Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới / Bình luận
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tên tội phạm nguy hiểm nhất châu Âu và hành trình 15 năm lẩn trốn

Cập nhật: 14:38 ngày 24/02/2017
(BGĐT) - Mới đây, các công tố viên Tòa án Liên Hợp quốc xét xử tội phạm chiến tranh ở Nam Tư cũ (ICTY) đã đề nghị kết án tù chung thân đối với viên tướng khét tiếng người Serbia ở Bosnia và Herzegovina - Ratko Mladic liên quan tới tội ác chiến tranh và thảm sát người Hồi giáo ở khu vực Srebrenica năm 1995.
{keywords}

R.Mladic (trái) và cựu thủ lĩnh người Serbia tại Bosnia Radovan Karadzic.

Đây được coi là vụ thảm sát đẫm máu nhất ở châu Âu sau chiến tranh thế giới thứ 2. Bản thân Ratko Mladic được mô tả là tên tội phạm nguy hiểm nhất châu Âu kể từ sau thời phát xít. 

Cựu Tư lệnh quân đội Serbia ở Bosnia và Herzegovina, Tướng Ratko Mladic (R. Mladic) bị bắt giữ tại Serbia vào ngày 26-5-2011 với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh. Vụ bắt giữ đã chấm dứt cuộc săn lùng kéo dài hơn một thập kỷ, đồng thời được coi là nỗ lực nhằm đòi lại công lý cho hàng nghìn nạn nhân thiệt mạng trong cuộc nội chiến ở Bosnia. 

Hành trình tội ác 

R.Mladic sinh ở Bosnia ngày 12-3-1942 tại làng Kalinovik, từng được đào tạo tại Học viện quân sự của Quân đội Nam Tư ở thủ đô Belgrade và thăng tiến đến quân hàm cấp tướng.  

Tốt nghiệp ra trường năm 1965 với tấm bằng loại ưu, R. Mladic bắt đầu con đường binh nghiệp với quân hàm thiếu úy và một chức chỉ huy nhỏ. Với khả năng điều binh khiển tướng xuất sắc, từ vị trí đứng đầu một trung đội, đại đội, tiểu đoàn đến sư đoàn, năm 1991 R. Mladic leo lên chức Phó chỉ huy Quân đoàn Pristina tại tỉnh Kosovo và sau đó được phong hàm trung tướng. Lúc này, khói lửa chiến tranh bắt đầu lan tỏa trên bán đảo Balkan và đó cũng là lúc R.Mladic phát huy vai trò của một tư lệnh chiến trường. 

Trong phần lớn thời gian xảy ra cuộc chiến tại Bosnia những năm 90 của thế kỷ trước, R.Mladic là Tư lệnh quân đội Bosnia. Ngày 2-5-1992, chỉ một tháng sau khi Cộng hòa Bosnia tuyên bố độc lập, R.Mladic và các tướng lĩnh dưới quyền ông ta đã phong tỏa thành phố Sarajevo, thủ đô của Bosnia và Herzegovina và cũng là thời điểm bắt đầu giai đoạn 4 năm thành phố này bị bao vây - cuộc bao vây dài nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại. Quân của R.Mladic chặn hết các tuyến đường ra vào thành phố. Nước, điện sinh hoạt bị cúp. 4 năm liền Sarajevo luôn thiếu ánh sáng nhưng thừa đạn bom và chết chóc. R.Mladic bị tố cáo là nhân vật chủ chốt trong vụ vây ráp khiến 10 nghìn người thiệt mạng. 

{keywords}

Nghĩa trang các nạn nhân vụ thảm sát tại Srebrenica, năm 1995.

Cùng với Radovan Karadzic, cựu thủ lĩnh người Serbia tại Bosnia, R.Mladic còn bị cáo buộc tiến hành cuộc thảm sát 8.100 đàn ông người Hồi giáo tại Srebrenica vào ngày 11-7-1995. Đây là vụ diệt chủng tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Cũng trong thời gian này, R.Mladic được phong hàm đại tướng, nắm giữ cương vị Tổng tham mưu trưởng quân đội Bosnia, thống lĩnh lực lượng gồm 80 nghìn quân. 

Ngay sau sự kiện đẫm máu Srebrenica, năm 1995, ICTY cáo buộc R.Mladic cùng cựu lãnh đạo người Serbia R.Karadzic phạm hàng loạt tội danh: Diệt chủng, tội ác chống lại loài người, vi phạm luật chiến tranh... Một lệnh bắt được phát đi ngay sau đó. ICTY đã treo thưởng 10 triệu euro cho người cung cấp thông tin để bắt giữ R. Mladic. Năm 2004, Mỹ cũng treo thưởng 5 triệu USD cho "cái đầu của Mladic".

Năm 1996, Tổng thống Cộng hòa Bosnia lúc đó là ông Biljana Plavsic cách chức R.Mladic. Một thời gian dài sau, bất chấp lệnh bắt của ICTY, viên tướng khét tiếng này vẫn có một cuộc sống đàng hoàng tại Belgrade.  Mãi đến năm 2001, R.Mladic mới "bốc hơi" và hành tung của viên cựu tư lệnh khét tiếng hết sức bí ẩn. Một chiến dịch truy bắt R. Mladic được tiến hành trong nhiều năm với sự tham gia của nhiều lực lượng: NATO, Liên Hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), cảnh sát Serbia và Montenegro nhưng R.Mladic vẫn bặt vô âm tín.    

