Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mỹ tiết lộ vụ hối lộ bất thành Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu

Cập nhật: 07:00 ngày 02/04/2017
(BGĐT) - Nhờ Đạo luật tiết lộ thông tin (ARC), Mỹ buộc phải công bố những "thâm cung bí sử" khi đến hạn. Trong số này có vụ scandal Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hối lộ bất thành Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu với số tiền lên tới 3,3 triệu USD, tương đương 25 triệu USD thời giá hiện nay.
{keywords}

CIA bất thành trong việc "tặng quà" Thủ tướng Lý Quang Diệu.

Cơ sở thông tin được giải mật

Vụ hối lộ bất thành của CIA vào năm 1960 vừa được giải mật dựa trên tài liệu chính thống của Chính phủ Mỹ và Singapore. Các tài liệu này đang được bảo quản tại Cục Quản lý Hồ sơ Lưu trữ Quốc gia Maryland. Có tổng cộng 930 nghìn tài liệu với hơn 12 triệu trang đang được đăng tải trên trang web của CIA. Đây là những tài liệu đã được CIA công bố kể từ năm 1999 trong Hệ thống Công cụ Tìm kiếm tài liệu mật CIA (CIA Records Search Tool), gọi tắt là bộ sưu tập CREST. Mọi người có thể truy cập trực tiếp tại Cục Quản lý Hồ sơ Lưu trữ Quốc gia (NARA) ở College Park, Maryland. Nói cách khác, các tài liệu này được công khai khi không còn bí mật nữa để người dân được biết.

Bộ sưu tập CREST gồm nhiều chủ đề, như lịch sử CIA, Chiến tranh Lạnh, Chiến tranh Việt Nam, Dự án Đường hầm Berlin, Chiến tranh Triều Tiên, máy bay trinh sát U-2 ... cho đến các hồ sơ về khủng bố, quân sự và kinh tế liên quan đến các quốc gia Mỹ từng can dự. CREST còn chứa các thông tin chuyên ngành kèm các bản dịch nước ngoài, các bài báo khoa học mô tả chương trình theo dõi từ xa STAR GATE, hồ sơ Thư viện Quốc hội Henry Kissinger và các tài liệu mật khác của CIA. Việc giải mật các tài liệu này thường diễn ra sau 25 năm lưu trữ theo Sắc lệnh 13526 về phân loại, công bố thông tin chiểu theo Đạo luật Hồ sơ Liên bang (ARC).

Quả đắng của CIA 

Ngày 2-9-1965, tờ New York Times đăng bài viết liên quan đến việc hối lộ Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Sự kiện bắt đầu từ việc Singapore bất bình với hàng loạt hành động của Mỹ. Thủ tướng Lý Quang Diệu đã đề nghị Mỹ không nên bưng bít những việc làm "không được lòng dân" tại châu Á, như đã làm đối với chính quyền Ngô Đình Diệm hay Syngman Rhee (Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc). Nhân sự kiện trên, ông Lý Quang Diệu tuyên bố, Singapore không bao giờ cho phép người Mỹ thay thế người Anh tiếp quản Singpore và duy trì căn cứ quân sự trên đảo quốc của mình. Đặc biệt, Thủ tướng Lý Quang Diệu còn nhắc đến vụ CIA hối lộ ông nhưng bị từ chối và yêu cầu Mỹ phải xin lỗi chính thức trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo trang tin Mothership.sg của Singapore, vụ việc bắt đầu từ năm 1960, khi một điệp viên CIA bị bắt vì tham gia mua bán thông tin từ một sĩ quan tình báo Singapore. Do có nguy cơ bị bại lộ, CIA đã đề nghị trả thù lao cho Thủ tướng Lý Quang Diệu 3,3 triệu USD (tương đương 25 triệu USD theo thời giá hiện nay) để giữ kín chuyện. Tuy nhiên, Singapore không chỉ từ chối mà còn đề nghị CIA nâng số tiền lên gấp 10 lần dưới dạng viện trợ phát triển chính thức cho Singapore.

{keywords}
Hồ sơ vụ hối lộ Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu vừa được CIA công bố.

Sự việc xảy ra đúng vào lúc tổng thống thứ 35 của nước Mỹ là J.F Kennedy chuẩn bị nhậm chức nên sợ bị phanh phui. Tháng Giêng năm 1961, Tổng thống tương lai J.F Kennedy đã đề nghị bồi thường danh dự cho ông Lý Quang Diệu dưới hình thức viện trợ nước ngoài cho Singapore và Malaysia, khi đó Singapore vẫn nằm trong liên bang với Malaysia và tách ra khỏi liên bang vào mùa hè năm 1965. Singapore giải ngân được 3,3 triệu USD vào năm 1963 và 1 triệu USD nữa vào năm 1964. 

Theo các thông tin đăng tải trên tờ NewYork Times số ra ngày 2-9-1965, ngày 15-4-1961 Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Dean Rusk đã có thư xin lỗi ông Lý Quang Diệu và cam kết trong nhiệm kỳ của Tổng thống J.F Kennedy, Nhà Trắng sẽ kỷ luật điệp vụ CIA gây ảnh hưởng đến mối giao bang hai nước và thanh danh của ông Lý Quang Diệu.

