Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới / Bình luận
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nga - Mỹ trên đường tìm tiếng nói chung

Cập nhật: 16:33 ngày 26/07/2017
(BGĐT) - Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có cuộc gặp đầu tiên bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Đức).
{keywords}

Cái bắt tay chính thức giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin khởi động cuộc gặp mặt trong phòng kín.

Cuộc gặp này được cả thế giới quan tâm, theo dõi bởi những ngờ vực và đồn đoán trước đó về mối liên hệ giữa hai bên từ trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái. Thậm chí các nhà điều tra Mỹ vẫn đang tìm kiếm các bằng chứng để làm sáng tỏ những cáo buộc về "sự thông đồng" của Nga giúp ông Trump chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng nhờ những thông tin nhạy cảm mà tin tặc Nga có được liên quan đến đối thủ Hilary Clinton.

Những cái bắt tay “đầy thân ái” tại hành lang Hội nghị G20 giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Donald Trump đã mở ra một cuộc gặp kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, thay vì khoảng 30 phút theo kế hoạch ban đầu. Cùng tham dự cuộc gặp này còn có Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và hai phiên dịch viên. Cho đến nay, những nội dung của cuộc gặp không được công khai và bản thân báo chí phương Tây và Nga cũng có sự "vênh nhau" về thông tin cuộc trao đổi này.

Cả Bộ Ngoại giao Mỹ và phía Điện Kremlin đều khẳng định rằng hai vị tổng thống đã thảo luận về vấn đề an ninh mạng, Ukraina, Syria... Các thông tin cụ thể đều rất hạn chế và chỉ tập trung chủ yếu vào việc cải thiện điều kiện cho các cuộc đối thoại tiếp theo, đặc biệt là xung quanh ưu tiên chung của 2 bên trong vấn đề chống khủng bố.

{keywords}

Syria tạm ổn sau khi lệnh ngừng bắn được công bố.

Kết quả nổi bật nhất của cuộc gặp là đã đạt được thỏa thuận thiết lập đường dây liên lạc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina và nhất trí một lệnh ngừng bắn tại các khu vực Tây - Nam Syria. Hai bên cũng đã thảo luận về ý tưởng thành lập "một đơn vị an ninh mạng không thể xâm nhập" nhằm ngăn chặn các vụ tấn công của tin tặc trong các cuộc bầu cử trong tương lai.  Đây được đánh giá là một tín hiệu tích cực, sau những diễn biến căng thẳng "xuống tới đáy" trong quan hệ hai nước và trên trường quốc tế.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đánh giá cuộc gặp rất "hiệu quả" với việc tổng thống hai nước bày tỏ mong muốn tìm kiếm những thỏa thuận cùng có lợi, chứ không đưa ra những kịch bản mang tính chất đối đầu. Trong khi đó, Tổng thống Putin tuyên bố: "Lãnh đạo Nga - Mỹ đã nhiều lần thảo luận hàng loạt chủ đề quan trọng  nhưng để giải quyết được những vấn đề hóc búa nhất cần phải có các cuộc gặp riêng”. Về phần mình, Tổng thống Trump bày tỏ "vinh dự được gặp với người đồng cấp Nga, đồng thời nhấn mạnh nhiều sự kiện tích cực đang chờ đón hai nước ở phía trước. Thậm chí, ông Trump còn cho biết ông cảm thấy "tâm đầu ý hợp" với nhà lãnh đạo cao nhất của nước Nga.

Những cái bắt tay “đầy thân ái” tại hành lang Hội nghị G20 giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Donald Trump đã mở ra một cuộc gặp kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ. Kết quả nổi bật nhất của cuộc gặp là đã đạt được thỏa thuận thiết lập đường dây liên lạc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina và nhất trí một lệnh ngừng bắn tại các khu vực Tây - Nam Syria. Hai bên cũng đã thảo luận về ý tưởng thành lập "một đơn vị an ninh mạng không thể xâm nhập" nhằm ngăn chặn các vụ tấn công của tin tặc trong các cuộc bầu cử trong tương lai. Đây được đánh giá là một tín hiệu tích cực, sau những diễn biến căng thẳng "xuống tới đáy" trong quan hệ hai nước và trên trường quốc tế.

