Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới / Bình luận
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bầu cử Tổng thống Pháp: Liệu có bất ngờ ?

Cập nhật: 16:25 ngày 21/04/2017
(BGĐT) - Chỉ còn vài ngày nữa là đến vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp (23-4). Kết quả các cuộc thăm dò cử tri cho thấy có sự phân định rõ giữa hai nhóm ứng cử viên, một bên là 5 ứng cử viên nổi bật có tỷ lệ ủng hộ vượt ngưỡng 5%.
{keywords}

Ứng cử viên Marine Le Pen phát biểu khởi động chiến dịch tranh cử ở Lyon.

6 người còn lại luôn có mức ủng hộ thấp nhưng chính những ứng cử viên này có thể khiến cuộc bầu cử Pháp càng thêm khó đoán định khi họ kêu gọi cử tri dồn phiếu cho một ứng cử viên nào đó tại vòng hai.

Khó đoán định

Cuộc bầu cử lần này được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm, diễn ra trong bối cảnh chính trị của Pháp có nhiều thay đổi. Tình hình an ninh bất ổn khiến người dân phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi bỏ lá phiếu. 5 ứng viên đứng đầu là Emmanuel Macron (Phong trào Tiến lên), Marine Le Pen (Đảng Mặt trận Quốc gia), François Fillon (Đảng Cộng hòa), Benoit Hamon (Đảng Xã hội) và Jean-Luc Mélenchon (Nước Pháp bất khuất).  Việc ông Mélenchon bất ngờ nổi lên và lọt vào tốp 5 ứng cử viên dẫn đầu đã làm đảo lộn mọi dự đoán. Các nhà phân tích dự báo cuộc bầu cử tổng thống Pháp lần này sẽ khó khăn hơn thường lệ với tỷ lệ cao bất thường số lượng cử tri dự kiến sẽ không đi bỏ phiếu hoặc chưa có dự định bầu cho ai. 

Trong tuần qua, phát biểu trước khoảng 25.000 người ủng hộ tại Paris, ứng cử viên cánh hữu François Fillon, người bị cáo buộc liên quan đến vụ bê bối biển thủ công quỹ lên đến hàng trăm nghìn euro khi tạo điều kiện cho vợ và con "làm giả, hưởng lương thật” trong Quốc hội Pháp đã tuyên bố “Tôi không yêu cầu bạn phải yêu thích tôi mà tôi yêu cầu bạn hãy ủng hộ tôi vì lợi ích của nước Pháp... đây không phải là việc chọn một người bạn thân mà là chọn lựa một vị tổng thống. Số phận của nước Pháp sẽ phụ thuộc vào nhân vật này". 

Đối với phe cực hữu, ứng cử viên Marine Le Pen đang phải hứng chịu sự chỉ trích gay gắt của cộng đồng người Do Thái và các phe đối lập do bà này vừa tuyên bố nước Pháp không chịu trách nhiệm đối với vụ vây bắt 13.000 người Do Thái diễn ra ở khu Vel d'Hiv thuộc Paris năm 1942 và sau đó những người này chết ở trại Quốc xã. 

Sau cuộc tranh luận trên truyền hình vào tối 4-4 , 25% người theo dõi đánh giá ông Jean-Luc Mélenchon có lập trường thuyết phục nhất. Ông Emmanuel Macron được 21% người ủng hộ, ông François Fillon có 15% và bà Marine Le Pen nhận được 11%, ông Benoît Hamon được 9%, trong khi các ứng viên khác đều dưới 6%.

Phát biểu về kết quả thăm dò mà theo đó tỷ lệ ủng hộ hai ứng cử viên được đánh giá dẫn đầu giảm đôi chút, ông Macron nói: “Thực tế này cho thấy một cách chính xác điều mà tôi cảm nhận, đó là chưa có quyết định chắc chắn nào được đưa ra. Chúng tôi đang bước vào giai đoạn quyết định”.

Dĩ nhiên kết quả của cuộc thăm dò ý kiến trên không có giá trị tuyệt đối vì các thăm dò ý kiến trước đó cho kết quả rõ ràng rằng ông Macron và bà Le Pen sẽ là những người chiến thắng để bước vào cuộc đối đầu trực tiếp tại vòng hai. Nếu kịch bản đó xảy ra, ông Macron sẽ nắm lợi thế  lớn để bước vào Điện Elysée.

Đối với nhiều cử tri Pháp, cương lĩnh tranh cử của ứng viên đóng vai trò quan trọng để thuyết phục họ bỏ phiếu. Ông Fillon đề xuất thành lập siêu bộ nội vụ có thể tập hợp các ngành hải quan, trại giam, hiến binh và cảnh sát; cải cách tổ chức tình báo Pháp, áp dụng trở lại các hình phạt tối thiểu; triển khai chính sách tạo thêm việc làm, chủ trương miễn giảm các nghĩa vụ xã hội cho các doanh nghiệp tuyển dụng các lao động trẻ, tập trung nhiều hơn vào việc đào tạo nghề; sửa đổi luật lao động, xóa bỏ chế độ tuần làm việc 35 giờ...

