Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Quốc phòng / Biển đảo quê hương
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

"Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau"

Cập nhật: 07:00 ngày 07/04/2018
(BGĐT) - “Đất nước tôi ba nghìn cây số biển. Nhấp nhô ba nghìn đảo nhỏ đảo to”. Để bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, biết bao cán bộ, chiến sĩ đã rời đất liền, tạm biệt gia đình, làng quê lên tàu rẽ sóng, sẵn sàng đương đầu với phong ba bão táp. 
{keywords}

Chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương. Ảnh: Hải Ngân.

Và phía sau những người lính rắn rỏi ấy là biết bao câu chuyện cảm động về sự đóng góp, hy sinh âm thầm của những người thân nơi hậu phương. Họ chính là ngọn lửa sưởi ấm lòng, là động lực để các anh vững vàng hơn nơi đầu sóng ngọn gió.

Ngày cưới mới biết mặt chồng

Ngày nghỉ cuối tuần, chị Bạch Thị Quỳnh Thương (SN 1984), giáo viên Trường Mầm non Phi Mô (Lạng Giang) lại sắp sẵn mấy bộ quần áo cho hai mẹ con và chút quà, lễ để về quê chồng ở thôn Vĩnh An, xã Song Mai (TP Bắc Giang). Kể từ ngày bố chồng mất hồi đầu năm ngoái, chị vẫn có thói quen tuần rằm, mồng Một hay thứ Bảy, Chủ nhật tranh thủ đưa con trai về thắp hương cho ông nội. 

Nhìn bóng dáng nhỏ bé của chị chở con trai trên xe máy, người hàng xóm chép miệng thương chị lấy chồng mà vất vả, chẳng mấy khi anh có nhà nên việc gì cũng đến tay. Nhưng chị lại không nghĩ thế, trong mắt chị ánh lên niềm tự hào khi nói về chồng mình: “Anh là Trần Văn Trung, công tác ở quần đảo Trường Sa. 

{keywords}

Giờ lên lớp của cô giáo Thương tại Trường Mầm non Phi Mô (Lạng Giang) - hậu phương của anh Trần Văn Trung (quần đảo Trường Sa). Ảnh: PV.

Chồng em đi đảo đến nay đã tròn 10 năm. Chẳng có thời gian tìm hiểu bạn gái nên anh cũng kệ chuyện lấy vợ. Còn em sinh ra đã không được sống trong tình cảm trọn vẹn của cả cha và mẹ nên có phần khép kín và hơi đề phòng” - chị Thương kể lại tình duyên có vẻ lận đận của cả hai người. Biết nhau qua mai mối của người họ hàng khi anh đã ở tuổi 33, chị cũng đã 27. Gia đình chỉ có một mẹ một con nên mẹ chị nhất quyết không muốn rời xa người con gái yêu quý mà chọn người ở rể. Chị đem chuyện này thưa với anh, anh đồng ý. Vậy là mối tình chàng lính đảo và cô giáo mầm non nảy nở từ đó và chỉ thông qua điện thoại. Ngày cưới anh trở về, khi đó hai người mới chính thức biết mặt nhau, mừng mừng tủi tủi. 

Lấy chồng nhưng cuộc sống của chị không khác trước là bao - vẫn ở cùng mẹ đẻ ở thôn Đại Phú 2, xã Phi Mô và ngày ngày đến trường. Còn anh sau ít ngày nghỉ phép cưới vợ lại lên tàu đi làm nhiệm vụ. Năm 2012, chị sinh con trai, anh vui mừng đặt tên là Trần Hải Đăng để kỷ niệm về những ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa. Bố mẹ chồng chỉ sinh được hai anh em, anh trai là Trần Văn Tân cũng công tác ở Vùng 4 Hải quân, lấy vợ sinh sống ở Nha Trang nên nhà càng neo người. Cô giáo Nguyễn Thị Bình, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phi Mô kể: “Thương rất giản dị, hiền lành, chất phác và nhiệt tình, đồng nghiệp ai cũng quý. Thời gian bố chồng ốm nặng nằm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh dài ngày, cô ấy cùng với người mẹ kế của chồng thay nhau chăm sóc”. 

