Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới / Bình luận
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lật lại vụ đánh cắp tài liệu mật lớn nhất lịch sử CIA

Cập nhật: 07:00 ngày 04/06/2017
(BGĐT) - Mới đây, Nhà xuất bản New American Library của Mỹ phát hành ấn phẩm tạm dịch là "Cựu điệp viên mắc chứng khó đọc: Kẻ phản bội, kẻ mã hoá khó giải và những bí mật quốc gia bị đánh cắp", nói về vụ trộm cắp tài liệu quốc gia tuyệt mật "xưa nay hiếm" diễn ra trong lịch sử nước Mỹ.
{keywords}

Brian Regan.

Điệp viên đặc biệt

Đó là điệp viên Brian Regan, xuất thân từ gia đình công chức nghèo. Brian Regan mắc chứng khó đọc (dyslexia). Những người mắc bệnh này khi còn trẻ thường có dấu hiệu không có khả năng viết và tính toán con số. 

Trưởng thành, nhờ dáng người cao to, Regan đã được tuyển chọn vào không quân. Năm 1999, Regan đã được điều động về làm việc trong Cơ quan trinh sát Quốc gia (NRO). Sau 20 năm phục vụ trong Không quân lại bị điều động sang đồn trú tại châu Âu nên Regan đã quyết định viết đơn xin ở lại. Do bị từ chối nên ngày 31-8-2000, Regan đã quyết định rời khỏi quân ngũ, nghỉ hưu non ở tuổi 37. 

Cũng phải nói thêm rằng, mặc dù mắc chứng khó đọc nhưng Brian Regan lại rất thông minh. Đang phải đối mặt với nhiều sức ép, gia đình khó khăn nên càng đến ngày nghỉ hưu, tinh thần Regan càng trở nên bấn loạn. Và một ý nghĩ loé lên trong đầu, ngay tức thì Regan xem đây là "ánh sáng cuối đường hầm", khai thác kho tài liệu mật của cơ quan để bán cho nước ngoài. Nếu trộm tài liệu trót lọt sẽ mang lại cho Regan một khoản tiền kếch xù, trả được nợ, lo cho 4 đứa con ăn học, thực hiện lời hứa cho vợ đi du lịch nước ngoài...

Hành trình đánh cắp tài liệu của Brian Regan

Nhờ công việc được giao tại NRO là hỗ trợ các hoạt động online cho bộ phận Intelink (mạng nội bộ), Regan có điều kiện tiếp cận với nhiều tài liệu mật mà Mỹ đã phải tốn tới hàng tỷ USD mới thu thập được. 

{keywords}

Camera ghi lại cảnh Brian Regan sao chép tài liệu mật tại nơi làm việc.

Bắt đầu từ mùa thu 1999, Regan đã truy cập và lấy được hàng trăm trang tài liệu mật từ Intelink liên quan đến Libya, Irắc, khả năng của vũ khí Mỹ, tài liệu về chiến tranh vũ khí sinh học... Regan dùng chính máy in của cơ quan để tạo ra hàng trăm trang thông tin mật từ Intelink. Khác với những người bị mua chuộc hay ép buộc, Regan không có mối làm ăn với tình báo nước ngoài nên đã tự thiết kế cách tiếp thị để bán thông tin vừa lấy được. Mục tiêu bán tài liệu là các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi. 

Sau khi mang tài liệu ra khỏi cơ quan, Regan giấu kín trong tầng hầm của gia đình. Ngoài tài liệu được in trên giấy còn có cả thông tin từ máy tính của NRO vào đĩa CD, băng video, USB... Hằng đêm, khi vợ con ngủ say, Regan lại sao chép, mã hoá thông tin.

Từ tháng 4-2000, Regan soạn thư chào hàng, thư đầu dài 13 trang, gửi trực tiếp cho người đứng đầu cơ quan tình báo Libya. Tự giới thiệu là chuyên viên phân tích tình báo của CIA, có thông tin tuyệt mật muốn bán với giá 13 triệu USD. Để  bảo đảm an toàn tuyệt đối, thư còn được viết bằng mật mã. Tháng 7-2000, khi vợ con đi du lịch Thụy Điển, Regan mở cửa kho tầng hầm để rà soát hơn 20.000 trang tài liệu mật kèm băng video và đĩa CD, tất cả được phân loại theo quốc gia, gộp chung các tài liệu giấy cùng với đĩa CD và băng video thành một gói dành cho Libya và Iraq, hai quốc gia mà Regan cho là dễ bán nhất. 

