(BGĐT) - Những ngày qua, liên tiếp các đợt không khí lạnh tràn về, thời tiết rét đậm, rét hại. Thế nhưng, trong căn nhà đơn sơ của Đại tá Nguyễn Hữu Cận, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 1, nguyên Phó Trung đoàn trưởng, Trung đoàn Bộ binh 21 (Trung đoàn Đề Thám) ở thôn Chợ, xã An Dương (Tân Yên) dường như ấm nóng bởi câu chuyện về những trận đánh giáp lá cà với quân Mỹ, Ngụy trên chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi năm xưa.
Cuộc hành quân lịch sử và những trận đánh không quên
Đại tá Nguyễn Hữu Cận năm nay 84 tuổi nhưng khá minh mẫn, giọng nói mạch lạc. Ông hồi tưởng: “Ngày 9/4/1965, chúng tôi nhận lệnh lên đường vào miền Nam chiến đấu. Cán bộ, chiến sĩ tham gia đợt này chủ yếu là quân nhân tái ngũ, có nhiều kinh nghiệm trong chiến đấu, quê ở tỉnh Hà Bắc cũ (nay là Bắc Giang và Bắc Ninh), trong đó tập trung ở hai huyện Tân Yên, Hiệp Hòa với khoảng 3.400 cán bộ, chiến sĩ để hình thành Trung đoàn Bộ binh 21 thuộc Sư đoàn 2.
Sau 3 tháng luyện tập bắn đạn thật tại huyện Chí Linh (Hải Dương), chiều 5/8/1965, chúng tôi hành quân về núi Côn Sơn, được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc trao tặng lá cờ có dòng chữ “Trung đoàn Đề Thám” trong niềm kiêu hãnh của cán bộ, chiến sĩ”.

|
Đại tá Nguyễn Hữu Cận trao tặng đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án TAND Tối cao tư liệu về Trung đoàn Đề Thám nhân buổi gặp mặt một số cán bộ, chiến sĩ đơn vị tại huyện Tân Yên (năm 2020). Ảnh: Quốc Trường. |
Theo Đại tá Nguyễn Hữu Cận, sau khi ăn cơm tối, Trung đoàn hành quân hơn một tháng, khi đến làng Ho dưới chân dãy Trường Sơn thuộc tỉnh Quảng Bình mới dừng lại thay quân tư trang bằng áo bà ba đen, đội mũ tai bèo để bảo đảm bí mật; tiếp tục đi bộ ròng rã 3 tháng 14 ngày thì đến căn cứ Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) đúng chiều 30 Tết năm 1966.
23 giờ đêm 30 Tết năm đó, Trung đoàn vừa tạm nghỉ thì đột nhiên từ phía bìa rừng có những tiếng bước chân. Hóa ra, người dân vùng giải phóng ở huyện Phước Sơn mang bánh tét cho bộ đội ăn Tết. Cầm trên tay chiếc bánh còn hơi ấm ai nấy đều xúc động. Những hôm sau, ngày nào bộ đội cũng được người dân mang cho các loại bánh và thịt để cùng ăn Tết. “3.400 cán bộ, chiến sĩ nghỉ lại trong dân để ăn Tết đúng một tuần ngay sát quân địch mà chúng không hề hay biết. Đó là sự chở che tài tình của người dân, với một niềm tin son sắt vào bộ đội Cụ Hồ”, Đại tá Cận nhớ lại.
Mồng 5 Tết, quân Ngụy hành quân càn quét lên núi Lạc Sơn, huyện Phước Sơn. Chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, Trung đoàn tổ chức tập kích vào đội hình địch, tiêu diệt gọn 2 tiểu đoàn, bắt sống 10 tên và thu hồi toàn bộ vũ khí để bàn giao cho lực lượng dân quân địa phương.
Sau trận đánh đó, Trung đoàn hành quân vào căn cứ núi Bàn Thùng rồi xuống xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi). Đây là khu vực địch thường xuyên càn quét giết hại dân lành vùng mới giải phóng.
- Bất kể ai ở Trung đoàn Đề Thám đều không thể quên và không được quên trận đánh tại cao điểm 62 - Giọng Đại tá Cận đanh lại.
- Cao điểm này có gì đặc biệt ạ? - Tôi gợi chuyện.
- Đó là cao điểm hết sức quan trọng nằm ở huyện Sơn Tịnh, có giá trị chiến thuật về nhiều mặt, cả ta và địch đều muốn chiếm giữ - Đại tá Cận đáp.
