Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xét nghiệm nhanh để tránh lạm dụng kháng sinh

Cập nhật: 08:45 ngày 24/09/2014
72,5% bệnh nhi nhiễm khuẩn hô hấp cấp do tác nhân virút, tức không cần điều trị bằng kháng sinh.
{keywords}

Phụ huynh chờ khám bệnh cho con tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM).

Test nhanh (xét nghiệm nhanh) giúp bác sĩ xác định bệnh nhi mắc bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp do siêu vi hay vi trùng để quyết định có cho trẻ dùng kháng sinh hay không, nhưng ở VN chưa làm test này mà cho trẻ sử dụng kháng sinh vô tội vạ...

Số liệu của TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), trong luận án tiến sĩ với đề tài nghiên cứu về lạm dụng kháng sinh trong điều trị ngoại trú nhiễm khuẩn hô hấp cấp tại một bệnh viện nhi tuyến cuối ở VN cho thấy hơn 30% bệnh nhi bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp đã uống kháng sinh trước khi đến bệnh viện. Và 90% số bệnh nhi này khi đến bệnh viện đã được bác sĩ kê thuốc kháng sinh, trong khi đa số bệnh nhi mắc bệnh này không cần sử dụng kháng sinh.

Thực tế còn nhiều hơn nghiên cứu

Nghiên cứu trên cho biết trong 563 bệnh nhi nhiễm khuẩn hô hấp cấp ở khoa khám bệnh của một bệnh viện nhi tuyến cuối từ năm 2009-2011, có tới 1/3 bệnh nhi đã dùng thuốc kháng sinh trong vòng 24 giờ trước khi đến bệnh viện.

Để thực hiện được nghiên cứu này, bác sĩ Quang Minh sử dụng một kỹ thuật mới là sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC) để phát hiện được tất cả kháng sinh hiện diện trong nước tiểu.

Mỗi bệnh nhi sau khi được bác sĩ chẩn đoán nhiễm khuẩn hô hấp cấp sẽ được lấy mẫu nước tiểu gửi đến đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM để xét nghiệm.

Do kỹ thuật này chỉ xác định được bệnh nhi sử dụng kháng sinh trong vòng 24 giờ kể từ khi lấy mẫu nước tiểu, nên số bệnh nhi sử dụng kháng sinh trước đó từ hai ngày trở lên chưa được tính trong nghiên cứu này.

Vì lẽ đó, số bệnh nhi uống kháng sinh trước khi đến bệnh viện trong thực tế còn cao hơn rất nhiều.

Nghiên cứu trên cũng cho thấy khi đến bệnh viện vẫn có hơn 90% bệnh nhi bị nhiễm trùng đường hô hấp cấp được bác sĩ kê thuốc kháng sinh.

Trong khi đó, bằng kỹ thuật multiplex real time PCR cùng một lúc có thể phát hiện được 14 loại virút và sáu loại vi khuẩn hô hấp trong mẫu phết mũi họng của người bệnh.

Nghiên cứu này đã xác định 72,5% bệnh nhi nhiễm khuẩn hô hấp cấp do tác nhân virút, tức không cần điều trị bằng kháng sinh, theo BS Quang Minh.

Xuất hiện và lây truyền gen kháng thuốc

Trong nghiên cứu nói trên, qua phân tích mẫu phân bệnh nhân sau một tuần sử dụng kháng sinh, bác sĩ nhận thấy có sự gia tăng đề kháng đáng kể của hệ vi khuẩn đường ruột đối với các kháng sinh thường dùng như Amoxicillin, Amoxicillin - Clavulanate.

Đặc biệt, sự gia tăng đáng kể đề kháng của vi khuẩn đường ruột cũng thấy với ngay cả các kháng sinh gần như không bao giờ sử dụng trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp cấp ngoại trú như Gentamycin hay Ciprofloxacin.

Lý do được các nhà khoa học giải thích là gen kháng các thuốc Amoxicillin, Amoxicillin - Clavulanate và gen kháng các thuốc Gentamycin và Ciprofloxacin cùng nằm trên một đoạn gen. Do đó, khi vi khuẩn xuất hiện gen đề kháng với Amoxillin sẽ kéo theo gen kháng Gentamycin và Ciprofloxacin. 

Nguy hiểm hơn là các gen kháng thuốc này sau khi xuất hiện ở bệnh nhân có thể thải ra phân và dễ dàng lây truyền sang người khỏe mạnh khác trong cộng đồng.

Điều này giải thích tại sao rất nhiều người bệnh trước đây chưa bao giờ hoặc rất ít khi sử dụng kháng sinh, nhất là các kháng sinh chỉ dùng trong điều trị nội trú, nhưng khi xét nghiệm phân vẫn phát hiện có sự gia tăng đề kháng với rất nhiều loại kháng sinh.

Trong một số điều kiện nhất định, vi khuẩn đường ruột kháng thuốc này có thể xâm nhập các cơ quan trong cơ thể, gây ra những nhiễm khuẩn nặng rất khó điều trị vì nhiễm khuẩn đa kháng thuốc.

Luật dược năm 2005 quy định thuốc kháng sinh phải được bán theo toa nhưng thực tế mọi người mua kháng sinh rất dễ tại các nhà thuốc. Đây là một lỗ hổng làm gia tăng tình trạng lạm dụng kháng sinh trong cộng đồng.

Để tránh tình trạng lạm dụng kháng sinh, theo TS.BS Quang Minh, các ông bố bà mẹ phải biết những kiến thức như phần lớn trẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp do siêu vi không cần dùng kháng sinh nên không tự mua thuốc này cho trẻ uống mà phải có sự chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.

Các bệnh viện, cơ sở y tế cũng nên xây dựng phác đồ điều trị cho các bệnh thông thường và cần giám sát chặt chẽ xem bác sĩ có tuân thủ phác đồ hay không...

Test nhanh tìm liên cầu trùng nhóm A

Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), test nhanh giúp bác sĩ xác định bệnh nhi mắc bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp do siêu vi hay vi trùng chỉ trong 10-15 phút.

Tại các nước phát triển, các test này đã được sử dụng rất nhiều nhưng ở nước ta đến nay vẫn chưa có công ty dược nào nhập về. Mặc dù đa số bệnh nhi nhiễm khuẩn hô hấp cấp đến phòng khám là mắc bệnh viêm họng và phần lớn do siêu vi gây ra.

Tuy nhiên, nếu xác định bệnh này do vi trùng liên cầu trùng nhóm A gây ra thì cần phải điều trị kháng sinh. Test nhanh giúp người nhà bệnh nhi yên tâm khi biết con mình mắc bệnh do nguyên nhân gì và tránh tình trạng bác sĩ lạm dụng kháng sinh.

Mẫu xét nghiệm nhanh này có giá khoảng 2,6 USD (hơn 50.000 đồng).

Bác sĩ Anh Tuấn đề nghị lúc đầu nên triển khai sử dụng xét nghiệm nhanh này tại một số bệnh viện lớn, sau đó đánh giá hiệu quả, so sánh chi phí mua test này với chi phí mua các loại kháng sinh để trị bệnh.

Khi thấy loại xét nghiệm này cần thiết, hiệu quả thì nhân rộng tại các cơ sở y tế trong cả nước.


Theo TTO

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...