Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới / Bình luận
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cuộc chiến giành Bắc Cực: Lợi ích song hành mâu thuẫn (kỳ 2)

Cập nhật: 07:00 ngày 18/06/2017
(BGĐT) - Theo đà tan chảy của những băng hà tưởng như vĩnh cửu, dưới tác động mỗi lúc một gay gắt của tiến trình biến đổi khí hậu, Bắc Cực ngày càng bộc lộ những giá trị vô hình và vô giá. 
{keywords}

Một tàu chở hàng di chuyển qua Bắc Cực.

{keywords}
    Cuộc chiến giành Bắc Cực: Lịch sử qua những vết chân (kỳ 1)

Giá trị vô hình và vô giá

Băng tan làm xuất hiện những con đường mới nối liền các châu lục, ngắn hơn và tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều, nối liền Bắc Âu - Đông Bắc Á - Tây Bắc Mỹ. Điển hình, tháng 8-2010, lần đầu tiên Nga cho tàu SCF Baltica chở 114.564 tấn dầu, được hộ tống bởi hai tàu phá băng hạt nhân, đã thành công trong việc vận chuyển dầu và khí hóa lỏng cho Trung Quốc, tiến sát bờ biển Bắc Cực. 

Theo tính toán, tuyến đường này nhanh gấp hai lần so với các tuyến đường đi qua kênh đào Suez và tiết kiệm được khoảng 15% chi phí. Từ Yokohama, hàng hoá xuất khẩu của Nhật Bản sang Bắc Mỹ vào mùa hè cũng sẽ giảm được 8.000 hải lý trong hành trình nếu so với việc đi xuống phía Nam qua kênh đào Panama như thường lệ. Từ London đến Tokyo, hải trình sẽ chỉ còn 16.000 km, so với 21.000 km nếu đi qua kênh đào Suez hoặc 23.000 km nếu sử dụng kênh đào Panama.  

Bắc Cực đang chứng kiến cuộc chiến tranh lạnh giữa các nước tuyên bố chủ quyền và cả các nước có tiềm lực muốn khai thác tiềm năng của vùng đất băng giá này. Sự quan tâm của các nước trên thế giới về Bắc Cực ngày càng tăng thể hiện tầm nhìn chiến lược của các quốc gia với Bắc Cực cũng đang dần thay đổi. Với đà nóng lên của Trái đất hiện nay, các nguồn tài nguyên được hé lộ, các tuyến hàng hải qua đây trở nên đông đúc hơn cũng đồng nghĩa phát sinh những mâu thuẫn ngày càng gay gắt.

Những con đường mới được khai phá ấy hứa hẹn sẽ mang lại sinh khí cho hàng loạt cảng biển ở gần Bắc Cực vốn không thể hoạt động gần như quanh năm bởi băng tuyết. Không chỉ thúc đẩy thương mại quốc tế, điều này còn có thể mang đến nguồn lợi từ quyền tài phán, thuế tạm nhập cảng, lợi nhuận từ các công đoạn tiếp liệu, sửa chữa, bảo trì...

Và cao hơn tất cả, Bắc Cực đã được nhắc đến như một khu vực then chốt trên bản đồ địa chính trị thế giới. Đó là lý do để không ít quốc gia tưởng như không liên quan gì đến địa lý khu vực này vẫn cố gắng đặt được những chỗ đứng cho mình, như Trung Quốc. Tháng 3-2010, Thượng tướng hải quân Trung Quốc Duẫn Trác nói rằng “Bắc Cực thuộc về tất cả dân tộc trên thế giới và chẳng nước nào có thể có chủ quyền với nó cả”. 

Trước đó, năm 2009, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc Hồ Chính Dược cũng “cảnh báo”, rằng các nước vùng cực nên “bảo đảm một sự cân bằng cho quyền lợi của các quốc gia duyên hải cũng như lợi ích chung của cộng đồng thế giới”. Vận dụng ngôn ngữ UNCLOS (Công ước Liên Hợp quốc về luật biển), Trung Quốc cho rằng Bắc Cực cùng tài nguyên của nó là di sản chung của tất cả nhân loại. Trong một bài viết, nhà nghiên cứu Lý Chấn Phúc thuộc Đại học Hàng hải Đại Liên khẳng định: “Bắc Cực có giá trị quân sự đặc biệt, một thực tế hiển nhiên được nhiều nước thừa nhận”, và “bất cứ ai kiểm soát được tuyến hàng hải Bắc Cực sẽ kiểm soát được tuyến hàng hải mới của kinh tế thế giới và chiến lược quốc tế”.