Có chồng là lính đảo, cô giáo Thương không những không một lời than vãn về sự khó khăn, vất vả khi phải một mình nuôi dạy con, chăm lo việc nhà chồng, thiếu thốn tình cảm lứa đôi để chồng yên tâm công tác mà còn hãnh diện: “Hè năm ngoái, anh Trung đón hai mẹ con vào Nha Trang chơi một tháng. Nếu chồng không là lính đảo, chắc mẹ con em chả được đi như thế bao giờ, chị nhỉ”.  

“Con làm nhiệm vụ ở hải đảo, gia đình rất tự hào”

{keywords}

Bố mẹ chiến sĩ Lý Tự Trọng (đảo Sinh Tồn).

Người đàn ông cao lớn vận sơ mi kẻ xanh, quần tây ra tận cổng làng đón tôi sau khi nghe điện thoại. Ông là Lý Nha Trang, thôn Hồ Sơn 2, xã Bảo Sơn (Lục Nam) có con trai là Lý Tự Trọng (SN 1988) đang làm nhiệm vụ ở đảo Sinh Tồn. Tốt nghiệp THPT, Trọng ở nhà làm phụ hồ một năm, sau đó xung phong đi bộ đội, theo học lớp trung cấp mật mã và được phân công vào Nha Trang công tác. “10 năm đi bộ đội thì đã 3 năm rồi em nó không được đón Tết ở đất liền, chuyện lấy vợ cũng chưa thấy động tĩnh gì”- bà Đào Thị Quang, mẹ Trọng cho biết.

Năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan phi pháp HD 981 vào Biển Đông, Lý Tự Trọng đang làm nhiệm vụ ở đó. “Ở nhà theo dõi trên ti vi và mạng Internet, người thân ai cũng lo lắng, sốt ruột. Gia đình cũng nhận được sự động viên, quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con hàng xóm. Tôi có suy nghĩ nếu xảy ra chiến tranh thì đâu phải trên biển mà đất liền cũng nguy hiểm. Để trấn an, tôi động viên mọi người không có gì phải lo lắng cả, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là vinh quang. Thời điểm nước sôi lửa bỏng thế này gia đình phải tự hào khi có con đi đảo chứ”- ông Lý Nha Trang kể. Theo ông tất cả các gia đình đều phải gánh trách nhiệm chung với đất nước. Con mình là thanh niên, khỏe mạnh thì trách nhiệm càng phải cao hơn. 

Tiếp nối truyền thống gia đình

{keywords}

Bà Nguyễn Thị Tuyết giới thiệu về con trai Bùi Minh Đức (Quần đảo Trường Sa).

Là con trai duy nhất trong gia đình có hai chị em, Bùi Minh Đức (SN 1992) ở số nhà 79, ngõ 134, đường Lê Lợi (TP Bắc Giang) đã sớm tiếp nối truyền thống gia đình quân ngũ, cha mẹ và hai bên nội ngoại em có 9 bác ruột, chú ruột đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu lâu dài trong quân đội. Đang làm y sĩ y học cổ truyền ở Bệnh viện Quân y 175 (TP Hồ Chí Minh), Đức nhận nhiệm vụ đi Trường Sa công tác từ ngày 1-1-2018. Bà Nguyễn Thị Tuyết - mẹ Đức vừa mở tủ lấy tập album ảnh, vừa xuýt xoa giới thiệu với tôi: "Em nó thư sinh, da dẻ trắng như cục bột, hiền lắm. Lúc đầu có thông tin ra đảo công tác, Đức cũng băn khoăn, chị gái đã lập gia đình sinh sống ở tỉnh Quảng Ninh, ở nhà chỉ còn bố mẹ, có khi cả năm mới được về đất liền". Biết được ý định của con trai, ông Bùi Ngọc Tuyên động viên: Con còn trẻ, lại chưa vướng bận vợ con, tuổi trẻ xông pha là chuyện bình thường. Đi Trường Sa cho dày dạn gió sương. 

