Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 31 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ngộ độc khí CO trong hỏa hoạn

Cập nhật: 13:40 ngày 22/09/2014
Các trường hợp thường gây chết người trong hỏa hoạn chính là do ngộ độc khí CO; loại khí này được sinh ra do cháy các vật dụng trong nhà.
{keywords}

Nhiễm độc CO cấp tính thường gây tử vong trong các vụ hỏa hoạn. Trong ảnh là vụ cháy rạng sáng 16-9 trên đường Nguyễn Trãi, phường 8, quận 5, TP HCM làm 7 người thiệt mạng.

Khí CO còn xuất hiện khi sử dụng gas, các vật liệu như than đá, than củi, củi, rơm rạ để làm chất đốt, lò sưởi, các loại động cơ máy nổ như ô tô, xe máy... CO là sản phẩm của quá trình đốt cháy không hoàn toàn các hợp chất hữu cơ, là phản ứng đốt cháy của carbon trong điều kiện thiếu ôxy sinh ra CO.

Khí CO là gì?

Carbon monoxide (công thức hóa học CO) là một chất khí không màu, không mùi, không vị, bắt cháy và có độc tính cao. Bình thường nó ít gây nên triệu chứng kích thích do đó rất khó nhận biết sự có mặt của CO trong môi trường.

Nhiễm độc CO là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ngộ độc. Hằng năm tại Mỹ có khoảng 40.000 người tử vong do nhiễm độc CO. Ở nước ta, khó có thể thống kê được mỗi năm có bao nhiêu vụ ngộ độc khí CO do việc sưởi ấm bằng bếp than, chưa nói đến các vụ hỏa hoạn.

Nhiễm độc CO đe dọa tính mạng của những cư dân trong các vụ hỏa hoạn. Phần lớn các ca tử vong là do nhiễm độc cấp tính, một số do nhiễm độc mạn tính. Khí CO cũng ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của những người lính cứu hỏa trong quá trình chữa cháy thực địa và luyện tập.

Các biểu hiện sớm nhất của nhiễm độc CO cấp tính bao gồm: nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt, xuất hiện các triệu chứng giống cúm, rối loạn ý thức... Trong một số trường hợp, nạn nhân có biểu hiện đỏ da. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, tình trạng nhiễm độc cấp tính sẽ xảy ra với biểu hiện rối loạn thần kinh trung ương, mạch nhanh, rối loạn hô hấp, rối loạn nhịp thở và có thể dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, khi tiếp xúc với CO nồng độ thấp trong thời gian dài có thể gây nên nhiễm độc CO mạn tính, loại nhiễm độc mạn tính thường gây suy nhược thần kinh, rối loạn ý thức và mất trí nhớ.

Cấp cứu nạn nhân

Trong các vụ hỏa hoạn, vấn đề quan trọng nhất là sớm nhận ra nạn nhân có biểu hiện nhiễm độc CO cấp tính. Lính cứu hỏa thường là những người phát hiện và đưa nạn nhân bị nhiễm độc CO ra khỏi đám cháy song họ cũng dễ bị nhiễm độc do hít phải không khí có hàm lượng CO cao mặc dù được trang bị mặt nạ phòng độc. Vì vậy, người dân xung quanh và những người lính cứu hỏa cần chú ý quan sát, phát hiện kịp thời biểu hiện nhiễm độc cấp tính để nhanh chóng sơ cứu giúp người bị nạn trước khi chuyển họ đến bệnh viện. Cụ thể là:

- Cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực hỏa hoạn càng sớm càng tốt. Cố gắng đưa nạn nhân đến khu vực thoáng khí để được thở không khí trong lành, điều đó có thể ngăn chặn những diễn biến xấu hơn của tình trạng nhiễm độc CO cấp tính.

- Cùng với những biểu hiện nhiễm độc CO do hỏa hoạn, nạn nhân có thể xuất hiện thêm các triệu chứng của tình trạng say nóng, vết thương bị phỏng, do đó cần đưa nạn nhân ra khỏi đám cháy, nới lỏng quần áo, làm mát bằng quạt gió hoặc chườm khăn mát. Thực hiện sơ cứu các vết thương phỏng (nếu có) bằng cách sử dụng nước mát, sạch dội nhẹ lên vết thương, chườm đá vùng bị phỏng và sau đó băng ép nơi tổn thương để chống thoát dịch. Đồng thời nhanh chóng gọi điện thoại cấp cứu y tế 115 hoặc chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất ngay khi có thể.

- Điều trị nhiễm độc CO cần được sự hỗ trợ chuyên nghiệp nhằm cung cấp ôxy cho nạn nhân. Trong trường hợp chờ sự hỗ trợ y tế, cần tiến hành các bước cứu chữa cơ bản gồm: lấy dị vật đường thở, lau sạch đờm nhớt và bất cứ thứ gì làm cản trở đường hô hấp trên. Tiến hành hồi sinh tim, phổi bằng hô hấp nhân tạo và bóp tim ngoài lồng ngực nếu nạn nhân ngừng tim, ngừng thở. Nếu nạn nhân còn tỉnh, cho nằm yên nghỉ ngơi, tránh cử động chân tay và bị xúc động để giảm tiêu hao ôxy và năng lượng không cần thiết. Nếu trời lạnh, chú ý giữ ấm cho người bị nạn.

- Phải loại bỏ ngay tất cả nguồn có thể gây ô nhiễm CO gần đó như tắt máy động cơ, dập tắt đám cháy...

Cách phòng tránh ngộ độc CO:

Biện pháp đơn giản có thể giúp ngăn ngừa ngộ độc khí CO là đầu tư thiết bị dò khí CO. Cài đặt thiết bị này trong nhà và bên ngoài phòng ngủ cá nhân. Kiểm tra pin của máy dò khói ít nhất 2 lần một năm.

Sử dụng các thiết bị theo khuyến cáo. Không dùng bếp gas hoặc lò nướng để sưởi ấm nhà. Chỉ sử dụng máy sưởi đốt nhiên liệu khi có người theo dõi chúng và tất cả cửa trong nhà phải mở để thoáng khí. Không chạy máy phát điện trong một không gian kín như tầng hầm hoặc nhà để xe. Mở cửa nhà để xe trước khi khởi động xe.

Giữ các thiết bị gas và lò sưởi trong tình trạng tốt. Hằng năm, đề nghị đơn vị chức năng đến kiểm tra định kỳ các thiết bị khí đốt, bao gồm cả lò sưởi.


Theo NLĐ




Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...