Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kẻ khủng bố bom thư “sa lưới” từ một bài báo

Cập nhật: 14:19 ngày 13/07/2018
(BGĐT) - Khủng bố thực hiện trót lọt hàng chục vụ đánh bom trong gần hai thập kỷ là chuyện hiếm thấy. Nhưng nhờ công của tờ Bưu điện Washington (WP) và Thời báo New York (NYT), FBI đã kết thúc vụ án, tìm ra kẻ chủ mưu gây ra hàng chục vụ đánh bom thư kinh hoàng mang biệt danh Unabomber.
{keywords}

Ted Kaczynski thời trẻ.

Unabomber là ai?

Top 10 Murderers Who Used Their Genius IQs For Evil (Top 10 kẻ giết người dùng IQ để gây tội ác) là nguyên văn bài viết trên tạp chí Listverse của Anh (LC) số ra đầu tháng 7-2018 nói về những kẻ tội đồ, thay vì dùng trí thông minh phục vụ nhân loại thì lại dùng nó để làm công cụ gây tội ác. Trong danh sách nói trên có Ted Kaczynski (xếp vị trí thứ 2), biệt danh Unabomber, kẻ đã gây ra hàng chục vụ khủng bố kinh hoàng những năm 80, đầu 90 ở thế kỷ trước bằng các vụ đánh bom thư đẫm máu, khiến Cục điều tra Liên bang (FBI) mất rất nhiều công sức mà vẫn không tìm ra. Nhưng nhờ một bài nặc danh dài hơn 35.000 từ khiến kẻ gây tội tự mình chui vào rọ. Theo LC, bất cứ ai có chỉ số thông minh (IQ) thường được xem là quà tặng trời phú. Theo thang độ thông minh Stanford-Binet, IQ từ 130 đến 144 được coi là “có năng khiếu” và chỉ có 2,3% người đạt điểm số như vậy. Dưới 1% dân số có IQ từ 145 đến 160, tức cấp độ thiên tài, như Stephen Hawking và Albert Einstein. Riêng kẻ mang biệt danh Unabomber Ted Kaczynski, từng gieo kinh hoàng cho nước Mỹ với hàng loạt vụ đánh bom lại có IQ tới 167.

{keywords}

Báo ra ngày 19-9 -1995 của WP nói về “bản tuyên ngôn” của Unabomber.

Ted “Unabomber” Kaczynski (sinh tháng 5-1942) là kẻ khủng bố “nội địa”, vô chính phủ nhưng lại là một thần đồng toán học. Với IQ đáng kinh ngạc, ngay từ năm mới 16 tuổi, Kaczynski đã được nhận vào Đại học Harvard và có bằng Tiến sĩ Toán học do Đại học Michigan cấp. Chưa đầy một thập kỷ sau, Kaczynski đã trở thành một Giáo sư Toán học của Đại học California (UCA). Tại đây, Theodore thực hiện nghiên cứu lý thuyết hàm hình học hết sức phức tạp, khiến các giáo sư trong lĩnh vực tự nhiên đều khâm phục. Nghe đồn, Kaczynski tốt nghiệp với luận án Tiến sĩ mà các giảng viên trong trường đều thừa nhận không thể hiểu hết. Thậm chí, một giáo sư còn nói, trên thế giới chỉ có khoảng 10-12 người đánh giá được luận án của Kaczynski. Năm 1967, Kaczynski trở thành một trong những giáo sư trẻ nhất tại UCA khi mới 25 tuổi. Tuy nhiên, sau 2 năm giảng dạy, Kaczynski bất ngờ bỏ việc về sống cùng cha mẹ tại Lombard, Illinois, quay lưng lại với xã hội và tiến hành các nghiên cứu phục vụ việc tạo bom thư để khủng bố. Động cơ khiến Kaczynski quay lưng với đồng loại là phản đối cuộc cách mạng công nghiệp hóa, ủng hộ một hình thái vô chính phủ nguyên thủy. Theo Kaczynski, nhiều vùng đất bị tàn phá do trào lưu đô thị hóa và công nghiệp hóa. Sau khi bị bắt, Kaczynski thú nhận, hoàn toàn mất lòng tin vào các ý tưởng cải cách xã hội, chỉ có bạo lực mới có thể ngăn chặn sự phát triển của cuộc cách mạng này.

Với mục tiêu chống công nghiệp hóa, từ năm 1978 đến năm 1995, Kaczynski đã gửi 16 quả bom thư tới nhiều nơi khác nhau, như trường học, các hãng hàng không..., làm 3 người bị thiệt mạng và 23 người khác bị thương. Quả bom đầu tiên được gửi đi ngày 25-5-1978 dưới dạng gói bưu kiện bọc cẩn thận đặt trên hành lang khu nghiên cứu kỹ thuật của Trường Đại học Chicago, khiến một cảnh sát bị thương nhẹ. Với thâm niên đánh bom gần 20 năm nhưng tung tích Kaczynski vẫn “bặt vô âm tín”, làm cho các nhà chức trách Mỹ phải đau đầu. Thậm chí còn được FBI liệt vào danh sách top 100 tội phạm nguy hiểm nhất và bị truy nã gắt gao nhất. Chưa hết, chiến dịch tìm kiếm Unbomber cũng là một trong những cuộc săn lùng tốn kém nhất trong lịch sử của FBI. Cuộc truy tìm Unbomber chỉ dừng lại khi tòa soạn Bưu điện Washington (WP) và tờ Thời báo New York (NYT) hợp tác đăng tải bài viết nặc danh, dài hơn 35.000 từ, FBI đã tìm ra thủ phạm. Thủ phạm không ai khác chính là tác giả bài viết hay Unabomber (Kẻ đánh bom mơ hồ).