Ngay sau khi ông Lý Quang Diệu yêu cầu Mỹ không nên che giấu những vụ việc gây mất lòng dân, Singapore còn tuyên bố không cho phép người Mỹ thay thế người Anh tiếp quản và duy trì căn cứ quân sự trên đảo quốc này. Đại sứ Mỹ tại Malaysia lúc đó là James D. Bell và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert J. McCloskey đã bác bỏ việc làm của CIA đưa hối lộ ông Lý Quang Diệu. Để làm bằng, ông Lý Quang Diệu đã cho công bố bức thư xin lỗi của Bộ trưởng Ngoại giao Dean Rusk gửi ông ngày 15-4-1961. Chưa hết, Thủ tướng Lý Quang Diệu còn dọa sẽ công bố toàn bộ các báo cáo và tài liệu liên quan đến âm mưu của CIA, thậm chí cả kế hoạch phát băng ghi âm các cuộc thẩm vấn và cuộc họp trên đài phát thanh Singapore, nếu chính phủ Mỹ tiếp tục phủ nhận sự việc. 

"Nếu người Mỹ tiếp tục từ chối, tôi sẽ tiết lộ thêm những thông tin chi tiết, giống như các điệp vụ của James Bond và Goldfinger từng làm, nó không phải là điều tốt đẹp, vừa ghê tởm lại kỳ cục. Người Mỹ cũng nên biết điều khi họ làm việc với ai tại Singapore. Không nên kéo Singapore vào những chuyện rắc rối và vô bổ, giống như họ từng làm với Ngô Đình Diệm hay Syngman Rhee, tiền không mua được tất cả", ông Lý Quang Diệu nói thẳng với báo giới khi Mỹ cố tình che giấu sự việc. Để hạn chế thiệt hại vì những sai lầm của CIA gây ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ McCloskey nhanh chóng rút lại lời phát ngôn, còn phía Mỹ cũng rút ra bài học trong mối quan hệ với Singapore. 

Việc Thủ tướng Lý Quang Diệu từ chối nhận “quà biếu” của CIA không chỉ mang lại tiếng tăm cho ông mà còn mang lại lợi ích cho Singapore, buộc chính quyền Tổng thống J.F Kennedy phải "sogf phẳng” bằng viện trợ phát triển cho Singapore. Đây là bài học sâu sắc về lòng yêu nước, trung thành với Tổ quốc của ông Lý Quang Diệu. Theo hiến pháp, tất cả các nghị sĩ Singapore đều phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc trước khi thực thi trách nhiệm của mình cho dù họ thuộc đảng phái nào.

Đôi nét về gia tộc họ Lý

Theo Wikipedia, Lý Quang Diệu (1923 - 2015) là Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Singapore, ông đảm nhiệm chức vụ này từ năm 1959 đến 1990. Ông được xem là chính trị gia có ảnh hưởng nhất tại đảo quốc này. Dù thôi vai trò thủ tướng nhưng ông tiếp tục phục vụ trong chính phủ của Thủ tướng Ngô Tác Đống với cương vị Bộ trưởng Cao cấp. Cho đến khi qua đời, Lý Quang Diệu đã giữ một chức vụ được kiến tạo riêng cho ông, Bộ trưởng Cố vấn (Minister Mentor) dưới quyền lãnh đạo của con trai là Lý Hiển Long - Thủ tướng thứ ba của Singapore (nhậm chức ngày 12-8-2004) và là người thứ hai thuộc gia tộc họ Lý đảm nhiệm cương vị này. 

Theo hồi ký của ông, Lý Quang Diệu là thế hệ thứ tư thuộc gia đình người Khách Gia định cư tại Singapore. Tháng 9-1950, Lý Quang Diệu kết hôn với Kha Ngọc Chi, họ có 2 con trai và 1 con gái. Con trai cả Lý Hiển Long, cựu Chuẩn tướng quân đội, từ năm 2004 là Bộ trưởng Tài chính và nay là Thủ tướng đương nhiệm. Lý Hiển Long từng là Phó Chủ tịch Ban Quản trị Công ty Đầu tư Singapore (ông Lý Quang Diệu là chủ tịch). Ho Ching- vợ Lý Hiển Long là Giám đốc điều hành của Tamasek Holdings. Con trai thứ Lý Hiển Dương, cựu Chuẩn tướng, hiện là Chủ tịch và Tổng Giám đốc của Sing Tel, một tập đoàn truyền thông xuyên châu Á và cũng là công ty lớn nhất trong thị trường chứng khoán Singapore (SGX). Con gái của ông, Lý Vĩnh Linh lãnh đạo Viện Khoa học Thần kinh Quốc gia hiện sống độc thân.

Khắc Hùng (Theo MS/CIA/CC/JSK- 3/2017)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...