Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bắc Giang: Sẵn sàng ứng phó với dịch Ebola

Cập nhật: 08:40 ngày 19/08/2014
(BGĐT) - Trước diễn biến nguy hiểm của dịch bệnh do vi rút Ebola tại các quốc gia châu Phi khiến hàng nghìn người mắc và tử vong, ngành chức năng tỉnh đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp chủ động đối phó. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn ông Trần Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở Y tế.
{keywords}

Bảo quản vật tư, phương tiện phòng chống dịch Ebola tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Dịch do vi rút Ebola diễn biến rất phức tạp, xin ông cho biết tính chất nguy cấp của  dịch bệnh này?

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch đã khiến hơn 2.000 người mắc, hơn một nửa số đó tử vong, tập trung chủ yếu tại bốn quốc gia Tây Phi (Nigeria, Maroc, Guinea, Siriea Leone).  

Bộ Y tế nhận định, bệnh do vi rút Ebola tốc độ lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong lên tới 90%. Hiện WHO đã công bố, Ebola là tình trạng khẩn cấp đối với sức khỏe cộng đồng.

Đối với Việt Nam nói chung, tỉnh ta nói riêng, khả năng lây nhiễm dịch bệnh này thế nào thưa ông?

Thời điểm này, chúng ta chưa ghi nhận trường hợp nhiễm nhưng nguy cơ dịch xâm nhập vào nước ta, tỉnh ta là hoàn toàn có thể do giao thương, du lịch, hợp tác lao động, học tập với các quốc gia châu Phi khá rộng rãi. Tuy vậy, người dân không nên quá hoang mang vì Bộ Y tế vào cuộc từ rất sớm. 

Việt Nam đang ở trong tình huống 1 của Kế hoạch phòng chống dịch bệnh do virút Ebola (chưa có ca bệnh xâm nhập) nhưng một số hoạt động ở tình huống 2 đã được triển khai, sẵn sàng trong trường hợp phát hiện bệnh nhân.

Ông có thể nói rõ hơn tính chất, đường lây truyền của vi rút Ebola?

Đây là bệnh sốt xuất huyết rất nguy hiểm.  Ebola lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc với máu, chất tiết của động vật bị nhiễm. Nhóm nguy cơ cao mang mầm bệnh là tinh tinh, gôrila, dơi ăn quả, khỉ, linh dương và nhím ốm, chết... 

Bệnh có thể lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch của người mắc bệnh hoặc các vết xước trên da hay niêm mạc người lành tiếp xúc với chất tiết của người nhiễm, môi trường nhiễm (quần áo, ga giường, kim tiêm đã sử dụng…).

Người mắc có biểu hiện ra sao, đối tượng nào thuộc nhóm nguy cơ cao thưa ông?

Người bệnh thường có các triệu chứng: Sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, họng. Tiếp theo là nôn, tiêu chảy, phát ban, suy thận, gan. Một số trường hợp bị chảy máu nội tạng và chảy máu ngoài. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày. Bệnh lây truyền ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.

Những công dân Việt Nam đi công tác, lao động, học tập trở về từ vùng dịch; công dân quốc gia khác có dịch nhập cảnh vào Việt Nam; người thân, nhân viên y tế chăm sóc, điều trị, tiếp xúc gần với người nhiễm, nghi nhiễm; người tiếp xúc với động vật chết do nhiễm, nghi nhiễm vi rút Ebola  đều thuộc nhóm nguy cơ cao. 

Trước mối nguy hiểm của dịch, ngành y tế có biện pháp gì để đối phó, hạn chế thấp nhất sự lây lan và thiệt hại do bệnh gây ra? 

Thời gian qua, Sở Y tế đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, 10 huyện, TP thường xuyên phối hợp giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, nhất là từ các quốc gia có dịch, hướng dẫn, vận động họ thực hiện biện pháp phòng, chống. 

Sở cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng dịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện ca nghi ngờ mắc hay có tiền sử đi về từ vùng dịch trong vòng 21 ngày, thực hiện cách ly và lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư xét nghiệm.

Hiện ngành đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phòng cách ly, trang thiết bị, thuốc, hóa chất dự phòng và điều trị triệu chứng Ebola cùng các túi phòng hộ cá nhân như khẩu trang, quần áo, phương tiện vận chuyển riêng biệt. Kiện toàn các đội cơ động, đội cấp cứu tại trung tâm y tế, các bệnh viện; lên kế hoạch tổ chức tập huấn phác đồ điều trị, phương án thu dung bệnh nhân, bảo đảm tránh lây lan và hạn chế tối đa tử vong. 

Thực hiện đầy đủ biện pháp phòng hộ cá nhân với nhân viên y tế, người tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ, không để lây bệnh cho nhân viên, bệnh nhân khác trong bệnh viện và cộng đồng.

Ông có khuyến cáo gì với mọi người trong tình hình hiện nay? 

Bệnh do vi rút Ebola chưa có vắc -xin phòng hay phương pháp điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, có thể khống chế nếu phát hiện sớm, cách ly kịp thời, theo dõi và giám sát người tiếp xúc gần với người bệnh; thực hiện nghiêm ngặt quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn. 

Để phòng ngừa, mọi người thực hiện tốt các khuyến cáo của Bộ Y tế: Thường xuyên vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng, chất sát khuẩn...); tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm, nghi nhiễm bệnh; không cầm, nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật bị bệnh, nghi nhiễm trước đó. Nếu đang ở vùng có dịch mà xuất hiện triệu chứng nghi ngờ, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, cách ly, điều trị kịp thời. 

Xin cảm ơn ông!.


Thu Hằng (thực hiện)


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...