Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 31 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

2019-Thế giới nhiều xáo trộn

Cập nhật: 08:00 ngày 26/01/2020
(BGĐT) - Trật tự thế giới năm 2019 có nhiều diễn biến phức tạp, thậm chí nhiều vấn đề lớn đã xảy ra tại một số khu vực trên toàn cầu nằm ngoài dự báo của giới phân tích. Vậy nguyên nhân của những xáo trộn trong năm 2019 phải chăng bắt nguồn từ các cuộc xung đột vũ trang - sắc tộc và bất bình đẳng giàu, nghèo ngày càng nới rộng?

Nhận diện nguyên nhân

{keywords}

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu chấm dứt. Ảnh(từ trái sang phải): Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Thống đốc Ngân hàng Trung Quốc Dịch Cương tại cuộc gặp ở Bắc Kinh.

Có rất nhiều nguyên nhân và sự khác biệt gây ra những bất ổn cục bộ trên khắp thế giới, trong đó có 4 nguyên nhân chung.

Trước hết là bất bình đẳng giàu nghèo đang gia tăng trên phạm vi toàn cầu. Theo tính toán của tổ chức Oxfam công bố tháng 1-2019 thì 26 người giàu nhất thế giới đang sở hữu khối tài sản tương đương với một nửa dân số nghèo toàn cầu (tổng tài sản của 26 tỷ phú tăng 2,5 tỷ USD/ngày/năm 2018 và tổng tài sản của 3,8 tỷ người nghèo trên thế giới giảm 500 triệu USD/ngày/năm 2018). Khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng đã phản bác lại quan điểm của một số ít nhà tư bản cho rằng mô hình tăng trưởng kinh tế có lợi cho một số ít đang đem lại lợi ích cho mọi người.

Hai là bất bình đẳng từ đô thị hóa. Đây là quan điểm khá mới mẻ nhưng tương đối sát thực tiễn được ông Henny Carey - Giáo sư Đại học bang Georgia (Mỹ) đưa ra. Ông lý giải, thế giới bất ổn hơn vì đã bị đô thị hóa, các thành phố quá tải, chính quyền không đủ sức cân bằng các đòi hỏi của người dân từ nhà ở đến nhu cầu học tập, nước sạch, cơ sở chữa bệnh... Đây chính là nguyên nhân gây ra sự phẫn nộ của đám đông người biểu tình trên thế giới hiện nay.

Ba là bất bình đẳng về chủ nghĩa đa phương phát triển (toàn cầu hóa). Một số nhà phân tích cho rằng khi chiến tranh Lạnh kết thúc, chủ nghĩa đa phương phát triển, GDP toàn cầu tăng, tỷ lệ người nghèo giảm nhanh nhưng nó lại tạo ra mầm mống cho những thách thức hiện nay. Thứ tư là bất ổn từ xung đột vũ trang. Năm 2019, các cuộc xung đột sắc tộc dẫn đến xung đột vũ trang tại châu Phi, Trung Đông và một số khu vực khác dẫn đến dòng người tị nạn tiếp diễn (đà giảm nhiều so với năm 2018).

Trong khi đó Mỹ kiên quyết chặn dòng người từ Nam Mỹ đổ về, Thổ Nhĩ Kỳ đang quản lý hơn 3,5 triệu người di cư từ châu Phi và Trung Đông. Đây là vấn đề khó của thế giới nếu không có sự hợp tác giữa các khu vực phát triển với các khu vực có người di cư.

Nhân tố Mỹ trong sự xáo trộn toàn cầu

Với mục tiêu chiến lược rất rõ ràng “nước Mỹ trên hết” và “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những bước đi khá lạ so với những người tiền nhiệm và dường như Mỹ đang “rút khỏi” vai trò truyền thống như một lực lượng giữ ổn định. Đầu tiên Mỹ rút khỏi thỏa thuận Pari về chống biến đổi khí hậu. Tiếp đó, Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) tiền thân của Hiệp định đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với lý do bị thiệt thòi nếu tham gia hiệp định này.

Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được thiết kế nhằm đóng băng chương trình hạt nhân của Iran với lý do đây là “thỏa thuận tồi tệ nhất mà Mỹ đã ký” và gia tăng sức ép tối đa lên Iran, gián tiếp thúc đẩy tình hình căng thẳng tại Trung Đông và gây ra những bất hòa giữa Mỹ và phương Tây. Mỹ cũng rút khỏi nhiều định chế quốc tế do LHQ thiết lập. Đối với tổ chức thương mại thế giới (WTO), Mỹ cho rằng tổ chức này đã hết tác dụng và cần phải cải tổ để công bằng hơn do đó Mỹ đã ngăn cản việc bổ nhiệm các thẩm phán làm cho việc xét xử các tranh chấp thương mại trên thế giới bị đình trệ.

Đặc biệt, Mỹ đã công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel vùng đất tranh chấp giữa người Palestin với Israel và vùng cao nguyên Golan mà Israel chiếm của Syria trong cuộc chiến tranh 7 ngày năm 1967 gây ra sự phản ứng rộng rãi trên trường quốc tế. “Vì nước Mỹ trên hết”, Mỹ cũng yêu cầu các đồng minh trong khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải đóng góp đủ kinh phí, gây ra phản ứng trong khối quân sự này.

