Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 30 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới / Bình luận
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Israel - nhân tố sau quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

Cập nhật: 14:25 ngày 21/05/2018
(BGĐT)-Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8-5 thông báo rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đang gây ra không ít xáo trộn và sóng gió ở nơi vốn đã được mệnh danh là “chảo lửa Trung Đông”. Dù ý định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã được ông Trump úp mở nhiều lần từ khi nhậm chức vào tháng 1-2017 nhưng có vẻ Israel là nhân tố khiến nhà lãnh đạo nước Mỹ càng dứt khoát đưa ra quyết định gây tranh cãi trên.
{keywords}

Tổng thống Trump giơ cao văn bản có chữ ký liên quan đến quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Thỏa thuận hạt nhân giữa nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp và Đức) và Iran được ký từ năm 2015, trong đó yêu cầu chính quyền Tehran ngừng làm giàu urani. Đây là nguyên liệu quan trọng để sản xuất vũ khí hạt nhân. Mỹ cáo buộc Tehran vẫn lén lút làm giàu urani và sản xuất vũ khí hạt nhân. Tổng thống Trump gọi thỏa thuận này là “thảm họa và đáng xấu hổ” nên cần phải phá bỏ bất chấp những can gián của các đồng minh của Mỹ ở châu Âu.

Hơn một tuần trước khi Tổng thống Trump công bố quyết định về hồ sơ hạt nhân Iran, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có chuyến thăm Mỹ và tại đây, ông đã tiết lộ những thông tin tình báo về tham vọng hạt nhân của Iran. Trong bài thuyết trình được phát trực tiếp trên truyền hình về hồ sơ hạt nhân Iran, Thủ tướng Israel nói rằng hàng chục nghìn trang tài liệu gần đây do các đặc vụ ngầm của nước này ở Tehran phát hiện đã chứng tỏ Iran có một chương trình vũ khí hạt nhân bí mật mang tên Dự án “Amad” có thể đưa vào hoạt động bất kỳ lúc nào.

Tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng những tiết lộ tình báo trên không phải giả mạo và nhiều thông tin trong số đó chưa được giới chuyên gia Mỹ biết đến. Tuy nhiên, một số nhà phân tích và các nước còn lại trong nhóm P5+1 nói rằng ông Netanyahu đã trình bày những thông tin đã được biết đến từ trước và không đưa ra được bằng chứng về việc Tehran không tuân thủ thỏa thuận.

Tuy nhiên, những gì mà Thủ tướng Netanyahu tiết lộ lại rất “hữu ích" đối với ông Trump. Với phần trình bày này, cùng với những lập luận theo cách riêng của chính quyền Trump, chúng sẽ là những bằng chứng để giải thích cho việc từ bỏ thỏa thuận. Khi đưa ra thông tin về chương trình hạt nhân của Iran, ông Netanyahu dường như muốn bắn một mũi tên trúng 3 đích: Nhấn mạnh cái gọi là "sự dối trá" của Iran để ông Trump hủy thỏa thuận hạt nhân với sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ; phát tín hiệu đối với chính quyền Tehran rằng Israel có khả năng thâm nhập vào những điều tuyệt mật của Iran; và phô trương một chiến thắng tình báo quan trọng do Cơ quan tình báo Mossad của Israel thực hiện.

Giới quan sát cho rằng quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ tác động đến sự ổn định của Trung Đông, mở ra thời kỳ bất ổn mà trước mắt là cuộc đối đầu giữa Iran và Israel. Thực tế, chỉ vài giờ sau thông báo của Tổng thống Mỹ về việc rút khỏi JCPOA, cả Israel và Iran - hai nước có quân đội thuộc diện hùng mạnh nhất ở Trung Đông đã lao ngay vào cuộc đối đầu quân sự tại chiến trường Syria.

{keywords}

Xe tăng Israel tập trận trên khu vực chiếm đóng thuộc Cao nguyên Golan.

Israel luôn coi Iran là một mối đe dọa lớn nhất ở khu vực, trong khi chính quyền Tehran lại là đồng minh lớn của Syria. Cả Syria và Iran đều coi mình thuộc liên minh chống lại ảnh hưởng của Mỹ và Israel ở khu vực Trung Đông. Khi cuộc nội chiến tại Syria nổ ra năm 2011, Iran đã triển khai hàng trăm binh lính tới nước này làm cố vấn quân sự hỗ trợ cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Hàng nghìn tay súng được Iran huấn luyện, chủ yếu từ phong trào đồng minh Hezbollah ở Liban, cũng đang chiến đấu bên cạnh quân đội Syria chống lại các nhóm phiến quân. Việc Iran có lực lượng ủy nhiệm ở Syria đã khiến Israel - nước có biên giới với Syria, lo ngại Iran đang biến Damascus thành một mặt trận mới chống lại nước này. Ngoài ra, Israel cũng lo ngại khi vị thế của chính quyền Tổng thống al-Assad ngày càng trở nên vững chắc, Iran sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự tại Syria mà có thể giúp Tehran đối đầu với Israel trong tương lai.

