Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Quốc phòng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vẹn nguyên ký ức những ngày đỏ lửa

Cập nhật: 18:29 ngày 13/12/2022
(BGĐT) - Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi. 50 năm trôi qua nhưng ký ức về những ngày đỏ lửa ấy vẫn còn vẹn nguyên trong mỗi cựu chiến binh (CCB) đã từng tham gia trận đánh lịch sử này.

Khi được hỏi về ký ức hào hùng một thời trận mạc, CCB Nguyễn Hữu Cường (SN 1954) ở thôn Ngọ Phúc, xã Châu Minh (Hiệp Hòa) say sưa kể, tháng 5/1972, ông và một số anh em đồng hương nhập ngũ. Sau thời gian ngắn huấn luyện tân binh, các ông được biên chế vào các đơn vị tên lửa. Ông Cường về Tiểu đoàn 72, Trung đoàn tên lửa 285, Sư đoàn 363 (Quân chủng Phòng không-Không quân) làm trắc thủ xe thu phát. Mỗi Tiểu đoàn có hai đại đội, mỗi đại đội lại có nhiều xe, máy, bệ phóng, đài ra đa, vì thế người ta nói bộ đội tên lửa “cồng kềnh” cũng đúng. Trong một kíp phải phối hợp nhuần nhuyễn, chỉ cần một người thao tác sớm hoặc chậm hơn cũng làm lọt mục tiêu. 

{keywords}

Các CCB tên lửa thăm lại địa điểm Trung đoàn Tên lửa 238 bắn rơi máy bay tại xã Tân Dĩnh (Lạng Giang).

Nhắc đến chiến công trong 12 ngày đêm lịch sử, ông Cường vẫn nhớ như in cảm xúc và tâm trạng của buổi tối 27/12/1972 khi chỉ huy ra lệnh bắn B52 tại trận địa Đại Chu (tỉnh Bắc Ninh). Ông và đồng đội tập trung cao độ để kiểm tra, bám sát dải nhiễu dày đặc. Khi xác định rõ mục tiêu thì nhanh chóng thông tin để các trắc thủ khác ấn nút, phóng quả đạn bay vút lên cao và kịp bắn rơi máy bay B52 trước khi cắt bom. Xác máy bay rơi xuống hồ Hữu Tiệp, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình (TP Hà Nội). Ông Cường và đồng đội vỡ òa trong niềm vui chiến thắng: “Chúng tôi reo lên cháy rồi, cháy rất to. Sau chiến công ấy, đơn vị được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm, chúc mừng. Tôi nhớ rõ Đại tướng đã nói rằng các đồng chí đánh rất giỏi, đã cứu nguy cho đất nước lúc này. Chúng tôi, những người lính trẻ cảm thấy vô cùng tự hào vì đã góp phần mình vào chiến thắng”.

CCB Ngô Tiến Hiếu (SN 1948) ở phường Mỹ Độ (TP Bắc Giang) cũng không giấu được cảm xúc phấn khởi, tự hào. Ông nhập ngũ từ tháng 4/1966, là một trong số những quân nhân thế hệ đầu tiên của Tiểu đoàn 45, Trung đoàn Tên lửa 263, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không-Không quân). Đơn vị của ông đã lắp ráp và bảo đảm hàng trăm quả đạn với thông số kỹ thuật, độ chính xác cao nhất cung cấp cho các tiểu đoàn hỏa lực chiến đấu bảo vệ vững chắc mục tiêu được giao. Nói về kỷ niệm ấn tượng, ông không thể nào quên những đêm anh em trong kíp thắp đèn dầu tranh thủ nghiên cứu, học tập làm chủ kỹ thuật. Ông trân trọng tình cảm của các chuyên gia Liên Xô đã dốc lòng dốc sức vì cách mạng Việt Nam. Nhờ chuẩn bị đạn kịp thời, đơn vị của ông đã bắn rơi nhiều máy bay địch. Trong đó, ông nhớ nhất là năm 1969, sau khi Trung đoàn 263 bắn rơi tại chỗ một máy bay KNL, Bác Hồ đã gửi lẵng hoa chúc mừng. Đó là món quà cuối cùng Bác dành tặng anh em trong đơn vị trước khi về cõi vĩnh hằng. Qua những trận đánh trước đó, cán bộ, chiến sĩ rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược trên bầu trời Thủ đô năm 1972.

{keywords}

CCB tên lửa tỉnh Bắc Giang ôn lại kỷ niệm chiến đấu.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, một số CCB các đơn vị tên lửa năm xưa đã về thăm xã Canh Nậu (Yên Thế) - nơi thành lập Trung đoàn Tên lửa 257; về xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) thăm lại nơi cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 83, Trung đoàn Tên lửa 238 cùng quân và dân tỉnh Hà Bắc bắn rơi hai máy bay F105 của Mỹ, bắt sống giặc lái tại chỗ (năm 1965). Đến những địa điểm trên, các CCB bồi hồi xúc động xen lẫn niềm tự hào khôn xiết. CCB Lê Văn Thùa (SN 1938) ở phường Xương Giang (TP Bắc Giang) nói: “Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là công sức, trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó bộ đội tên lửa giữ vai trò quan trọng, then chốt vì tìm ra cách đánh B52. Cho đến hiện nay, chúng ta tự hào vì Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới bắn rơi pháo đài bay nguy hiểm đó”. 

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là công sức, trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó bộ đội tên lửa giữ vai trò quan trọng, then chốt vì tìm ra cách đánh B52.

Trong 12 ngày đêm chiến đấu gan dạ, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B52 các loại, 16 chiếc rơi tại chỗ, giết và bắt sống nhiều giặc lái. Đây là đòn chiến lược, có ý nghĩa quyết định buộc Mỹ phải chấp nhận ký Hiệp định Paris năm 1973, rút hết quân về nước, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, tỉnh Bắc Giang có hàng trăm thanh niên nhập ngũ vào các đơn vị tên lửa. Về đời thường, họ cùng nhau sinh hoạt dưới mái nhà chung mang tên "Ban liên lạc Hội CCB Tên lửa tỉnh Bắc Giang". Nhiều đồng chí thành công trong công tác, làm kinh tế giỏi. Đơn cử như Trưởng Ban liên lạc Ngô Trọng Vịnh từng là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội Người Cao tuổi Việt Nam; ông Lê Văn Thùa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng, nhiều lần được vinh danh là doanh nhân tiêu biểu; ông Nguyễn Thái Hòa ở TP Bắc Giang, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Kỳ, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa… Nghe lại câu chuyện của những CCB tên lửa, chúng tôi thêm trân trọng, biết ơn những đóng góp to lớn của họ cả trong thời chiến và thời bình hôm nay.

Bài, ảnh: Mạc Yến

Khẳng định trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam trong chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không
Nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (12/1972-12/2022), sáng 9/12, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an và Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972” - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại.
Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không": Bắc Giang “chia lửa” cùng Hà Nội
(BGĐT) - Những ngày cuối tháng 12/1972, máy bay B52 Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, "rải thảm" Hà Nội. Bắc Giang là một trong những vùng mục tiêu trọng điểm của địch. Quân và dân Bắc Giang đã hiệp đồng chặt chẽ, chiến đấu hiệu quả, đóng góp sức người, sức của  “chia lửa” cùng Hà Nội.
Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang phát động thi đua kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"
(BGĐT) - Ngày 9/11, Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang phát động đợt thi đua cao điểm kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (12/1972 - 12/2022).
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...