Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 32 °C / 26 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới / Bình luận
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bão tố mùa thu và cuốn hồi ký mang tên Herbst 89 - Kỳ 2: Bánh xe lịch sử

Cập nhật: 07:00 ngày 15/07/2017
(BGĐT) - Với quá nhiều mâu thuẫn và cả xung đột, một mình Egon Rudi Ernst Krenz, với cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức (SED) cùng quyết tâm và sự cởi mở cũng không thể xử lý dứt điểm được những gì xảy ra trong Mùa Thu năm 1989 ấy.
{keywords}

Egon Rudi Ernst Krenz trong một sự kiện khi đương chức.

{keywords}
   Bão tố mùa thu và cuốn hồi ký mang tên Herbst 89 - Kỳ I: Cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp

“Thực tế chính trị” là gì?

Egon Rudi Ernst Krenz sinh ngày 19-3-1937 tại Kolberg- một phần lãnh thổ phía Đông nước Đức khi ấy, nay thuộc Ba Lan. Khi kế nhiệm Erich Honecker làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức (SED), ông mới 52 tuổi. Trước đó, truyền thông cả thế giới đã mặc nhiên xem ông sẽ là chủ nhân tương lai của vị trí này. Song, trong cuốn hồi ký của mình mang tên Herbst 89, Egon Rudi Ernst Krenz hé lộ: “...Phương Tây tuy hay gọi tôi là Hoàng thái tử nhưng sự suy diễn ấy cách quá xa thực tế chính trị. Có lẽ nguyên nhân vì tôi là người trẻ nhất Bộ Chính trị và được Honecker tin cậy. Như Honecker, tôi lãnh đạo FDJ (Đoàn Thanh niên Tự do Đức) gần mười năm. Năm 1984, Tổng Bí thư trao tôi quyền điều hành các cuộc họp Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư, khi ông nghỉ phép hoặc ra nước ngoài. Trong thời gian đó tôi là người thay mặt ông, do Bộ Chính trị quyết định trước khi ông đi vắng. Những quyết định kiểu ấy không liên quan gì đến chuyện kế nhiệm. Chưa bao giờ Tổng Bí thư có một người làm phó. Ông không muốn để bất cứ ai áp đặt người thế chỗ mình trong tương lai. Đã thế, quan hệ giữa chúng tôi từ năm 1985-1986 còn xấu đi trông thấy...”.

“Thực tế chính trị” là khái niệm mang tính định hướng đối với Krenz, suốt từ mùa hè đến tận những biến cố Mùa Thu 1989. Vì cái “thực tế chính trị” ấy và chỉ cần đánh giá là phù hợp với “thực tế chính trị” ấy, Krenz sẵn sàng đối diện với mọi bước ngoặt và dấn thân vào mọi thử thách.

Vậy, “Thực tế chính trị” này bao hàm những gì? Đó là việc nước Cộng hòa dân chủ (CHDC) Đức xuất hiện trên bản đồ thế giới từ những vận động bất khả kháng sau Đệ nhị Thế chiến. Là việc “cho dù có mâu thuẫn và xung đột thì tình đoàn kết giữa các nước XHCN trước sau vẫn là cơ sở quan trọng nhất để tồn tại trước phương Tây. Nếu tình đoàn kết ấy mất đi, CHDC Đức sẽ bị đe doạ”. Là quan hệ nền tảng giữa các nước XHCN, là khả năng sống còn khi đối mặt thế giới tư bản chủ nghĩa.

Bởi tâm niệm như vậy mà khi những rạn nứt trong khối Hiệp ước Warsawa trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết (đặc biệt là tại Hội nghị cấp cao ngày 7-7-1989, ở Bucharest, Romania), khi “không nhà lãnh đạo nào từ các nước có mặt ở đây có câu trả lời mang tính thuyết phục và xây dựng”, khi một nhân viên Ngoại giao Liên Xô giấu tên đánh giá rằng “Perestroika (kế hoạch Cải tổ của Tổng Bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev) đã huỷ hoại lòng tin ngày xưa vào các giá trị của CNXH mà không gây dựng được lòng tin mới”. Khi Mikhail Gorbachev mâu thuẫn về tư tưởng với Erich Honecker thì với Egon Krenz, chuyện Liên Xô có tiếng nói quyết định trong mọi câu hỏi quan trọng về sự phát triển của CHDC Đức là điều thoát thai từ vai trò người chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai và vẫn còn “phù hợp với thực tế chính trị hiện hành”.