Unabomber bị lộ diện nhờ “bản tuyên ngôn”

{keywords}

Ted Kaczynski bị bắt tại một ngôi nhà nhỏ trong rừng.

23 năm về trước, vào ngày 19-9-1995, độc giả Mỹ đã được đọc một bài viết dài do tờ Washington Post đăng tải. Bài báo dài hơn 35.000 từ, chiếm 8 trang báo khổ lớn, có tên “bản tuyên ngôn” của một tác giả giấu tên đề cập tới những bất bình về “hệ thống công nghệ hóa ”. Tác giả bày tỏ ý định loại bỏ cuộc cách mạng này. Với nội dung tiêu cực, u ám, tác giả than thở về môi trường bị tàn phá nghiêm trọng và tỏ thái độ bất bình tột bậc. Theo WP, bài viết được giới truyền thông Mỹ ví như một tội danh bí ẩn, mơ hồ. Theo đó, chỉ trong vòng 17 năm, Unabomber đã gây ra tổng cộng 16 vụ đánh bom thư. FBI đã mất nhiều công sức nhưng kết quả thu về chỉ là những mảnh bom, kèm theo những bức phác họa chân dung thủ phạm trong chiếc áo khoác với nhiều giả thiết mơ hồ khác nhau.

Theo Jim Fitzgerald, chuyên gia pháp lý của FBI, điều tra chính của vụ án thì nhờ bài báo lạ dài 8 trang đã giúp FBI tìm ra manh mối. “Bản tuyên ngôn” được gửi đến cho New York Times và Washington Post cùng một lúc hồi tháng 6-1995. Một gửi trực tiếp cho Phó Tổng biên tập Warren Hoge của NYT và một cho Phó Tổng biên tập Michael Getler của WP. Bên trong chứa 56 trang bản thảo mang tiêu đề Industrial Society and Its Future (Xã hội công nghiệp và tương lai của nó), tác giả ghi bút danh là FC (Freedom Club hay CLB Tự do), địa chỉ gửi là Boon Long Hoe, 3609 Reinoso Ct., San Jose, Calif. 95136. Theo điều tra của FBI thì đây là bài viết của Unabomber từ địa chỉ giả. Ngoài bài viết, tác giả còn đưa ra cảnh báo, nếu được đăng, sẽ ngưng việc gây hại cho người khác lại. Ngược lại, bị từ chối sẽ tiếp tục chế bom để thực hiện các vụ khủng bố tiếp theo. Đoán trước hậu quả của lời đe dọa, cả Washington Post lẫn New York Times đã hợp tác, phối hợp cùng FBI cho đăng bài với mục đích “dụ chuột ra khỏi hang”.

{keywords}

Ted Kaczynski và luật sư.

Cùng với việc hợp tác với 2 tờ báo nói trên, FBI còn treo thưởng 1 triệu USD cho những ai cung cấp thông tin để bắt được Unabomber. FBI, WP và NYT ba đều nhận định, bài báo sẽ là chiếc bẫy để tội phạm xuất hình lộ diện mặc dù cho đăng là trái với quy định, thậm chí còn bị chỉ trích “vẽ đường cho hươu chạy”, khiến nhiều tên tội phạm noi theo để được nổi danh trên mặt báo. Một lý do khác khiến quyết định cho đăng bài viết là vì Unabomber là một kẻ rất táo tợn, nói là làm, y từng đánh bom suốt 17 năm nên không ngán điều gì, kể cả khi đã bị phát hiện.

Vài tuần sau khi “bản tuyên ngôn” được đăng tải, một người đàn ông ở New York tên là David Kaczynski thấy trăn trở bởi nội dung giống với những gì trong các bức thư mà David nhận được từ người anh mình tên là Ted (tức Ted Kaczynski). Do tác động của bài báo, người em đã tự vấn rằng chẳng lẽ anh trai mình là kẻ sát nhân, liệu có thể thuyết phục được anh ra đầu thú... David đã liên hệ với các chuyên gia tội phạm để được tư vấn, trong số này có Luật sư Terry Lenzner và được trả lời, rất có thể tác giả và anh trai David là một. Sau đó, David đã tham vấn Luật sư Anthony P. Bisceglie, ở Washington và từ đây thông tin bị rò rỉ, FBI nắm được nơi Unabomber đang sống.

Sau một thời gian theo dõi, cuối cùng, đầu tháng 4-1996, FBI đã bắt được Kaczynski đang sống tại căn nhà gỗ ở Lincoln, Montana. Đây chính là bản doanh nơi Unabomber dùng để chế tạo bom. Quan trọng hơn, FBI còn tìm được “bản tuyên ngôn” viết tay. Ted Kazynki đã bị bắt khi chuẩn bị bước qua tuổi 53, sau đó bị đưa ra xét xử tại Tòa án liên bang Sacramento năm 1998 với 8 án tù chung thân và phải bóc lịch vĩnh viễn tại nhà tù Supermax, bang Colorado, nơi có an ninh nghiêm ngặt bậc nhất nước Mỹ hiện nay.

Bích Kim (dịch)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...