Các nhà quan sát đánh giá cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ cho thấy một điều rõ ràng là cả hai nước đều đang phát đi những tín hiệu muốn đối thoại, không để những căng thẳng và bất đồng đẩy quan hệ Nga-Mỹ tiếp tục leo thang. Đối với ông Trump, cuộc gặp này là cơ hội để đẩy mạnh ít nhất là hai trong số những mục tiêu tranh cử và những cam kết hậu bầu cử của ông. Ông Trump từng cam kết cải thiện quan hệ với Nga và đã đề cập tới tầm quan trọng của quan hệ phối hợp giữa Mỹ và Nga trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng ở Syria cũng như đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu. Với thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực Tây Nam Syria, ông Trump đã đạt được một điều gì đó dù khiêm tốn nhưng vẫn rõ ràng.

Đối với ông Putin, mục tiêu chính vẫn là những "khán giả" trong nước. Mặc dù cuộc bầu cử lại vào tháng 3-2018 nhằm giành thêm một nhiệm kỳ 6 năm nữa đối với ông Putin gần như chắc chắn xảy ra song thử thách thực sự đối với ông là liệu ông có thể duy trì nhiệt huyết trong các cử tri trung thành của ông và tạo ra một kết quả cao như một sự khẳng định về vai trò của ông hay không. Cuộc gặp kéo dài 2 giờ với ông Trump cho phép ông Putin thể hiện những kỹ năng của mình như một nhà đàm phán, củng cố quan điểm lâu đời của Nga về các vấn đề tấn công mạng, Syria, Ukraina, nhưng cũng làm thất bại chính sách "cô lập" của chính quyền Mỹ tiền nhiệm đối với Nga. Điều này được thể hiện rõ nét qua việc ông Putin ngồi ngang hàng với lãnh đạo của Mỹ - một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, trong khi đang tham gia một cuộc gặp với lãnh đạo hàng đầu của các quốc gia giàu mạnh nhất châu Âu.

Tuy vậy, một sự cải thiện nhanh chóng trong mối quan hệ vốn đã có nhiều bất đồng giữa Mỹ-Nga vẫn là điều không thể nói trước được. Đối với ông Putin, bất đồng là điều có tác dụng bởi nó củng cố quan điểm lâu đời của Nga là Washington luôn muốn kiềm chế Nga về địa chính trị và làm giảm giá trị của Nga về mặt kinh tế với mục tiêu cuối cùng là thay đổi chế độ. Quan điểm này dẫn tới một kết luận không thể tránh khỏi cho phần lớn cử tri Nga: Chỉ có ông Putin mới có đủ khả năng bảo đảm sự an toàn và thịnh vượng cho họ.

Thậm chí nếu những cuộc đối thoại khác về tấn công mạng, Syria, hay Ukraina được tiếp tục thì Điện Kremlin cũng không có lý do gì để nhượng bộ, còn Nhà Trắng dưới sức ép của Quốc hội Mỹ cũng sẽ không nhân nhượng. Viễn cảnh tốt đẹp nhất có lẽ là đối thoại sẽ giúp dàn xếp và ngăn chặn leo thang quân sự không mong muốn giữa Nga với Mỹ cùng các đồng minh của Mỹ tại Syria hoặc tại khu vực Baltic. Ngoài ra, con đường dẫn tới cái mà Điện Kremlin gọi là "bình thường hóa" với Washington vẫn bị cản trở bởi những lợi ích xung đột sâu sắc, chính trị nội bộ và sự không tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên.

Cho dù còn nhiều trở ngại nhưng nhiều nhà phân tích chính trị nhận định kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ có thể tạo tiền đề khôi phục đối thoại giữa hai cường quốc nắm giữ tới hơn 90% số lượng vũ khí hạt nhân thế giới, đồng thời duy trì hợp tác trong những lĩnh vực mà hai bên cùng có lợi ích. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh thế giới đang xuất hiện nhiều thách thức, đe dọa cả truyền thống và phi truyền thống mà để giải quyết chúng đòi hỏi phải có sự phối hợp nỗ lực giữa các nước lớn như Nga và Mỹ. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận một điều rằng, cả hai nước cần nỗ lực hơn nữa trong việc phá vỡ những bất đồng vốn tích tụ nhiều năm qua trên con đường tìm được tiếng nói chung.

Thanh Bình

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...