Về thương mại, Mỹ không chỉ dùng biện pháp áp thuế với đồng minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… mà đã chính thức tuyên chiến với Trung Quốc bằng cuộc chiến tranh thương mại. Mặc dù thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung vòng một đã có kết quả nhưng cuộc chiến này còn nhiều tiềm ẩn khó lường cho tới khi Mỹ hài lòng về cán cân thương mại hai chiều.

Năm 2020 thế giới sẽ bình yên?

Thế giới kết thúc năm 2019 với nhiều xáo trộn ngoài dự đoán. Bước sang năm 2020, giới phân tích hướng sự chú ý vào những trọng tâm địa chính trị - kinh tế - quân sự xoay quanh các trục đối đầu cụ thể như Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - Nga, Mỹ với khu vực Trung Đông, Mỹ - Nga - Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria và trục chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như vấn đề chống khủng bố trên toàn cầu.

Hy vọng thế giới năm 2020 sẽ giảm bớt những tính toán hẹp để tránh những cuộc xung đột vũ trang tốn kém nhiều tiền của và sinh mạng. Qua đó để dồn nguồn lực cho những việc làm hữu ích vì cuộc sống con người như việc bảo vệ trái đất đang “đi đến điểm kêu cứu” do chính những hành động của con người gây ra.

Với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, tuy đạt được thỏa thuận vòng một và phía Mỹ đã tuyên bố sẽ đàm phán vòng hai ngay trong đầu năm 2020 mà không đợi đến sau bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Điều này cho thấy Mỹ khát khao muốn cân bằng cán cân thương mại giữa hai bên đến mức nào. Và dự báo tại cuộc đàm phán vòng 2 sẽ căng thẳng hơn nhiều và chưa thể dự đoán mức độ căng thẳng cũng như tầm ảnh hưởng của nó tới thương mại toàn cầu.

Bên cạnh mối quan hệ Mỹ Nga chưa thể hy vọng cải thiện thì với chính sách thiên lệch “nhất bên trọng, nhất bên kinh”, tại Trung Đông khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran và quyết gây sức ép tối đa để bóp nghẹt nền kinh tế của nước này, khi Iran quay trở lại làm giàu Uranium, chắc chắn tình hình khu vực Trung Đông đã nóng lại càng thêm nóng. Mặt khác, tại khu vực này đang diễn ra “tranh chấp” địa chiến lược giữa Mỹ - Nga - Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria; mâu thuẫn và lợi ích đan xen sẽ là cơ hội để các nhóm phiến quân khủng bố lợi dụng.

{keywords}

Cảnh sát ở Paris dùng hơi cay và vòi rồng giải tán người biểu tình đã bước vào tuần thứ hai để chống tăng giá nhiên liệu.

Với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở do Mỹ khởi xướng tập hợp các cường quốc Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đang được xúc tiến sẽ “va chạm” với chiến lược “vành đai và con đường” do Trung Quốc khởi xướng. Điều này chắc chắn cả hai bên phải tính toán để tránh đụng độ và điều quan trọng là Mỹ cũng sẽ không để một số cường quốc tự tuyên bố chủ quyền tại khu vực biển Đông thực hiện các ý đồ độc chiếm cho riêng mình.

Với vấn đề chống khủng bố, đặc biệt là nhóm phiến quân hồi giáo IS tuy thất bại tại Iraq và Syria nhưng những tay súng đã tham gia IS trở về “cố quốc” sẽ là những con sói cô độc gây bất ổn tại nhiều khu vực, đặc biệt là khu vực châu Phi, vùng Trung, Tây và Đông Nam Á.

Khu hành chính đặc biệt Macau (Trung Quốc) xác nhận ca nhiễm bệnh viêm phổi thứ hai
Khu hành chính đặc biệt Macau (Trung Quốc) ngày 23-1 đã ghi nhận trường hợp nhiễm virus corona thứ hai ở thành phố này.
Vũ Hán đóng cửa do diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp
Rạng sáng 23-1, cơ quan chức năng TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ra thông cáo số 1, yêu cầu bắt đầu từ 10 giờ sáng hôm nay, toàn thành phố dừng hoạt động giao thông công cộng, tàu điện ngầm, tàu thuyền, xe khách đường dài; tạm thời đóng cửa sân bay, ga tàu.
Dịch bệnh viêm phổi do virus corona: WHO họp khẩn cấp
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo sẽ đưa ra quyết định trong ngày 23-1 về việc liệu có đưa ra tuyên bố đại dịch toàn cầu trước dịch bệnh viêm phổi do virus corona gây ra trong và ngoài Trung Quốc hay không.
Thượng viện Mỹ thông qua kế hoạch luận tội tổng thống
Ngày 22-1, Thượng viện Mỹ đã thông qua các quy định tiến hành phiên luận tội Tổng thống Donald Trump, nhưng bác bỏ các nỗ lực của phe Dân chủ nhằm thu thập chứng cứ và lấy lời khai nhân chứng.
Boeing thừa nhận phải lùi thời điểm máy bay được cấp phép trở lại
Ngày 21-1, Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing của Mỹ đã chính thức lùi thời điểm dự báo dòng máy bay 737 MAX có thể được khai thác trở lại, khiến cổ phiếu của hãng sụt giảm mạnh.
Bắc Hà
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...