Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cứng hàm, co giật vì chủ quan với vết thương nhỏ

Cập nhật: 14:42 ngày 28/07/2014
“Dù vết thương rất nhỏ như trầy xước da, đứt tay, côn trùng cắn, dẫm phải đinh... nhưng nếu chủ quan và xử lý ban đầu không tốt thì tỷ lệ nhiễm trùng do uốn ván rất cao”, BS Đồng Phú Khiêm – Khoa Điều trị tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho hay.
{keywords}
Bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân điều trị uốn ván tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. 
Tai họa không báo trước

Khoảng một tuần trước, ông Nguyễn Văn Đại (48 tuổi ở Hà Nội) không may dẫm vào đinh hàn ở lòng bàn chân. Ông chủ quan không đến cơ sở y tế và sau 4 ngày thì có biểu hiện cứng hàm, co cứng cơ toàn thân và co giật rất nhiều. Vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng suy hô hấp do bị co cứng các cơ hô hấp không thở được, bệnh nhân phải mở khí quản, thở máy.

BS Nguyễn Trung Cấp – Phó trưởng khoa Cấp Cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho hay, người bệnh bị uốn ván thường phát hiện muộn vì họ chủ quan với vết thương nhỏ. Nhiều người vào viện điều trị khi bệnh đã nặng do nhầm lẫn với các bệnh khác. Đó là khi xuất hiện tình trạng cứng hàm, khó thở nhiều người nhầm lẫn đi khám, về hàm và răng, còn đau họng khó nuốt thì đi khám về họng… Bệnh nhân mắc uốn ván có thể tử vong do suy hô hấp bởi tình trạng co cứng các cơ hô hấp.

“Vi khuẩn uốn ván tồn tại dưới dạng nha bào. Bình thường các nha bào uốn ván có ở khắp môi trường xung quanh, khi có vết thương hở nó sẽ xâm nhập vào. Nếu vết thương đó không được xử lý tốt ở trong môi trường yếm khí thì các nha bào đó sẽ thoát vỏ thành vi trùng uốn ván sinh độc tố uốn ván gây bệnh cho con người”, BS Nguyễn Trung Cấp cho biết.
 
Biểu hiện sớm của nhiễm trùng uốn ván


Thời kỳ ủ bệnh là thời gian từ lúc bị thương đến lúc xuất hiện triệu chứng đầu tiên, trung bình từ 7 đến 14 ngày, ngắn nhất là 48 đến 72 giờ. Triệu chứng đầu tiên là xuất hiện co cứng cơ hàm mặt, bệnh nhân sẽ có cảm giác cứng hàm khó há miệng, đau họng khó nuốt. Tình trạng co cứng cơ tăng dần lên, co cứng các cơ vùng cổ, co cứng cơ vùng lưng, vùng bụng làm cho bệnh nhân có cảm giác đau lưng. 

Bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân có thể lên cơn co giật. Nếu không được khống chế tốt thì có thể dẫn đến co cứng những cơ hô hấp làm bệnh nhân không thở được hoặc co thắt cơ vòm họng khiến cho bệnh nhân ngạt thở. Đồng thời bệnh nhân có thể có các rối loạn thực vật khác như rối loạn nhịp tim, vã mồ hôi hoặc có biến chứng nôn sặc phổi… “Nhiều bệnh nhân thường xuyên co cứng cơ và co giật nên phải dùng thuốc an thần cho họ đỡ đau. Có trường hợp giật nhiều quá dẫn đến tình trạng tiêu cơ, suy thận rất nặng…”, BS Nguyễn Trung Cấp cho hay.


Theo BS Đồng Phú Khiêm, các ca bệnh uốn ván thường gặp ở người lớn vì đó là những trường hợp chưa tiêm vaccine uốn ván hoặc việc tiêm vaccine lâu năm đã giảm khả năng bảo vệ. Lâu nay, vaccine uốn ván được tiêm cho bà mẹ mang thai; sau sinh trẻ được tiêm phòng uốn ván nên hiếm gặp ở sản phụ và trẻ nhỏ. Nếu mắc uốn ván, việc điều trị lâu dài và tốn kém, chi phí từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Một liều vaccine khoảng 60.000 đồng, nếu bệnh nhân được xử trí tốt và tiêm đủ 3 mũi theo đúng liệu trình thì chi phí thấp mà nguy cơ mắc bệnh không có.

Thông thường nha bào uốn ván tồn tại trong đất, trong gỉ sắt… nên những người hoạt động tay chân như nông dân, công nhân là những người có nguy cơ rất cao. Trong khi đó, người dân lại không chú trọng việc rửa và làm sạch vết thương. Đặc biệt với những vết thương rộng, ngoài việc làm sạch cần phải đến cơ sở y tế để được tiêm phòng, có thể dùng kháng sinh và tiêm huyết thanh giải độc tố uốn ván thì có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh rất nhiều.

BS Nguyễn Trung Cấp cho biết, sau khi tiêm đầy đủ 3 mũi uốn ván sẽ bảo vệ cho người được tiêm ít nhất 10 năm. Sau đó, nếu tiêm một mũi nhắc lại sẽ bảo vệ được thêm 10 năm nữa. Vì vậy, với tất cả những trường hợp bị thương dù rất nhỏ do tiếp xúc với đinh, bùn đất… cần đến các cơ sở khám. Đối với nhân viên y tế, ngoài việc khám và xử trí vết thương cần tư vấn cho người bệnh được dùng vaccine uốn ván và huyết thanh giải độc để tránh tình trạng tiến triển nặng.

 

“Trong trường hợp nếu ở xa quá hoặc không có điều kiện, biện pháp giảm thiểu bị uốn ván là rửa sạch vết thương bằng nước sạch hoặc bằng cồn, xà phòng. Sau đó nên để hở vết thương không nên đắp kín. Rất nhiều người sai lầm, khi bị vết thương hở lại đi đắp lá vì thế vô hình trung sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nha bào uốn ván phát triển thành dạng vi khuẩn hoạt động. Nếu phát hiện dị vật còn nằm sâu trong vết thương, không được cố lấy ra vì sẽ làm vết thương càng chảy máu nhiều hơn”.

BS Đồng Phú Khiêm – Khoa Điều trị tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương)

Theo GĐXH

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...