831: Chọn đúng người,  giúp đúng việc
(BGĐT) - Thời gian qua, Đảng ủy, Chỉ huy Trung đoàn 831 (Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang) đã tập trung lãnh, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác dân vận bằng những việc làm thiết thực. Qua đó góp phần xây dựng thế trận lòng dân, nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn ngày càng vững chắc.
Trung đoàn 831: Rèn kỷ luật nghiêm, huấn luyện chiến đấu giỏi
Việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhiều năm qua đã trở thành hoạt động thường xuyên, tự giác của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Trung đoàn 831 (Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang). Nhờ đó, tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. 
Khâu đột phá ở Trung đoàn 831
(BGĐT)-Là đơn vị có nhiệm vụ quản lý, huấn luyện lực lượng dự bị động viên (DBĐV), huấn luyện tại chức cho cán bộ, chiến sĩ… Trung đoàn 831 (Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang) đã có nhiều sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ áp dụng vào thực tiễn cho hiệu quả thiết thực.

Thu Hương- Hữu Trình

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...