Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới / Bình luận
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Leo thang căng thẳng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU

Cập nhật: 10:55 ngày 14/03/2017
Liên tục những đòn trả đũa ngoại giao được Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt đối với một số nước Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là Đức và Hà Lan, và ngược lại những ngày gần đây đang trở thành tâm điểm trong đời sống chính trị tại lục địa già.
{keywords}

Đụng độ giữa người biểu tình Thổ Nhĩ Kỳ và cảnh sát Hà Lan tại Rotterdam hôm 12-3. Ảnh: Reuters.

Việc này bắt nguồn từ chiến dịch vận động cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại châu Âu giúp Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 4 tới.

Ngày 13-3, Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập Đại biện lâm thời Daan Feddo Huisinga của Đại sứ quán Hà Lan tại Ankara để chính thức phản đối cách hành xử của Hà Lan đối với một Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng như để phản đối việc mà Ankara cho là sử dụng lực lượng “không hợp lý” nhằm vào những người biểu tình ở Hà Lan cuối tuần qua. Trong công hàm ngoại giao, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, cảnh sát thành phố Rotterdam (Hà Lan) can thiệp (vào các cuộc biểu tình) là không hợp lý, đồng thời yêu cầu nhà chức trách Hà Lan có hành động pháp lý đối với những sai phạm của cảnh sát nước này.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ: “Cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ và công dân của chúng ta bị đối xử tệ bạc, bằng những phương pháp vô nhân đạo được sử dụng trong việc chống lại những người thực hiện quyền hội họp ôn hòa”.

Trước đó, hôm 12-3, cảnh sát chống bạo động Hà Lan đã sử dụng dùi cui, chó nghiệp vụ và vòi rồng để giải tán đám đông biểu tình nổ ra tại Rotterdam. Cảnh sát đã bắt giữ 12 người biểu tình vì những hành vi bạo lực khi họ ném chai lọ vào cảnh sát.

Căng thẳng leo thang sau sự kiện giới chức Hà Lan cấm máy bay Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hạ cánh xuống nước này cũng như cấm nhập cảnh đối với Bộ trưởng Gia đình và Xã hội Thổ Nhĩ Kỳ Betul Sayan Kaya. Ngoại trưởng Cavusoglu đã ngay lập tức kịch liệt lên án hành động này, cho rằng, đây là một “hành vi không thể chấp nhận được” và Ankara sẽ đáp trả Amsterdam bằng “những phương thức mạnh tay nhất”.

Còn bà Kaya thì phẫn nộ rằng: “Thế giới phải có lập trường chống lại chủ nghĩa phát xít, hành động chống lại một nữ bộ trưởng không bao giờ được chấp nhận”. Tổng thống Erdogan cũng tuyên bố sẽ trả đũa Hà Lan, rằng hành động của Amsterdam là “phát xít”.

Đáp lại, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho rằng những tuyên bố trên là điều không thể chấp nhận được. Theo ông Rutte, mặc dù Hà Lan không muốn đối đầu, nhưng sẽ phải cân nhắc các lựa chọn nếu Ankara không kiềm chế các bình luận của mình. Đức và Áo cũng đã cấm các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ vận động cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ tại các nước này ủng hộ kế hoạch cải cách hiến pháp nhằm tăng quyền lực cho Tổng thống Erdogan.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere hôm 12-3 đã lên tiếng phản đối chiến dịch vận động do các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành trong cộng đồng người nhập cư Thổ ở Đức. Ông de Maiziere khẳng định luôn có những cách thức hợp pháp để ngăn chặn những chiến dịch này và “có những giới hạn rõ ràng” trong trường hợp các bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tới Đức.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schuble thì cho biết sẽ rất khó để làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề trợ cấp kinh tế khi Ankara gây căng thẳng liên quan tới chiến dịch trên, cùng với đó là việc chính quyền Ankara bắt giữ một nhà báo Đức gốc Thổ. Ông Schuble cho rằng, những hành động này đang phá hủy những nền tảng cơ bản của việc thúc đẩy hợp tác song phương. Bình luận về các hành động hạn chế này, Tổng thống Erdogan đã gọi đó là “không khác nào thời kỳ Đức Quốc xã”. 

Văn phòng Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gọi các tuyên bố trên là “không thể chấp nhận được”. Trong khi đó, Thủ tướng Đan Mạnh Lars Lokke Rasmussen cũng đã đề xuất người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim hoãn chuyến thăm Đan Mạch theo kế hoạch sẽ diễn ra trong tháng này.

Ông Rasmussen nhấn mạnh: “Với những công kích hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Hà Lan, không thể coi cuộc hội đàm sắp tới là không liên quan gì tới vấn đề đó”.

Việc ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ mượn đất “diễn” cho chiến dịch vận động chính trị được đánh giá là một sự đề phòng cần thiết, nhất là trong thời buổi “cái gì cũng trưng cầu dân ý”, vốn đang “nở hoa” tại EU. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng, sự đề phòng này là chưa đủ, hay đó chỉ là một biện pháp tức thời và chưa chắc sẽ đem lại kết quả. Cho dù thế nào đi nữa, thì cuộc đối đầu này chắc chắn sẽ mang lại nhiều hệ lụy cho cả hai bên.

Theo Khổng Hà/CAND


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...