Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Khoa học - Công nghệ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kiểm định cân bảo vệ quyền người tiêu dùng

Cập nhật: 10:10 ngày 20/06/2019
(BGĐT) - Chiếc cân là phương tiện đo lường được sử dụng phổ biến trong mua, bán, nhất là ở các chợ. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, tình trạng cân sai, thiếu hụt vẫn xảy ra ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng (NTD). 

Cách đây vài tuần, chị Hoàng Thị Nhung, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) mua 2 kg xoài ở khu vực chợ Thương. Xoài ngon, giá hợp lý, chị Nhung chẳng mặc cả. Khi về nhà kiểm tra lại, chị thấy thiếu gần 3 lạng; thử đi thử lại mấy chiếc cân đồng hồ gần nhà cũng vậy. “Tôi định mang trả lại người bán nhưng phần vì ngại đôi co, lại ngẫm chẳng đáng là bao nên đành thôi”, chị Nhung nói.

{keywords}

Tổ công tác của Chi cục TCĐLCL khảo sát việc sử dụng cân đồng hồ ở chợ Thương (TP Bắc Giang).

Tâm sự của chị Nhung cũng là chia sẻ của nhiều NTD khi mua hàng không đủ trọng lượng ở các chợ. Toàn tỉnh hiện có 133 chợ (không tính chợ tạm, chợ cóc) ở 10 huyện, TP với hàng nghìn hộ kinh doanh sử dụng cân để buôn, bán (chủ yếu là cân đồng hồ).

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thời gian qua, việc quản lý, sử dụng cân tại các chợ còn hạn chế. Ở một số nơi, tình trạng cân thiếu vẫn xảy ra do nhiều nguyên nhân như: Cân không được kiểm định đúng hạn, người bán can thiệp kỹ thuật khiến cân sai lệch... nhằm trục lợi.

Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường - Chất lượng (TCĐLCL) tỉnh cho biết: Trung tuần tháng 6-2019, đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra; khảo sát việc sử dụng cân đồng hồ, điện tử đối với 70 hộ kinh doanh ở các chợ thuộc huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Thế cho thấy, khoảng 80% số cân đã hết hạn nhưng không được kiểm định lại theo quy định, nhiều cân có sự sai lệch (cân thiếu lượng) do quá cũ, bị móp méo. Đây mới chỉ khảo sát đối với các hộ đăng ký kinh doanh ở chợ, còn các điểm kinh doanh nhỏ lẻ chưa thống kê.

Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng Văn phòng đại diện Công ty cổ phần đầu tư và khai thác chợ BOT Vinaconex 3 Bắc Giang - đơn vị quản lý chợ Thương cho biết, ở đây có khoảng 380 hộ đăng ký kinh doanh, trong đó 50% sử dụng cân đồng hồ khi mua, bán. 

Dù Ban Quản lý chợ chưa phải giải quyết tình trạng đôi co giữa người bán và người mua từ việc cân thiếu song đơn vị cũng không dám khẳng định tất cả các cân tiểu thương đang sử dụng là chính xác. “Ban Quản lý chợ không có chức năng kiểm định và cũng không có chế tài xử phạt các hành vi gian lận từ loại phương tiện này”, ông Minh chia sẻ.

Theo quy định, các cân đồng hồ lò xo, cân kỹ thuật là phương tiện đo nhóm 2 phải được kiểm định hằng năm (có loại 1 năm, loại 2 năm). Những loại cân này nếu không được kiểm định ban đầu, định kỳ, chủ sử dụng sẽ bị xử phạt hành chính từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng. Quy định là vậy song lâu nay, việc kiểm tra, quản lý sử dụng cân của cơ quan chức năng chưa được chú trọng, dẫn đến tình trạng cân thiếu chính xác, hết hạn kiểm định vẫn được sử dụng.

Trước đây, một số chợ được trang bị cân đối chứng song số lượng ít, lại đặt ở nơi khuất, NTD chẳng mấy ai để ý; bảo quản, sử dụng không đúng cách, nay không còn. Đa số NTD chỉ phát hiện hàng thiếu khi kiểm tra tại nhà. Mức độ thiếu cân thường tăng theo tỷ lệ trọng lượng hàng hóa. Vì thế, nếu mua hàng số lượng lớn, mức thiếu hụt có thể lên tới vài kg gây thiệt hại cho NTD, nhất là với loại hàng hóa đắt đỏ.

Nhằm tăng cường quản lý nhà nước về kiểm định, quản lý sử dụng các loại cân ở các chợ, thời gian tới, Chi cục TCĐLCL phối hợp với ngành liên quan tập trung khảo sát, kiểm tra, xử lý kịp thời vi phạm về đo lường, gian lận thương mại. Đồng thời, tham mưu tổ chức kiểm định cân tập trung tại các chợ để giúp tiểu thương không mất công đi lại. 

Các chuyên gia khuyến cáo NTD khi mua hàng nên chọn địa chỉ tin cậy, có uy tín; khi phát hiện hành vi gian lận kịp thời báo cáo với Ban Quản lý chợ, UBND xã, phường thuộc phạm vi quản lý hoặc cơ quan chức năng để xử lý.

Toàn tỉnh có hơn 500 điểm cân thu mua vải thiều
(BGĐT) - Trong ngày 6-6, vải thiều Bắc Giang tiếp tục được tiêu thụ mạnh, giá bán ổn định ở mức cao, dao động từ 32- 50 nghìn đồng/kg, giá vải sớm khoảng từ 42-65 nghìn đồng/kg.
Bắc Giang: Hơn 500 điểm cân, với gần 1 nghìn thương nhân đến thu mua vải thiều
(BGĐT)- Đó là một trong những nội dung trong Thông cáo báo chí của UBND tỉnh Bắc Giang về tình hình sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm 2019 vừa đưa ra hôm nay (31-5).

Công Doanh 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...