Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sử dụng thuốc tùy tiện - Hiểm họa khôn lường

Cập nhật: 22:43 ngày 18/09/2014
(BGĐT)-Không cần hỏi ý kiến bác sỹ, không xem kỹ hướng dẫn, người bệnh tự sử dụng thuốc.Thói quen này  phổ biến ở nhiều gia đình; tuy nhiên, không ai lường hết hiểm họa.

Chủ quan, lơ là

Ngày 29-7-2014, ông Dương Văn Đức, 56 tuổi ở xã Phương Sơn, (Lục Nam) có tiền sử bệnh Gut, dùng thuốc tân dược (Colchicin và Alopurinol) bị phản ứng thuốc, da đỏ khắp toàn thân, miệng loét, ngứa nhiều. Sau khi xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị 10 ngày, các bác sỹ đề nghị ông dừng uống 2 loại thuốc trên. Tuy nhiên, sau khi ra viện khoảng một tháng, căn bệnh Gut của ông tái phát, ông vẫn tự ý dùng loại thuốc cũ, gia đình phải đưa đi cấp cứu lần 2 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 


{keywords}
Dù là thuốc chữa bệnh hay thuốc bổ, khi dùng người bệnh phải hết sức thận trọng

Ngày 20/8, bà Hoàng Thị Thơm ở xã Phi Mô (Lạng Giang) phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trước đó, bà Thơm  bị đau họng, sốt, bà tự uống thuốc kháng sinh tại nhà, không hỏi ý kiến bác sỹ. Khi uống thuốc xong, bà Thơm bị phát ban, người nổi mần đỏ, lở loét miệng. Sau 9 ngày, bà Thơm được xuất viện. 

Trên đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp tự ý sử dụng thuốc phải cấp cứu tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, thời gian qua. Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân là do người bệnh không am hiểu, hoặc chủ quan, chưa ý thức hết được tác hại và mức độ nguy hiểm của việc tự sử dụng thuốc. Nhiều người tự đoán bệnh theo cảm tính mua thuốc về dùng, uống theo  đơn thuốc cũ, hoặc sử dụng không đúng liều lượng, không theo chỉ định của bác sỹ, nhất là bệnh nhân ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Người bệnh cần uống thuốc theo chỉ định của bác sỹ, uống đủ liều lượng. Khi thấy có hiện tượng khó thở, nôn mửa, đau bụng, tụt huyết áp, đỏ da cần dừng ngay thuốc đang sử dụng và  đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị. 

(Bác sỹ Phạm Tùng Sơn, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang)       

Với người bán hàng, vì lợi nhuận, nên ít quan tâm xem bệnh nhân  đã được bác sỹ khám, tư vấn, kê đơn chưa, người bệnh chỉ việc tả bệnh hoặc mua thuốc gì là họ bán thuốc đó. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt của ngành chức năng đối với các trường hợp bán thuốc không có đơn chưa thực sự quyết liệt. 

Đặc biệt, không ít bệnh nhân tự ý truyền dịch tại nhà, phải nhập viện trong tình trạng sức khỏe nguy kịch. Cách đây 4 tháng, bà Nguyễn Thị Ly, 50 tuổi ở phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang được người nhà cho là bị sốt vius, nên đã mua dịch về tự truyền. Sau vài phút truyền dịch, người bà Ly tím tái, thở gấp, huyết áp tụt mạnh. Ngay lập tức, bà Ly được đưa đi cấp cứu. Các bác sỹ kết luận bà bị sốc trụy mạch do  truyền dịch. Do được cấp cứu kịp thời, bà Ly đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. 

Con dao hai lưỡi

Theo quy định của Bộ Y tế, có một số loại thuốc tân dược thông dụng cho phép người bán thuốc khi bán không cần phải theo đơn của bác sỹ để chữa các bệnh đơn giản như ho, cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, hạ sốt, đau mắt...  Tuy nhiên, theo ông Phan Trọng Quyền, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở y tế Bắc Giang, dù là thuốc chữa bệnh phải kê đơn, hay không kê đơn, thậm chí là thuốc bổ, hay thực phẩm chức năng, nếu sử dụng không đúng thể trạng bệnh, không phù hợp lứa tuổi, cân nặng hay  không đúng liều lượng đều nguy hiểm. Trường hợp của anh Nông Văn Đức, sinh năm 1984 ở thôn Làng Cóc, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) hiện đang điều trị Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang là một ví dụ điển hình.

{keywords}
Bệnh nhân Nông Văn Đức đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang

Theo người nhà anh Đức kể lại: Rằm tháng Tám vừa qua, anh cùng một số người bạn  ống rượu liên hoan, tối về bị đau đầu và sốt rét. Vợ anh mua 1 vỉ thuốc Tiffi cho anh uống nhưng không khỏi.  Ngày hôm sau, gia đình cho anh uống tổng cộng 6 viên Paracetamol (loại thuốc hạ sốt, giảm đau), nhưng bệnh tình càng nặng hơn. Anh Đức bị hoa mắt, chân tê cứng, không di chuyển được. Anh được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cấp cứu. Tại đây, các bác sỹ kết luận anh Đức bị suy thận, gan liên quan đến việc sử dụng thuốc Paracetamol tại nhà. Hiện tại, anh Đức đang đươc điều trị tại Khoa Nội thận-Tiết liệu- Lọc máu, ngày nào cũng phải chạy thận nhân tạo kết hợp dùng thuốc bổ gan, đào thải mật, sức khỏe vẫn trong tình trạng nguy kịch. Tiền thuốc điều trị mỗi ngày lên tới 2 triệu đồng, trong khi gia đình làm ruộng, kinh tế khó khăn. 

Cũng theo các bác sỹ tại tại Khoa Nội thận- Tiết liệu-Lọc máu, 90% bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo ở đây đều thừa nhận  đã từng sử dụng nhiều bài thuốc dân gian (chủ yếu là thuốc Nam) để tự chữa bệnh mà không hề biết có những loại thuốc chứa nhiều kim loại nặng như Chì, Asen... rất dễ gây suy gan, thận, hoặc các căn bệnh ung thư...

{keywords}
Phần lớn, các bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại khoa Nội thận-Tiết liệu- Lọc máu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã từng tự ý sử dụng thuốc Nam trước khi  vào viện điều trị.

Bác sỹ Phạm Tùng Sơn,Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết: Mối nguy hiểm nhất mà bệnh nhân gặp phải khi sử dụng thuốc  đó là sốc phản vệ với các biểu hiện như khó thở, đau bụng, nôn mửa, nổi ban đỏ, tụt huyết áp... nếu không được cấp cứu kịp thời rất dễ tử vong. Cùng đó, việc uống thuốc gián đoạn, bỏ dở, không theo hướng dẫn cũng  dễ gây nên hiện tượng kháng thuốc, việc điều trị rất khó khăn, chi phí tốn kém...

Sức khỏe là vốn quý nhất của con người, vì vậy, để phòng ngừa, hạn chế những tai biến do việc sử dụng thuốc tại cộng đồng, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền nhằm trang bị những kiến thức cơ bản cho người dân khi sử dụng thuốc. Cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp bán thuốc không theo đơn của bác sỹ. Đặc biệt, với người bệnh, khi sử dụng thuốc nên tham khảo ý kiến của các bác sỹ, hoặc xem chỉ dẫn cách dùng; không sử dụng tùy tiện, ảnh hưởng tới sức khỏe, đe dọa tính mạng. 


                                                                                   Công Doanh





Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...