Cũng có thể ngầm hiểu, khi phác hoạ sự giằng xé đó trong tâm tư của mình, Krenz cũng đã kín đáo chất vấn về bản chất mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên khối Hiệp ước Warsawa. Nhưng dù sao, cuối cùng, khi Erich Honecker buộc phải thoái lui dưới sức ép của Bộ Chính trị, Krenz vẫn tiến lên, để hướng mọi chuyện về phía mà ông cho là đúng đắn.

{keywords}

Bức tường Berlin nhìn từ trên cao.

Đòn bẩy từ bên kia đại lục Á - Âu

Có một sự kiện xảy ra tận đầu bên kia đại lục Á - Âu, ít người để ý, đã trở thành đòn bẩy cho các vận động ghê gớm trên chính trường CHDC Đức: Sự kiện Thiên An Môn (từ 15-4 đến 4-6-1989).

Tháng 8-1989, Giáo sư Walter Friedrich, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Thanh niên Liepzig đánh giá trong một bản báo cáo: “Sức thuyết phục của giá trị, lý tưởng và mục tiêu của CNXH đang bị thử lửa. Tâm lý hoang mang và chán nản lan tràn”. Tháng 8 năm ấy, Gunter Schabowski hội kiến Tổng Bí thư Trung Quốc Giang Trạch Dân và đánh về một bức điện khẩn: “Lẽ ra các sự cố tháng Sáu năm 1989 ở Quảng trường Thiên An Môn đã không xảy ra, nếu lãnh đạo đảng nhất trí và đánh giá tình hình rõ ràng”. Cùng lúc đó, đa số các uỷ viên Bộ Chính trị SED đi nghỉ phép mà “ngay cả khi tất cả họ có mặt ở đây thì cũng không thể nói đến sự nhất trí được nữa”.

Tất cả những gì diễn ra sau đó, dường như đều có dính dáng đến sự kiện này. Như Krenz viết trong hồi ký: “Tôi biết tình cảnh của CHDC Đức nhưng đơn giản là tôi không tìm ra câu trả lời cho nhiều câu hỏi. Đặt câu hỏi rõ ràng là cần thiết, nhưng trả lời được những câu hỏi ấy còn cần thiết hơn”. Ông vật lộn tìm kiếm mọi cách có thể, để đưa đất nước của mình thoát khỏi cuộc khủng hoảng chung của CNXH.

Krenz đến thăm Trung Quốc để xem xét cách các nhà lãnh đạo quốc gia này đối phó với khó khăn và tập hợp lòng tin của quần chúng. Ông chia sẻ quan điểm: Nếu có nội chiến ở Trung Quốc, đó sẽ là thảm hoạ cho cả thế giới, để rồi bị truyền thông phương Tây “dán nhãn” là ủng hộ và cổ súy bạo lực. Trở về, ông nỗ lực thúc đẩy đối thoại và cải cách trong nội bộ CHDC Đức. Ông tán đồng ý tưởng: “CNXH hôm nay phải tìm được khuôn mặt thật, khuôn mặt dân chủ của mình, nếu không muốn chịu một thất bại lịch sử. CNXH không được phép thất bại, vì nhân loại bị đe doạ trong khi tìm phương thức chung sống cần nhiều lựa chọn bên cạnh xã hội tiêu dùng của phương Tây, mà sự phồn vinh của nó do phần còn lại của thế giới gánh chịu”.

