Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 28 °C / 25 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới / Bình luận
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tình hình bán đảo Triều Tiên: Đã đến lúc phải “hạ cánh mềm”

Cập nhật: 15:28 ngày 19/08/2017
(BGĐT) - Tình hình bán đảo Triều Tiên đã đến lúc phải “hạ cánh mềm” vì đây là điều rất cần thiết và có lợi cho cả Triều Tiên, Hàn Quốc, các quốc gia xung quanh và cộng đồng quốc tế. 
{keywords}

Tổng thống Mỹ - Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong-un.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa trút "bão lửa và cơn thịnh nộ" lên Bình Nhưỡng đã không làm cho phía Triều Tiên khiếp sợ mà ngược lại nước này đáp lại rằng đã sẵn sàng cho vụ tấn công phủ đầu bằng tên lửa vào đảo Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ có 163 nghìn cư dân sinh sống nằm ở Thái Bình Dương. Động thái trên của Bình Nhưỡng khiến Mỹ và các đồng minh ngày càng có ít sự lựa chọn và liệu cuộc chiến tranh hạt nhân có sắp nổ ra?

Trong bối cảnh có rất nhiều nguy cơ xảy ra đối với thế giới thì nguy cơ về một cuộc chiến tranh xảy ra do vấn đề hạt nhân Triều Tiên hiện nay là lớn nhất. Mặc dù trong thời gian dài, sau mỗi vụ thử hạt nhân hay phóng tên lửa đạn đạo do Triều Tiên tiến hành, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng cuộc xung đột không thể xảy ra nhưng lần này một số ý kiến đã vẽ ra các kịch bản về Chiến tranh Thế giới thứ ba.

Sở dĩ có điều này là do tình hình có sự thay đổi, đó là việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, một người được cho là “hoàn toàn mù tịt” về địa chính trị cùng với tính khí bốc đồng và khó đoán định. Từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền, Mỹ đã khởi động một chiến dịch quốc tế với mục tiêu tăng cường gây sức ép lên Triều Tiên liên quan đến vấn đề hạt nhân và tên lửa. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc (LHQ) Nikki Haley từng phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ rằng, Washington đã sẵn sàng sử dụng toàn bộ tiềm lực để bảo vệ mình và các nước đồng minh trước mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Đại sứ Haley cũng không loại trừ khả năng Mỹ sẽ sử dụng các lực lượng quân sự nếu cần thiết.

{keywords}

Triều Tiên liên tiếp phóng thử tên lửa trong thời gian qua.

Mỹ gần đây cũng đã cho triển khai hai máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer từ căn cứ không quân Anderson trên đảo Guam đến vùng trời bán đảo Triều Tiên để tiến hành tập trận tấn công chính xác với Không quân Hàn Quốc. Cách đây vài tháng, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ USS Carl Vinson cũng đã xuất hiện tại khu vực phía Bắc bán đảo Triều Tiên. Chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như rất tự tin, rằng họ nhất định có thể tìm được tư duy mới và biện pháp mới để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, xem xét từ biện pháp và hành động của Mỹ hiện nay thì thấy Washington không những không tìm được biện pháp mới để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, mà còn đưa bán đảo Triều Tiên vào cục diện nguy hiểm, căng thẳng hơn, hỗn loạn hơn, có thể nói là chẳng hề bài bản và không đem lại bất kỳ hiệu quả nào.

Các hành động răn đe của Mỹ càng thúc đẩy Triều Tiên quyết tâm phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và việc Bình Nhưỡng liên tiếp tiến hành hai vụ thử tên lửa ICBM gần đây không có gì là ngạc nhiên, bất chấp LHQ liên tục tung ra các đòn trừng phạt mới đối với Triều Tiên. Các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc mới nhất đối với Bình Nhưỡng cũng không thể ngăn được tham vọng tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, vũ khí hạt nhân là yếu tố duy nhất giúp bảo đảm sự tồn tại của chế độ cho dù Triều Tiên có bị cô lập hoàn toàn về ngoại giao và người dân ngày càng trở nên nghèo đói hơn. Bản thân, giới chức Mỹ gần đây cũng công khai thừa nhận Triều Tiên đã đạt được sự tiến bộ rất lớn về công nghệ tên lửa và một số vùng lãnh thổ Mỹ, như Alaska hoặc thậm chí là Hawaii, hoàn toàn có thể nằm trong tầm bắn của tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên.

