Thứ ba, 30/04/2024
Bắc giang 30 °C / 27 - 41 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chủ động đối phó với bệnh Ebola

Cập nhật: 14:13 ngày 31/10/2014
(BGĐT) - Gần đây, dịch bệnh do vi rút Ebola diễn biến nguy hiểm, phức tạp, có nguy cơ lây lan trên diện rộng, đòi hỏi ngành chức năng, các địa phương và người dân trong tỉnh Bắc Giang không chủ quan, nâng cao ý thức chủ động phòng ngừa. 

{keywords}

Kho vật tư, hóa chất phòng, chống dịch Ebola tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.


{keywords}

Nguy cơ tử vong gần 90%

Những ngày qua, dịch bệnh Ebola hoành hành dữ dội tại khu vực Tây Phi và nguy cơ lây lan rộng ra các khu vực khác sau khi có những trường hợp người nước ngoài bị nhiễm vi rút khi làm việc tại đây khiến thế giới lo ngại. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết dịch gia tăng liên tục về cả số mắc và tử vong. Nếu năm 2013, thế giới ghi nhận gần 1.000 trường hợp nhiễm bệnh thì  tháng 10- 2014, các quốc gia có dịch đã thống kê tổng cộng 7.227 trường hợp mắc, 3.372 người tử vong và chỉ hơn 20 ngày sau, con số này đã tăng lên hơn 10 nghìn ca bệnh, một nửa số đó đã  tử vong. 

Hiện Ebola lan truyền với tốc độ chóng mặt tại 6 quốc gia châu Phi, đã lây sang Mỹ, Tây Ban Nha và khả năng vươn tới châu Á là hoàn toàn có thể. Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định, nguy cơ tử vong  do Ebola lên tới gần 90%. 

Bác sĩ Trần Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, dù Việt Nam nói chung, Bắc Giang nói riêng chưa ghi nhận người nhiễm bệnh nhưng trong điều kiện giao lưu rộng rãi, tỉnh ta cũng có cán bộ đang làm việc tại các quốc gia châu Phi, một bộ phận người dân chủ quan, không cảnh giác hoặc tiếp xúc với động vật có nguy cơ cao như dơi, quạ, khỉ… thì nguy cơ dịch xâm nhập có thể xảy ra. 

Với tính chất, mức độ lây lan nhanh hiện nay, hậu quả sẽ khó lường. Bộ Y tế liên tục có văn bản chỉ đạo ngành chức năng các địa phương tăng cường biện pháp phòng ngừa, khuyến cáo người dân cách thức phòng bệnh.

Đề cao phòng và chống 

Trước mối nguy hiểm của đại dịch, Sở Y tế chủ động tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, 10 huyện, TP thường xuyên phối hợp giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, nhất là trở về từ các quốc gia có dịch, hướng dẫn, vận động họ thực hiện biện pháp phòng, chống. Sở cũng yêu cầu đơn vị trực thuộc phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức thực hiện khuyến cáo phòng dịch. 

Tổ chức Y tế Thế giới và Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo Ebola có thể lây từ vật sang người và từ người sang người. Khi mắc, người bệnh có triệu chứng sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng, nôn, tiêu chảy, phát ban, suy gan và thận. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày. 

Tổ chức tập huấn toàn ngành, chỉ đạo các huyện, TP hướng dẫn giám sát, xét nghiệm, phát hiện bệnh nhân, phổ biến phác đồ điều trị, cách ly, triển khai tập dượt các tình huống khi xảy ra dịch ở nhiều mức độ khác nhau. Cùng đó, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện ngay từ khi có ca đầu tiên nghi ngờ mắc.

Hiện Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chuẩn bị đầy đủ nhân lực, củng cố các đội cơ động phòng, chống dịch. Hơn 20 máy phun hoá chất, hàng trăm kg CloraminB, hàng nghìn khẩu trang, kính, quần, áo, phương tiện vận chuyển bệnh nhân đã sẵn sàng. 

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, công tác chuẩn bị hoàn tất từ nhiều ngày; tăng cường tập huấn phác đồ điều trị, lên phương án thu dung bệnh nhân, lập 5 khu cách ly 60 giường theo đường đi một chiều. Bác sĩ Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Bệnh viện cho biết, đơn vị chú trọng thực hiện biện pháp phòng hộ cá nhân với nhân viên y tế khi phải tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ để không lây bệnh.

Tại trung tâm y tế và bệnh viện chuyên khoa, đa khoa các tuyến trên địa bàn tỉnh, thời điểm này đều tập trung cao các nguồn lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, lực lượng cán bộ y tế, đáp ứng điều kiện chủ động phòng, chống với mục tiêu phát hiện sớm người mắc, cách ly, điều trị kịp thời, bảo đảm tránh lây lan và hạn chế tối đa tử vong. 

Hiện công tác chuẩn bị đối phó với đại dịch đã sẵn sàng, tuy nhiên theo bác sĩ Đặng Thanh Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bệnh chưa có vắc- xin phòng hay thuốc điều trị đặc hiệu, với tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao, một bộ phận người dân còn chủ quan, nếu dịch xảy ra thì thiệt hại khôn lường. Để ngăn ngừa đại dịch, người dân không đi, đến vùng dịch, tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, động vật nguy cơ cao và thường xuyên vệ sinh cá nhân. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, đến ngay cơ sở y tế để được phát hiện, điều trị kịp thời.

Thu Hằng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...