Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đàm phán NAFTA: Thắng lợi cần thiết của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Cập nhật: 16:48 ngày 05/10/2018
(BGĐT)- Tổng thống Mỹ Donald Trump cần một chiến thắng trước thềm các cuộc bầu cử giữa kỳ và ông đã có được điều mình muốn. Trước đó, vài giờ trước thời hạn chót Nhà Trắng đặt ra (ngày 30-9), Canada đã hoàn tất quá trình đàm phán và nhất trí cùng Mỹ và Mexico sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
{keywords}

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Dù Thủ tướng Canada Justin Trudeau từ chối nhượng bộ nhiều yêu cầu của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, song Ottawa cuối cùng cũng đi đến quyết định rằng Canada khó có thể chịu được những thiệt hại về kinh tế và chính bản thân ông Trudeau cũng không thể chống đỡ được cú sốc chính trị đối với Đảng Tự do nếu hiệp định ký với đối tác thương mại lớn nhất cách đây 25 năm sụp đổ. Sự đổ vỡ của NAFTA có thể sẽ làm rung chuyển nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu của Canada.

NAFTA là một hiệp định "lâu đời" vốn định hình quan hệ thương mại giữa ba nước láng giềng Bắc Mỹ gồm Mỹ, Canada và Mexico trong 25 năm qua. Tuy nhiên, kể từ khi lên nắm quyền hồi đầu năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Canada và Mexico phải đàm phán lại với Mỹ hiệp định trên vì ông cho rằng hiệp định đã gây thiệt hại cho nước Mỹ.

Trong hơn một năm qua, ba nước đã tiến hành đàm phán lại NAFTA song tiến trình đàm phán hầu như không có đột phá và đã bị đình trệ từ hồi tháng 6-2018, khi các mức thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu của Mỹ đối với một số nước (trong đó có Canada và Mexico) có hiệu lực.

Từ tháng 8-2018, Mỹ và Mexico đã tiến hành đàm phán riêng và quá trình đàm phán đã có bước tiến đáng kể khi hai nước đạt được một thỏa thuận sơ bộ vào ngày 27-8. Thỏa thuận mới giữa Mỹ và Mexico được cho là đã tháo gỡ những mâu thuẫn cốt lõi vốn đã gây "ách tắc" trong quá trình đàm phán về các vấn đề như nguồn gốc xuất xứ ô tô, giải quyết tranh chấp và nông nghiệp. 

Theo thỏa thuận này, Mỹ và Mexico nhất trí 75% giá trị của một phương tiện sẽ được sản xuất tại một trong hai quốc gia, cao hơn ngưỡng 62,5% trong NAFTA đời đầu. Ngưỡng mới này đáp ứng được yêu cầu giảm thiểu việc sử dụng những bộ phận có xuất xứ từ châu Á để lắp ráp vào các sản phẩm được sản xuất tại Mỹ hay Mexico, qua đó thúc đẩy ngành sản xuất ô tô trong khu vực Bắc Mỹ cũng như tạo công ăn việc làm cho người dân. 

Thỏa thuận mới cũng bao gồm yêu cầu các nhà sản xuất phải sử dụng nhiều hơn các vật liệu thép, nhôm, kính và nhựa được sản xuất tại Mỹ và Mexico.

  Việc Mỹ và Mexico đạt thỏa thuận sơ bộ được đánh giá là đã tạo ra "ngã rẽ" cho lộ trình đàm phán đã bị bế tắc thời gian qua, đồng thời tạo ra áp lực với Canada buộc quốc gia này phải quay lại bàn đàm phán với Mỹ và chấp nhận những điều khoản mới, từ đó đi tới một thỏa thuận ba bên.

Rõ ràng cả Mỹ, Mexico và Canada đều có những nhượng bộ nhất định để đi đến thỏa thuận cùng thắng bảo vệ được lợi ích của người dân mỗi nước. Tuy nhiên, Mỹ mới là nước giành được thắng lợi lớn nhất. Dự kiến, NAFTA phiên bản mới, hay được gọi là Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) sẽ được trình lên quốc hội của ba nước để xem xét thông qua và ký trước ngày 29-11.

  USMCA bảo đảm một số lợi thế cho Mỹ đồng thời cũng vẫn bao gồm cả những ưu tiên cụ thể của Canada. Trong thỏa thuận với Mexico, Mỹ đạt được yêu cầu về việc 75% (so với mức trước đây là 62,5%) số ôtô bán tại Mỹ phải được sản xuất trên đất Mỹ, đồng thời đạt được một số nhượng bộ trong ngành nhập khẩu gia cầm và bơ sữa.

