Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 29 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sơn Động >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giữ rừng bằng hương ước

Cập nhật: 08:02 ngày 15/12/2020
(BGĐT) - Với diện tích rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp lớn, các địa phương trên địa bàn huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã xây dựng, bổ sung vào hương ước, quy ước của các thôn, bản các quy định bảo vệ rừng. Qua đó người dân đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ lá phổi xanh của vùng cao.
{keywords}

Lực lượng kiểm lâm và đại diện các đoàn thể, người dân xã An Bá phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng trên địa bàn.

Cùng chúng tôi đi dưới tán cây rừng lâu năm, xanh tốt tại thôn Đồng Tàn, anh Lương Văn Bưởi, Tổ trưởng Tổ Bảo vệ rừng xã An Bá phấn khởi: “Đây là tài sản rất lớn, không hẳn tính được bằng tiền mà là nguồn sống quý của bà con trong thôn. Giữ được rừng, người dân tránh khỏi sự tàn phá của thiên tai, hưởng bầu không khí trong lành và nguồn sinh thủy phục vụ sinh hoạt, sản xuất. 

Vì vậy, trong hương ước, quy ước của các thôn nêu rõ, nếu hộ vi phạm sẽ xem xét khi bình bầu, xếp loại gia đình văn hóa hằng năm, đồng thời thường xuyên tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức giữ rừng". 

Từ khi hương ước, quy ước của các thôn được xây dựng, bổ sung nội dung bảo vệ rừng được triển khai thực hiện, trong những buổi tuần tra rừng đã có thêm nhiều người dân tự giác, hăng hái tham gia, nâng cao ý thức trách nhiệm, vừa bảo vệ rừng cộng đồng, vừa bảo vệ rừng của gia đình mình.

Đến nay 138/138 thôn có rừng của 17/17 xã, thị trấn đều đã xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước về bảo vệ rừng.

Được biết, xã An Bá hiện có hơn 2.100 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên hơn 1.300 ha, rừng trồng 860 ha. Xác định bảo vệ và phát triển rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhiều năm nay cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quán triệt, chỉ đạo, tuyên truyền đến các chủ rừng, người dân thực hiện tốt quy định của pháp luật về bảo vệ phát triển rừng, phòng, chống cháy rừng.

Đồng chí Hoàng Như Hậu, Chủ tịch UBND xã An Bá cho biết: “Khi thực hiện xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước đều có sự tham gia ý kiến công khai, dân chủ, được người dân đồng tình, nhất trí cao. Hiện nay, 6/6 thôn trên địa bàn xã đều có quy ước, hương ước bảo vệ rừng. 

Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng được tăng cường, số vụ vi phạm lâm luật giảm đáng kể. 5 năm trở lại đây không xảy ra vụ cháy rừng nào, từ năm 2015 đến nay, toàn xã trồng mới được hơn 300 ha rừng kinh tế, nâng độ che phủ rừng lên 72%, giá trị sản xuất lâm nghiệp mỗi năm đạt 15-20 tỷ đồng”.

Huyện Sơn Động có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất tỉnh, trong đó rừng tự nhiên hơn 35 nghìn ha. Những năm trước, mỗi năm trên địa bàn huyện xảy ra hàng trăm vụ vi phạm lâm luật, tình trạng khai thác, chặt phá rừng tự nhiên trái phép vẫn xảy ra. Trước tình trạng trên, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tập trung, nghiêm túc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, đưa những nội dung này vào quy ước, hương ước của các thôn trên địa bàn.

Theo tổng hợp của Hạt Kiểm lâm huyện, đến nay, 138/138 thôn có rừng của 17/17 xã, thị trấn đều đã xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước về bảo vệ rừng. Nhờ vậy, diện tích tự nhiên đầu nguồn ở nhiều địa phương và các diện tích rừng khác được bảo vệ tốt. Đặc biệt từ năm 2017 trở lại đây, số vụ vi phạm lâm luật giảm mạnh. 

Ông Hoàng Liên Sơn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Động nói: “Hương ước, quy ước bảo vệ rừng của các thôn, bản đóng vai trò rất quan trọng; các quy định của hương ước, quy ước do người dân thống nhất xây dựng lên, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó cụ thể hóa các văn bản, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác bảo vệ rừng. Do vậy khi triển khai thực hiện đã phát huy hiệu quả thiết thực”. 

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện tiếp tục tham mưu với UBND huyện có văn bản chỉ đạo đến các xã, thị trấn. Căn cứ tình hình thực tiễn từng bước điều chỉnh, bổ sung các quy định của hương ước, quy ước phù hợp với quy định của Luật Lâm nghiệp và các văn bản pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Hoạt động bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Sơn Động thời gian qua ngày càng hiệu quả khi có sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng, chính quyền địa phương, nhất là sự tham gia của người dân địa phương. Hương ước, quy ước đã làm thay đổi từ nhận thức đến hành động của người dân vùng cao trong việc chung tay quản lý, bảo vệ rừng.

Kiểm tra công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng tại Lục Ngạn
(BGĐT) - Ngày 14/11, Đoàn kiểm tra liên ngành của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Bắc Giang kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô năm 2020 - 2021 tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).
Bắc Giang: Nhiều khu vực đang ở mức cảnh báo cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm
(BGĐT)- Do thời tiết những ngày qua trên địa bàn tỉnh Bắc Giang không có mưa, trời hanh khô kéo dài nên có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng trên diện rộng. 
Bảo vệ, phát triển rừng gắn với kinh tế dân sinh
(BGĐT) - Trải qua tròn 75 năm 28/11 (1945 - 2020), cùng với cả nước, ngành Lâm nghiệp Bắc Giang ngày càng vững mạnh, khẳng định vai trò nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Phát triển kinh tế lâm nghiệp ở Lục Ngạn: Gắn quy hoạch trồng rừng với chế biến
(BGĐT) - Nhắc đến Lục Ngạn (Bắc Giang), nhiều người nghĩ ngay đến mảnh đất bạt ngàn cây ăn quả, như vải thiều và cây có múi. Thế nhưng, Lục Ngạn còn có tiềm năng không kém phần quan trọng là kinh tế lâm nghiệp. 

Trần Chung 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...