Toàn bộ tài liệu này được đựng trong những chiếc hộp nhựa có tên Tupperware, bọc bên ngoài là túi chứa chịu nước. Chọn một ngày mưa, Regan tự lái xe đến Công viên Thung lũng Patapsco (PVSP) gần TP Baltimore, cách nhà khoảng 48km, sau đó đi tiếp vào rừng để chôn tài liệu. Xong việc, Regan chọn một cây gần đó, đóng đinh làm dấu, dùng thiết bị GPS xác định tọa độ địa điểm chôn lấp, ghi ra giấy phòng khi quên. Tổng cộng, ba lần Regan đã chôn tất cả 7 gói tài liệu tại Công viên PVSP.

Ngày 23-5-2001, Regan đến nơi làm mới, hãng thầu quốc phòng TRW, làm việc tại văn phòng của TRW tại Chantilly, bang Virginia. TRW phân công Regan trở lại làm việc tại NRO dưới danh nghĩa nhân viên hợp đồng vì quen việc.

Brian Regan đã bị phát hiện như  thế nào ?

Không phải FBI, CIA, hay cơ quan tình báo nào của Mỹ phát hiện ra, mà tất cả là do "phản thùng" từ phía khách hàng. Người trực tiếp thụ án vụ việc này là đặc vụ Steven Carr của FBI. Theo đó, vào buổi sáng tháng 12-2000, Steven Carr đã nhận được một gói bưu phẩm đặc biệt qua chuyển phát nhanh FedEx. Bên trong có ba phong bì chứa hàng quảng cáo của Brian Regan định gửi đến cho Chính phủ Libya thông qua cơ quan đại diện ngoại giao tại Mỹ. Chính ba chiếc phong bì này đã lật tẩy âm mưu bán tài liệu mật của Regan. 

Steven Carr gia nhập FBI năm 1995, phá được nhiều vụ án cộm cán, trong đó có cả các đồng nghiệp của ông chỉ vì đồng tiền đã đi ngược lại với lợi ích quốc gia. Khi mở ba chiếc phong bì cho thấy, những tài liệu tuyệt mật của chính phủ được chuyển đến FBI bởi một kẻ hai mặt, làm việc bên trong Lãnh sự quán Libya ở New York. Các phong bì được dán tem và gửi riêng từng lần đến Lãnh sự quán bởi một người không rõ danh tính.

{keywords}
Những chứng cứ "phản chủ" của Brian Regan.

Tất cả phong bì này bên ngoài đều ghi "Thông tin nhạy cảm" và các lưu ý khác bên dưới, đề nghị gửi tận tay tổng thống hoặc giám đốc tình báo quốc gia. Bì thứ nhất gồm một bức thư dài 4 trang với 149 dòng đánh máy chữ cái ABC và các con số. Phong bì thứ hai chứa nội dung hướng dẫn cách giải mã thư trong phong bì thứ nhất. Phong bì thứ ba chứa các tờ giấy ghi hai bộ ký hiệu, một là danh sách mật mã và bộ ký hiệu còn lại gồm 6 trang giấy, liệt kê hàng chục từ khóa đi kèm các chữ viết tắt bí mật được xác định là hệ thống mật mã viết tắt. Hai bộ ký hiệu gộp lại sẽ tạo ra chiếc chìa khóa giải để giải mã các thông tin mật đi kèm.

Steven Carr là điệp vụ khá dày dặn kinh nghiệm nhưng đọc mãi vẫn không hiểu được nổi nội dung nếu không được giải mã. Đây là cách làm mà người gửi, tức Regan cực kỳ láu cá, vừa đề phòng trường hợp bị cơ quan tình báo Mỹ xem trộm hoặc bị khách hàng thất hứa. Regan còn thận trọng bỏ vào mỗi bì thư một mảnh giấy đánh máy với nội dung thông báo cho người nhận biết, còn hai phong bì khác cũng được gửi đến cùng địa chỉ và nếu bì thư nào không đến đúng địa chỉ thì hãy đăng thông báo công khai trên Báo Washington Post. 

