Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới / Bình luận
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

5 góc nhìn của báo chí Australia về cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám

Cập nhật: 07:00 ngày 19/08/2017
(BGĐT) - Tạp chí trực tuyến Aphahistory.com (AHC) của Australia vừa công bố bài viết rất được dư luận quan tâm với tựa đề The August Revotution (Cách mạng Tháng Tám), đề cập những sự kiện quan trọng diễn ra tại khu vực Đông Dương. Bài viết khái quát 5 điểm nhấn cũng là 5 góc nhìn về Việt Nam trước, trong và sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
{keywords}
Lễ đầu hàng của quân Nhật tổ chức trên chiến hạm USS Missouri (Mỹ) ngày 2-9-1945.

Việt Minh chớp thời cơ giành chính quyền

Điểm nhấn đầu tiên là sự đầu hàng của Nhật Bản tháng 8-1945 dẫn tới khoảng trống quyền lực tại Việt Nam và quá trình chớp thời cơ của Việt Minh. Theo AHC, tháng 3-1945, quân đội Nhật tại Việt Nam bắt giữ toàn quyền người Pháp và mời Bảo Đại thành lập chính phủ. Trước khi đầu hàng, hải quân Nhật không còn khả năng thực hiện các chiến dịch và một cuộc xâm lược của đồng minh vào Nhật Bản sắp diễn ra. Ngày 6-8-1945, Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima; ba ngày sau ném quả bom thứ hai xuống Nagasaki. Cú sốc cộng hưởng của những sự kiện trên đã khiến Nhật hoàng Hirohito phải ra lệnh cho Hội đồng chiến tranh tối cao chấp nhận đầu hàng, kết thúc chiến tranh. Nghi lễ đầu hàng được thực hiện trên chiến hạm USS Missouri (BB-63) của Mỹ ngày 2-9. Tại đây, các quan chức chính phủ Nhật Bản đã ký văn kiện đầu hàng. 

Thế chiến II kết thúc, quân đồng minh đã lấy sự kiện ngày 2-9 là Ngày Chiến thắng Nhật Bản (V-J Day). Ngay sau khi Nhật Bản đầu hàng, thể theo các điều khoản đồng minh chỉ định, các lực lượng Nhật Bản ở miền Bắc Việt Nam sẽ đầu hàng quân đội Tàu Tưởng (đội quân của Tưởng Giới Thạch). Còn ở miền Nam, Nhật phải đầu hàng quân đội Anh. Trước tình hình trên, Việt Minh đã chớp thời cơ tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Còn Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn phải thoái vị ngay trong tháng 8-1945.

Làn sóng cách mạng đã mạnh lại mạnh thêm

Theo các điều kiện đầu hàng của Nhật Bản, việc nắm quyền ở miền Bắc Việt Nam sẽ được trao cho đội quân Tưởng Giới Thạch nhưng Việt Minh đã thay thế đội quân này. Cũng phải nói thêm, đến năm 1945, Việt Minh đã lớn mạnh không ngừng cả về lượng và chất, được đại đa số người dân Việt Nam ủng hộ. Tháng 6-1945, lực lượng Việt Minh đã kiểm soát nhiều vùng tự do trên cả nước. Sự đầu hàng và ra đi của người Nhật đã tạo thuận lợi cho Việt Minh đứng lên giành chính quyền. 

Đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng Việt Minh ở khắp mọi nơi, từ nông thôn đến thành thị, từ các căn cứ bí mật trong rừng sâu cho đến nông thôn đều đồng lòng đứng lên đánh Pháp đuổi Nhật. Việt Minh đã tiếp cận với các cơ quan chính phủ, kiểm soát cơ sở hạ tầng của chế độ cũ, thu giữ nhiều vũ khí, đạn dược do người Nhật để lại.

Khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngay khi giành chính quyền 

Đến đầu năm 1945, lực lượng Việt Minh đã lớn mạnh không ngừng cả về lượng và chất, được đại đa số người dân Việt Nam ủng hộ. Tháng 6-1945, Việt Minh đã kiểm soát nhiều vùng tự do trên cả nước. Sự đầu hàng và ra đi của người Nhật đã tạo thuận lợi và thời cơ để Việt Minh đứng lên giành chính quyền.

Cách mạng Tháng Tám diễn ra như vũ bão, ngày 19-8-1945 lực lượng Việt Minh đã tiến về Thủ đô Hà Nội và trong một tuần đã chiếm được các thành phố lớn khác như Sài Gòn và Huế. Chỉ trong 15 ngày cuối tháng 8-1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân. 

Ngày 2-9-1945, hơn 400 nghìn người Việt Nam, gấp đôi dân số Hà Nội lúc đó đã tập trung tại Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (DCCH). Tuy đã giành được độc lập nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh tiên đoán, cuộc đấu tranh để giữ gìn hòa bình của người dân Việt Nam vẫn chưa kết thúc

Đánh giá về sự kiện trên, Mark Bradley, nhà sử học người Anh cho rằng, sự thành công của Việt Minh trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thật đáng khâm phục - điều 5 năm trước đó ít ai nghĩ tới. Riêng chỉ có các nỗ lực của Đảng Cộng sản Đông Dương mới có thể biến giấc mơ này thành hiện thực. Trước tiên, họ hiểu rõ những thay đổi của thời cuộc, đặc biệt là sự chiếm đóng của người Nhật để tranh thủ xây dựng phong trào Việt Minh, một lực lượng quân đội độc lập rất được lòng dân.

