Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phụ gia trong thực phẩm: Tiềm ẩn mất an toàn vệ sinh thực phẩm

Cập nhật: 14:03 ngày 29/07/2014
(BGĐT)- Đã có hàng trăm loại phụ gia được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm như chất bảo quản, phẩm màu nhằm tạo ra hương vị riêng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc lạm dụng những phụ gia trên cùng với  một số chất không được phép sử dụng vẫn được dùng để chế biến thực phẩm đã gây  nguy hại cho sức khỏe con người.

{keywords}
Những chiếc bánh Gato này ai dám khẳng định không lạm dụng quá mức chất phụ gia phẩm màu?.

Qua các đợt kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm hàng năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Bắc Giang) đã phát hiện không ít mẫu vi phạm bởi những phụ gia. Ví như năm 2012, có 3 chất phụ gia: Phẩm màu, hàn the, Cyclamat (đường hóa học) trong các nhóm thực phẩm là thịt quay, giò chả, kem, nước rau quả vi phạm quá mức cho phép. Trong đó, có tới  hai chất bị cấm sử dụng là hàn the và Cyclamat. Theo đó, mức độ vi phạm của phẩm  màu là 1,9% trong thịt quay; hàn the 7,4% trong giò, chả và 19,4% Cyclamat trong kem đá. 

Theo ông Nguyễn Văn Thể, Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, kết quả trên chưa phản ánh hết tình trạng vi phạm về sử dụng chất phụ gia trong chế biến thực phẩm bởi do lấy mẫu ngẫu nhiên. Thực tế, số vi phạm có thể lớn hơn và đây là điều cảnh báo đối với người tiêu dùng khi chọn lựa loại thực phẩm này. 

Cũng theo ông Thể, do kinh phí cho việc phân tích mẫu xét nghiệm còn khó khăn, nhân lực thiếu, sự phối hợp giữa các đơn vị liên qua chưa chặt chẽ nên năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, đơn vị chưa triển khai lấy mẫu xét nghiệm nào về chất phụ gia thực phẩm.

Dạo một vòng qua đường Ngô Gia Tự, TP Bắc Giang dễ dàng bắt gặp những quán kem, trà sữa thập cẩm. Nguyên liệu không thể thiếu để làm món khoái khẩu cho lứa tuổi học sinh này chính là phẩm màu. Những cốc kem với đủ màu sắc khiến chúng hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, nhìn màu sắc của những hộp kem này không dám chắc người sản xuất sử dụng liều lượng phẩm màu đúng quy định.

Tại khu vực chợ Thương, TP Bắc Giang vào những buổi chiều, các cửa hàng vịt quay, lợn quay bày bán tràn lan. Những con vịt, miếng thịt "biến ảo" lúc thì vàng suộm, khi thì đỏ sẫm nhìn rất hấp dẫn. Chị Nguyễn Thị Hường, nội trợ ở phường Hoàng Văn Thụ bộc bạch: “Cảm giác ngon miệng bắt đầu từ hình thức. Nhìn con vịt quay vàng đã muốn mua về thưởng thức”. Khi được hỏi có chắc trong đó chứa phẩm màu vượt quá quy định? Chị Hường thản nhiên: “ Không biết”.

Không dễ nhận biết như những loại thực phẩm chứa phụ gia là phẩm màu, có chất phụ gia không được phép sử dụng nhưng vẫn được người chế biến ưa dùng, điển hình là hàn the. Chất phụ gia này bị nghiêm cấm sử dụng nhưng lại được dùng khá phổ biến cho việc làm bún, bánh phở và giò, chả. Điều đáng lo ngại là chất phụ gia này rất khó phát hiện bởi không màu, không mùi.

Bà Nguyễn Thị Mai, phường Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang, một người từng có thời gian làm giò, chả cho biết nếu có hàn the sẽ giúp thực phẩm giòn, tươi và kéo dài thời gian bảo quản. Tuy nhiên, khi đề cập đến việc có tác hại hay không nếu sử dụng chất phụ gia này, bà Mai chỉ biết lắc đầu.

Được biết, phụ gia thực phẩm là những chất được chủ động cho vào với mục đích đáp ứng yêu cầu công nghệ trong quá trình sản xuất, chế biến, xử lý, bao gói, vận chuyển, bảo quản thực phẩm. Những thức ăn có chứa phụ gia thực phẩm trong danh mục được phép sử dụng của Bộ Y tế, trong giới hạn cho phép sẽ không gây hại cho sức khoẻ. Thế nhưng, nhằm tăng thêm màu sắc, mùi vị, tạo sự ngon miệng, hấp dẫn cho sản phẩm, các chất phụ gia đang bị lạm dụng ở mức có thể nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

 

Hiện nay, ở Việt Nam có gần 300 chất phụ gia thực phẩm trong danh mục được phép sử dụng, với nồng độ được quy định ở mức an toàn. Chất phụ gia không có dinh dưỡng, nếu sử dụng một cách bừa bãi, hoặc quá lạm dụng sẽ gây nguy hại cho sức khỏe.

Mặc dù, ảnh hưởng của việc lạm dụng chất phụ gia thực phẩm đã được cơ quan chuyên môn cảnh báo. Tuy nhiên, không phải cơ sở chế biến nào cũng hiểu hết tác hại nếu lạm dụng chúng. Đó là chưa kể đến những loại phụ gia trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng vì lợi nhuận, hám lời nên nhiều người bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng. Chẳng hạn khi chế biến xúc xích, lạp xưởng, dăm bông người sản xuất thường cho chất Natri nitrat, natri nitrit vào để bảo quản và ổn định màu, làm cho màu thịt tươi hơn. Hai chất này khi kết hợp với axit amin trong thịt sẽ tạo thành chất nitrozamin, chất này có khả năng gây ung thư.

Để bảo đảm sức khỏe của người tiêu dùng, các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng nên mua phụ gia thực phẩm có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng, có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế và sử dụng theo tỷ lệ quy định. Về phía  cơ quan chức năng  cần tăng cường công tác kiểm tra, xét nghiệm những mẫu thực phẩm trên thị trường để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.


Ngọc Hân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...