Thứ tư, 01/05/2024
Bắc giang 25 °C / 24 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới / Bình luận
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sự thật Sự kiện Vịnh Bắc Bộ qua các tài liệu giải mật của Mỹ

Cập nhật: 07:00 ngày 12/08/2017
(BGĐT) - Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, Sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1964 đã được sáng tỏ qua các tài liệu mật của Mỹ, thực chất đây là "thuyết âm mưu" được Mỹ dựng lên để lấy cớ ném bom miền Bắc Việt Nam. 
{keywords}
Một trong những cuốn tài liệu nói về Sự kiện Vịnh Bắc Bộ.

“Thuyết âm mưu” diễn ra như thế nào?

Cuối năm 2004, tại Mỹ phát hành cuốn Tonkin Gulf and the Escalation of the Vietnam War (Vịnh Bắc Bộ và Sự leo thang Chiến tranh ở Việt Nam) của tác giả Edwin E. Moïse, mô tả chi tiết các sự kiện diễn ra từ đêm 4-8-1964, khi tàu khu trục Maddox và Turner Joy của Mỹ loan tin bị ngư lôi của Bắc Việt tấn công tại Vịnh Bắc Bộ (Tonkin Gulf). Cuốn sách sử dụng các hồ sơ đã được Chính phủ Mỹ giải mật và dựa trên phỏng vấn với những người trong cuộc. Tác giả Edwin E. Moïse đi đến kết luận không hề có cuộc tấn công của miền Bắc Việt Nam, tất cả các báo cáo gửi về cho Nhà Trắng đều mang tính bịa đặt hay "thuyết âm mưu" mà Chính phủ Mỹ cần để lấy cớ tấn công bằng hải quân và không quân, đi ngược lại tôn chỉ mục đích của Hiệp định Geneva 1954.

50 mươi năm sau, vào năm 2014, tại Mỹ người ta lại tiếp tục công bố cuốn The Gulf of Tonkin Event-Fifty Years Later: A Footnote to the History of the Vietnam War (Sự kiện Vịnh Bắc Bộ 50 năm sau: Đính chính lịch sử Chiến tranh  Việt Nam) của tác giả John White. Theo hồ sơ này thì cuộc chiến tranh Việt Nam bắt đầu leo thang từ năm 1964 nhằm đáp trả những gì mà Chính phủ Mỹ cho là phía Bắc Việt Nam đã vô cớ tấn công hai tàu hải quân của Mỹ, tàu khu trục USS Maddox (DD-731) và USS Turner Joy (DD-951) khi đang hoạt động yên bình tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ ngoài hải phận của Việt Nam. Mặc dù quân đội Mỹ đã có mặt tại Việt Nam trước đó nhưng Sự kiện Vịnh Bắc Bộ đã khiến Quốc hội Mỹ hiểu sai tình hình, tiếp tục cho phép Tổng thống Lyndon Johnson (và sau là Richard Nixon) tăng cường quân sự và phát động chiến tranh không chỉ ở Việt Nam mà còn lan rộng ra cả khu vực Đông Nam Á.

Trong số rất nhiều tài liệu, ấn phẩm về chiến tranh Việt Nam thì có tới một nửa trong số này đăng tải một lá thư đề năm 1967 gửi cho Tổng biên tập tờ báo ở Connecticut. Cung cấp bằng chứng cho thấy chính quyền Tổng thống Johnson buộc phải tiết lộ sự thật về cuộc chiến tranh Việt Nam, trong đó có Sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Theo John White, ông chính là tác giả của bức thư này, nó mang "cảm giác quốc gia" nhưng sau trở thành "cảm giác quốc tế" bởi liên quan đến một cuộc chiến vô nghĩa, trong đó cả bên thắng lẫn bên thua đều phải trả bằng máu với gần 3,6 triệu người thiệt mạng. 

Một hồ sơ quan trọng khác cũng được chính Chính phủ Mỹ cho giải mật có tên Gulf of Tonkin Resolution (Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ), ấn hành lần thứ nhất của tác giả John Galloway. Cuốn sách được soạn thảo như là kết quả của báo cáo về các cuộc tấn công không khiêu khích của hải quân Bắc Việt Nam đối với hai tàu khu trục của Mỹ tại Vịnh Bắc Bộ những ngày đầu tháng 8-1964 nhưng Quốc hội Mỹ vẫn thông qua nghị quyết vào ngày 7-8-1964, cho phép tăng cường lính Mỹ tới miền Nam Việt Nam đồng thời phát động cuộc chiến không quân và hải quân chống lại nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Các báo cáo của Mỹ sau đó đã được cho là hoàn toàn sai.

{keywords}
Cựu Tổng thống Mỹ Johnson, người trực tiếp ký Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ.

Diễn biến Sự kiện Vịnh Bắc Bộ

Sự kiện Vịnh Bắc Bộ lần 1 diễn ra từ đêm 30 rạng sáng 31-7-1964, đúng vào thời điểm các tàu biệt kích Hải quân Việt Nam Cộng hòa bắn phá các đảo Hòn Mê (Thanh Hóa), Hòn Ngư (Nghệ An) để khiêu khích. Sáng 1-8-1964, khu trục Maddox (mang số hiệu 731) tiến vào khu vực Đèo Ngang, Hòn Ngư rồi vòng quay trở lại tiến lên phía bắc để khiêu khích. Vào 21 giờ 22 phút ngày 1-8, phân đội tàu phóng lôi của Hải quân nhân dân Việt Nam, gồm ba chiếc đã rời căn cứ tiến đến vùng biển Thanh Hóa để nghênh chiến. Hải quân Mỹ ghi nhận 6 tàu chiến Swift, một loại tàu ngư lôi sử dụng trong các nhiệm vụ bí mật của Hải quân Việt Nam Cộng hòa tấn công các đảo Hòn Mê và Hòn Ngư ở Vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, phía Việt Nam Cộng hòa đã không thể đổ bộ lên đảo. Phía Mỹ thừa nhận tàu khu trục USS Maddox tham gia chỉ huy và hộ tống vụ tấn công của các tàu chiến Việt Nam Cộng hòa.

