Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc

Cập nhật: 11:23 ngày 27/04/2018
(BGĐT) - Tàu kiểm ngư 491 (KN 491) vang lên ba hồi còi rời cảng Cam Ranh đưa chúng tôi cùng Đoàn công tác số 5 thăm quần đảo Trường Sa. Hành trình hơn một nghìn hải lý đến với 10 đảo và nhà giàn DK1 đã cho tôi cảm nhận về một vùng đất oai hùng, thơ mộng nhưng cũng đầy phức tạp, hiểm nguy; có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. 

{keywords}

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương thăm hỏi, động viên con em Bắc Giang đóng quân ở đảo Trường Sa lớn.

Và hơn hết tôi đã gặp những con người trung dũng, kiên cường đang ngày đêm vượt lên ngàn trùng gian khó để xây dựng và bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương.

Chăm lo cho Trường Sa

Đoàn công tác số 5 có gần 200 đại biểu gồm các đoàn: Kho bạc Nhà nước, Tập đoàn Xăng dầu; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; tỉnh Bắc Giang, Nghệ An và một số cơ quan, đơn vị khác… Theo lãnh đạo Quân chủng Hải quân, mỗi năm từ tháng Ba đến tháng Sáu là lúc sóng yên biển lặng, Quân chủng tổ chức trên dưới 20 đoàn với khoảng 3.000 đại biểu đi thăm, tặng quà, động viên quân và dân Trường Sa. 

Đoàn Bắc Giang có 6 thành viên do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương làm trưởng đoàn. Trong đó có ba thầy cô giáo Trường THPT Lý Thường Kiệt (Việt Yên). Có lẽ Trường Lý Thường Kiệt không chỉ tiêu biểu của tỉnh mà của cả nước có nhiều hoạt động hướng về biển đảo. Nhà trường đã quyên góp kinh phí để xây dựng cột mốc chủ quyền biển đảo ở sân trường, tặng quà các gia đình có con em là bộ đội Trường Sa và quà tặng cho quân và dân Trường Sa…

{keywords}

Đoàn đại biểu Bắc Giang chụp ảnh lưu niệm ở cột mốc chủ quyền tại đảo Trường Sa lớn.

Nói “Tháng Ba đàn bà đi biển” nhưng hành trình của tàu KN 491 lần này vừa rời cảng thì gặp áp thấp nhiệt đới gió cấp 7, cấp 8 khiến các đại biểu bị trận say sóng nhớ đời. Trong hai ngày đầu, “tàu kiên cường bám biển, còn nhiều đại biểu thì bám chặt thành giường”.

Và rồi gió đã bớt, sóng đã dịu êm, chúng tôi lần lượt lên xuồng thăm các đảo. Quân và dân trên đảo đón chúng tôi như người thân lâu ngày trở về. Những cái bắt tay thật chặt và lời ca vang lên. Chúng tôi múa hát trên ban công, trong phòng ở chiến sĩ, ngay lúc trú nắng dưới hầm công sự… Tiếng hát át tiếng sóng. Và hát để không khóc lúc chia tay trong lưu luyến đến nghẹn lòng.

Tôi nhận ra rằng, đó là lúc biển đảo và đất liền gần hơn bao giờ hết. Cùng với những phần quà thiết thực, những lời thăm hỏi động viên ấm lòng, sau mỗi chuyến công tác của các đoàn, nhiều ý tưởng hay đã thành hiện thực. Điện cho Trường Sa, nước ngọt, rau xanh, cây xanh cho Trường Sa, thông tin viễn thông, sách báo cho Trường Sa và nhiều phong trào khác đã giúp cho diện mạo Trường Sa ngày càng khởi sắc.

Trường Sa nỗ lực vươn lên

Trong hành trình 10 ngày, chúng tôi đến 10 đảo và nhà giàn DK1 trong tổng số 21 đảo, 33 điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa. Đó là các tên đảo thân thương: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Nam Yết, Sinh Tồn, Cô Lin, Tiên Nữ, Đá Đông A, Núi Le B, Trường Sa lớn. Nếu như sau ngày giải phóng đó chỉ là những hòn đảo trơ trọi, chỉ có sỏi đá và cát trắng thì nay Trường Sa đã trở nên khang trang, xinh đẹp, tràn đầy sức sống.

Ở giữa biển khơi hôm nay, tôi đã thấy những công trình quốc phòng kết hợp với kinh tế phục vụ dân sinh như sân bay, âu tàu, càu cảng, trạm thu phát tín hiệu điện thoại qua vệ tinh, đài khí tượng thủy văn, trạm xá, các công trình văn hóa: Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, đền thờ Bác Hồ, tượng đài Trần Hưng Đạo, công viên Võ Nguyên Giáp…

Tôi đã thấy nhiều ngôi nhà mái ngói đỏ tươi của các hộ dân kề bên con đường bê tông có những hàng cây rợp bóng mát. Tôi đã nghe tiếng trẻ học bài và hát ca. Tôi đã thấy nhiều thư viện, tôi đã nghe được cả tiếng chuông chùa từ đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây, Trường Sa lớn… 

{keywords}

Hoa tiêu vào đảo.

Dạo qua các đảo chìm, đảo nổi, tôi đều thấy có rất nhiều vật nuôi gần gũi như trong vườn nhà ở quê mình là chó, bò, lợn, gà, vịt. Tôi thích thú ngắm những vườn rau xanh ngăn nắp có đủ các loại rau muống, rau cải, rau dền, mồng tơi, sả, ớt… Từ chỗ nước ngọt, rau xanh phải chi viện từ đất liền thì nay hầu hết các đảo đã chủ động được, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe.