Thời chiến tranh các bác, các chú đều xung phong ra trận cơ mà. Ra đó, Đức cũng hay điện thoại về hỏi thăm gia đình, người thân. Em kể rằng không chỉ khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo mà còn cho cả ngư dân đi biển. Công việc nhàn hạ hơn rất nhiều so với trong đất liền do ít bệnh nhân. Ngoài thời gian đó ra thì anh em còn tăng gia trồng rau, chăn nuôi, huấn luyện. "Cuộc sống trên đảo cũng vui lắm bố mẹ ạ!". Nghe con kể vậy, gia đình chúng tôi cũng vui lây và luôn động viên con cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. “Vợ chồng tôi đều có lương hưu, còn khỏe mạnh, ông nhà tôi vẫn ra Hà Nội làm thêm ở phòng khám tư nhân, tôi trước là giáo viên mầm non nhưng vẫn đi làm để có thu nhập”- bà Tuyết tâm sự.

“Hải - Quân là tên hai con trai tôi”

Trong ngôi nhà của người nông dân Nguyễn Ngọc Sử ở thôn Gia Cao, xã Mai Trung (Hiệp Hòa) có rất nhiều tranh ảnh, hiện vật của biển. Những con ốc, con sò, bức tranh được treo trang trọng trên tường và bày nơi tủ kính. Chỉ lên mấy tấm ảnh, ông Sử giới thiệu về hai người con trai Nguyễn Hoàng Hải (SN 1990) và Nguyễn Ngọc Quân (SN 1995). “Hải - Quân là tên hai con tôi. Hải lấy vợ đã có con làm công nhân khu công nghiệp, còn Quân đang ở nhà giàn DK1. Thực ra khi đặt tên con tôi cũng không nghĩ có sự trùng hợp như vậy. Quân ra Trường Sa được 4 năm rồi. Có con ở nơi đầu sóng ngọn gió như thế, là cha mẹ ai lại không lo lắng. Tết năm 2016 và đầu tháng 12 vừa qua em về thăm nhà. Thấy con khỏe mạnh, rắn rỏi, tác phong chững chạc, kể nhiều chuyện ở đảo tôi mừng lắm. Chúng tôi cũng rất tự hào, chẳng bao giờ nghĩ gia đình nông dân như mình lại được quan tâm nhiều đến thế". 

Từ khi con đi Trường Sa, năm nào gia đình cũng nhận được Thư chúc Tết và quà của Chủ tịch nước; Tỉnh ủy- HĐND-UBND- Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang; Bộ CHQS tỉnh, huyện; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và cấp ủy chính quyền địa phương. Những tấm thiệp này được ông Sử để ngay ngắn dưới lớp kính của chiếc bàn uống nước. “Nếu là gia đình bình thường không có con đi công tác Trường Sa thì làm sao chúng tôi nhận được những món quà tinh thần vô giá này”- ông Sử tự hào.

{keywords}

Ông Nguyễn Ngọc Sử, bố chiến sĩ Nguyễn Ngọc Quân (Nhà giàn DK1).

Gặp gỡ hậu phương của những người lính đảo, tôi còn được nghe nhiều câu chuyện xúc động về tình cảm thiêng liêng, gắn bó giữa đất liền với biển đảo. Dù cho các anh đã bám trụ ở biển 5 năm, 10 năm hay mới vài tháng thì những người vợ, người mẹ, người cha, gia đình vẫn luôn tự hào về các anh, là điểm tựa để các chiến sĩ yên tâm công tác, vững tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Bởi hơn ai hết họ hiểu rất rõ rằng khi Tổ quốc cần phải biết sống xa nhau.

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...