Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Quốc phòng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

55 năm Tiến Sơn - Ngọn lửa nghĩa tình vẫn cháy

Cập nhật: 09:32 ngày 19/04/2022
(BGĐT) -  Về thôn Tiến Sơn, xã Hợp Đức (Tân Yên - Bắc Giang), tôi tình cờ được gặp các anh, chị đội viên Trần Quốc Toản thế hệ đầu tiên. Ngạc nhiên và cũng có chút tò mò, tôi hòa vào một nhóm người cùng đến một ngôi nhà trên triền đồi ở xã Liên Chung, mới biết họ tụ về đây để thăm hỏi một người mẹ liệt sĩ vừa qua đời.

Ngôi nhà mà các anh, chị đội viên Trần Quốc Toản đến thăm của gia đình mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Xuyền nằm trên sườn đồi đất đỏ thuộc xã Liên Chung. Qua câu chuyện, tôi mới dần vỡ ra. 

Mẹ Nguyễn Thị Xuyền - người vừa khuất núi ở tuổi 89 là mẹ liệt sĩ. Còn anh, chị là các đội viên Trần Quốc Toản đầu tiên của làng Tiến Sơn, xã Hợp Đức - cái nôi của phong trào “Cô Tấm ngày hội” nức tiếng cả nước khi xưa. Họ là những đội viên của HTX Măng non Tiến Sơn thành lập năm 1967 mà xã viên là đội viên Thiếu niên tiền phong (TNTP) Hồ Chí Minh.

{keywords}

Bà Nguyễn Thị Nhâm (thứ hai từ trái sang), cựu xã viên HTX Măng non kể về phong trào "Cô Tấm vào hội" năm xưa với các đội viên Đội TNTP hôm nay.

Một trong những nhiệm vụ chính của HTX Măng non khi đó là công tác đền ơn đáp nghĩa. HTX đã cử hàng chục nhóm nhận đỡ đầu mẹ liệt sĩ, gia đình thương binh, bộ đội. Nhóm của bà Nguyễn Thị Nhâm, bà Hoàng Thị Thiềng và ông Thân Ngọc Thụy nhận đỡ đầu mẹ Xuyền từ những năm đó.

Vừa qua, gần 40 anh, chị cựu thành viên HTX Măng non Tiến Sơn đã tề tựu về làng Tiến Sơn. Ông Nguyễn Tân Lộc, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tân Yên, nguyên Tổng phụ trách đội Trường cấp 2 Hợp Đức vẫn nhớ tên từng học trò. Các em là cựu đội viên TNTP, xã viên HTX Măng non Tiến Sơn. 

Ông xúc động kể: “Năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn ác liệt. Thanh niên đủ tuổi hầu hết lên đường nhập ngũ, làng xã chỉ còn lại trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi. Thời gian đó ở thôn Tiến Sơn có một nhóm học sinh âm thầm giúp đỡ các gia đình bộ đội, gia đình thương binh, mẹ liệt sĩ trong làng”. 

Được biết năm 1948, trong thư Bác Hồ gửi thiếu nhi có gợi ý về việc tổ chức phong trào Trần Quốc Toản, còn HTX Măng non do T.Ư Đoàn phát động. Từ việc làm của thiếu nhi Tiến Sơn, ông Lộc đã phát hiện ra và nhân lên các nhóm em nhỏ làm việc này. Tại Trường cấp 2 Hợp Đức đã tổ chức Lễ phát động phong trào Trần Quốc Toản. Đình làng Tiến Sơn chính là nơi tổ chức lễ ra mắt HTX Măng non Tiến Sơn với hơn 50 đội viên TNTP Hồ Chí Minh. 

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, Ban quản trị HTX nay còn bà Nguyễn Thị Nhâm - Phó Chủ nhiệm và bà Hoàng Thị Thiềng - Thủ quỹ. Bà Nhâm cho biết: HTX Măng non Tiến Sơn khi đó xác định 4 nhiệm vụ đó là: Vệ sinh đường làng ngõ xóm, chăn nuôi trâu bò béo khỏe, sạch làng tốt ruộng và giúp đỡ gia đình chính sách. Thứ 7 hằng tuần, các đội viên cắt 20 kg cỏ. 

Chủ nhật tổ chức quét dọn đường làng ngõ xóm. Riêng với việc giúp đỡ các gia đình chính sách, các đội viên phân thành từng tổ 3 người đến nhà thăm và giúp đỡ. Địa bàn ban đầu bó gọn ở thôn Tiến Sơn, sau lan rộng ra toàn xã Hợp Đức và sang cả các xã lân cận. 

Bà Thiềng kể: “Ngày đó chúng tôi còn rất ít tuổi nhưng cứ tan học lại tíu tít đến các nhà nhận giúp đỡ. Nếu thấy vại nước vơi thì đi gánh đổ vào, hết củi thì đi kiếm. Gia đình nào xây nhà không có điều kiện chở gạch, chúng tôi lại hỗ trợ. Tất cả là để các chú bộ đội ở xa yên tâm làm nhiệm vụ, không phải lo cho bố mẹ ở nhà không ai đỡ đần”. 