Có được thành quả đó, tôi biết là nhờ triệu triệu con tim từ đất liền luôn hướng về chung sức với Trường Sa; quân và dân nơi đây đã nỗ lực không ngừng, mang từ đất liền ra từng hòn đất nhỏ, từng hạt giống, từng nhành cây, chắt chiu từng giọt nước ngọt để chăm chút cho cuộc sống hiện tại và tương lai. 

Đất liền gửi gắm và tin tưởng

Qua hải trình gần 2 nghìn cây số tôi càng hiểu thêm rằng Trường Sa - vùng biển đảo “phên giậu” có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ lâu các nhà quân sự, khoa học, chính trị đều cho rằng: “Ai làm chủ Trường Sa sẽ làm chủ biển Đông”. Vùng biển này đang đứng trước những tranh chấp phức tạp giữa các nước yêu sách về chủ quyền. Trường Sa là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển khai thác thủy hải sản, dầu khí, thương mại hàng hải và du lịch. Hơn thế, Trường Sa là vùng đất oai hùng và thiêng liêng đã thấm đẫm hy sinh xương máu của bao thế hệ cha anh.

Giữa mênh mông sóng biển, cả đoàn công tác lặng đi trong lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh ở quần đảo Trường Sa được tổ chức gần đảo Gạc Ma. Giọt nước mắt tự tuôn rơi khi nghe lời diễn văn nói về cuộc chiến không cân sức trên đảo Gạc Ma ngày 14 -3 - 1988. Đó là khi Trung Quốc bất ngờ tấn công, các chiến sĩ Hải quân Việt Nam trên đảo Gạc Ma đã nắm tay nhau tạo thành vòng tròn giữ đảo, sau này trở thành biểu tượng “Vòng tròn bất tử”. Trong giờ phút ấy, liệt sĩ Trần Văn Phương trước khi ngã xuống, một tay anh vẫn giữ chắc cột cờ, miệng hô to: “Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ biển Đông, chứ cương quyết không để mất đảo”. 

{keywords}

Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở quần đảo Trường Sa.

Buổi tưởng niệm thứ hai được tổ chức gần nhà giàn DK1/ Huyền Trân. Còn nhớ thời khắc chiều ngày 4-12-1990, cơn bão số 10 có sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào Nam Biển Đông đã quật đổ, nhấn chìm nhà giàn, cuốn trôi 8 cán bộ, chiến sĩ xuống biển, 3 đồng chí hy sinh. Khi ấy, Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình hy vọng cho người chiến sĩ trẻ nhất của đơn vị được sống… Và còn rất nhiều những tấm gương anh dũng hy sinh như thế vì biển đảo quê hương. 

Sau chuyến công tác, cảm nhận về Trường Sa, thầy giáo Nguyễn Danh Bắc, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt chia sẻ với giáo viên và hơn 1.000 học sinh của mình: “Nơi nào oai hùng, thiêng liêng nhất – đó là Trường Sa; ở đâu nhiều gian khổ, hy sinh nhất – đó là Trường Sa; nơi nào nhiều yêu thương, chia sẻ nhất – đó là Trường Sa”.

Tôi đồng cảm với thầy Bắc và tôi biết những điều đó đã trở thành giá trị tinh thần quý giá thôi thúc, nâng bước cán bộ, chiến sĩ trẻ hôm nay. Trên các đảo và nhà giàn, tôi đã gặp những chàng hải quân vai sắt lưng đồng, màu da nắng sạm, đôi mắt ngời sáng và nụ cười lạc quan tươi trẻ. Biểu tượng ấy là niềm tin, là sức mạnh bất chấp mọi gian khó, hiểm nguy, bất chấp mọi kẻ thù.

NSƯT Hồng Tam (Đoàn nghệ thuật Hòa Bình) hát giao lưu với chiến sĩ hải quân Trường Sa.

Trong hành trình thăm Trường Sa tôi mang theo cuốn sách “Dặm dài đất nước” của cố giáo sư Trần Quốc Vượng, tôi thật tâm phục khi ông viết: “…Với sức mạnh phong phú của con người, Việt Nam đã sẵn sàng trả lời, để giữ vững sự sống còn của dân tộc và nền độc lập của đất nước, chúng ta có đủ cái kiên quyết và cái mềm dẻo, óc thực tế và chất thăng hoa, vai sắt lưng đồng và tâm hồn uyển chuyển tinh tế để trả lời trước những thời điểm lịch sử của vận nước”.

Và tôi cũng tâm đắc bài phát biểu với quân và dân đảo Sinh Tồn của Phó Chủ tịch Lê Ánh Dương: “…Chúng tôi rất cảm phục sự trung dũng, kiên cường của quân và dân trên các đảo, đất liền luôn sát cánh và sẵn sàng chung sức với Trường Sa. Chúng tôi ra đây không chỉ mang theo những phần quà, lời động viên mà còn mang cả sự gửi gắm và tin tưởng của đất liền với quân và dân trên đảo. Chúc cho đảo Sinh Tồn và các đảo Trường Sa của chúng ta mãi mãi trường tồn”. 

Khi viết những dòng cuối của bài này, bên tai tôi như còn văng vẳng câu hát của quân và dân đảo Trường Sa lớn lúc chia tay chúng tôi ở cầu cảng: “Biển này là của ta, đảo này là của ta/ Trường Sa, dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua…”.

Vâng, đất liền luôn gửi gắm và tin tưởng Trường Sa thân yêu của chúng ta!

Ghi chép của Trần Đức

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...