Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sơ cứu tai nạn giao thông đúng cách, giảm nguy cơ tử vong

Cập nhật: 13:20 ngày 16/09/2014
(BGĐT) - Nhiều người bị tai nạn giao thông nhưng trước khi đưa đến bệnh viện không được sơ cứu đúng cách khiến tình trạng chấn thương thêm trầm trọng, thậm chí tử vong.
{keywords}

Mỗi người đều cần nắm vững những kỹ năng sơ cứu khi gặp người bị tai nạn giao thông. (Ảnh minh họa).


Để giúp người bị nạn giảm thiểu thương tích, hạn chế tử vong, mọi người cần chú ý: Trường hợp nạn nhân bị chảy máu, nhất thiết phải được cầm máu bằng cách đặt miếng gạc hoặc mảnh vải sạch trực tiếp lên vết thương rồi băng chặt lại. Nếu máu vẫn chảy thì lấy tay ấn lâu vào động mạch ép sát xương sẽ kiềm chế chảy máu. 

Đối với vết thương ở động mạch, máu phun mạnh thì dùng băng hoặc vải buộc chặt (garo) phần trên vết thương. Khi vật nhọn đâm vào cơ thể, nhất là ngực, bụng, tuyệt đối không được rút ra, vì lúc này chính vật đó có tác dụng bịt mạch máu. Sau đó, nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện.

Người bị gãy xương, dấu hiệu điển hình là đau ở vùng gãy và càng đau khi sờ, ấn, cử động kèm theo sưng nề, bầm tím, chảy máu (một số trường hợp chỗ xương gãy đâm thủng da), việc cần làm ngay là cố định tạm thời bộ phận gãy bằng nẹp  tre, gỗ, tránh để xương dịch chuyển. Nếu gãy xương ở chân, tay, phải cố định cả các khớp sát trên và dưới vết thương để hạn chế di chuyển của xương và nạn nhân đỡ đau. 

Khi gãy xương hở, chỉ lau xung quanh vết thương, bôi thuốc sát trùng và băng lại. Tuyệt đối không ấn đầu xương gãy vào trong hay kéo, nắn xương. Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm dễ chịu nhất và chuyển ngay đi cấp cứu.

Trường hợp bị rách ổ bụng, ruột lòi ra ngoài, người sơ cứu không cố gắng nhét ruột trở lại mà lấy một cái bát úp vào, quấn băng tạm thời ngang bụng, để bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa trên cáng rồi kịp thời đưa đến cơ sở điều trị.

Bác sĩ Phạm Tùng Sơn, Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang) lưu ý, nạn nhân bị va đập ở vùng đầu, cần nghĩ đến khả năng chấn thương sọ não. Khi đó, đặt nạn nhân nằm nơi thoáng khí, chân kê cao hơn đầu khoảng 20 cm (nếu không thấy chảy máu đầu, cổ, không bị nhồi máu cơ tim) rồi gọi xe cấp cứu ngay. 

Nếu nghi ngờ nạn nhân bị tổn thương vùng cột sống lưng, cổ, cần cố định thương tổn bằng nẹp hoặc để túi cát, gạo ở hai bên cổ và đặt nằm trên cáng cứng di chuyển đến bệnh viện. Tuyệt đối không bế sốc hoặc gập người bệnh nhân vì có thể làm đứt tủy sống, gây liệt suốt đời hoặc tử vong 

   

Thùy Vân (ghi)


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...