USMCA chứng minh cho cả thế giới thấy rằng Nhà Trắng cuối cùng cũng đã thành công trong việc đem về những thỏa thuận thương mại tốt đẹp hơn. Nhiều người nghĩ rằng giờ là lúc hợp lý để ông Donald Trump có được một chiến thắng. 

Các cuộc bầu cử giữa nhiệm đang tới gần và một số dự đoán đều cho rằng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc sẽ khiến nền kinh tế Mỹ chững lại. Vì vậy Tổng thống Donald Trump cần thể hiện với các cử tri, nhất là tại các bang như Michigan và Wisconsin rằng chiến thuật của ông có thể thành công.

Thương mại tất nhiên chỉ là một trong những khía cạnh mà người ta cho là người đứng đầu Nhà Trắng đã đảo lộn hoàn toàn. Những người chỉ trích thường miêu tả ông Donald Trump là một kẻ phá hoại chính trị, thách thức các giá trị ngoại giao và thương mại truyền thống chỉ vì những mục đích tầm thường, đe dọa cả các đồng minh và kẻ thù bằng những cách nguy hiểm và bất công. 

Trong khi đó, những người ủng hộ lại nhìn nhận những hành động và tuyên bố mang tính đối đầu của ông là lời khẳng định với chiến lược “Nước Mỹ trước tiên” mà trong đó chính quyền đang nỗ lực điều chỉnh các mối quan hệ theo hướng công bằng hơn cho nước Mỹ.

 Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã luôn sẵn sàng là người bảo trợ cho nhiều quốc gia, gánh vác các thể chế quốc tế và chi tiền cho những sáng kiến hòa bình tại cả các khu vực xa xôi trên thế giới. Thậm chí có người còn cho rằng những yêu cầu của Tổng thống Donald Trump về việc các quốc gia khác cũng phải nỗ lực đóng góp cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc của Mỹ là quá chậm trễ.

Mỹ là một quốc gia giàu có, song cả Đức, Bỉ và Hà Lan, những nước không dành đủ chi tiêu cho NATO như cam kết, cũng vậy. Nhiều người Mỹ cho rằng đã đến lúc các quốc gia này và nhiều nước khác phải san sẻ một phần gánh nặng.

 Ý tưởng cho rằng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tồn tại những kẽ hở đủ để Trung Quốc áp đặt các khoản thuế lớn đối với hàng hóa nhập khẩu và né tránh các cam kết quốc tế bởi họ là một nước “đang phát triển” thật nhớ ngẩn, song các tổ chức quốc tế có thể sẽ phải mất hàng thập kỷ để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế các nền kinh tế đang nổi. 

Tuy nhiên, ông Donald Trump không đủ kiên nhẫn và ông muốn thay đổi chúng ngay bây giờ. Không chỉ có ông Trump, mà còn nhiều quan chức Mỹ cũng tỏ rõ sự bất bình với NAFTA bởi nó bị xem là nguyên nhân khiến nhiều người lao động Mỹ mất việc làm. Khi Tổng thống Bill Clinton ký NAFTA vào năm 1993, ông hứa hẹn hiệp định này sẽ giúp “ngành xuất khẩu của Mexico bùng nổ”, tạo ra 200 nghìn việc làm trong hai năm và hàng triệu việc làm trong 5 năm.

   Nhưng đến năm 2013, Viện Chính sách Kinh tế Mỹ cho biết tính tới năm 2010, thâm hụt thương mại với Mexico đã khiến Mỹ mất đi 682 nghìn việc làm, phần lớn (60,8%) là trong ngành sản xuất. Nhiều người không đồng tình với đánh giá này song cũng cho rằng thỏa thuận thương mại cần mang tính thực chất hơn. Có lẽ với những áp lực không ngừng từ phía chính quyền Trump, nước Mỹ cuối cùng cũng đã có được một thỏa thuận tốt hơn cho mình. 

Mục tiêu hàng đầu của ông Donald Trump trong việc tái đàm phán NAFTA là giảm thâm hụt thương mại, một mục tiêu mà ông cũng đang tìm cách đạt được trong quan hệ thương mại với Trung Quốc bằng việc áp các khoản thuế đánh vào số hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD nhập từ nền kinh tế khổng lồ của châu Á.

Có thể thấy, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thành công khi sử dụng các mối đe dọa về kinh tế cũng như các chiến thuật cứng rắn khác nhằm gây sức ép buộc Canada và Mexico phải đưa ra những nhượng bộ thương mại lớn. Nhiều khả năng ông Trump cũng sẽ thử cách tiếp cận tương tự trong đàm phán đối với Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản và có khả năng cả Brazil và Ấn Độ trong thời gian tới.

Nguyễn Đức Dũng (CĐDLHN)

      

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...