Trên thực tế, Israel vẫn luôn tuyên bố sẽ không để yên cho Iran mở rộng ảnh hưởng ở Syria nhằm tiếp cận, bao vây mình. Chính vì vậy, thời gian qua Israel đã tăng cường phòng thủ bằng cách liên tục thực hiện những hành động đối đầu trực tiếp với lực lượng Iran. Israel tuyên bố chiến dịch không kích liên tục trong 2 giờ vào khoảng 50 vị trí quân sự của Iran bên trong lãnh thổ Syria vào sáng 10-5 là để trả đũa việc Iran trút tên lửa xuống Cao nguyên Golan vẫn thuộc quyền kiểm soát của Israel. Quân đội Israel tập trung vào cơ sở huấn luyện, tình báo, hậu cần, kho vũ khí và kho tàng các loại của Iran. Lâu nay, phía Nam Syria là một khu vực cực kỳ phức tạp với sự hiện diện của quân nổi dậy, các tay súng thánh chiến, quân đội chính quyền Syria, quân đội Iran và cả các chiến binh của Hezbollah ở Liban. Từ năm ngoái, các bên liên quan đã nhất trí thiết lập một vùng giảm căng thẳng để hạn chế bạo lực song Israel không cam kết thỏa thuận này. Trước vụ leo thang chiến sự mới nhất, các nguồn tin của Israel và Mỹ đã nhấn mạnh đến khả năng Iran sẽ có hành động đáp trả bằng quân sự.

Trong mấy tuần gần đây, Iran đã gia tăng các chuyến vận chuyển thiết bị và vũ khí cho Syria, và Tehran liên tục cảnh báo rằng những cuộc tấn công của Israel nhằm vào các căn cứ của Iran tại Syria sẽ bị đáp trả. Iran lâu nay vẫn cố gắng tránh rơi vào một cuộc chiến lớn với Israel, nhất là giữa lúc nước này đang tìm cách củng cố vị thế của mình tại Syria và duy trì đà chiến thắng của các lực lượng thân chính phủ tại nước này trước phiến quân. Bên phía Israel, Tel Aviv đã trở nên quyết tâm làm điều gì đó trước sự hiện diện ngày càng tăng và lâu dài của Iran tại Syria. Tuy nhiên, Israel cũng muốn tránh rơi vào thế xung đột với Nga và quân đội Syria, nên nước này muốn duy trì sự phối hợp với Mỹ càng chặt chẽ càng tốt để áp dụng quan điểm ngày càng quyết liệt với Iran.

Quy mô các cuộc tấn công mới nhắm vào các mục tiêu Iran ở Syria, mà Israel cho là các cuộc tấn công lớn nhất tính từ chiến tranh Trung Đông năm 1973, có thể là một dấu hiệu báo trước nguy cơ xảy ra một cuộc đụng độ toàn diện giữa hai nước trên lãnh thổ Syria, một cuộc xung đột có nguy cơ tuột khỏi tầm kiểm soát, kéo theo nhiều nhóm chủ chiến tham gia, lan sang chiến trường Liban và có thể khiến Nga và Mỹ phải can dự. Ở miền Đông Syria, các Lực lượng Dân chủ Syria được Mỹ hậu thuẫn đang có những cuộc giao tranh nhỏ lẻ với lực lượng thân chính phủ được Iran hậu thuẫn. Các lực lượng phòng không của Syria và Iran cũng có nguy cơ nhầm lẫn máy bay của liên minh do Mỹ cầm đầu với máy bay của lực lượng không quân Israel vì chúng rất giống nhau. Ngoài ra, các dân quân trung thành ở Syria có liên kết với Iran có thể tấn công trả đũa các lực lượng Mỹ. Trong khi đó, ưu tiên của Nga là nhanh chóng làm giảm leo thang xung đột giữa Iran và Israel vì điều này gây nguy hiểm cho các lực lượng cũng như mục tiêu của Nga tại Syria.

Thanh Bình

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...