Theo một số nguồn tin tình báo đáng tin cậy, Mladic vẫn còn nhận lương hưu đến tháng 11-2005(?) Năm 2004, một số nhà ngoại giao phương Tây tiết lộ tướng R.Mladic vẫn được quân đội Bosnia bảo vệ. Không những thế, nhân vật này thường xuyên tới thăm một số khu vực tại Bosnia để mừng sinh nhật đồng đội cũ. Nhiều khi R.Mladic còn đi săn bắn trong những khu rừng rậm. Cũng trong năm 2004, lực lượng gìn giữ hòa bình của EU đã bí mật đột nhập vào một hệ thống hầm ngầm quân sự gần thị trấn Han Pijesak của Bosnia. Sau đó, một số phóng viên được mời đến hầm ngầm này và cho biết R.Mladic từng ở đây đến tháng 7-2004.  

Cái giá của tội ác

Khác với cựu thủ lĩnh người Serbia tại Bosnia Radovan Karadzic bị bắt 3 năm trước, khi bị bắt, R.Mladic trông vẫn như trước. Ông ta bị liệt một cánh tay và không có dấu hiệu kháng cự cho dù mang bên mình hai khẩu súng lục. Vụ bắt giữ ngay lập tức trở thành một thông tin nổi bật trên toàn thế giới.

Không chỉ bị cáo buộc tội phạm chiến tranh, vụ bắt giữ R.Mladic vào ngày 26-5-2011 được các nhà quan sát đánh giá là "không thể hợp thời hơn" bởi đúng vào thời điểm Serbia đang gặp khó khăn trong việc hiện thực hóa giấc mơ gia nhập EU. Lý do, R.Mladic được cho là “tấm vé” có giá trị để Serbia có thể bước chân gia nhập mái nhà chung EU. 

Đích thân Tổng thống Serbia Boris Tadic cho triệu tập một cuộc họp báo khẩn, trong đó tuyên bố: "R.Mladic đã bị bắt. Đó là kết quả hợp tác giữa Cơ quan An ninh và Thông tin cùng Cơ quan Điều tra tội phạm chiến tranh. Chúng ta đã xóa bỏ được một vết nhơ nhục nhã của Serbia và tất cả những người dân Serbia". Chi tiết về chiến dịch bắt giữ không được ông Boris Tadic tiết lộ ngoài một thông tin duy nhất: R.Mladic bị bắt giữ trên lãnh thổ Serbia. 

Còn theo nhiều nguồn tin tại Serbia, viên tướng này bị bắt giữ tại nhà một người họ hàng là Branco Mladic tại làng Lazarevo, cách Belgrad 70km. Khác với cựu thủ lĩnh người Serbia tại Bosnia Radovan Karadzic bị bắt 3 năm trước (kẻ đã thay đổi đến mức khó nhận ra bằng cách cạo hết râu ria), R.Mladic trông vẫn như trước, chỉ có điều đã già đi nhiều. Ông ta bị liệt một cánh tay và không có dấu hiệu kháng cự khi bị bắt giữ cho dù mang bên mình hai khẩu súng lục. Vụ bắt giữ R.Mladic ngay lập tức trở thành một thông tin nổi bật trên toàn thế giới.

{keywords}

Cựu Tư lệnh R.Mladic.

R.Mladic bị cáo buộc hai tội danh diệt chủng trong cuộc chiến tranh Bosnia 1992-1995 và là đồng phạm của Radovan Karadzic, cựu thủ lĩnh người Serbia tại Bosnia (đã bị kết án 40 năm tù vì tội ác chiến tranh, trong đó có 10 tội danh liên quan đến diệt chủng, giết người, bắt cóc con tin và ngược đãi). 

Bản cáo trạng được thẩm phán Fouad Riad đọc tại Tòa án quốc tế về tội phạm chiến tranh xử Mladic vắng mặt hơn 10 năm trước đã liệt kê một loạt tội ác khủng khiếp của vị tướng này khi tiến hành chiến dịch tại Srebrenica. Văn bản khẳng định đã tìm thấy những bằng chứng về sự tàn bạo không thể tưởng tượng nổi và được mô tả như những cảnh từ địa ngục được viết trong các trang đen tối nhất của lịch sử loài người. 

Theo Hasan Nuhanovic - một người trốn thoát khỏi Srebrenica có cha mẹ và một người em trai bị hành hình, hơn 500 nạn nhân của vụ diệt chủng Srebrenica là trẻ em dưới 18 tuổi. Thậm chí, tướng R.Mladic một mặt an ủi các phụ nữ Hồi giáo tại Srebrenica rằng người thân của họ vẫn an toàn nhưng mặt khác đã ra lệnh giết hại toàn bộ hơn 8 nghìn đàn ông và bé trai. 

Tại Sarajevo, ông ta cũng cho phép binh lính sử dụng trọng pháo và các tay súng bắn tỉa nhằm vào dân thường. Và để trả giá cho hành vi tội ác mà mình đã gây ra, cuối tháng 12 năm ngoái, các công tố viên ICTY đã đề nghị kết án tù chung thân đối với viên tướng khét tiếng một thời - R.Mladic.

Lê Dương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...