Dĩ nhiên kết quả của cuộc thăm dò ý kiến sau ngày 4-4 không có giá trị tuyệt đối vì các thăm dò ý kiến trước đó cho kết quả rõ ràng rằng ông Macron và bà Le Pen sẽ là những người chiến thắng để bước vào cuộc đối đầu trực tiếp tại vòng hai. Nếu kịch bản đó xảy ra, ông Macron sẽ nắm lợi thế  lớn để bước vào Điện Elysée.

Về phần mình, bà Le Pen có thể sẽ không đóng sập cánh cửa đối với người nhập cư nhưng sẽ hạn chế lượng nhập cảnh hợp pháp vào lãnh thổ Pháp ở mức 10.000 lượt người mỗi năm (hiện khoảng 200.000 lượt người từ 10 năm qua). Tuy từng tuyên bố sẽ chấm dứt chính sách giáo dục miễn phí cho trẻ em nước ngoài nhưng theo báo giới, bà Le Pen có thể sẽ sớm phải hủy bỏ đề xuất trên. Bà Marine Le Pen khẳng định không có ý định xóa bỏ chế độ tuần làm việc 35 giờ. Nếu đắc cử, bà Le Pen sẽ thực hiện nhiều đề xuất gây sốc trong lĩnh vực kinh tế, trong đó có việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh châu Âu nhằm đàm phán lại các hiệp ước châu Âu và tìm kiếm không gian hành động, đặc biệt liên quan tới đồng EUR; khôi phục tuổi nghỉ hưu ở 60 tuổi.

Với "Phong trào Tiến lên" của mình, ông Macron thể hiện như một người vừa “theo đường lối tự do” lại vừa “theo đường lối cánh tả”, khẳng định muốn ưu tiên “con đường thứ ba” (khái niệm chính trị và kinh tế nằm giữa phái Dân chủ xã hội và Chủ nghĩa tự do), trong đó “không phải bảo vệ việc làm mà là bảo vệ người lao động”. 

Chưa có niềm tin vững chắc

Rõ ràng, đối với các ứng cử viên, chương trình hành động luôn có vai trò quan trọng, là phương tiện để đạt được mục tiêu. Việc các ứng cử viên chạy đua vào Điện Elysée những tháng trước chậm công bố chương trình hành động đã khiến báo chí, các viện nghiên cứu kinh tế và dư luận đã phải nhiều lần lên tiếng. Giờ đây thì tất cả đều đã được các ứng cử viên đặt lên bàn. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy rằng các chương trình hành động đã không được theo đuổi trong suốt nhiệm kỳ tổng thống. Các biện pháp đã công bố không bao giờ được thực hiện đầy đủ. 

Tổng thống François Hollande từng hứa rằng sẽ cấm các ngân hàng hoạt động tại các quốc gia hoặc lãnh thổ là những "thiên đường thuế" hoặc sẽ trao quyền bỏ phiếu cho người nước ngoài tại các cuộc bầu cử địa phương. Trước ông, Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng đã cam kết áp dụng hình thức ký "Hợp đồng lao động duy nhất" nhằm tránh tình trạng giới chủ lạm dụng bắt người lao động ký nhiều hợp đồng ngắn hạn mà không được tuyển dụng, đồng thời sẽ cấp khoản trợ cấp cho các gia đình ngay từ khi sinh đứa con đầu. Song, những lời hứa đó đều đã không được thực hiện. 

Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã gây ngạc nhiên khi quay ngoắt thái độ liên quan đến tuổi nghỉ hưu. Năm 2007, ứng cử viên Nicolas Sarkozy từng khẳng định sẽ không đụng đến vấn đề tuổi nghỉ hưu, lúc bấy giờ được ấn định ở 60 tuổi. Tuy nhiên, vào tháng 5-2010, Thủ tướng François Fillon đã thông báo rằng xét thực tế tình hình tài chính của hệ thống hưu trí, tuổi nghỉ hưu có khả năng sẽ được nâng lên 62 tuổi. Phe đối lập là cánh tả cùng với các tổ chức công đoàn khi đó đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình rầm rộ kéo dài suốt mùa Thu, phong tỏa nhiều tuyến đường sắt và các nhà máy lọc dầu. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Nicolas Sarkozy sụt giảm mạnh, buộc ông phải chấp nhận một số điều chỉnh với những ngành nghề vất vả và độc hại, song ông vẫn giữ nguyên nội dung chính của dự luật theo đó tuổi nghỉ hưu là 62. 

Đối với Tổng thống François Hollande, sau khi tiến hành chiến dịch tranh cử đề cao các giá trị của cánh tả với khẩu hiệu - "Kẻ thù của tôi là tài chính (tiền bạc)", chỉ vài tuần sau khi nhậm chức, ông đã cho triển khai các biện pháp ưu đãi cho doanh nghiệp viết tắt là CICE thông qua việc giảm chi phí đóng góp nhằm giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh và khuyến khích doanh nghiệp tăng tuyển dụng. Đây là một quyết định bất ngờ, không nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc hình thành nhóm những người bất mãn, chống đối trong phe cánh tả.

Có thể nói việc thực hiện chương trình hành động của các ứng cử viên trở thành tổng thống cho thấy những việc ngẫu nhiên, bất ngờ vẫn sẽ luôn xảy ra. Chính vì vậy, hãy chờ xem họ sẽ làm gì sau khi đắc cử.

Thanh Bình

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...