Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 33 °C / 24 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Quốc phòng
Quốc phòng
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Bắc Giang - "Chiếc nôi" của bộ đội tên lửa Việt Nam

Cập nhật: 10:12 ngày 16/12/2022
(BGĐT) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bắc Giang là địa bàn trọng yếu bảo vệ vùng trời phía Bắc Thủ đô Hà Nội, trong đó tập trung một lực lượng lớn bộ đội của các đơn vị tên lửa thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân. Có thể nói, Bắc Giang là “chiếc nôi” của bộ đội tên lửa Việt Nam. 

Lịch sử còn ghi, ngày 10/7/1963, tại Trại Cờ, xã Ngọc Sơn, nay là thị trấn Thắng (Hiệp Hòa), Trung đoàn Tên lửa 228B-đơn vị tiền thân của bộ đội tên lửa ra đời. Từ đây, 10 trung đoàn tên lửa phòng không của quân đội ta gồm: Trung đoàn 236, 238, 285, 274, 267, 275, 278, 363, 257, 261 lần lượt được thành lập vào các năm 1965 và 1966. Một số đơn vị như Trung đoàn 275, Trung đoàn 238… được thành lập, huấn luyện tại núi rừng huyện Yên Thế. Hàng trăm thanh niên ưu tú của tỉnh nhà được lựa chọn về các đơn vị tên lửa trên để học tập, huấn luyện. Sau một thời gian ngắn, các đơn vị nhanh chóng ổn định tổ chức, khẩn trương huấn luyện chuyển binh chủng.

{keywords}

Bộ đội tên lửa những ngày đánh trận "Điện Biên Phủ trên không". Ảnh tư liệu.

Ngày 24/7/1965, Tiểu đoàn 63 và Tiểu đoàn 64 thuộc Trung đoàn 236 ra quân đánh trận đầu tại tỉnh Hà Tây cũ. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã bắn rơi một máy bay F4C của không quân Mỹ, bắt sống giặc lái. Đây là chiếc máy bay thứ 400 của Mỹ bị bắn rơi tại miền Bắc và cũng là chiếc đầu tiên bị tên lửa Việt Nam bắn rơi. Sau sự kiện đó, ngày 24/7/1965 trở thành ngày truyền thống của bộ đội tên lửa Việt Nam. Liên tục từ đây, bộ đội tên lửa của ta càng đánh càng mạnh, càng đánh càng hay. Một số đơn vị được thành lập tại mảnh đất Bắc Giang cũng lập nhiều chiến công xuất sắc. Tiêu biểu như ngày 20/9/1965, Tiểu đoàn 83 thuộc Trung đoàn 238 bắn rơi 2 hai máy bay F105. Đây là chiến công đầu tiên của quân dân Hà Bắc. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thời bấy giờ đã trực tiếp trao cờ “đánh thắng trận đầu” và tặng huy hiệu “20/9” cho đơn vị. Những tháng cuối năm 1965, tại trận địa Chũ (Lục Ngạn); Giỏ, Mỹ Lộc (Lạng Giang); Tân An (Yên Dũng)… cán bộ, chiến sĩ đơn vị tiếp tục bắn rơi nhiều máy bay, bắt sống nhiều giặc lái, sĩ quan cao cấp của Mỹ. Về sau, đơn vị cơ động chiến đấu ở tỉnh Quảng Bình, diệt được 6 máy bay ném bom chiến lược B52.

Trong chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972, bộ đội tên lửa cùng các lực lượng phòng không, không quân chiến đấu dũng cảm, kiên cường, sáng tạo lập nên kỳ tích. Trong 12 ngày đêm khói lửa này, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 máy bay B52, góp phần đập tan cuộc tập kích chiến lược, buộc Mỹ phải chấp nhận ký Hiệp định Paris năm 1973, rút hết quân về nước, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

{keywords}

Các cựu chiến binh tên lửa ôn lại truyền thống của bộ đội tên lửa Việt Nam.

Bước vào Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tên lửa tiếp tục phát huy tinh thần dũng cảm, kiên cường, quyết chiến, quyết thắng. Nhớ lại sự kiện lịch sử ngày 30/4, đại quân ta từ các hướng tiến vào đánh chiếm Dinh Độc Lập, quyết giải phóng Sài Gòn, trong đó đã đưa lực lượng tên lửa phòng không vượt dãy Trường Sơn áp sát Phủ Tổng thống Dương Văn Minh. Kế hoạch này khiến kẻ địch càng thêm hoảng loạn, hạn chế khả năng sử dụng không quân, tạo điều kiện cho chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi trọn vẹn. Trong lễ mừng chiến thắng tại Sài Gòn ngày 15/5/1975, đoàn xe tên lửa của Trung đoàn 263 vinh dự được tham gia cuộc duyệt binh.

Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội tên lửa phòng không đã bắn rơi gần 800 máy bay các loại. Với những chiến công và thành tích xuất sắc, Binh chủng Tên lửa cùng 10 trung đoàn, 11 tiểu đoàn và 17 cán bộ, chiến sĩ được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Bắc Giang là nơi thành lập đơn vị tiền thân của Bộ đội Tên lửa; có 5/10 trung đoàn Tên lửa được thành lập, huấn luyện tại núi rừng Yên Thế; là nơi diễn ra 5 trận đánh xuất sắc của bộ đội Tên lửa; chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị hạ trên đất Bắc Giang là do tên lửa của Trung đoàn 238 bắn rơi; các trận địa tên lửa trên đất Bắc Giang bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 1.300 và 2.300 trên miền Bắc.

Tỉnh Bắc Giang được coi là “chiếc nôi”của bộ đội tên lửa Việt Nam. Trong quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, bộ đội tên lửa luôn nhận được sự yêu mến, chở che, đùm bọc của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tại xã Canh Nậu (Yên Thế) - nơi thành lập Trung đoàn 257, người dân địa phương đã quyên góp, ủng hộ cho bộ đội tên lửa hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm cùng nhiều vật dụng phục vụ bảo quản vũ khí, trang thiết bị quân sự. Lực lượng dân quân chủ động lập phương án tác chiến, thành lập nhiều trạm gác phòng không báo động trong toàn dân, nhanh chóng khắc phục hậu quả sau mỗi lần địch bắn phá.

Bên cạnh đó, nhiều nơi còn thành lập “Hội Mẹ chiến sĩ” để chở che, giúp đỡ bộ đội. “Hội Mẹ chiến sĩ” xã Đa Mai (TP Bắc Giang) được thành lập từ cuối năm 1965, ban đầu có 5 tổ với hơn 300 mẹ tham gia, về sau phát triển thành 9 tổ với hơn 450 mẹ. Các mẹ đã cùng quân, dân xây dựng nhiều trận địa pháo cao xạ; làm mũ rơm, áo rơm tránh đạn; làm đệm rơm cho bộ đội nằm đỡ lạnh vào mùa đông; đến các trận địa pháo để vá áo cho bộ đội tên lửa sau mỗi trận giặc đánh phá ác liệt. Bắt gặp hình ảnh người mẹ hiền vá áo, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý xúc động và sáng tác bài hát “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” với lời ca, giai điệu chan chứa, nghĩa tình, đi cùng năm tháng: “Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc/Để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc/Quần nhau với giặc/Áo con rách thêm/ Nên các mẹ già lại phải thức thâu đêm vá áo…”.

Trở về đời thường, các cựu chiến binh Trung đoàn tên lửa năm xưa cùng nhau sinh hoạt dưới mái nhà chung mang tên “Ban Liên lạc Hội Cựu chiến binh Bộ đội Tên lửa phòng không tỉnh Bắc Giang”. Ban liên lạc hiện có hơn 400 thành viên, quân số nhiều nhất so với các tỉnh trong cả nước. Ban liên lạc đã làm tốt công tác nghĩa tình, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều đồng chí trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế, tham gia công tác hội, các phong trào, cuộc vận động tại địa phương.

Ngô Trọng Vịnh, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội Người cao tuổi Việt Nam, Trưởng Ban Liên lạc Hội Cựu chiến binh Bộ đội Tên lửa phòng không tỉnh Bắc Giang

Khẳng định trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam trong chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không
Nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (12/1972-12/2022), sáng 9/12, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an và Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972” - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại.
Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không": Bắc Giang “chia lửa” cùng Hà Nội
(BGĐT) - Những ngày cuối tháng 12/1972, máy bay B52 Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, "rải thảm" Hà Nội. Bắc Giang là một trong những vùng mục tiêu trọng điểm của địch. Quân và dân Bắc Giang đã hiệp đồng chặt chẽ, chiến đấu hiệu quả, đóng góp sức người, sức của  “chia lửa” cùng Hà Nội.
Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang phát động thi đua kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"
(BGĐT) - Ngày 9/11, Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang phát động đợt thi đua cao điểm kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (12/1972 - 12/2022).

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...