Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 28 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Không chủ quan với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Cập nhật: 14:23 ngày 18/11/2014
Phổi tắc nghẽn mãn tính (PTNMT) là một trong những bệnh gây tàn phế và  tử vong cao. BS Thân Trọng Hưng (Phó Giám đốc, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Ở Bắc Giang nhiều người mắc nhưng chưa được phát hiện, lúc nhập viện tình trạng nguy kịch, trong đó có trường hợp tử vong.

{keywords}
Ảnh minh họa.

PTNMT là tình trạng bệnh lý ở phổi, gây tắc nghẽn lưu thông khí, gia tăng lượng khí cặn trong phổi, làm bệnh nhân khó thở. Bệnh thường xảy ra ở nam giới trên 40 tuổi. Nguy cơ cao là những người hút thuốc lá, thuốc lào, tiếp xúc thường xuyên với khói, bụi hoặc bị nhiễm khuẩn hô hấp từ nhỏ.

Khi mới mắc, người bệnh xuất hiện triệu chứng điển hình là: Ho, khạc đờm, khó thở khi gắng sức. Sau đó, những đợt cấp của bệnh thường xảy ra ho và khạc đờm dai dẳng dần chuyển sang thành bệnh mãn tính (tuy nhiên không phải tất cả mọi người ho và khạc đờm sẽ phát triển thành PTNMT). 

Hiện tỷ lệ mắc cao song nhiều người chủ quan không khám, phát hiện, khi có cơn tắc nghẽn cấp mới đến cơ sở y tế chữa trong giai đoạn muộn, có thể dẫn đến các bệnh nguy hiểm về tim, phổi, ung thư...    

Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể làm giảm triệu chứng, chậm quá trình tổn thương ở phổi, cải thiện chất lượng cuộc sống nếu người bệnh tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Vì vậy, người bệnh cần đến bác sĩ ngay khi có dấu hiệu mắc bệnh để được đo chức năng hô hấp xác định bệnh. Dùng đúng thuốc theo chỉ dẫn, khám lại định kỳ hàng tháng và mỗi khi có đợt bùng phát bệnh.

Để phòng ngừa, mọi người nên bỏ hút thuốc lá, thuốc lào; tránh đến nơi nhiều người hút thuốc. Giữ không khí trong nhà, nơi làm việc, vui chơi  sạch, thoáng. Tránh khói và các loại khí gây khó thở, tiếp xúc với khói bếp than. Luyện tập, giữ cho thân thể khoẻ mạnh: Tập thở, đi bộ và tập thể dục đều đặn; ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. 

Nhập viện hoặc đến các cơ sở y tế nếu tình trạng bệnh của bệnh nhân xấu đi với dấu hiệu: Nói chuyện, đi lại khó khăn, môi hay móng tay tím tái, nhịp tim, mạch nhanh hay không đều, thuốc thường dùng không tác dụng đủ lâu hoặc không còn tác dụng, thở gấp và khó. Khi đó, cần chuẩn bị sẵn số điện thoại của bác sĩ, bệnh viện gần nhất có thể đến, danh mục các thuốc đang dùng để tiện cho việc xử lý, điều trị.

Thu Hằng (ghi) 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...