Cùng với quan điểm của Mark Bradley, trong cuốn Việt Nam: Nhà nước, Chiến tranh và Cách mạng (1945-1946), chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, David G. Marr ở Khoa báo chí Đại học California (Mỹ) cho rằng, so với Cách mạng Hoa Kỳ (hay Chiến tranh Độc lập), sự ra đời của nhà nước Việt Nam DCCH (DRV) tháng 9-1945 nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của dư luận mặc dù chính quyền lâm thời đã phải giải quyết ngay lập tức rất nhiều xung đột, đặc biệt là sự xuất hiện của quân đội Tàu Tưởng ở miền Bắc và các đơn vị Anh - Pháp muốn ép chính quyền non trẻ của DRV ra khỏi Sài Gòn…

Pháp trở lại Sài Gòn

Ngay sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, đội quân Nationalist China - NC (đội quân của Tưởng Giới Thạch ra đời trước khi khai sinh ra nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa) đã có mặt tại miền Bắc Việt Nam. Việc tuyên bố độc lập của Việt Minh ngay lập tức bị thách thức bởi sự hiện diện của NC, chiếm đóng các khu vực và giám sát việc đầu hàng của quân Nhật. Khoảng 180 nghìn quân NC đã tới Hà Nội vào ngày 9-9-1945. 

Nhằm đối phó với đội quân chống cộng của NC, Việt Minh buộc phải thỏa hiệp một số điều khoản, chính sách và giá trị. Ở miền Nam, các tổ chức chính quyền của Việt Minh gặp khó khăn khi quân đội Anh có mặt. Phía Anh từ chối đàm phán với Việt Minh ở tất cả các cấp và sắp đặt để chính phủ thực dân Pháp trở lại. Ngày 22-9-1945, quân đội Pháp tấn công Sài Gòn và đột kích các căn cứ của Việt Minh, bắt giữ, giết hại nhiều thành viên yêu nước của Việt Minh. 

Nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam  được công nhận

Sau khi giành chính quyền, ở miền Bắc, Việt Minh phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong khi đó, lực lượng NC đã đàm phán bí mật để Pháp quay trở lại. Họ đã ký một thỏa thuận vào ngày 28-2-1946, cho phép quân đội Pháp trở lại miền Bắc Việt Nam. Đầu tháng 3, dưới sức ép của NC, Pháp đưa ra thỏa hiệp với Việt Nam, miền Bắc có thể vẫn là một quốc gia tự trị (tự quản) với điều kiện Việt Minh cho phép quân Pháp được đóng lại với thời gian 5 năm. Còn miền Nam vẫn nằm trong sự kiểm soát của Pháp. 

{keywords}

Ấn phẩm Việt Nam: Nhà nước, Chiến tranh và  Cách mạng (1945-1946) của tác giả Mark Bradley.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không có ý định công nhận quyền lực lâu dài của Pháp ở miền Nam vì tin rằng sớm muộn người Pháp sẽ lật mặt. Năm 1946, Người tiếp tục đàm phán với người Pháp để thực hiện chiến thuật được xem là một nước cờ chính trị của cả Việt Minh lẫn Pháp. Trong thời gian trên, quân đội Việt Minh và lực lượng thuộc địa Pháp đã củng cố lực lượng riêng. Đến cuối năm 1946 có khoảng 50 nghìn lính Pháp ở Đông Dương còn Việt Minh có khoảng hơn 100 nghìn người. So sánh tương quan lực lượng, Việt Minh chỉ có vũ khí thô sơ nhưng đổi lại, họ có lòng yêu nước nồng nàn và chiến đấu vì chính nghĩa. Căng thẳng tiếp tục gia tăng và đến cuối tháng 11, Pháp chính thức tấn công các thành phố lớn của Việt Nam, đặc biệt là Hải Phòng bằng pháo binh hạng nặng, đánh dấu cho cuộc Chiến tranh Đông Dương lần I bắt đầu.

Chiến tranh Đông Dương là cuộc chiến diễn ra tại ba nước Đông Dương, gồm Việt Nam, Lào và Campuchia từ ngày 19-12- 1946 tới 1-8-1954, giữa một bên là quân viễn chinh và lê dương Pháp cùng các lực lượng đồng minh bản xứ với bên kia là lực lượng của nước Việt Nam DCCH cùng các lực lượng kháng chiến khác của Lào (Pathet Lào) và Campuchia. Đây là giai đoạn đầu trong "Cuộc kháng chiến 30 năm" của Việt Nam DCCH với mục tiêu giành độc lập cho dân tộc (giai đoạn 2 là cuộc chiến với Mỹ). Cuộc chiến diễn ra trên khắp Việt Nam sau lan ra cả các nước láng giềng Lào và Campuchia nhưng chiến sự chính diễn ra chủ yếu tại miền Bắc Việt Nam. Sau 9 năm sa lầy và với thất bại thảm hại tại Điện Biên Phủ, Pháp buộc phải chấp nhận ký kết Hiệp định Geneve công nhận nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Kim Hùng (Theo Alphahistory.com/Jstor.org)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...