Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sơn Động >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hỗ trợ phát triển sản xuất tại xã Quế Sơn (Sơn Động): Nhiều cây giống “lạc” địa chỉ

Cập nhật: 09:30 ngày 10/11/2018
(BGĐT) - Thiếu sâu sát trong thực hiện, người đứng đầu chính quyền cơ sở đã để một số thôn tại xã Quế Sơn (Sơn Động-Bắc Giang) cấp cây giống không đúng địa chỉ khiến dự án hỗ trợ phát triển sản xuất kém hiệu quả, không như mong đợi.

Chia mỗi nhà một…cây nhãn!

Theo quyết định ngày 4-10-2016 của Chủ tịch UBND huyện Sơn Động về việc phê duyệt dự toán chi tiết hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135, xã Quế Sơn được hỗ trợ 1 nghìn cây giống nhãn Miền Thiết cho 50 hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng. Căn cứ vào số liệu trên, mỗi hộ tại xã sẽ được cấp 20 cây giống ăn quả để cải tạo vườn tạp, thâm canh tăng thu nhập. Nếu suôn sẻ, sau khoảng 3 năm, cả vườn nhãn có thể cho vài tấn quả, chủ nhân thu về vài chục triệu đồng/năm. Tuy nhiên, đó là trên lý thuyết và mục đích của dự án song xã Quế Sơn lại thực hiện không đúng tinh thần chỉ đạo.

{keywords}

Lãnh đạo thôn Ghè thừa nhận việc hỗ trợ sai quy định khi trao đổi với phóng viên.

Tìm hiểu tại thôn Ghè được biết, địa bàn được cấp hơn 100 cây nhãn Miền Thiết. Khi nhận cây về, thôn đã chia cho mỗi hộ một cây thay vì chỉ cấp cho gia đình trong diện được hưởng lợi. Cùng lãnh đạo thôn đến thăm cây nhãn của gia đình anh Nguyễn Văn Đàm, chúng tôi thấy cây vẫn còi cọc cao gần 2 m bên góc chuồng chăn nuôi sau hai năm trồng. Còn hộ bà Nguyễn Thị Tuyết cùng thôn, nhãn chết sau trồng mấy ngày. Bà Tuyết bảo: “Nhà tôi cũng được một cây nhưng khi nhận về bầu đất đã vỡ, sau đó cây héo rồi chết khô”. Bà Tuyết không thuộc diện nghèo nhưng vẫn được thôn hỗ trợ cây giống. Theo đại diện lãnh đạo thôn Ghè, tỷ lệ sống của nhãn tại thôn chỉ đạt khoảng 50%, còn lại cây nào cũng cằn cỗi như hộ anh Đàm.

Ông Tô Phương Pháp, Trưởng thôn Ghè lý giải: "Khi họp dân, nhiều người nêu hộ nghèo đã được hưởng không ít ưu đãi nên cây giống cấp về phải chia đều cho mọi nhà. Vậy là thôn chia cho mỗi hộ một cây, nhà nào cũng được, bất kể giàu hay nghèo. Sau thời gian thực hiện, giờ đây bản thân chúng tôi cũng nhận thấy cách làm trên là thất sách, một cây trồng dù có sai quả đến mấy thì thu nhập cũng chẳng đáng là bao".

Tình trạng trên diễn ra tương tự tại các thôn: Gốc Lâm, Đồng Cảy. Kết quả của Thanh tra huyện Sơn Động vừa qua tại xã Quế Sơn nêu rõ, năm 2016, UBND xã Quế Sơn cấp phát hơn 500 cây giống nhãn Miền Thiết sai đối tượng. Kiểm tra thực tế, đoàn còn phát hiện gần 200 cây nhãn được hỗ trợ đã chết. Việc hỗ trợ không mang lại hiệu quả như dự án đề ra.

{keywords}

Sau trồng hai năm, cây nhãn được hỗ trợ của gia đình anh Nguyễn Văn Đàm, thôn Ghè không khác là bao so với lúc ban đầu.

Bảo đảm đúng đối tượng, mục đích

Trước vi phạm của UBND xã Quế Sơn, Thanh tra huyện Sơn Động yêu cầu Chủ tịch UBND xã và cán bộ khuyến nông xã có trách nhiệm thu hồi hơn 100 triệu đồng (trị giá cây giống) do cấp cây không đúng đối tượng. Thời gian khắc phục xong trước ngày 15-11-2018. Trao đổi với phóng viên, ông Vi Văn Khèn, Chủ tịch UBND xã Quế Sơn thừa nhận vụ việc. Ông Khèn cho rằng, bản thân đã chủ quan, sau khi cấp giống đã không kiểm tra thực tế việc triển khai tại các thôn. Còn về cây giống còi cọc, tỷ lệ chết cao có một phần nguyên nhân do các hộ không chú trọng chăm sóc. Để khắc phục khuyết điểm, xã đang nỗ lực vận động những hộ không thuộc diện thụ hưởng chính sách nộp tiền cây giống.

Thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất năm 2017, UBND xã Quế Sơn cũng vi phạm Luật Đấu thầu. Cụ thể là chỉ định thầu trước khi có Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho Hợp tác xã Sinh Lợi cung cấp 53 máy cắt cỏ cầm tay, trị giá hơn 262 triệu đồng. Hợp tác xã này không cung cấp được tài liệu liên quan chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của máy được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan.

Từ vụ việc trên cho thấy, do chính quyền sở tại, cán bộ chuyên trách tại xã đã không làm tròn nhiệm vụ, để cây giống đi “lạc” địa chỉ, khiến dự án không phát huy hiệu quả. Một số người dân còn phản ánh, cây giống đưa về không phù hợp, cây quá cao trong khi bầu lại nhỏ. Vì thế, cây giống mang đến hộ dân đa phần bị vỡ bầu, tỷ lệ chết cao. Chất lượng giống cũng không bảo đảm.

Được biết, ngoài Quế Sơn, trước đó một số cây trồng, vật nuôi hỗ trợ cho người dân tại xã Tuấn Đạo, Vân Sơn cũng không hiệu quả. Sau khi hết kinh phí hỗ trợ, việc duy trì mô hình gặp nhiều khó khăn. Dự án kém hiệu quả, mô hình không được nhân rộng đã gây lãng phí nguồn vốn đầu tư, thất thu ngân sách.

Mục tiêu của dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm giúp hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện thuận lợi trong trồng trọt, chăn nuôi, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Mỗi năm, huyện Sơn Động được phân bổ kinh phí tương đối lớn để thực hiện hỗ trợ sản xuất từ các chương trình.

Để tránh lãng phí nguồn vốn cũng như bảo đảm ý nghĩa thiết thực của dự án, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự giám sát, kiểm tra sát sao của cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn về tiến độ, tình hình triển khai ở địa phương. Lựa chọn mô hình phù hợp, xác định cây, con chủ lực để có hướng đầu tư hiệu quả, tránh tình trạng dàn trải, xử lý nghiêm khi phát hiện vi phạm. Người được thụ hưởng phải có trách nhiệm với sản phẩm được hỗ trợ. Có như vậy thì việc triển khai mô hình, dự án mới thực sự hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người nghèo, vùng dân tộc thiểu số.

Nhóm PVKT

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...