Ông cố gắng tác động đến Eric Honecker và khi không còn lựa chọn nào khác, ông cùng Bộ Chính trị quyết định: “Không thể tiếp tục cùng Honecker được nữa”. Thế nhưng, với ông (và có lẽ cũng bởi vì ông), bức tường Berlin đã sập xuống mà không đi kèm những diễn biến bi thảm như Thiên An Môn. Cho dù bị truyền thông phương Tây đánh giá là người “sẵn sàng dùng các công cụ chuyên chế của nhà nước”, hay bị Erich Honecker xem là “kẻ uốn gối đầu hàng”, thì Krenz vẫn quyết định không sử dụng vũ lực, điều có vẻ là lựa chọn dễ dàng nhất.

{keywords}
Chừng nào còn sống, tôi còn phải chịu đựng câu hỏi: Vì sao rốt cuộc CHDC Đức thất bại, và trong sự kiện đó tôi chịu trách nhiệm nào? Tôi không hỏi mình như vậy vì ngày xưa tôi sống tốt hơn. Tôi hỏi mình câu ấy vì tôi đã phấn đấu vì CNXH. Không ai có thể chờ đợi tôi ly khai với CNXH”.

Egon Rudi Ernst Krenz

Như ông từng thổ lộ, quyết định “Nâng các rào chắn lên, hay sử dụng vũ lực?” trong đêm định mệnh ấy, khi Schabowski vì nhầm lẫn mà đưa đến một tình thế sinh tử, khi tất cả các ủy viên Bộ Chính trị đều chỉ biết việc này quá muộn, vừa là một quyết định chính trị mang tầm quốc tế, vừa là một quyết định của lương tâm. Nhưng trên hết, khi lựa chọn như vậy, Krenz vẫn tin rằng ông có thể, bằng sự cởi mở của mình, duy trì được cho CHDC Đức tồn tại như là một quốc gia XHCN có chủ quyền. Trước và sau khoảnh khắc ấy, ông vẫn nỗ lực không ngừng để tìm hướng vực dậy một lý tưởng.

Song, “một tay khôn chống trời cao nghìn trùng”. Một mình Krenz, với quyết tâm và sự cởi mở, cũng không thể xử lý dứt điểm được mọi mâu thuẫn. Mà vị trí của ông, éo le thay, lại là giao điểm của quá nhiều xung đột. Xung đột tư tưởng giữa những lớp đảng viên SED kỳ cựu, với những nhà lãnh đạo FDJ đòi hỏi thay đổi diễn ra với vận tốc nhanh hơn nữa. Xung đột ý thức hệ giữa hai hệ thống vẫn còn đang nhìn nhau qua tấm màn sắt. Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa các đại cường, mà các nước nhỏ luôn phải chịu thiệt thòi. Và cuối cùng, xung đột trong tâm trạng xã hội, giữa những người dân CHDC Đức ở quá gần, quá dễ bị tác động bởi thế giới tư bản, để phủ định những gì đã có, cho dù họ đã đạt mức sống cao hàng đầu thế giới thời điểm ấy.

Điều vô cùng đau đớn với Krenz có lẽ là việc vào năm 1990, ông bị khai trừ khỏi SED. Nhưng còn đau đớn hơn là chuyện: “Chừng nào còn sống, tôi còn phải chịu đựng câu hỏi: Vì sao rốt cuộc CHDC Đức thất bại, và trong sự kiện đó tôi chịu trách nhiệm nào? Tôi không hỏi mình như vậy vì ngày xưa tôi sống tốt hơn. Tôi hỏi mình câu ấy vì tôi đã phấn đấu vì CNXH. Không ai có thể chờ đợi tôi ly khai với CNXH. Tôi đồng ý, phải phê bình các thiếu sót và khiếm khuyết của chúng ta - vâng, đó là lời tự phê bình đau đớn! - và tôi cảm thấy đó là nghĩa vụ của mình. Nhưng tôi sẽ không lăng mạ ai hay việc gì. CHDC Đức là Tổ quốc của tôi!”.

Một lời cuối sách, cũng là cả một cuộc đời...

Thiên Thư

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...