Đáng tiếc, Regan đã không tính đến giải pháp thư bị "tố ngược" gửi lại cho FBI. Phân ban FBI New York đã giải mã được một đoạn đầu bức thư với nội dung: "Tôi là một chuyên viên phân tích tình báo của CIA, muốn làm gián điệp chống lại nước Mỹ bằng cách cung cấp cho quý quốc những thông tin có tính bí mật cao. Tôi có chứng nhận an ninh hạng tối mật và có quyền tiếp cận hồ sơ của tất cả các cơ quan tình báo Mỹ, như NSA, DIA, CentCom và những cơ quan liên quan khác". Ngoài thư, trong các phong bì còn chứa một số văn bản giấy tờ của CIA và Chính phủ Mỹ có đóng dấu tối mật để "làm bằng" là hàng xịn. Đây cũng là chứng cứ người gửi thư phạm tội gián điệp.

{keywords}

Công viên Thung lũng Patapsco - nơi Brian Regan lái xe chôn tài liệu đánh cắp.

Cùng làm việc với Steven Carr còn có bà Lydia Jechorek, sếp trực tiếp của Carr, cả hai đã tìm thấy một địa chỉ e-mail mà người gửi muốn sử dụng để liên lạc khi cần. Qua điều tra cho thấy địa chỉ e-mail được tạo tại một thư viện công cộng ở Quận Prince George, bang Maryland bởi một người tự xưng là Steven Jacobs. Đặc biệt, cả hai còn phát hiện một chi tiết quan trọng, người viết bức thư có một sai lầm về lỗi chính tả khi viết, nó xuất hiện liên tục mang tính lặp đi lặp lại, chứng tỏ người viết mắc bệnh gì đó. Nhờ nơi gửi e-mail đã xác định được đó là khu vực xung quanh Bowie và Crofton, bang Maryland, rất gần với tổng hành dinh NSA. 

Sau 6 tháng săn lùng, cuối cùng Steven Carr và các cộng sự đã phân loại, thu thập được qua tập tài liệu và qua đối chiếu trong gói hàng nhận được với tài liệu Regan tải từ mạng nội bộ Intelink về lưu trong máy tính ở bàn làm việc tại NRO, nhóm chuyên án đã xác định được mục tiêu. Đó chính là Brian Regan, ở thị trấn Bowie & Crofton, người mắc chứng khó đọc nên khi viết đã mắc lỗi chính tả nghiêm trọng. Từ giai đoạn này trở đi (4-2001), FBI bắt đầu theo dõi Regan, thường xuyên đi lại giữa nơi làm việc ở Công ty TRW và đến Công viên PVSP.

Ngày 23-8-2001, vài tuần sau khi nghỉ hưu theo quy định, Regan quay trở lại NRO làm việc cũ với tư cách là người của Công ty TRW.  Được một thời gian, Regan xin phép nghỉ đưa vợ con về Orlando thăm gia đình. Thực ra, Regan không về quê mà mua vé máy bay để đi Zurich, tại đây Regan có hẹn gặp đại sứ quán của Trung Quốc, Libya và Iraq để giới thiệu hàng trước khi ký hợp đồng bán với giá 13 triệu USD. 

Đáng tiếc, giấc mơ làm giàu của Regan không thành và bị bắt trước khi lên máy bay tại sân bay quốc tế Dulles. Kiểm tra giấy tờ khi bị bắt, cảnh sát thu được nhiều chứng cứ đã được mã hóa. Đặc biệt, họ tìm thấy mảnh giấy giấu ở chiếc giày bên phải, trên đó là địa chỉ các đại sứ quán Iraq và Trung Quốc ở Châu Âu. Trong một bên túi quần, Regan đã mang theo chiếc đĩa xoắn ốc có chứa một trang 13 từ ghi các chữ rời rạc như ba bánh, tên lửa và găng tay..., trong ví của Regan có một mẩu giấy với một chuỗi chữ cái và số “5-6-N-V-O-A-I…”.  

Cũng phải nói thêm rằng trong gần 7 tháng, từ tháng 8-2001 đến tháng 2-2002, các chuyên gia giải mã của NSA vẫn loay hoay với những dải ký tự loằng ngoằng nên việc giải mã tốn kém rất nhiều thời gian. Cũng nhờ bảng mật mã này đã giúp Regan thoát án tử hình mà tòa tuyên án tháng 1-2003. Viện công tố đã chấp nhận giảm án xuống chung thân sau khi Regan đồng ý giải mã và chỉ ra nơi chôn giấu tài liệu.

Kim Hùng 

(theo Theguardian.com)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...