Không những thế, việc ngăn chế độ Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân đang là một mục tiêu xa vời. Vài năm trước, đây là một mục tiêu có thể đạt được. Tuy nhiên, hiện giờ, mục tiêu này bị coi là kỳ quặc, nếu không muốn nói là ảo tưởng. Có một sự thật là Triều Tiên đang ngày càng tiến gần tới việc sở hữu vũ khí hạt nhân thì Mỹ chẳng thể làm được gì để ngăn chặn điều đó. Bình Nhưỡng đã 5 lần tiến hành thử các thiết bị hạt nhân và việc chính quyền của ông Kim Jong-un hoàn thiện công nghệ này bây giờ chỉ còn là vấn đề thời gian, cùng với khả năng thu nhỏ một thiết bị hạt nhân để gắn vào đầu đạn. Đến lúc đó, Mỹ sẽ không thể lường trước hậu quả nếu tấn công Triều Tiên.

Câu hỏi được nhiều nhà phân tích quốc tế đặt ra lúc này là liệu Mỹ có tấn công Triều Tiên? Đây không phải vấn đề Mỹ làm được hay không, dám làm hay không, mà là vấn đề Mỹ có nên làm và liệu có thành công hay không. Do đó, thật khó tin nếu chỉ xem xét từ ưu thế sức mạnh quân sự tuyệt đối và hành động đã lộ rõ của Mỹ để dự đoán rằng việc Mỹ tấn công quân sự Triều Tiên sẽ không còn xa nữa, thậm chí đã chắc chắn.

Bên cạnh những lời lẽ cứng rắn, việc Tổng thống Donald Trump cuối tuần qua tuyên bố "các phương án đối với Triều Tiên" đều đang được cân nhắc chứng tỏ Mỹ chưa hoàn toàn từ bỏ khả năng đối thoại với Triều Tiên.

Câu hỏi được nhiều nhà phân tích quốc tế đặt ra lúc này là liệu Mỹ có tấn công Triều Tiên? Đây không phải vấn đề Mỹ làm được hay không, dám làm hay không, mà là vấn đề Mỹ có nên làm và liệu có thành công hay không. Do đó, thật khó tin nếu chỉ xem xét từ ưu thế sức mạnh quân sự tuyệt đối và hành động đã lộ rõ của Mỹ để dự đoán rằng việc Mỹ tấn công quân sự Triều Tiên sẽ không còn xa nữa, thậm chí đã chắc chắn.

Sự thay đổi khó lường của tình hình bán đảo Triều Tiên bắt nguồn từ tính chất cực kỳ phức tạp của vấn đề bán đảo này. Tuy tình hình bán đảo Triều Tiên liên tục trong trạng thái nguy hiểm cao dễ bùng phát chiến tranh nhưng sau khi ký “Hiệp định đình chiến” vào những năm 1950, chưa xuất hiện cục diện chiến tranh và trạng thái mất kiểm soát mới. Trạng thái duy trì không giao chiến đã trở thành nhận thức chung được thỏa thuận ngầm giữa các bên, không cần nhiều lời công khai. Đây là nguyên nhân khiến các bên có liên quan kể cả Mỹ cần duy trì sự kiềm chế nhất định. Va chạm quân sự có thể xảy ra, đe dọa quân sự có thể không giảm đi nhưng cục diện chiến tranh khi đã tưởng như sắp bùng nổ lại luôn đột nhiên dừng lại. Điều này chứng tỏ tình hình bán đảo Triều Tiên có quy luật tự kiểm soát được tuân thủ trong tình hình khủng hoảng không ngừng diễn ra. Đây là điểm khác biệt so với những điểm nóng địa chính trị khác trên thế giới hiện nay.

Đối với Mỹ, mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên thực sự đã đến một mức độ cao mới nhưng chính sách của các nước như Mỹ đối với Triều Tiên cũng phải có sự sẵn sàng cần thiết để đàm phán hòa bình và tiếp xúc ngoại giao bởi hành động chiến tranh là lựa chọn nguy hiểm. Tình hình bán đảo Triều Tiên đã đến lúc phải “hạ cánh mềm” vì đây là điều rất cần thiết và có lợi cho cả Triều Tiên, Hàn Quốc, các quốc gia xung quanh và cộng đồng quốc tế. Theo nhận định của nhiều nhà phân tích, rồi đây Triều Tiên có lẽ sẽ có ít nhiều nhượng bộ trong việc thu nhỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa nhưng một số quốc gia, nổi bật là Mỹ cũng phải lấy cam kết nghiêm túc và hành động giữ lời hứa trên thực tế, không có việc làm mang tính đối đầu trực tiếp như tấn công phủ đầu đối với Triều Tiên. Nếu Mỹ và Triều Tiên chỉ toan tính giành được bao nhiêu lợi ích cho mình thì nó sẽ dẫn đến bán đảo Triều Tiên luôn trong cục diện bế tắc, bất ổn, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên không những không thể giải quyết mà sự ổn định của tình hình bán đảo Triều Tiên cũng không thể đạt được.

Thanh Bình

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...