Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sơn Động >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chung tay giữ gìn sình ca

Cập nhật: 14:51 ngày 07/05/2018
(BGĐT) - Là một  hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian không thể thiếu được trong các ngày lễ hội, làn điệu sình ca được đồng bào dân tộc Cao Lan tại xã An Bá, huyện Sơn Động (Bắc Giang) gìn giữ, trở thành “báu vật” gắn liền với đời sống tinh thần của cộng đồng.
{keywords}

Thành viên CLB hát sình ca thôn Lái, xã An Bá luyện tập.

Theo ông Lý Văn Sờn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) hát sình ca thôn Lái (xã An Bá), đây là lối hát giao duyên giữa nam và nữ, hay tốp nam với tốp nữ. Được hát trong nhiều hoàn cảnh khác nhau: Trong đám cưới, ngày hội; hát khi Tết đến, xuân về và cả đối đáp giao duyên, tình yêu đôi lứa. Đặc biệt, trong lễ cưới của người Cao Lan có phong tục, khi nhà trai đến gần cửa, họ nhà gái sẽ chăng ngang một sợi dây tơ hồng. Khi nhà trai hát được bài hát “Mở đường” thì nhà gái mới mở lối cho vào nhà đón cô dâu về. 

Được biết, để truyền lại làn điệu dân ca này cho thế hệ mai sau, năm 2014, UBND xã An Bá thành lập CLB hát sình ca thôn Lái với 60 thành viên tham gia ở các lứa tuổi. “18 tuổi tôi đã hát được rất nhiều bài sình ca và thường được chọn là người đi đầu trong các đám cưới của họ nhà trai. Khi ấy, chúng tôi đi hát hàng đêm, nhất là vào ngày hội, có khi đi mấy ngày mới về”, ông Sờn cho hay.

Một số vị cao niên ở thôn Lái cho rằng, dù đã thành lập CLB song để duy trì, giữ “báu vật” sình ca là một thách thức không nhỏ đối với đồng bào dân tộc Cao Lan. Hát được làn điệu này rất khó vì âm điệu luyến láy, nhịp độ lên xuống liên tục và khó. Hơn nữa, thế hệ trẻ bây giờ không thích hát, nhiều người còn không nói được tiếng dân tộc mình. Trước nguy cơ bị mai một, mới đây, UBND xã An Bá xây dựng Đề án bảo tồn làn điệu sình ca gắn với xây dựng nhà văn hóa. Đề án được thực hiện phần nào giúp những nghệ nhân có cơ hội truyền lửa, tình yêu với làn điệu sình ca cho thế hệ mai sau. 

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã An Bá cho biết: “Hiện xã An Bá có hơn 70% là người dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Cao Lan chiếm khoảng 40%. Cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác, dân tộc Cao Lan có nhiều nét đẹp văn hóa, trong đó có làn điệu hát sình ca. Để bảo tồn, ngoài nỗ lực của địa phương rất cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng. Cùng đó, mỗi người trẻ trong cộng đồng dân tộc Cao Lan cần chủ động tiếp thu, bồi đắp tình yêu và lòng say mê với những câu hát sình ca mang đậm bản sắc dân tộc mình".

Xuân Thỏa


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...