Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Quốc phòng
Quốc phòng
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Vinh quang người lính tình nguyện Việt - Lào

Cập nhật: 20:08 ngày 29/12/2022
“Cuộc đời mỗi con người có biết bao kỷ niệm nhưng kỷ niệm thời chiến tranh bao giờ cũng là dấu son in đậm trong tâm trí, nhất là đối với những người lính quân tình nguyện Việt - Lào như chúng tôi”- Đó là chia sẻ của ông Hoàng Đình Tiến, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Lào, Trưởng Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia giúp cách mạng Lào tỉnh Bắc Giang.
{keywords}

Ông Hoàng Đình Tiến có nhiều năm chiến đấu trên đất bạn Lào.

Có cả chục năm chiến đấu trên đất bạn Lào, trong lần gặp mặt các quân tình nguyện mới đây, ông Tiến nhớ lại những ngày quân ngũ trên đất bạn Lào, nơi có cánh đồng Chum –Xiêng Khoảng được ví như “chiến trường trọng điểm của trọng điểm”. Ngày ấy vào những năm 1969, 1970, cũng vào dịp mùa đông như thế này, những cơn gió se lạnh từ phương Bắc tràn về làm cho cánh rừng thông reo vi vu như bản nhạc bất tận. Một không khí dịu mát, êm đềm bình yên đầy ấn tượng, làm nao lòng những người lính mới đến.

Thế nhưng tiếng gầm của máy bay phản lực, tiếng bom đạn nổ ngoài ngã ba Mường Pệc đã phá tan sự bình yên của đất trời cao nguyên trên Cánh đồng Chum, báo hiệu bắt đầu cuộc chiến ác liệt kéo dài 3 năm giữa ta và các thế lực phản động ở Lào được đế quốc Mỹ tiếp sức bằng máy bay và bom đạn. Cánh đồng Chum trở thành chiến trường thí điểm cho học thuyết “Lào hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.

Những trận đánh ác liệt ở Pu Lốc Cốc, Mã Tử, bản Tôn, Phu Keng… biến cả một vùng rừng núi trở nên tan hoang, cháy rụi. “Những hy sinh của đồng đội không thể nói hết được. Người lính chúng tôi chỉ còn biết động viên nhau nắm chắc tay súng vào trận chiến đấu”- ông Tiến chia sẻ.

Sau này, ông Tiến được biết trong cuộc chiến tranh ở Lào, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã trút hơn 3 triệu tấn bom đạn lên đất nước xinh đẹp này. Nước Lào khi ấy chỉ có hơn 3 triệu dân.

Đơn vị ông Tiến được giao nhiệm vụ đi vận động nhân dân phá bỏ trại tập trung, đưa dân về bản cũ, khôi phục lại sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Thời gian đầu mới tiếp xúc, những người lính tình nguyện thấy lạ lùng, bỡ ngỡ bởi đi đến đâu cũng thấy điệu lăm - vông. 

Cuộc sống trong chiến tranh cực khổ vô cùng nhưng người dân trong những bản sơ tán giữa rừng vẫn phát nương làm rẫy, vẫn cấy lúa, họ bình tĩnh, lạc quan như tính cách vốn có của người Lào. Sau tiếng bom nổ là những điệu lăm, điệu khắp vẫn rộn ràng. 

Đêm đến, bên bếp lửa hồng, tiếng trống, điệu lăm - vông vẫn bập bùng rộn rã như thể trong mỗi bài hát, mỗi điệu dân ca, mỗi điệu lép múa đều ẩn chứa sức mạnh tinh thần to lớn, truyền cho họ tinh thần lạc quan, vượt qua khó khăn gian khổ ác liệt của chiến tranh. Điều đó thấy rằng bom đạn của giặc không thể khuất phục được lòng yêu nước, yêu độc lập tự do của nhân dân các bộ tộc Lào.

{keywords}

Các cựu chiến binh quân tình nguyện và chuyên gia giúp cách mạng Lào tỉnh Bắc Giang gặp mặt.

Nhắc lại những năm tháng trên đất bạn Lào, cựu chiến binh Nguyễn Đức Dũng, hội viên Hội hữu nghị Việt - Lào xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) tự hào về thời tuổi trẻ của mình. Tháng 7/1970, ông đi bộ đội, biên chế vào Trung đoàn 866 quân tình nguyện, đứng chân trên địa bàn chiến lược là Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng. 

Nhiệm vụ của đơn vị là bám đất, dành dân, giúp bạn xây dựng chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương. “Chúng tôi vào trận mỗi người mặc bộ quần áo mới. Còn lại là ba lô nặng đầy súng đạn, trong túi áo mỗi người không thể thiếu mảnh giấy ghi số ký hiệu, biệt danh của mình. Chúng tôi hành quân, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng, vượt núi cao, băng rừng già lởm chởm đá tai mèo sắc lạnh. Người leo sau đầu chạm chân người leo trước. Khát không có nước, mọi người phải chặt rễ cây rồi ép lấy nước uống ”- ông Dũng kể.

Khó khăn là vậy nhưng với tinh thần giúp bạn như giúp mình, ai cũng cố gắng khắc phục để tiếp cận các mục tiêu địch đóng chiếm để tiêu diệt, giành thắng lợi.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Lào, những người lính quân tình nguyện Việt Nam trở về quê hương tiếp tục công việc. Sau này, họ có nhiều dịp trở lại thăm chiến trường xưa, thăm Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng và những địa danh ghi dấu một thời quân ngũ. Ai cũng ngậm ngùi xúc động bởi đã góp một phần đời tuổi trẻ của mình cho mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bên vững.

Được biết, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Bắc Giang có hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ, quân tình nguyện hy sinh trên đất Lào. Trong số đó có hàng nghìn thương binh đã để lại một phần xương máu trên chiến trường giúp bạn. Hiện nay, Cựu quân tình nguyện và chuyên gia giúp Lào trong tỉnh còn hơn 3.000 người.

Bài, ảnh: Tuấn Minh

5 nội dung Thỏa thuận hợp tác giữa Hội LHPN hai tỉnh Bắc Giang và Xay Sổm Bun (Lào)
(BGĐT) - Thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Bắc Giang và chính quyền tỉnh Xay Sổm Bun (Lào), Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Bắc Giang và Hội LHPN tỉnh Xay Sổm Bun đã thống nhất ký kết Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022 - 2025.
Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Công an hai tỉnh Bắc Giang và Xay Sổm Bun (Lào)
(BGĐT) - Từ ngày 24/12 đến 28/12/2022, Đoàn công tác của Công an tỉnh Bắc Giang do Thượng tá Đỗ Đức Trịnh, Phó Giám đốc làm Trưởng đoàn đã sang thăm, làm việc tại Công an tỉnh Xay Sổm Bun (Lào). Cùng đi có lãnh đạo một số phòng nghiệp vụ.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...