Cao điểm 62 nằm giữa thôn Bình Bắc, xã Sơn Châu, có 3 mỏm, mỏm cao nhất 62 m. Trên cao điểm cây cối rậm rạp. Xung quanh là những cánh đồng lúa nhỏ và gò đồi mấp mô. Vì thế, đây là vị trí khống chế đối với các khu vực xung quanh.
Ngày 4/3/1966, quân Mỹ điều một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ chiếm điểm cao 62. Biết được ý đồ của địch, theo lệnh cấp trên, đồng chí Trần Lương, Chính trị viên Đại đội 7 của Trung đoàn, quê ở xã Liên Sơn (Tân Yên) dẫn đầu Đại đội chiếm lĩnh điểm cao. Bằng sự gan dạ, mưu trí, Đại đội 7 đã tiêu diệt gọn tiểu đoàn lính thủy đánh bộ của địch. Địch điên cuồng điều 3 tiểu đoàn xông lên chiếm điểm cao 62. Đồng chí Trần Lương 2 lần bị thương và anh dũng hy sinh. Đại đội cũng bị thương vong nhiều và hết đạn, được lệnh rút xuống làng Hòa Vinh cách đó không xa cùng với quân tiếp viện của Trung đoàn.
Ngay trong đêm đó, quân địch tập trung bao vây làng Hòa Vinh nhằm tiêu diệt toàn bộ lực lượng của ta. Tuy nhiên, với sự chở che của người dân, đồng thời thực hiện chủ trương “bám thắt lưng địch để đánh” khiến địch không thể gọi pháo binh chi viện hay máy bay đến thả bom vì sợ đánh trúng đội hình của mình.
Cuối cùng, quân địch thiệt hại nặng nên phải rút lui. Trung đoàn Đề Thám cũng nhanh chóng rút ra khỏi làng Hòa Vinh về căn cứ an toàn. “Trận đánh hôm đó, địch bị chết khoảng 1.700 quân, nhưng phía ta cũng có gần 500 đồng chí ngã xuống mãi mãi không trở về. Đó là cái giá của chiến tranh - khốc liệt, đau thương lắm”, giọng Đại tá Cận chùng xuống, nhìn sang tôi với ánh mắt đượm buồn.
Sau những trận đánh ác liệt ấy, quân địch hễ nghe đến Trung đoàn Đề Thám là hoảng loạn. Mỗi khi chúng tổ chức đi càn đều phải tập trung ít nhất 3 tiểu đoàn, không dám điều một tiểu đoàn như trước.
Mong ngày trở lại
Nhiệm vụ chính của Trung đoàn Đề Thám khi đó là giúp dân chống địch càn quét nên thường ăn ngủ ngay trong nhà dân; mùa mưa thì hoạt động ở địa bàn tỉnh Quảng Nam, mùa khô lại vào Quảng Ngãi, đến năm 1972 sáp nhập với Trung đoàn 31. Ông Nguyễn Văn Cước, 86 tuổi, cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn Đề Thám, hiện ở thôn Đoàn Kết, xã Thường Thắng (Hiệp Hòa) nhớ lại: “Người dân ở đây khó khăn lắm, nhiều lúc không đủ cơm ăn song sẵn sàng nhường thức ăn cho bộ đội. Có thời điểm, người dân luộc khoai lên rồi bóp nhỏ phơi khô để bộ đội ăn dần đánh giặc”.

|
Đại tá Nguyễn Hữu Cận (bên phải) cùng Trung tá Nguyễn Như Tuất, nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn Đề Thám trò chuyện, ôn lại kỷ niệm xưa. |
Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi với Đại tá Nguyễn Hữu Cận và một số CCB gián đoạn bởi tiếng chuông điện thoại reo vang. Đại tá Cận nhấc máy, đầu dây bên kia vang lên: “A lô! Cháu là cán bộ của Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang đây ạ. Tới đây, tỉnh sẽ tổ chức buổi gặp mặt các CCB Trung đoàn Đề Thám nên chúng cháu nhờ các bác giới thiệu một số gia đình ở tỉnh Quảng Ngãi có công nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn để ban tổ chức mời dự”. Đại tá Cận phấn khởi nói: “Má Duyên, má Công ở huyện Sơn Tịnh. Hai má đã tận tình chăm sóc, nuôi giấu tôi cả 2 lần bị thương khi chiến đấu trong lòng địch”.