Đường đua nóng bỏng

Lợi ích to lớn đưa đến những mâu thuẫn gay gắt. Thí dụ, đòi hỏi chủ quyền của Đan Mạch bị cho là chồng chéo lên những khu vực quyền lợi mà Nga yêu cầu. Trong khi đó, nhìn rộng ra, dường như lập luận trong yêu sách của cả 5 quốc gia vùng Bắc Cực đều có cơ sở vững chắc và rất khó bị phản bác. Do đó, việc thực thi các nỗ lực dàn xếp song phương cũng như đa phương để giải quyết tranh chấp là khả năng đầy tính hiện thực. Song, để chuẩn bị cho những cuộc đàm phán ấy với những điểm tựa vững chắc nhất (và để sẵn sàng ứng phó với tình hình), các quốc gia liên quan đều đã khởi động những tín hiệu cạnh tranh quân sự, từ cuối thập niên trước. 

{keywords}

Để bảo vệ lợi ích của mình, nhiều nước đã bố trí quân đồn trú tại Bắc Cực.

Ngay từ năm 2009, một năm sau khi thoả thuận Ilulissat được ký, Canada đã thành lập những đơn vị hỗn hợp đặc biệt. Họ chi khoảng 3 tỷ USD để mua ít nhất 6 tàu tuần tra cho vùng Bắc Băng Dương và 4 triệu USD nhằm hiện đại hóa một căn cứ ở vịnh Resolute, cho phép huấn luyện các lực lượng quân sự tại Bắc Cực. Cùng năm, Đan Mạch tuyên bố thành lập Ban chỉ huy quân sự Bắc Cực, cùng một lực lượng phản ứng nhanh. 

Năm 2011, hai lữ đoàn quân sự Bắc Cực của Nga được khai sinh. Na Uy điều ba cánh quân hỗn hợp tới gần khu vực này. Tàu ngầm hạt nhân Mỹ cũng thường xuyên hoạt động ở đây. Năm 2012, Hạm đội Biển Bắc của Nga với hơn 30 tàu ngầm chiến lược, chiến thuật, đặc chủng và hạt nhân; một tàu sân bay, hai tuần dương hạm trang bị tên lửa động cơ hạt nhân hạng nặng, kèm các tàu tên lửa, khu trục, đổ bộ, quét mìn...; hơn 100 máy bay tác chiến và máy bay trực thăng hiện đại; cùng các trung đoàn phòng không - không quân với tên lửa S-300... tập trung về quanh Bắc Băng Dương. Bên kia eo biển Bering nhỏ hẹp, Mỹ bắt đầu tập trung vào các lực lượng không quân chiến đấu. Sau đó, họ tích cực triển khai các hệ thống chống tên lửa đạn đạo (ABM) đặt trên biển. 

Mới nhất, ngày 22-2-2017, lực lượng đổ bộ đường không Mỹ thực hiện cuộc tập trận mang tên Spartan Pegasus 2017 tại cực Bắc Alaska, nơi có nhiệt độ xuống tới -40 độ C. Hai phi đội tiêm kích tối tân F35 A cũng được triển khai ở căn cứ quân sự Eielson, Alaska. Tính đến thời điểm ấy, để bảo vệ lợi ích của nước Nga ở Bắc Cực, Tổng thống Vladimir Putin đã điều động tới 38 nghìn quân, 41 tàu chiến và 15 tàu ngầm, án ngữ một vùng có phạm vi khoảng 1,2 triệu km2 được bảo vệ bởi những hệ thống tên lửa phòng không và chống hạm hiện đại bậc nhất. 

Những người khổng lồ đã đứng đối diện với nhau. Bởi vậy, cho dù trong Diễn đàn Bắc Cực - Lãnh thổ để đối thoại đã nói ở phần trước, tất cả đều nhấn mạnh đến hợp tác quốc tế nhằm bảo vệ môi trường, khai thác hiệu quả và ổn định các nguồn tài nguyên quý báu ở Bắc Cực, hướng đến một tương lai phát triển - thịnh vượng quanh Vòng cực Bắc, phủ nhận các nguy cơ xung đột quân sự... thì cuộc chạy đua vũ trang tại đây, cùng những mâu thuẫn quyền lợi khó lòng dàn xếp ổn thỏa vẫn mang lại một cảm giác đầy hăm dọa. Dưới những băng sơn tan chảy, lửa đã sẵn sàng bén vào những mỏ dầu...

Thiên Thư

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...