Ông Hoàng Văn Tịch, thương binh ¾ ở thôn Tiến Sơn góp vào câu chuyện: Bố tôi là liệt sĩ chống Pháp, còn tôi là thương binh chống Mỹ, nên được các cháu rất quan tâm. Ban đầu gia đình cũng thấy bất ngờ khi ruộng hôm trước cạn khô, sang hôm sau ra đã thấy xâm xấp mặt ruộng. Khi đó tôi còn tự nhủ “Không lẽ trời mưa riêng ruộng nhà mình”. 

Rồi thùng gạo hết, thóc xay về chưa sàng sẩy, thoáng cái lại thấy ai đó đã giúp, gạo đổ đầy thùng, sân thềm sạch sẽ. Ngày đó hầu hết nhà cửa đều trình đất lợp rạ, làm nhà mua gạch ngói chưa chuyển về, hôm sau đã thấy trước sân. Mà không chỉ riêng nhà tôi. Mãi sau mới biết tất cả các việc làm đó là do nhóm học sinh trong làng âm thầm thực hiện”.

Lớp chiến sĩ Trần Quốc Toản đầu tiên của Tiến Sơn năm đó sau này người đi công tác xa, người vào quân ngũ nên tên tuổi của họ ít khi được nhắc tới. Ông Thân Ngọc Thụy, nguyên đội viên HTX Măng non Tiến Sơn, hiện ở TP Hồ Chí Minh hồ hởi nói: Nhớ lại phong trào Trần Quốc Toản năm xưa, chúng tôi đều rất tự hào. Ngày đó tuy đang học nhưng mọi việc từ quét nhà, gánh nước, đến việc đồng áng, xe vôi chở gạch đều không nề hà, làm như việc của nhà mình vậy.

Phong trào “Cô Tấm vào hội” ở Tiến Sơn là sự vận dụng sáng tạo ý gợi mở trong thư của Bác Hồ. Tại xã Hợp Đức, phong trào này sôi nổi, mạnh mẽ và trở thành cao trào những năm 1971- 1972 với khẩu hiệu "Tháng thăm một lần, tuần làm một việc". Vào ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) và Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12) hằng năm là lúc cô Tấm vào hội. 

Khởi nguồn từ thôn Tiến Sơn, sau đó lan ra toàn xã Hợp Đức rồi dần được nhân rộng trở thành phong trào chung của huyện, của tỉnh và cả nước. Nhiều thiếu nhi ở xã Hợp Đức được tham dự Trại hè Quốc tế, Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc. Các nhóm của HTX Măng non Tiến Sơn giờ vẫn duy trì chăm sóc các gia đình, các mẹ liệt sĩ mà khi xưa họ đã nhận đỡ đầu.

Bí thư Đoàn xã Hợp Đức Cáp Thị Quyên cho biết: Địa phương tự hào là cái nôi của phong trào “Cô Tấm vào hội” và đến nay phong trào vẫn được duy trì. Bên cạnh việc giáo dục truyền thống, Đoàn xã Hợp Đức và hai nhà trường thường xuyên có các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa. 

Hằng năm, Đoàn xã, Hội đồng Đội xã và gần 1.000 đội viên TNTP ở Trường Tiểu học và THCS Hợp Đức đẩy mạnh các hoạt động thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ Tết, giúp đỡ gia đình thương binh liệt sĩ những công việc hằng ngày như các anh, chị Tấm lớp trước đã làm. Cùng đó, tuổi trẻ Hợp Đức còn nhận và chăm sóc cây xanh, quét dọn, làm vệ sinh Nghĩa trang Liệt sĩ xã.

Chia tay các “anh Tấm, chị Tấm” - lớp người đầu tiên thắp lên ngọn lửa nghĩa tình giúp đỡ gia đình chính sách tại thôn quê Tiến Sơn mà trong lòng không khỏi cảm phục. Ngày nay, các lớp măng non xã Hợp Đức vẫn tiếp tục kế thừa tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” mà cha anh đã vun đắp.

Bài, ảnh: Châu Giang

Đoàn công tác Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Điện Biên
(BGĐT) - Ngày 26 và 27/3, đoàn công tác Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Bắc Giang do ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở làm trưởng đoàn đã đến viếng, dâng hương tại 4 nghĩa trang liệt sĩ: A1, Độc Lập, Him Lam và Tông Khao thuộc tỉnh Điện Biên. 
Tu sửa mộ liệt sĩ quê Bắc Giang, Bắc Ninh tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Đường 9
(BGĐT) - Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947-2022), UBND hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh vừa tổ chức khởi công tu sửa mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9 (tỉnh Quảng Trị). 
Bắc Giang: Hỗ trợ 11,5 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa công trình ghi công liệt sĩ
(BGĐT) - UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ thực hiện công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) năm 2022.
Bắc Giang: Mẹ liệt sĩ ủng hộ 2 triệu đồng phòng, chống dịch Covid-19
(BGĐT)- Cụ Nguyễn Thị Mọc (SN 1930), là mẹ của liệt sĩ Nguyễn Hồng Vân, thôn Đức Thành, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) vừa dành 2 triệu đồng từ nguồn trợ cấp thân nhân gia đình liệt sĩ và trợ cấp người cao tuổi để ủng hộ chính quyền địa phương cùng cả nước phòng, chống dịch Covid-19.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...