Ngày 2-8-1964, tàu khu trục USS Maddox, trong khi thực hiện một cuộc tuần tra thông tin tình báo tín hiệu như là một phần của chiến dịch DeSoto, đã đụng độ với ba tàu phóng ngư lôi của Hải quân nhân dân Việt Nam (gồm tàu 333, 336 và 339) thuộc Đoàn tàu phóng ngư lôi 135. Một trận hải chiến xảy ra, trong đó Maddox sử dụng hơn 280 đạn pháo 3-inch và 5-inch, cùng 4 máy bay tiêm kích USN F-8 Crusader oanh tạc các tàu phóng ngư lôi. Một máy bay Mỹ đã bị hư hỏng, tàu khu trục bị một vết đạn 14,5 mm. Ba tàu ngư lôi của miền Bắc bị hư hỏng...

{keywords}

  Đội tàu tuần tra nhanh của Na Uy được Mỹ mua để chống lại Bắc Việt Nam.

Thực tế tàu khu trục USS Maddox đã xâm phạm lãnh hải của Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại khu vực Hòn Mê và Lạch Trường vào lúc 14 giờ 52 phút ngày 2-8. Cụ thể hơn, ngày 2-8, tàu USS Maddox chỉ cách bờ biển Thanh Hóa 6 hải lý (9km) nằm trong lãnh hải của Việt Nam. Phía Hải quân nhân dân Việt Nam thông báo chỉ có hai tàu 333 và 336 bị hư hại một số thiết bị trên boong nhưng vẫn có thể chiến đấu tiếp. Hai tàu 333 và 336 tiếp tục đánh trả máy bay của Mỹ, bắn rơi 1 chiếc, bắn hư hại 1 chiếc khác.

Sự kiện Vịnh Bắc Bộ lần 2 được Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) công bố xảy ra vào ngày 4-8-1964, như là một trận hải chiến riêng biệt. Nhưng thực sự không có tàu ngư lôi nào của Việt Nam tấn công tàu chiến Mỹ trong ngày hôm đó, thay vào đó có thể là "Tonkin Ghosts" (Những bóng ma Vịnh Bắc Bộ), tức là các tín hiệu radar lỗi. Trong một cuốn băng ghi âm được giải mật năm 2001, Tổng thống Lyndon B. Johnson thừa nhận rằng vụ thứ hai trong Sự kiện Vịnh Bắc Bộ chưa hề xảy ra. Đầu tháng Giêng 2008, Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ (FAS) cho biết NSA đã giải mật bản báo cáo Spartans in Darkness trong đó khẳng định Hải quân nhân dân Việt Nam không tấn công tàu chiến Mỹ trong đêm 4-8-1964.

Hệ lụy từ Sự kiện Vịnh Bắc Bộ "ảo"

Ngày 5-8-1964, Hải quân Mỹ trả đũa bằng chiến dịch Mũi Tên Xuyên ném bom một số cửa biển quan trọng ở miền Bắc Việt Nam, chiến dịch này đã mở đầu cuộc chiến tranh tàn phá trong suốt 9 năm liền bằng không quân và hải quân quy mô lớn đối với miền Bắc Việt Nam. Ngày 7-8-1964, ba ngày sau sự kiện thứ hai diễn ra, Quốc hội Mỹ đã thông qua Nghị quyết Đông Nam Á (được biết nhiều hơn với cái tên Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ) cho Johnson quyền hỗ trợ bất kỳ quốc gia trong khu vực này mà Chính phủ nước đó được xem là bị đe dọa từ "sự hiếu chiến của cộng sản". Nghị quyết đã trở thành công cụ hợp pháp cho việc Mỹ leo thang chiến tranh tại miền Bắc và tiến hành chiến tranh hạn chế tại miền Nam Việt Nam. 

{keywords}

Sự kiện Vịnh Bắc Bộ lần 2.

Mặc dù nghị quyết chính thức đã được Tổng thống Johnson soạn thảo nhưng Thượng nghị sĩ Wayne Morse là người đầu tiên đứng ra phản đối, ông cho rằng sự kiện trên được sáng tác ra chứ không dựa trên chứng cứ có thực, nhất là việc quy cho phía Bắc Việt Nam tấn công lại tàu khu trục Maddox là điều vô lý. Việc làm của Wayne Morse được hậu thuẫn từ một nguồn giấu tên cung cấp thông tin có trong các cuốn nhật ký của tàu Maddox. Những nỗ lực của Wayne không thành nhưng ông vẫn tranh luận trước Quốc hội và xem hành động của Mỹ là "gây chiến hơn là tự vệ". Điều gì đến sẽ đến, vào đầu năm 1971, do sự phản đối quyết liệt của dư luận quốc tế, nhân dân và Quốc hội Mỹ, Tổng thống Nixon đã phải xuống thang ký văn bản chính thức bãi bỏ Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ.

Hơn 50 năm trôi qua, Sự kiện Vịnh Bắc Bộ thực sự là bài học quý báu về kinh nghiệm chiến thắng ngay từ trận đầu. Đến nay, bài học trên vẫn còn nguyên giá trị, bằng chứng sinh động về bài ca dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, là lời nhắn nhủ thế hệ trẻ hôm nay và mai sau luôn luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu xâm lược, bá quyền để bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Kim Hùng (theo WO/TGF/NSA/SC/FMO)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...