Theo Đại tá Nguyễn Hữu Cận, ông rất vui khi biết tỉnh tổ chức cuộc gặp mặt trên, nhất là hay tin đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án TAND Tối cao là người gợi mở cho buổi gặp mặt này như một lời tri ân của người dân Quảng Nam, Quảng Ngãi đối với những cựu binh Trung đoàn năm xưa, bởi đồng chí là người con xứ Quảng.
Giống như Đại tá Nguyễn Hữu Cận, Đại tá Nghiêm Xuân Nhậm, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn, CCB Trung đoàn Đề Thám, hiện đang ở tổ dân phố số 2, thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) khi biết tỉnh tổ chức buổi gặp mặt, ông đã phấn khởi gọi điện đến từng đồng đội trên địa bàn huyện để báo tin.
|
Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm nhưng có lẽ nỗi nhớ đồng đội, nhất là những người đã anh dũng hy sinh; lòng biết ơn những người dân đã "nhường cơm, sẻ áo" và âm hưởng của những ngày tháng hào hùng khi xưa vẫn hiển hiện trong mỗi CCB Trung đoàn Đề Thám. Qua đây, thế hệ trẻ càng thấy tự hào về những người con trung dũng ở mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, để rồi viết tiếp trang sử hào hùng của lớp lớp ông cha, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. |
|
Được biết, Ban liên lạc Trung đoàn Đề Thám hình thành từ năm 2000 để quy tụ những CCB của Trung đoàn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, hiện còn hơn 60 người. Hằng năm, họ lại gặp nhau ôn lại kỷ niệm xưa đúng vào ngày lên đường nhập ngũ 9/4.
- Mong ước lớn nhất hiện nay của các bác là gì? - Tôi hỏi Đại tá Nhậm.
- Mong nhất là sớm được trở lại thăm chiến trường xưa lần nữa, gặp những người dân đã nuôi giấu mình và xem nơi mình từng chôn cất đồng đội hy sinh còn không để quy tập về nghĩa trang quê nhà. “Nhớ anh em đồng đội lắm! Cậu Thắng, gần nhà tôi hy sinh trong cùng một chiến hào mà không kịp nhắn nhủ.
Tôi chỉ biết vuốt mắt cho bạn và tự hứa nếu còn sống trở về quê hương nhất định chăm sóc mẹ già thay bạn. Thế nhưng, hết chiến tranh, tôi trở về tìm người thân của cậu ấy thì không còn ai nữa”, giọng Đại tá Nhậm như nghẹn lại, bàn tay ông nắm chặt ấm trà còn đang nóng.
Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, nhưng có lẽ nỗi nhớ đồng đội, nhất là những người đã anh dũng hy sinh; sự biết ơn những người dân đã "nhường cơm, sẻ áo" và âm hưởng của những ngày tháng hào hùng khi xưa vẫn hiển hiện trong mỗi CCB Trung đoàn Đề Thám. Qua đây, thế hệ trẻ càng thấy tự hào về những con người ở mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nơi có cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám chống lại thực dân Pháp xâm lược. Để rồi nguyện viết tiếp trang sử hào hùng của lớp lớp ông cha, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Bài, ảnh: Đỗ Thành Nam
Viết tiếp bản hùng ca Quân đoàn 2(BGĐT)- Đứng chân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, ngoài huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, Quân đoàn 2 luôn quan tâm hoạt động văn hóa văn nghệ, bồi đắp đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Liên hoan nghệ thuật quần chúng năm 2019: “Quân đoàn 2- Bản hùng ca chiến thắng” tổ chức trong hai ngày 9 và 10-5 là một minh chứng.
Ra mắt Trung đoàn Không quân Công an nhân dânSáng 11/10, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức trọng thể Lễ công bố các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và công tác cán bộ của Trung đoàn Không quân Công an nhân dân, trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.
Trung đoàn 831 và "những ngày không quên"(BGĐT) - “Những ngày không quên” là tên một bộ phim truyền hình về phòng, chống Covid-19 đang thu hút sự chú ý của khán giả cả nước. Với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 831 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang), họ cũng có những ngày không quên bởi ngoài nhiệm vụ chính trị, họ còn có thêm một nhiệm vụ đặc biệt, quan trọng không kém, đó là tiếp nhận công dân thực hiện cách ly y tế. Vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng với họ, đó là những ngày hạnh phúc.